tại sao kayak? phần 4

ừ xa xưa, châu Âu đã có những loại canoe nhỏ, hẹp, chèo bằng mái chèo đôi, nhưng họ vẫn gọi đó là canoe. Cho đến khi những mẫu thuyền kayak của người Eskimo, người Inuit “du nhập” vào châu Âu, thời gian đầu nó vẫn chưa được thừa nhận chính thức. Có vẻ như người châu Âu đã nhận ra ưu điểm của loại thuyền mới này (gọi đúng theo phiên âm thổ dân phải là qajag), nhưng vẫn “ngoan cố” sửa những chiếc canoe của họ cho dài hơn, hẹp hơn, chứ chưa chịu cho kayak một “danh phận” chính thức! 😀

Thế nhưng, phải đến khi có những tiếp xúc, những bản tường trình, báo cáo “tai nghe mắt thấy” về cái cách những người thổ dân Inuit, Eskimo, Aleut, Greenland… dùng thuyền kayak để đi săn hải cẩu, thực hiện những cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần, băng qua những vùng biển băng tuyết lạnh giá, trong những điều kiện thời tiết bão tố, sóng to gió lớn đến mức “không tưởng” thì người châu Âu mới bắt đầu có những cái nhìn khác đi, nghiêm túc hơn về loại thuyền này.

So với rowing canoe, kayak không thể nhanh bằng, cũng không thể chở nhiều hàng hoá bằng, và có vẻ như nó cũng không an toàn bằng, khi chiếc thuyền quá bé, và vị trí ngồi gần như là sát mặt nước. Thực ra xét ra trên mọi phương diện, kayak chẳng có gì nổi trội hơn các loại thuyền khác. Nhưng những bằng chứng về khả năng sống sót trong môi trường biển động, khả năng vượt qua những chặng đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm cái nhìn của người phương Tây thay đổi.

Đành rằng sống sót và tiến lên phía trước, điều đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng của người chèo, và những tộc người Aleut, Eskimo… nổi tiếng là những con người dẻo dai, sắt đá, điều đó là do môi trường sống tôi luyện nên. Nhưng phần khác, từ góc độ kỹ thuật, cũng là do thiết kế của con thuyền. Mỗi chiếc kayak đều được đóng sao cho sít sao, phù hợp với người chèo nó, kiểu như ta phải đo chân để đóng giày cho vừa vậy. Cho đến hiện tại, người Inuit vẫn đóng kayak theo những thước đo “không giống ai”.

Họ có những “cách đo lường sinh trắc học”, ví dụ như: thân thuyền nên dài khoảng gấp 3 lần chiều cao người chèo, bề rộng của thuyền nên bằng bề rộng của vai cộng thêm khoảng từ 4 đến 8 ngón tay… Ấy thế nên mỗi người tự đóng cho mình chiếc thuyền phù hợp với cơ thể của chính mình, không có chiếc kayak nào giống chiếc kayak nào cả. Và thực sự, đến bây giờ, sau khi đã đóng 4 chiếc kayak, tôi mới có được cái cảm nhận rằng, cách đo lường như vậy có cái “lý” thâm sâu nội tại của nó!





tại sao kayak? phần 3

ói như thế nghĩa là chẳng có ranh giới rõ ràng nào giữa một kayak và một chiếc canoe nhỏ. Những nỗ lực cải tiến thiết kế và trang thiết bị độ 10, 15 năm gần đây đã dần dần dẫn đến chỗ khả dĩ có thể hình thành một định nghĩa chung chung cho cái gọi là kayak. Có một điều khá chính xác, đó là kayak luôn dùng mái chèo đôi (double blade paddle), nhưng còn lại, không có gì có thể định nghĩa rõ ràng rành mạch cả. Người ta dùng “kayak” cho một loạt những hoạt động thể thao khác nhau:

1. Surfing kayak, hay kayak lướt sóng (surf) ven bờ: đây là những thuyền rộng bề ngang, ngắn (khoảng 6 ~ 12 feet) dùng để vượt qua những đoạn nước biến động mạnh. Thân thuyền thường làm bằng nhựa có độ mềm, độ đàn hồi cao để chịu được va đập. 2. Touring kayak: thường có chiều dài 12 ~ 16 feet, ổn định, an toàn, và như tên gọi, thường dùng cho du khách đi vãn cảnh loanh quanh độ vài chục km, thể loại này cũng không phải là một hình thức cố định, cũng có nhiều kích thước khác nhau.

