chuyển động brown – brownian motions

ó những chiều, tìm cách nhích từng bước nhỏ trong dòng xe đông đặc, ken kín của Sài Gòn… ngột ngạt khói bụi, inh ỏi còi bấm, lất phất mưa rơi. Cả một rừng người căm phẫn, dẫm đạp, chửi bới nhau, ai cũng muốn thoát ra nhưng không ai có thể! Nhiều khi cũng muốn chửi thề lắm, nhưng như người ta nói: people living in glass house shouldn’t throw stones – người đang sống trong nhà kính không nên ném đá, bởi chính tôi cũng đang là một người tham gia giao thông, cũng đang góp phần tạo ra cái tệ nạn nan giải ấy, dù muốn dù không cũng đang là một phần của nó!

For your own sake peace – of – mind, ai chịu đựng được cái “thảm cảnh” ấy, chứ tôi thì không! Nhất là khi có vài cô chú Tây đứng trên lề đường, giương máy ảnh, điện thoại chụp lấy chụp để, kiểu như là họ đang được chứng kiến được một giống loài hiếm có trong sở thú ấy! Mà dân Việt Nam, dù tròm trèm 100 triệu người, quả là một chủng loại khá hiếm hoi trên cái quả đất này về cái khoản tự sinh ra, tự chịu đựng tệ nạn, vừa ăn cướp vừa la làng, vừa là thủ phạm cũng như vừa là nạn nhân của chính mình, mà tuyệt nhiên không hề có một chút ý thức nào để cải thiện tình hình!

Nhìn từ trên cao, tất cả giống như một kiểu chuyển động Brown – Brownian motion của hàng triệu hạt phấn hoa đặt trên một giọt nước khi quan sát qua kính hiển vi, điên cuồng, hỗn loạn, giống như mô tả của nhà sinh học Robert Brown mấy trăm năm về trước! Quay trở lại chuyện các cô cậu Tây chụp ảnh, tôi thấy… nhục nhã vô tận! Muốn bước đi chỗ khác, nhưng chẳng thế nào mà bước đi đâu được! Dĩ nhiên, với tầm cỡ cá nhân mình thì đúng là bất lực trong việc giải quyết các vấn đề nan giải của cộng đồng và xã hội, mà cũng chẳng hơi đâu quan tâm chuyện vĩ mô!

Trong nhận thức của tôi, không có chuyện đúng / sai theo kiểu “biết rồi để đó”, “ậm à ậm ờ”, tức là người “biết” đúng mà không làm theo, không ủng hộ cái đúng thì trong sự phân loại của tôi, được xếp vào loại “chưa biết”. Chả ai hơi đâu đi phân tích đúng / sai bên trong một con người, người ta chỉ căn cứ vào kết quả sau cùng, chẳng cần phải “lý gio lý trấu” gì! Các bạn đừng cho rằng tôi “cực đoan”, vì sự chọn lựa cuối cùng mới nói lên bản chất con người, và “nhận thức” là để phục vụ cho “hành động”, chứ thời buổi internet này, bảo “biết” một cái gì đó thì có vẻ như ai cũng “biết” cả!

Nói về ủng hộ hay phản đối xe hơi, xe máy, đó không phải chỉ là vấn đề kinh tế! Xe hơi nếu bán đúng giá, tôi nghĩ không phải là chuyện quá lớn. Vấn đề lớn hơn là quy hoạch đô thị! Nhưng còn lớn hơn nữa là thói quen sinh hoạt của người dân, ai cũng thích những tiện lợi nho nhỏ, ai cũng muốn xẹt qua xẹt lại nhanh chóng! Nếu đã nghĩ đến đó, lập tức chúng ta nhận ra… hình như bài toán không có lời giải! Kinh tế có thể phát triển, đô thị có thể mở rộng, nhưng các bạn nghĩ có thể thay đổi được bản chất của người Việt ư!? Ai còn ảo tưởng về điều đó, chứ tôi thì không mảy may!

Nghĩ rồi làm, thế là tôi đạp xe từ hơn 3 năm nay, xe máy vẫn để đó nhưng chỉ khi đi đâu xa, hoặc đi có việc gấp thì mới dùng đến! Còn đi cafe, siêu thị, gặp gỡ bạn bè, hàng ngày tôi vẫn đạp xe, 20, 30 km vẫn đạp! Tức là vẫn còn dính dáng đến những thứ gây kẹt xe, ô nhiễm, nhưng ở một mức độ khá ít! Thêm nữa là có lợi cho sức khoẻ, rèn luyện đôi chân (đôi tay đã có bộ môn chèo thuyền). Nhưng đi đâu, làm gì cần phải tính toán kỹ càng, không thể ngẫu hứng mà xẹt xẹt xe máy như trước được! Giờ thì trên cạn, dưới nước, em đều dùng sức người nhé, toàn phải đổ cơm mới chạy cả! 🙂