euphroe

ấm hình đầu tiên, một thiết bị đặc trưng của buồm mành (buồm cánh dơi, junk rig), là dạng liên kết nhiều ròng rọc (block), tiếng Anh gọi là “euphroe” (ko biết tiếng Việt kêu là gì!?)


quy tắc 10,000 giờ

uy tắc 10,000 giờ liệu có đúng!? Từ lâu các “bài” trên internet “kháo nhau” rằng, dù là lĩnh vực gì, tập trung cho nó đủ 10,000 giờ, bạn sẽ trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực đó!? Mới nghe tôi đã phì cười… Như tôi, lập trình C: Borland C++, Visual C++, Objective-C, glibC… xoay quanh mỗi ngôn ngữ C hơn 20 năm, thời gian bỏ vào đó hơn 10,000 giờ nhiều lần.

Hay thời gian dành cho thuyền bè 6, 7 năm qua cũng đã hơn 10,000 giờ, mà cũng chưa nên cơm cháo gì! Cuộc sống ko dể dàng đến thế! Thật ớn ăn cho các “tác giả” – “giả cầy” của thời buổi marketing, PR, sale, SEO… những lĩnh vực lúc nào cũng chỉ muốn “mì ăn liền” và hiệu quả nhanh chóng. Họ đang nô dịch chúng ta từ trong suy nghĩ… 10,000 giờ ư, chuyện nhỏ!!! 😀

junk rig

ác nghiên cứu, thử nghiệm gần đây cho thấy junk rig – buồm cánh dơi là lý tưởng để cruising, nhất là khi có ít người trên tàu (short-handed): dây dợ nhìn phức tạp, nhưng cách đi dây làm cho lực phân bố đều trên mặt cánh buồm và cột buồm. Nên từ buồm, cột, dây… có thể làm bằng vật liệu rẻ tiền, không cần phải là đồ xịn, đắt tiền, chi phí bảo trì, sửa chữa thấp. Hệ thống buồm và dây có khả năng sống sót cao trong điều kiện khắc nghiệt, khi một chi tiết nào đó trong hệ thống failed, thì toàn hệ thống vẫn có nhiều khả năng sống sót, không như các kiểu buồm khác.

Buồm cánh dơi là self – tacking, tự nó tack, không cần tác động nhiều của người điều khiển, lực kéo nhẹ, không cần winch (tời) hay các thiết bị hiện đại khác để nâng/hạ buồm, ngay cả trong gió lớn. Cần rất ít nhân lực để điều khiển lá buồm, có thể một tay cầm ly cafe, tay kia nâng buồm, hạ buồm, hay làm bất kỳ thao tác điều khiển nào khác. Thực tế, những kiểu buồm cánh dơi hiện đại (đã được cải tiến sâu, hơi khác với buồm truyền thống) có hiệu năng gần như ngang ngửa Bermuda rig, trừ khi Bermuda xài spinnaker. Khuyết điểm duy nhất là không đi sát gió được tốt bằng Bermuda rig.

concrete boat

hi chiếc ghe gỗ đã quá nát, người ta làm lớp lưới thép như thế này (cuộn thép gai loại dùng làm hàng rào gác ở bên trái), sau đó tráng lên một lớp xi măng mác cao dày 1 ~ 3 cm, như thế có được chiếc thuyền bê tông, phần gỗ đóng vai trò như cốp pha. Kết quả là một cái ống bi bê tông di động siêu bền, siêu nặng. Dân gian họ không hiểu nhiều về kỹ thuật, kỹ càng và chi tiết, nhưng họ mày mò được cái gì đúng, cái gì tốt cho họ…

hồn trương ba, da hàng thịt

aizza… làm programmer mà đóng thuyền, chơi thuyền như “moi”, thật đúng là: “hồn Trương Ba, da hàng thịt”… Thằng hàng thịt – coder hiểu thế éo nào được tâm hồn gã Trương Ba – kayaker… 😞

tại sao kayak? phần 12

ôi khi tôi cũng muốn nói sâu xa một chút, tới những khía cạnh “triết học” của chèo thuyền. Anh nói gì vậy, chèo thuyền cũng có “triết học” ư!? Nói cho đúng hơn, nó là một số vấn đề tâm lý học mang màu sắc gần gũi với nhà Phật. Giả sử có một vị đại gia, trong giây phút bốc đồng, “nhón tay làm phúc”, cho đi 10 tỷ để làm từ thiện. Và có một người khác, tuy không giàu có để giúp được gì nhiều cho người khó, nhưng luôn nhìn người khác bằng con mắt của sự quan tâm, cảm thông, đầy lòng trắc ẩn.

