môn hệ điếu ngư thuyền

杜牧 – 旅宿

旅館無良伴
凝情自悄然
寒燈思舊事
斷雁警愁眠
遠夢歸侵曉
家書到隔年
滄江好煙月
門系釣魚船

ái tật khó bỏ, thấy gì cũng trích một câu Đường thi làm tựa đề và bình luận… Hôm nay là hai câu cuối trong một bài của Đỗ Mục, dẫn thêm bản dịch tiếng Việt cho nhiều người dễ hiểu, chứ thường rất ít khi đọc bằng tiếng Việt, Đường thi phải đọc trong nguyên bản chữ Hán mới cảm được cái hay về âm hưởng, cái cô đọng, súc tích về ngữ nghĩa của nó!

Lữ túc – Đỗ Mục
Lữ quán vô lương bạn,
Ngưng tình tự tiễu nhiên.
Hàn đăng tư cựu sự,
Đoạn nhạn cảnh sầu miên.
Viễn mộng quy xâm hiểu,
Gia thư đáo cách niên.
Thương giang hảo yên nguyệt,
Môn hệ điếu ngư thuyền.
Trọ đêm không có bạn hiền,
Tình như lắng đọng, tự nhiên thấy buồn.
Đèn mờ, chuyện cũ nhớ thương,
Nhạn kêu chẳng biết, mãi vương giấc sầu.
Mộng xa, trời sáng đã lâu,
Thư nhà mới nhận cách hầu một năm.
Sông xanh khói quyện ánh trăng,
Thuyền câu trước cửa đương nằm đợi ai?

Hình lấy từ guillemot-kayaks.

Về việc hiển thị chữ Hán trên website này: vì tập chữ phồn thể rất lớn, trong khi bộ chữ giản thể ít hơn nhiều, nên “ánh xạ” phồn thể – giản thể không phải là “song ánh”. Trong một số ít trường hợp, việc hiển thị phồn thể vẫn còn có chỗ sai sót, do phần mềm vẽ chưa thể tự tra đúng mặt chữ, mong các bạn “Hán(g) rộng, Nho thâm” thông cảm 😬.

ngọc nữ phong

李白 – 送楊山人歸嵩山

我有萬古宅
嵩陽玉女峰
長留一片月
挂在東溪松
爾去掇仙草
菖蒲花紫茸
歲晚或相訪
青天騎白龍

hả hiểu làm sao lâu lâu lại thích trích dẫn một vài câu của Lý Bạch, cái blog này dễ có mấy chục bài thơ của ông. Mà không phải chỉ có trên blog, đi đâu, thấy gì cũng thỉnh thoảng trích ra trong đầu vài câu của ông để bình luận… Chữ càng ngày càng xấu do lâu không tập luyện, thôi thì cứ viết xuống treo lên đây, học tập lấy cái tinh thần là được! Đường thi tuyệt đại đa số là… “vô ngã”, hầu như không bao giờ thấy xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong hành văn, chỉ ngầm hiểu người nói là “tôi” trong ngữ cảnh.

Ấy thế mà bài này mở đầu đã là: Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung Dương Ngọc Nữ phong…, và điều này cũng không hiếm trong thơ Lý Bạch, cũng là một sự lạ đời! Thêm một vài ví dụ khác: Ngô ái Mạnh phu tử, Phong lưu thiên hạ văn, Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai, Ngã ca nguyệt bồi hồi, Ngã vũ ảnh linh loạn, hay thậm chí không thể lộ liễu, rõ ràng hơn được nữa: Lý Bạch thừa chu tương dục hành, Hốt văn đàm thượng đạp ca thanh…

giang hồ

鳳有高梧鶴有松,偶來江外寄行蹤。。。

hiều đêm đi chơi xuồng kayak, 4, 5 tiếng đồng hồ một mình chèo trong bóng tối mênh mông, không một ánh điện, không biết đâu là bến bờ, tuyệt nhiên yên tịnh. Hoàn toàn phó theo cảm giác vì không thể nhìn thấy gì, toàn những bóng đen mờ ảo, cũng đã quá thuộc sông nước quanh đây. Quả nhiên không sai đây chính là khung cảnh lửa chài, cây bến còn vương giấc hồ từng chứng kiến bao nhiêu tiền kiếp về trước.

Rồi những đêm rằm trăng sáng rạng ngời, cảnh quang thuyền một lá đông tây lặng ngắt, một vầng trăng trong vắt lòng sông thật hứng thú vô cùng. Chốn này dường tách biệt hẳn với hồng trần thị phi, an nhiên tự tại không còn biết hôm nay là của ngày tháng năm nào nữa. Nhìn lên nghĩ bụng chị Hằng chắc là lạnh lắm, rồi tự hỏi phải chăng đây là cõi trời nguyệt minh tinh hy, ô thước nam phi thủa nào!?

