chẵn và lẻ – chẳng lẽ

Chuyện nó cũng tương tự như với Bám theo lề trái, lề phải là việc của con cừu của giáo sư Ngô Bảo Châu. Người ta cố tình muốn ghép ông vào một bên nào đó, nhưng ông không chọn bên nào cả, cả hai bên đều giống nhau, cùng một kiểu tư duy logic nhị phân cũ rích: không “địch” tức là “ta”, không phải “nhân dân” tức “phản cách mạng”, không tốt tức là xấu, không ngay tức là cong, blahblah… một kiểu trá hình cho cái thật sự là: không giống như tôi (nghĩ) tức là tầm bậy…

Cách suy nghĩ nông dân thiển cận và bần tiện như vậy và những hậu quả trực tiếp của nó tưởng như dễ dàng nhìn thấy, song có rất nhiều người “ngây ngô không hiểu” hoặc không muốn hiểu.

A metaphor for VN software engineering’s status quo, IMHO 😬

Below: Liliputian egg and the metaphor for endianness.

ột ví dụ kinh điển trong làng Tân nhạc để minh họa cho cái tư duy hình thức sơ đẳng và thô thiển phổ biến với người Việt. Cách đây đã lâu, một nhạc sĩ rất có tiếng và có tài sau một thời gian du học ở Liên Xô về đã nói: Văn Cao viết nhạc lẻ nhiều quá!. Thế là bắt đầu một trào lưu âm ỉ và kéo dài nhiều thập kỷ với tư tưởng chủ đạo: phê phán các nhạc sĩ “tiền chiến” sáng tác thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản, tác phẩm viết ra sao toàn lẻ nhịp. Một thực tế đúng là đến 90% các sáng tác âm nhạc “tiền chiến” là lẻ nhịp.

Và có lẽ cũng đến 90% các tác giả “tiền chiến” là sáng tác ngẫu hứng, tài tử mà nên, chứ ít người thật sự có được huấn luyện trường lớp bài bản (nếu nói về bằng cấp, trường lớp thì e rằng không nước nào bằng Việt nam như hiện tại). Và cũng đúng theo nhạc lý cổ điển (Tây phương) thì nhạc viết ra nên theo luật cân phương, không nên lẻ: để hát nghêu ngao một mình thì không sao, chứ đưa vào ban nhạc, hòa âm, trình diễn lớn sẽ rất khó khăn. “Cái sự lẻ” ở các tác phẩm “tiền chiến” thể hiện những điểm sau:

  • Tác giả đa số là sáng tác ngẫu hứng, ít người có cơ hội tiếp xúc đầy đủ với trường lớp theo kiểu Tây phương.

  • Tuy không bài bản theo kiểu Tây phương nhưng đa số đều mang ảnh hưởng không ít thì nhiều của nền cổ nhạc VN.

  • Sự lẻ nhịp thể hiện tính chất bất ổn của thời đại, một giai đoạn có thể nói là biến động nhất trong lịch sử VN.

Bẵng đi một thời gian, tiếp xúc với âm nhạc thế giới bổng phát hiện ra rằng: âm nhạc Tây phương đương đại cũng lẻ nhịp rất nhiều, rồi quay lại nghiên cứu cổ nhạc VN thì phát hiện ra nó cũng lẻ không kém. Thế là chính những kẻ ngày xưa phê phán người khác “lẻ nhịp” giờ quay sang hô hào: Ah, tui cũng lẻ nhịp, tui đi kịp với thời đại. Đến đây thì mọi người sẽ hiểu ra cái thói tranh luận, cái cách suy nghĩ hình thức VN là như thế nào. Nói chuyện nhạc có vẻ trừu tượng xa vời, quay sang những chuyện cuộc sống hàng ngày, đâu đâu cũng thấy nhan nhản những kiểu tư duy “hình thức” như thế.

Ngay như trong ngành IT mà tôi làm việc, cả ở những dự án lớn nhất, những công ty to nhất, mọi người cũng dành đến 90% thời gian để tranh luận những thứ vô bổ: C hay C++, C++ hay Java, Java hay .Net, nào là Design Pattern hay không, nào là Waterfall model hay Iteration model, nào là Design trước hay Code trước, v.v. Những tranh luận chỉ có thể gặp trong Gulliver du ký: một quốc gia chia thành hai phe uýnh nhau vì một phe ăn trứng từ phía đầu to, phe kia ăn trứng từ phía đầu nhỏ!

Những ai hiểu vấn đề ngay từ đầu chỉ có thể cười mỉm mà thôi, và họ đã đi tới những đâu rồi, code thì vẫn tràn lan những lỗi sơ đẳng kiểu như: mảng (array) bắt đầu từ 0 hay 1 (cũng lại chẵn hay lẻ, có thể các bạn không tin nhưng những lỗi như vậy không ít). Đó là chưa kể một số người không muốn làm việc, ngồi một chỗ bàn chuyện chẵn lẻ, dậm chân cho bụi bay mù rồi tưởng tượng là mình đang chạy! Nói chuyện kỹ thuật sợ mọi người bảo là nó chuyên biệt quá, vấn đề tự lặp lại chính nó trong tất cả những chuyện khác: nhân sự, quản lý, sale… đâu cũng thấy kiểu tư duy như thế.

Có lẻ là do sức lực chỉ vừa đủ dành cho việc nắm bắt một số kỹ năng ngôn ngữ, nên sau khi có được một số danh từ, khái niệm cơ bản… thì họ mắc luôn vào trong đó, không tự vượt lên được. Nó cũng phản ánh một điều, người Việt chúng ta rất háo suy nghĩ hình thức, rất háo những chuyện: tôi là như thế này, người khác là như thế kia, ít người có suy nghĩ độc lập (“độc lập” chứ chưa nói “sáng tạo”), hoàn toàn cảm tính và “bầy đàn”, ít người muốn làm việc, ít người thật sự muốn theo đuổi kiến thức!