3. Sea kayak: đặc trưng là thân thuyền dài (16 ~ 21 feet), thon gọn (bề ngang thường nhỏ hơn 60 cm), có khả năng cắt qua những con sóng vừa phải, thích hợp để đi đường trường, có thể lên đến hơn 60, 70 km mỗi ngày, linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với hàng loạt những điều kiện sóng gió khác nhau dọc đường đi. 4. Racing kayak: loại này tôi không bàn đến, vì nó hy sinh mọi thứ, độ ổn định, tải trọng để đạt được vận tốc nhanh nhất, nên không có chút giá trị nào khi dùng cho cruising.

5. Surf ski: là một tiến hoá hiện đại nhất, gần đây nhất của sea kayak, thân thẳng, bánh lái nằm dưới đáy thuyền gần đuôi, cockpit mở, chuyên dùng để lướt sóng hay để đua, nhưng tải trọng tương đối hạn chế, cũng không thích hợp cho cruising. Trong loạt bài viết này, chữ “kayak” là ám chỉ đến loại “touring kayak” hay “sea kayak” như sẽ giải thích rõ hơn sau đây. Trong 5 loại trên, chỉ có touring kayak và sea kayak là thích hợp để cruising, thực ra cũng không có biên giới rõ ràng giữa hai thể loại đó.

Khi ta chèo trong môi trường sóng lớn, những thân thuyền có bề ngang rộng thường lắc lư dữ dội, đến mức cảm thấy bất ổn. Ngược lại, những thân thuyền thon gọn, tuy cảm giác ban đầu có vẻ như là kém ổn định, lại cắt, trượt qua con sóng dễ dàng. Nên thuyền chèo trong môi trường biển thường có thiết kế dài và hẹp, và quan trọng là để giảm bớt năng lượng tiêu phí đẩy con thuyền về phía trước. Ấy hầu như là một quy luật chung, và cũng là một lời giải thích hợp lý cho các kiểu thiết kế sea kayak.





tại sao kayak? phần 2

ôi biết nhiều người “thích nước”, thích theo kiểu mang một con heo sữa quay và chai rượu lên thuyền ra giữa sông ngồi nhậu ấy! Những người như thế, họ không bao giờ hiểu được cái ý nghĩa của sự vận động, hiểu được cái tác động tích cực của chèo thuyền lên tâm sinh lý con người. Chèo thuyền đường trường, vượt qua sóng gió, thử thách, ấy chính là một quá trình chuyển hoá, tự chuyển hoá bản thân thành một con người khác. Có những người thích tự chuyển hoá bằng rượu hơn, không cãi với họ được!

Mà tại sao lại là chèo, mà không phải là buồm!? Buồm là một khung trời khác, có cái đẹp lãng mạn xa vời riêng của nó. Tôi cũng mê buồm, thậm chí là còn mê hơn cả chèo! Chèo chỉ là một anh chàng nông dân thô vụng, bên cạnh quý ông buồm lịch lãm, quý tộc. Nhưng mà “cha tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn” 😬, thế nên trong tương lai gần, tôi vẫn thích gắn bó với chèo, buồm là để dành cho một tương lai xa hơn, khi tôi tìm ra được một mục đích hành trình phù hợp với nó!

