Nhiều người tập chơi buồm nhưng chưa hiểu rõ nguyên tắc vận hành của lá buồm! Không hiểu thì cũng chẳng sao, nhưng hiểu thì dễ cảm nhận và điều khiển lá buồm hơn. Quy tắc vật lý chi phối lá buồm là nguyên lý Bernoulli (Bernoulli’s principle), phát biểu nôm na như sau: dòng chất lỏng / không khí chảy với vận tốc nhanh hơn sẽ tạo ra áp suất thấp hơn so với dòng chất lỏng / không khí chảy với vận tốc chậm hơn. Ví dụ đơn giản của nguyên lý Bernoulli là cái súng phun sơn. Ai đã tự chế súng phun sơn dùng bơm xe đạp lúc nhỏ sẽ hiểu điều này rất rõ! Hơn 30 năm trước, toàn sơn bằng… cái bơm xe đạp, lúc đó không có máy nén khí như bây giờ, một người cầm bình phun, người kia hì hục đẩy bơm! Dòng không khí chảy vuông góc với van ở miệng bình tạo ra một vùng áp thấp, hút sơn ra khỏi bình. Cũng tương tự cho bộ chế hoà khí (carburetor) xe máy.
Ví dụ thứ 2 là cánh máy bay hay lá buồm, hình dạng ko cân xứng tạo nên hai dòng không khí có vận tốc khác nhau, gây ra chênh lệch áp suất giữa hai bên bề mặt. Chính chênh lệch áp suất này tạo ra lực nâng / lực đẩy cho cánh máy bay hay cánh buồm, và cũng lý giải tại sao thuyền buồm thường đi ngang gió, xiên gió lại… nhanh hơn là đi xuôi gió, thậm chí có thể nhanh hơn vận tốc gió! Chỉ trường hợp đi “xuôi gió” thì mới có thể tạm gọi là “gió cuốn cánh buồm đi”. Dĩ nhiên, khí động học của cánh máy bay / lá buồm còn nhiều điều phức tạp hơn thế. Có thể lý giải sự hình thành lực nâng, lực đẩy (lift) bằng nhiều cách, chung quy cũng quay về Định luật 2 Newton. Nhưng giải thích bằng nguyên lý Bernoulli vẫn là sinh động, trực quan và dể hiểu nhất! Những điều này thường tìm thấy trong các sách “Vật lý vui”, phổ biến với học sinh cấp 1, cấp 2 ngày xưa!