Dĩ nhiên là về mặt xã hội (social impact), vị đại gia kia tạo ra được một sự khác biệt, đặc biệt có ý nghĩa dưới con mắt người ngoài nhìn vào. Nhưng từ góc độ tâm lý học, nếu đại gia đó không làm điều đó bằng động cơ của lòng trắc ẩn thật sự (mà chỉ là vì sự bốc đồng, sự hám danh, sự bù trừ, hay một động cơ nào đó khác), thì mặc dù ông ấy có thể tạo ra một tác động nào đó lên xã hội, ông ấy chẳng gây được một “impact” gì cho tâm hồn của chính ông ta cả, đường đời càng dài thì điều ấy càng thể hiện rõ.

Phàm người ta làm bất kỳ hành động gì, thì cái động cơ căn bản cũng là vì chính mình, cái mục tiêu đầu tiên là thay đổi chính bản ngã của mình. Xã hội hiện đại đầy rẫy những con người với những “động cơ cao đẹp”, họ chỉ muốn tạo ra những hình ảnh trong mắt người khác, họ lải nhải những ngôn từ có cánh về đạo đức. Họ luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, họ chỉ thiếu quan tâm đến… chính tâm hồn họ mà thôi, để cho nó nổi trôi, lạc lỏng vô vọng khi “đu bám” những điều nghe có vẻ cao đẹp ấy.

Nói nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng trên một con đường dài như cuộc đời, tôi không quan tâm đến việc một người làm được gì cho xã hội hay cho người khác, chỉ quan tâm đến cách họ đối xử với tâm hồn mình như thế nào. Cái đó, nhìn vào bản chất một con người, anh không thể nào dối trá hay che giấu được. Vì bản ngã, chân tướng của mỗi con người là một con quái vật không dễ gì đương đầu với nó, cần phải có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, cần sự tinh tấn, tu chính không mệt mỏi, không ngừng nghỉ.

Nhưng điều đó thì có liên quan gì đến việc chèo thuyền!? Chèo thuyền, nó chỉ là một bài tập, để một người thực hành cái tự quan tâm đến chính mình, thực sự cảm cái bồng bềnh của sóng, cái phiêu phỏng của gió, cái âm thầm của nước triều dâng, để cảm được những khó khăn của tự nhiên và nỗ lực của bản thân. Đó là một cơ hội để mỗi người tự nhìn vào mình, và biết rũ bỏ đi những “loại tốt đẹp giả cầy”, “những kiểu giá trị vớ vẩn, nhảm nhí” mà xã hội bao nhiêu năm qua đã tiêm nhiễm vào họ!





tại sao kayak? phần 11

ến đây thì mọi người sẽ nhận ra rằng cái “cuộc chơi kayak” của tôi nó rất chi là “cá nhân”. Thuyền được thiết kế và đóng sao cho phù hợp với người chèo nhất, tôi dám chắc rằng những ai mới chơi kayak ngồi lên thuyền của tôi sẽ lật ngay lập tức. Ngoài kia có bao nhiêu dạng, kiểu thuyền kayak làm sẵn, một số của Pháp, một số từ Trung Quốc, nhưng tôi không chọn được chiếc nào, và thực ra trên thế giới, đa số người chèo kayak vẫn chọn mua một chiếc bán sẵn thay vì đóng một chiếc cho riêng mình.

Như đã nói, tôi hy sinh độ ổn định và tải trọng thuyền để làm sao có được một chiếc kayak chèo nhẹ nhàng, êm ái nhất, có khả năng đi thật dài và thật xa. Và cũng không có gì ngạc nhiên nếu các trang thiết bị trên thuyền của tôi từ mái chèo, khoang chống nước, bơm nước… cũng chẳng giống ai, cũng không theo một tiêu chuẩn nào cả. Tất cả là một quá trình lò mò, thử nghiệm, giữa một đống hỗn độn những ý tưởng, thiết kế… ấy, các bạn sẽ nhìn ra một điều nhất quán: đó là mục tiêu của hành trình.