Nói thế có nghĩa là dù là bơi, chèo, buồm, hay máy, vâng vâng… tất cả chỉ là những phương tiện phục vụ cho hành trình của chúng ta mà thôi. Ấy có nghĩa là bạn muốn có một hành trình như thế nào, mục tiêu phương châm nó là gì, bạn sẽ tìm được cái công cụ đúng để phục vụ cho mục đích ấy! Thuyền như một người phụ nữ đẹp, nhưng cái đẹp ấy vô nghĩa nếu nó không đi cùng ta suốt những hành trình dài, không dùng nó để trải nghiệm hết tất cả những sắc màu khác nhau của cuộc sống!

Bốn năm, cặm cụi thiết kế, đóng và chèo bốn chiếc kayak khác nhau, nhưng đến tận giờ tôi vẫn chưa thấy thật sự hài lòng với bất kỳ chiếc nào. Mỗi chiếc có những ưu điểm, nhược điểm riêng, và tất cả đều có thể được tiếp tục cải tiến để được tốt hơn. Và tôi sẽ còn tiếp tục đóng nhiều chiếc nữa. Ấy là một quá trình “tối ưu hoá” trên một khoảng hẹp, liên tục hoàn thiện, cải tiến. Như thế vẫn tốt hơn là nhảy hết từ loại thuyền này đến loại thuyền khác mà không có được cái cảm nhận sâu sắc nào về chúng!

Nếu như bạn vẫn đang đọc tiếp đến đây, thì sau đây là những giải thích mang tính ngẫu hứng, dông dài, vụn vặt, không có tí hệ thống nào cả. Trước hết, cái chữ kayak không có một định nghĩa chính xác, nó chỉ thực sự hình thành nên một cái gì đó có thể gọi tên, có thể phân loại được trong độ vài chục năm gần đây. Còn trước đó, người ta gọi chung là “canoe”, và thực sự cho đến hiện tại, một số cá nhân thuộc dạng tương đối bảo thủ như ở Anh quốc vẫn gọi nó là canoe chứ không gọi là kayak.





tại sao kayak? phần 1

ứng viết chơi, giải thích dông dài chút về 4 năm thiết kế, đóng và chèo 4 chiếc thuyền kayak. Bài viết dài này không nhằm mục đích để giải thích cho người khác về thú chơi kayak. Đơn giản là trong suy nghĩ, tôi đã có quá nhiều băn khoăn lựa chọn giữa: paddling, rowing, sailing… đâu là hình thức phù hợp với mình, và phù hợp để cruising, đi những chặng đường thật dài. Viết chỉ để tổng kết kinh nghiệm cá nhân, và để có một cái nhìn cô đọng, chính xác hơn về kayak và kayaking mà thôi.

Trước hết, điều gì đem tôi đến với kayak? Trước hết là sự say mê cảnh sông nước, biển vịnh, đầm phá… những cảnh quan thoáng đãng và rộng rãi (sông cũng có nhiều chỗ rộng, nhưng đến một lúc, bạn sẽ thấy nó chật hẹp). Mà đó phải là loại nước có chuyển động, có dòng chảy, có sóng, có thật nhiều gió máy, chứ tắm ao, tắm hồ thì có gì là thú vị!? Trên cái nền chuyển động ấy, cái bập bềnh của con thuyền, cái động tác nó lướt, trượt, cắt ngang qua những con sóng chẳng phải là tuyệt đẹp đó sao!?

Sông và biển có muôn ngàn sắc thái đổi thay, lúc dịu êm, khi dữ dội, lúc tĩnh lặng, khi dào dạt. Bờ biển sáng tinh mơ có một vẻ tươi sáng tráng lệ, lúc chiều hôm lại có nét trầm lặng sầu u, khi nắng trời thì đẹp lộng lẫy, lúc mưa rơi lại buồn cô tịch. Để chứng kiến muôn ngàn sắc thái ấy, chỉ có một cách duy nhất là làm những hành trình thật dài. Ấy là ta không muốn bỏ sót bất kỳ một trạng thái cảm xúc nào của nó, nếm trải tất cả những sắc thái khác nhau của nó, dù đó là buồn hay vui, tích cực hay tiêu cực.