Lại đôi khi gặp phải luồng cá lớn, dài trên hàng cây số, cá rượt đuổi theo song song như muốn đùa vui cùng với chiếc thuyền, hàng ngàn hàng vạn con bé nhỏ vọt lên khỏi mặt nước, réo rắt như một trận mưa rào mùa hạ. Hàng trăm con như những mũi phi tiêu lao qua mui thuyền, nhiều con rớt cả vào trong khoang. Rồi bỗng dưng bắt gặp mình ngâm nga khúc huống ta vớt củi buông câu, lứa đôi tôm cá bạn bầu hươu nai…

Cái sự khoái hoạt, phóng dật trong chốn giang hồ thật không một từ ngữ, không một bút mực nào gột tả hết cho được! Ghi lại vài dòng để còn gợi nhớ đến cảm giác, không gian này! Mở ngoặc nói cho rõ ràng rằng, từ nguyên, giang hồ – 江湖, đơn giản tức là giang – – sông và hồ – – hồ 😀, nghĩa gốc vốn như thế, chỉ nơi sông nước, nhàn cư, ẩn dật… không phải hiểu theo nghĩa phái sinh của nó.

⓵⏎ Phượng hữu cao ngô, hạc hữu tùng, Ngẫu lai giang ngoại ký hành tung…, trích bài Ngạc Châu ngụ quán Nghiêm Giản trạch – Nguyên Chẩn.

handwriting

his is part of the really fascinating broader concept of neo – analog as mentioned in a previous post. Below is my handwriting with a stylus on my iPad (click to see large version), not too bad after 10 years of solely keyboard and mouse, not pen, right? Also, I’m quite excited with the coming Kindle touch (which should be delivered at end of the month). My thought is that it’s just a matter of time before e – ink would have color and refresh rate capabilities near those of conventional displays, and serious applications would be feasible within the vintage look and feel of e – ink!

tầm dương giang đầu

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận,
Anh lụy đời quên bến khói sương.
Năm tháng, năm cung mờ cách biệt,
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

君不見黃河之水
天上來奔流到海不復回

勸君更盡一杯酒
西出陽關無故人

醉臥沙場君莫笑
古來徵戰幾人回

潯陽江頭夜送客
楓葉荻花秋瑟瑟

抽刀斷水水更流
舉杯消愁愁更愁
人生在世不稱意
明朝散髮弄扁舟

Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời. Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi. Long lanh tiếng sỏi vang vang hận. Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người… (Xuân Diệu)

Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi dòng châu, tiếc thay tại sao đành lỡ làng. Man mác khói hương bay dịu dàng. Như tóc mây vương dáng liễu mơ màng, cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương. Ai đó tri âm biết cùng

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận, Anh lụy đời quên bến gió sương. Năm tháng, năm cung mờ cách biệt, Bao giờ em hết nợ Tầm Dương? (Hoàng Cầm)

ề những tác phẩm Đường thi quan trọng, ai chỉ từng tham khảo những cuốn cơ bản như Đường thi nhất bách thủ (100 bài), Đường thi nhất thiên thủ (1000 bài), cũng đã thấy đó là cả một gia tài văn chương đồ sộ, ảnh hưởng của chúng đến đời sau thực không cần phải nói tới. Những ông bạn già ba tôi, những người quen của gia đình tôi, mỗi khi ngồi lại ăn nhậu với nhau, thế nào cũng có một vài câu Đường thi được đọc, ví dụ như:

Anh có thấy sông Hoàng Hà, Con sông vĩ đại nước sa lưng trời. — Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy, Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Xin vơi một chén quan hà, Dương quan chốn ấy ai là cố nhân. — Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, Tây xuất Dương quan vô cố nhân.

Sa trường say ngủ ai cười, Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu. — Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.

Cầm dao chặt nước nước cứ trôi, Nâng chén tiêu sầu sầu không vơi. Người đời nếu chẳng được như ý, Sớm mai xõa tóc cỡi thuyền chơi.Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu, Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu. Nhân sinh tại thế bất xứng ý, Minh triêu tản phát lộng biên châu.