Nhớ lại cách đây 4 năm khi bắt đầu thiết lập cái xưởng mộc để đóng thuyền, suy nghĩ trong đầu rất đơn giản: đóng một chiếc và chèo từ Sài Gòn đi Vũng Tàu chơi. Đóng xong thuyền, mua 3 ổ bánh mì, 3 chai nước, nhảy xuống và chèo thẳng một mạch hơn 60 km đi Vũng Tàu, đến nơi vẫn cảm thấy bình thường, khoẻ khoắn! Đôi khi cần phải bớt suy nghĩ đắn đo lại và hành động cụ thể! Thực hiện được mục tiêu ấy vài lần rồi, cảm thấy không có gì khó khăn nữa, bèn nghĩ đến những mục tiêu xa hơn khác.

Cái sự tập chèo của tôi, không cần phải đến mức khổ luyện như của các vận động viên chèo thuyền, nhưng cũng khá là đều đặn. Trung bình mỗi tuần tôi đi chèo kayak trên sông từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 3 đến 5 tiếng. Ấy cũng là một kiểu tập thể dục nhẹ nhàng, xem như đi vãn cảnh, hóng mát, không có gì gọi là vận động nặng cả. Ngoài ra nên kết hợp thêm một ít những động tác thể dục tại chỗ, một ít những môn khác như tập tạ nhẹ, đạp xe đạp, các động tác vặn người và yoga cơ bản…

Nói về thiết kế và đóng thuyền, nói về sông về biển… nó quá bao la và rộng lớn. Phải có những mục tiêu cụ thể, những chặng đường cụ thể, có tiến độ rõ ràng, không nói chung chung được! Ai đó thử chèo thuyền trong nhiều ngày, nhiều mùa khác nhau trong năm sẽ hiểu cái khổ cảnh: lúc nắng như thiêu đốt, khi mưa dầm lạnh thấu xương, lúc gió thổi như điên như cuồng, .v.v. và trong đầu luôn phải có suy nghĩ là: mình nên chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả những tình huống có thể xảy ra dọc đường!





tại sao kayak? phần 10

hon hơn, hẹp hơn dĩ nhiên là có cái giá của nó. Thuyền sẽ trở nên kém ổn định, và tải trọng hữu ích sẽ bị giảm xuống đáng kể. Hẹp đến bao nhiêu thì vừa, tôi tự đặt ra cho mình một con số, là chiều ngang bờ vai cộng thêm 2 ngón tay, chừng vào khoảng 44 ~ 45 cm. Nhưng như thế là tôi cũng đang đi rất sát bờ vực của nguy hiểm, vì hiện tại, những chiếc kayak hẹp nhất trên thế giới (không kể các loại chuyên dùng để đua) cũng chỉ loanh quanh ở mức ấy mà thôi, khó có thể hẹp hơn được nữa!

Rất nhiều tuần loay hoay với phần mềm FreeShip, tìm hiểu xem độ ổn định như thế nào là thoả đáng. Và đó là một quyết định liều lĩnh khi đóng Serene – 1 chiếc kayak đầu tiên tự thiết kế. Ngay cả khi bạn đã dùng phần mềm tính toán, chẳng có gì bảo đảm chiếc thuyền sẽ hoạt động như ý, nhất là trong tay một người thiết kế chẳng có tí kinh nghiệm nào. Nhưng kết quả thực tế tương đối khả quan, điều đó khiến tôi tự tin hẳn lên, dần dần mình có được cái hiểu biết sâu hơn về thuyền và thiết kế thuyền.