Nước, ấy chính là nơi khởi nguồn của sự sống, mà cũng chính là sự ẩn dụ về những biến động khôn lường của cuộc sống. Thế nên ai chưa biết bơi thì không cần và không nên đọc tiếp, chẳng ích lợi gì đâu! 😀 Một lý do quan trọng nữa, khi tôi đến với kayaking, đơn giản là vì tôi thích cái hình ảnh một người (và chỉ mỗi một mình anh ta) đơn độc chèo thuyền hàng trăm (hay hàng ngàn) cây số, vượt qua bao nhiêu sóng gió, thử thách. Nếu bạn không thích cái sự hành xác ấy, thì cũng không cần phải đọc tiếp! 😀

Mà tại sao lại là chèo, mà không phải là buồm, hay động cơ!? Đơn giản là vì chèo nó có sự nỗ lực, sự cố gắng chiến thắng bản thân. Nếu bạn không thích cái viễn cảnh phải chèo 10 ~ 12 tiếng mỗi ngày, và nhiều ngày liên tục như thế thì cũng không cần phải đọc tiếp! 😀 Nếu nói về sự khám phá, thì quả đất này đã trở nên quá nhỏ hẹp, hầu như chưa có chỗ nào mà con người chưa đặt chân đến. Nên khám phá theo nghĩa hiện đại, nó “hướng nội” hơn, nó tự quay “vào trong”, đó là khám phá chính mình!





bắc hành – 2017, phần 21, kết

àng vào Nam, thời tiết càng lúc càng nóng bức, mà dải bờ biển từ Cam Ranh vào đến Vũng Tàu đã biết tương đối kỹ. Thế nên quyết định “đổi gió” một chút cho hành trình, thay vì toàn là những cảnh quan vùng biển, cũng nên trải qua một chút không khí miền núi. Từ Cam Ranh, rẽ qua quốc lộ 27B đi Đà Lạt, thăm lại quãng đèo Ngoạn Mục mà đã từ lâu không đi lại. Đèo Ngoạn Mục cái tên được dịch từ tiếng Pháp là Bellevue (nice view) hay còn được gọi là đèo Sông Pha, lấy theo tên con sông “Krong Fa”.

Dọc tuyến đường này, còn thấy nhiều vết tích của tuyến đường xe lửa răng cưa mà người Pháp xây dựng từ Tháp Chàm đi Đà Lạt (nay đã hoang phế). Đoạn đường này nổi tiếng nguy hiểm với các loại xe khách, mặc dù núi đồi không phải là quá hiểm trở, độ dốc cũng không phải là quá lớn, các khúc cua cũng không phải là quá khúc khuỷu so với các con đèo khác. Nhưng đơn giản là vì các con dốc quá dài, hơn 150 km toàn lên (xuống) dốc liên tục, dể cháy thắng xe nếu tài xế không lưu ý!

Từ trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cảnh quan thật đúng là… ngoạn mục. Đứng ở đây có được một cảm giác, hình dung rất rõ về cao nguyên Lâm Viên nổi bật lên hẳn trên nền cảnh quan xung quanh như thế nào. Hành trình tiếp tục đi về Đà Lạt, thành phố ngày càng hiện đại và đông đúc, trước khi đổ đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, theo quốc lộ 20 qua Phương Lâm, Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Thống Nhất, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hoà… về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình!

44 ngày đi dọc theo bờ biển Việt Nam, với quá nhiều những trải nghiệm, những phát hiện thú vị. Như thuyền máy có xiếm ở Quất Lâm, Nam Định, ghe buồm “ba vách” cổ truyền ở Quảng Yên, Quảng Ninh, hay những chiếc ghe composite nhỏ trên đảo Cát Bà. Từ những cảnh quan thoáng đạt của vùng biển khu bảo tồn Núi Chúa, Phan Thiết, hay hoàng hôn cửa biển Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến không gian đầy kỷ niệm của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hay chèo kayak trên vịnh Hạ Long…