Lúc nhỏ, tự học đọc và viết được Hán tự, thuộc vài ngàn bài Đường thi, Tống từ, tôi đã lấy làm tự phụ rằng còn thuộc nhiều thơ hơn cả mấy ông già bạn ba tôi. Chỉ sau này mới thấy cái vốn Hán học của mình bé như hạt cát, chỉ mới là dạng đọc mau nhớ thôi. Tuy vậy vài năm lúc tuổi nhỏ cũng đủ để nhận được cái hồn cổ văn lồng lộng, những u tình sâu kín, cũng đủ thấy cốt cách người xưa… Lớn lên, tôi dần cảm thấy thích âm nhạc hơn, mà xa rời văn chương, có lẽ vì âm nhạc dễ tiếp thu hơn, mà văn chương thì đòi hỏi quá nhiều công phu hơn.

Nguyệt cầm – Cung Tiến - Thái Thanh 
Tiếng xưa – Dương Thiệu Tước - Thu Hiền 
Tình cầm – Phạm Duy - Tuấn Ngọc 

Tuy vậy, ảnh hưởng của cổ văn, cổ thi, nó bàng bạc khắp nơi, không dễ gì thoát ra được. Ảnh hưởng lên văn học Việt Nam sâu đậm nhất, có lẽ không tác phẩm nào khác ngoài Tỳ Bà hành – Bạch Cư Dị. Không kể đến trong cổ văn (mà dấu vết của Tỳ Bà hành có thể được tìm thấy nơi nơi), ngay trong Thơ mới, dấu vết của nó cũng không ít. Câu chuyện của tác giả và người kỹ nữ đánh đàn tỳ bà tình cờ gặp lúc đêm khuya trên bến sông Tầm Dương để lại cho hậu thế biết bao nhiêu mối hoài cảm. Cả một áng thơ dài, câu nào cũng đầy tình ý:

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, mang hận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bây giờ càng hay.

Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não ruột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.

Nguyên bản Hán văn, phiên âm cũng như bản dịch thơ nổi tiếng của Phan Huy Vịnh, xin đọc ở đây. Đọc Tỳ Bà hành rồi dễ liên tưởng đến tác phẩm có phần tương tự của thi hào Nguyễn Du: Long thành cầm giả ca龍城琴者歌, tuy nhiên bài này lại nặng về tính thế sự hơn là về tình cảm cá nhân, nên sự xúc động gây ra trong lòng người thiết nghĩ cũng không sâu sắc bằng:

Thành quách suy di nhân sự cải, Kỷ độ tang điền biến thương hải. Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong, Ca vũ không lưu nhất nhân tại城郭推移人事改幾度桑田變蒼海西山基業盡消亡歌舞空留一人在. Ảnh hưởng trong văn thơ thì đã quá nhiều rồi, hôm nay tôi xin đưa một vài ví dụ nhỏ, ảnh hưởng của Tỳ Bà hành trong Tân nhạc, bằng trí nhớ lu mờ của mình, xin chép tặng các bạn một vài bài nhạc hay mang âm hưởng của bến Tầm Dương năm xưa.

nhất phiến băng tâm

王昌齡 – 芙蓉樓送辛漸

寒雨連江夜入吳
平明送客楚山孤
洛陽親友如相問
一片冰心在玉壺

hiều lúc trong lòng buồn bã quá, đem cổ thi ra đọc, để cái phong vị tự tại, vô ngã ấy giúp mình được ít nhiều chăng? Đã bao năm rồi không màng đến thơ cũ, không tập thư pháp, bao nhiêu việc xảy ra trong đời… Lòng lúc này chẳng khác nào một mảnh băng lạnh giá trong chiếc bình ngọc…

Phù Dung lâu tống Tân Tiệm
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Tiễn Tân Tiệm tại lầu Phù Dung
Mưa lạnh tràn sông đêm đến Ngô,
Sáng ra tiễn khách núi trơ vơ.
Lạc Dương nếu có người thân hỏi,
Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ.

Một chút vấn đề về âm điệu: Đường thi hình như chỉ đọc trong âm Hán Việt mới thấy hay – ít nhất là đối với người Việt. Hẳn là vì âm gốc Trường An nay chắc không còn ai biết nữa, còn lại một chút dấu tích trong âm Hán Việt? Còn âm Bắc Kinh đương đại thì thiếu quá nhiều thanh, đủ để làm Đường Thi trở nên “thất luật”. Một vấn đề nữa là nhạc điệu (ít ảnh hưởng lên Đường Thi, nhưng ảnh hưởng nặng đến Tống Từ), không biết ai hiểu biết về vấn đề thanh điệu ngày trước, những điệu: Lâm giang tiên, Niệm nô kiều, Định phong ba, Trường tương tư… để biết được Từ được sáng tác và biểu diễn như thế nào…