Ở đây cũng xin nói rõ, thiết kế một loại như kayak chỉ là trò trẻ con, không đáng là gì so với thiết kế các tàu thuỷ chuyên nghiệp, hai lĩnh vực ấy xa nhau như trời với đất. Nhưng cũng xin nói rõ là, phần mềm FreeShip hoàn toàn đủ để thiết kế các tàu thuyền giải trí cỡ nhỏ, mà theo tôi, hầu như bất kỳ ai nghiệp dư cũng đều có thể làm được sau vài tuần, vài tháng mày mò nghiên cứu. Điều quan trọng là bạn phải hiểu được ý nghĩa của các “độ đo” dùng trong tàu thuyền: Cp, Cb, Kmt, S, LCB, VCB, etc…

Đóng xong, khi xuống nước, chiếc Serene – 1 bất ổn định hơn là tôi nghĩ, phải mất nhiều tuần để tập chèo cho quen với cái không ổn định ấy. Đó là những ngày tháng mà sự “tự ti – tự nghi ngờ” lên đến tột đỉnh, phải chăng đây là một “lỗi thiết kế”, hay là vẫn nằm trong “dung sai” cho phép và chẳng qua là mình chưa quen với con thuyền mới, cách chèo mới mà thôi!? Phải mất một thời gian dài vài tháng, tôi mới tự trấn an được rằng mình đang đi đúng hướng, rằng “tất cả mọi chuyện vẫn đang ổn thoả”.

Thực tế, chiếc kayak Serene – 1 đã tự chứng tỏ được nó trong hành trình 9 ngày chèo qua 9 cửa sông Cửu Long, thuyền rất vững vàng trong sóng to gió lớn có những lúc đã cao hơn 1.5m (mặc dù khi gió êm nước lặng, “cô ấy” lại không “hành xử” được tốt như thế 😀, và thuyền vẫn còn một số khiếm khuyết khá hiển nhiên khác). Phải nói rằng tôi hết sức hài lòng với Serene -1, nó làm tôi nhìn những con sóng bạc đầu ở cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Định An… mà vẫn nhoẻn miệng cười 😀.





tại sao kayak? phần 9

ại nói thêm về cái sự nhỏ của thuyền kayak. Tôi vốn dĩ không phải là một người có sức khoẻ tốt gì cho lắm, cơ thể ngay từ lúc nhỏ đã có nhiều vấn đề với xương khớp và tim mạch. Khi lớn lên, những năm tháng làm việc trong ngành CNTT tàn phá sức khoẻ ghê gớm. Nên tự biết mình không bao giờ có thể so sánh được với một thằng Tây chèo thuyền trung bình, chứ chưa nói gì đến đẳng cấp vận động viên. Cũng chính vì lý do đó mà chèo thuyền kayak trở thành một bài tập thể dục cực kỳ ích lợi và hiệu quả!

Hai chiếc kayak đầu tiên, Hello World – 2Hello World – 3, được đóng theo mẫu thiết kế của nước ngoài. Chắc chắn đó là những thiết kế tốt, nhưng tôi phải nói rằng nó không phù hợp với thể lực của người Việt. Họ thiết kế cho những cơ thể cao từ 1.8m đến 1.9m, nặng từ 80 kg đến 100 kg. Đó là một sự thật, vì gần đây, ngay cả người phương Tây cũng đã bắt đầu chú ý hơn vào việc thiết kế những chiếc kayak cho những tạng người “nhỏ con, ốm yếu”, nặng chỉ trong khoảng 60 ~ 70 kg.

Những tay chèo “đẳng cấp” Âu Mỹ thường có thể chèo một ngày hơn 70 ~ 80 km trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Con số ấy nếu là người Việt Nam thì đa số chỉ có thể mơ ước mà thôi, với tôi 60 ~ 70 km một ngày cũng đã là một thử thách lớn. Nhưng tại sao phải đặt ra một cái mốc là 60, 70, 80… km!? Thế này nhé… đa số những hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam đều nằm loanh quanh trong khoảng từ 30 cho đến 120 km xa bờ. Nếu bạn có ước mơ chèo tới đó, thì phải tìm ra một phương cách nào đó…

Tôi tin rằng nếu biết cách cố gắng, cố gắng đúng hướng, 120 km chưa hẳn đã là xa 😀. Phải đến khi quan sát thấy rằng, người Nhật Bản, họ dùng những chiếc kayak khá nhỏ, thon và dài hơn mới làm cho tôi nghĩ đến việc phải thay đổi thiết kế thuyền sao cho phù hợp với thể trạng, thể lực của mình. Thế là bắt đầu quá trình học thiết kế thuyền với phần mềm FreeShip. Đây là một phần mềm rất hay, tuy miễn phí nhưng theo tôi hoàn toàn có thể dùng để thiết kế thuyền lớn đến một vài trăm tấn!