thiên thượng hoả

afe sáng, TV đang chiếu phim “The Age of Adaline” gì đó, về một người phụ nữ, sau một tai nạn hy hữu năm 29 tuổi, cô ấy không già đi nữa, cô ấy cứ như thế, đến năm 108 tuổi vẫn nguyên vẹn nhan sắc… Trong một phút giây, bỗng thấy mình cũng giống y như thế, kiểu như bị “Thiên Thượng Hoả” đánh trúng í, ước gì… mình được già đi… 😀

bắc hành – 2017, phần 20

ại tiếp tục bị quyến rũ bởi 5000 sắc thái của màu xanh, nên tiếp tục đi dọc bờ biển, từ ghềnh Đá Đĩa, dọc theo sườn Đông của đầm Ô Loan, về phía thành phố Tuy Hoà. Nơi đây vùng cửa sông Đà Rằng là đồng bằng ven biển rộng nhất miền Trung, những thửa ruộng rộng thẳng cánh cò bay đã ngả sang mầu vàng, chờ ngày thu hoạch, nhìn rất thích mắt. Bằng giờ này ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì lúa mới chỉ vừa gieo sạ xong. Tiếp tục đi dọc bờ biển về phía cửa Đà Nông (sông Bàn Thạch).

Từ đây là đã thấy núi Đá Bia sừng sững, tương truyền vua Lê Thánh Tông đã đến và xác định ranh giới nước Đại Việt tại đây năm 1471, gọi là nó Đá Bia, Linga hay Cùi Bắp tuỳ vào cách nhìn của những dân tộc khác nhau trong vùng 😀. Đi thêm một quãng không xa là bãi Môn và mũi Điện, điểm được xem là cực Đông của phần lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam. Nước biển xanh một màu ngọc huyền hoặc, gió mùa đông bắc vẫn còn vương vất chút đỉnh gây nên những đợt sóng bạc đầu đẹp mắt.

Phía nam của mũi Điện là vũng Rô, một vịnh kín gió, nơi neo đậu nhiều tàu cá, một vùng nuôi trồng hải sản và cả một thương cảng nhỏ. Cách đây chừng 5 năm, nơi đây đã xây nên một đài tưởng niệm đoàn tàu không số (phần tượng đài và phù điêu trang trí cực kỳ xấu xí, chẳng đâu vào đâu). Đi dọc bờ vũng Rô, ngắm nhìn những con tàu cá nhỏ, lại thêm những mảng màu xanh, với muôn ngàn sắc thái khác nhau, thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn và điều kiện ánh sáng khác nhau trong ngày!

Tất cả những sắc màu xanh trong các ảnh này đều rất tự nhiên, vì tôi vốn chẳng phải là tay chụp chuyên nghiệp gì cho lắm, và ảnh cũng không hề có chỉnh sửa gì nhiều khác ngoài một số tính năng tự động của phần mềm Lightroom. Từ vũng Rô đi tiếp theo đèo Cả, Đại Lãnh, Vạn Giã, dọc theo vịnh Vân Phong về đến thị xã Ninh Hoà. Từ Ninh Hoà, men theo con đường ven biển chạy dọc bờ vịnh Nha Phu đi về thành phố Nha Trang, rồi lại là những dải bờ biển tuyệt đẹp của vịnh Cam Ranh.

Vẫn còn muốn tiếp tục chiêm ngưỡng thêm hàng ngàn sắc thái đa dạng khác nhau của tự nhiên, của một dải bờ biển đầy màu sắc Nam Trung bộ, nhưng hành trình đã kéo dài hơn 40 ngày, đã đến lúc phải… trở về nhà và tiếp tục nhiều công việc đang trì hoãn. Những chuyến di dài không chỉ mở mang tầm mắt, quan sát được những cảnh quan, sự việc, con người khác, mới lạ. Chúng còn “đặt nền móng”, tạo “tầm nhìn”, “tiền đề” cho… những hành trình còn dài hơn trong tương lai 😀!