Các tay chèo Tây phương, họ có thể duy trì vận tốc trung bình hơn 7 kmph suốt cả một ngày 8 ~ 10 tiếng, với tôi, con số 6.5 kmph đã là mơ ước. Họ có thể chèo liên tục 25, 30 tiếng không ngủ nghỉ, còn tôi trong lần chèo ngược nước từ Vũng Tàu về Sài Gòn, 16 tiếng đó còn hơn là cả một cực hình. Bắt tay vào việc thiết kế thuyền, định hướng chung là thiết kế một thân thuyền thon hơn, hẹp hơn, diện tích tiếp xúc với nước ít hơn, để giảm thiểu năng lượng hao phí lúc chèo, từ đó có thể đi nhanh hơn và đi xa hơn.





tại sao kayak? phần 8

ề cái sự nhỏ của chiếc xuồng kayak… đã có ai đọc tác phẩm văn học “Little women – Những người phụ nữ bé nhỏ” chưa nhỉ!? 😀 Tôi thích những gì nhỏ nhắn, xinh xắn. Cụ thể hơn, một chiếc kayak không giống như những thuyền buồm khác, nó rất chi là “manageable”. Khi cần, bạn có thể vác xuồng lên vai đi một cách dễ dàng, không phải dùng xe đẩy lớn nhưng các loại xuồng to hơn. Ngay cả khi ở dưới sông, nếu thuyền bị lật, bạn cũng có thể bơi và đẩy nó vào bờ một cách nhanh chóng.

Ngay từ lúc khởi đầu đóng thuyền, trong đầu tôi đã vẽ ra những hành trình xa, chứ không chỉ là muốn đi loanh quanh gần. Đi xa ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề rủi ro, nguy hiểm, cũng như có rất nhiều sự bất cập trong việc cứu hộ cứu nạn. Và cũng ngay từ đầu, tôi đã xác định là nếu có điều gì không hay xảy ra, thì tự cứu mình hầu như là phương cách duy nhất. Nếu vì một lý do nào đó mà thuyền không chèo được nữa, bạn vẫn có thể nằm sấp phía sau boong thuyền, dùng tay quạt nước đi như một tấm ván.

Ấy cũng là vì tôi không bao giờ muốn phải bỏ thuyền – abandon ship giữa biển, trừ khi chiếc xuồng gặp tai nạn, vỡ nát không thể nổi được nữa mà thôi. Công sức mình bỏ ra để thiết kế và đóng nó, không thể bỏ đi dễ dàng như thế được, mỗi chiếc xuồng dưới nước là một vật thân thiết, gắn bó, trên bờ, treo trên tường, là những vật trang trí rất đẹp cho ngôi nhà 😀. Yếu tố quan trọng nữa là chi phí và công sức để đóng những chiếc thuyền nhỏ cũng thường nhỏ, từ 120 đến 180 giờ công cho mỗi chiếc.

Nó không cần phải bỏ ra quá nhiều công sức, tiền bạc như một chiếc thuyền buồm. Và nếu có gì không đúng mà không sửa chữa được trong quá trình thiết kế và đóng thuyền, bạn hoàn toàn có thể thiết kế lại và đóng một chiếc mới. Mọi chuyện là một quá trình học tập, thử và sai, không có chuyện ngay từ đầu đóng là đã có được ngay chiếc thuyền phù hợp với mình. Nên ngay từ đầu, cũng đã biết đây là một cuộc chơi dài hơi, mỗi chiếc xuồng là một phiên bản với nhiều sửa đổi, cải tiến, nâng cấp!

Những cộng đồng chơi xuồng ở nước ngoài thường đông đảo, họ phát triển, thử nghiệm ý tưởng mới, tìm ra hướng đi đúng rất nhanh, họ có nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau để người đóng và chơi thuyền có thể tham khảo, học hỏi. Ở Việt Nam, chỉ có một mình tôi tự đóng và tự chơi thuyền, cái quá trình tự học ấy, “học phí” đắt không thể tả, có những cái “ngu” chỉ biết tự mình ôm lấy, không biết nói cùng ai, và cũng có nhiều cái “bớt ngu” chỉ đến sau nhiều tháng chèo thuyền tự mình trải nghiệm lấy!