bắc hành – 2017, phần 19

ại tiếp tục đi về phương Nam, từ Đà Nẵng theo con đường ven biển, chẳng mấy chốc đã đến Hội An, lại tiếp tục băng qua cầu Cửa Đại vừa mới xây xong để đi Tam Kỳ, Núi Thành, vẫn theo con đường ven biển. Từ đây vào đến quá Bình Định là những vùng đất đã biết tương đối rõ nên không phải để tâm quan sát nhiều nữa. Gần đến Sa Huỳnh (cuối Quảng Ngãi), bổng gặp 2 nhà sư đang hành hương từ Cà Mau về Yên Tử, đi theo kiểu bước 2 bước lại quỳ xuống lạy một lạy sát đất.

Họ đã đi như thế được 2 năm rưỡi, và hiện tại cũng chỉ mới được khoảng hơn nửa đường. Tôi thấy nhiều người vẫn hay trích dẫn những lời Phật dạy về từ bi, trí tuệ, những loại “bi” và “trí” lặt vặt, phiến diện, lập lờ cố tình đặt sai ngữ cảnh, mà quên đi rằng lời Phật dạy đầy đủ phải là: bi, trí và dũng. Sống trên cuộc đời này, nếu “trí tuệ” và “từ bi” mà chỉ cần dùng những lời nói chót lưỡi đầu môi mà có được dễ dàng thì dân tộc Việt Nam đâu có phải trải qua nhiều kiếp nạn đến thế!?

Người ta đã cố tình lờ đi rằng lời Phật dạy đầu tiên là phải có dũng khí, đảm lược hơn người. Không có hùng tâm, tráng khí thì không thể hoàn thành những hành trình như thế này được, ấy mới là công đức, chứ không phải việc đi chùa, cúng dường, phóng sanh, và lên Face tán láo về Phật pháp. Chính tiện nghi của cuộc sống hiện đại, sự phổ thông của các kênh truyền thông đại chúng đã dẫn đến một sự xuống cấp, lệch lạc tệ hại đến như thế, chẳng có loại “bi” và “trí” nào mà lại dễ dàng và rẻ tiền cả!

Dừng ăn trưa ở tt. Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, đối diện quán ăn nhác thấy một biển chữ Hoa đề: Nam Sinh dược phòng, à thì ra là 1 tiệm thuộc Bắc. Nhìn xung quanh lại thấy thêm 6, 7 tiệm như thế, chỉ trong vòng 1, 2 trăm mét, đã là một chuyện lạ. Các cửa hàng ở đây đồng loạt đề: “hiệu buôn X”, “hiệu buôn Y”, không dùng những từ ngữ hiện đại hơn như: “cửa hàng” hay “shop”. Đoán trong đầu, quanh đây thế nào cũng có vài nhà may, tiệm đóng giày hay sửa đồng hồ… quả đúng là như thế! 😀

Hành trình tiếp tục đi qua Bình Định: An Nhơn, Quy Nhơn, chạy dọc phía Đông của đầm Cù Mông để về tx. Sông Cầu. Rồi tiếp tục đi về phía ghềnh Đá Đĩa, nằm ở phía Nam của vịnh Xuân Đài, qua sông Phú Ngân bằng cầu Ông Cọp, một cấu trúc cầu gỗ làm theo lối dân gian xưa dài trên 800m. Đến ghềnh Đá Đĩa để tưởng tượng ra, hàng triệu năm trước, những dòng nham thạch núi lửa nóng chảy tràn xuống, gặp nước nguội lại và tạo nên những cột đá đa giác (mà phổ biến là lục giác) như thế nào!

ghềnh đá đĩa

ái giống người Việt đến là quái lạ! Họ đang cố gắng biến một nơi đẹp như ghềnh Đá Đĩa thành cái hòn non bộ tô vẽ xấu xí. Tệ hơn họ còn muốn tha vài hòn đá về để trong nhà ngắm nghía, và tự đánh lừa mình rằng ta đang sống gần gũi với thiên nhiên. Họ ko thấy ngoài mấy cục đá này ra, còn là những bờ cát vàng với địa thế tổng thể rất đẹp, sóng biển nhấp nhô, ngoài kia, chiếc Osa – class corvette (tàu tên lửa lớp Osa) đang băng băng rẽ sóng rời vịnh Xuân Đài…

bắc hành – 2017, phần 18

ừ Hà Tĩnh trở đi đến bắc đèo Hải Vân, một đợt gió mùa đông bắc nữa lại tràn về. Nhiệt độ chỉ tầm 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác rét buốt rất khó chịu. Nói thêm về kiểu khí hậu lạnh ẩm của vùng này, nước khi bám vào người sẽ mượn thân nhiệt để bay hơi, nếu có gió thì việc bay hơi càng mạnh, điều đó khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng, lập tức “báo động”… run bần bật. Thế nên đôi khi thời tiết chỉ rét cỡ 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác như là 10 ~ 12 độ, ngay cả khách Tây cũng phải xuýt xoa.

Thực ra, thời tiết đã ấm hơn một chút so với chuyến đi ra, nhưng cũng vẫn rất khó chịu. Sau khi ghé thăm biển Thiên Cầm xong, liền chạy nhanh qua cho hết vùng khu 4 này: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Những địa danh thành phố, thị xã, thị trấn lướt qua vùn vụt: tx. Ba Đồn, tt. Hoàn Lão, tp. Đồng Hới, tt. Quán Hàu, truông nhà Hồ, tt. Hồ Xá, tt. Gio Linh, tp. Đông Hà, tt. Ái Tử, tx. Quảng Trị, tt. Hải Lăng, tt. Phong Điền, tx. Hương Trà, tp. Huế, tx. Hương Thuỷ, tt. Phú Vang, tt. Phú Lộc, tt. Lăng Cô…

Qua đèo Hải Vân vào đến địa phận Đà Nẵng, trời vẫn hơi lạnh nhưng đã dễ chịu hẳn. Đã rất nhiều lần đi ngang qua Đà Nẵng trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng chưa ghé lại bao giờ. Nay thử ghé qua xem thử diện mạo thành phố đã thay đổi như thế nào sau chừng ấy năm, từ con đường ven biển Vũng Thùng đến làng chài Thuận Phước, đường Bạch Đằng dọc sông Hàn, cầu Thuận Phước qua Sơn Trà… 20 năm… thành phố bây giờ mới có được một gương mặt khang trang nhìn hướng ra biển lớn.

Nó không còn là một thành phố khép kín, hướng mặt ra sông như thời xa xưa nữa, vùng cửa sông Hàn ven Thuận Phước và Tiên Sa, những âu thuyền được quy hoạch rõ ràng, tàu thuyền đánh cá của ngư dân đậu thành hàng lớp ngay ngắn, đường sá cũng thật rộng rãi, tinh tươm. Không thể dằn lòng chạy xe một vòng quanh Sơn Trà, trên con đường hơn 30 km vòng quanh bán đảo, nay đã là đường trải nhựa rộng và đẹp. Khi tôi còn nhỏ, vòng quanh đảo chỉ có một con đường mòn nhỏ.

Đường làm từ năm 1979 (do sợ Trung Quốc đổ bộ đường biển nên làm con đường đất để kéo pháo ra đặt ở đó), về sau không dùng nữa nên cây cỏ mọc che lấp hết, nhiều đoạn thậm chí không còn vết tích. Con đường ra đó qua bãi Bụt, bãi Trẹ, bãi Nồm, bãi Bắc… phải băng qua nhiều quãng rừng, leo qua nhiều ghềnh đá. Giờ đã thành một khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch, chăm sóc cẩn thận. Đây chính là “thiên đường tuổi thơ” của tôi, một thời rong chơi, nghịch ngợm, vẫy vùng, mơ mộng… 😀