tầm ẩn giả

賈島 – 尋隱者不遇

松下問童子
言師採藥去
只在此山中
雲深不知處

Bài thơ đơn giản, 4 câu 20 chữ, nhưng thâm sâu vô cùng. Chân lý nằm trong lòng ta, nhưng vì “mây che” nên không tự thấy được đó thôi!

Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.
Dưới thông hỏi chú tiểu đồng,
Rằng: thầy hái thuốc nên không có nhà.
Núi này quanh quất không xa,
Nhưng mây che, biết đâu là chốn đi?

internet memes

Ngày càng thấy hơi là lạ khi trên MXH, giới trẻ xài meme một cách tràn lan, vô tội vạ. Nhưng suy nghĩ kỹ, thấy nó đánh vào một nhu cầu căn bản của con người. Một bức ảnh nhỏ, đi kèm dòng “caption” hay “text” ngắn thể hiện ý kiến, quan điểm, bình luận hay thái độ. Nó đánh vào “tâm thức” muốn làm “phóng viên” của những cư dân mạng, muốn được có “quan điểm, ý kiến” một cách nhanh chóng.

Chuyện ảnh và ghi chú chẳng có gì mới. Từ hơn 50 năm trước, đã có chuyện cùng một bức ảnh nhưng có 2 tựa đề khác nhau, phía Mỹ ghi: lính Mỹ bảo vệ người dân dưới làn đạn VC, phía Mặt trận giải phóng thì ghi: quân Mỹ dùng thường dân làm lá chắn đạn sống Thế rồi nó phát triển thành nhiều dạng, người ta làm ra cả “thư viện” các meme khác nhau để “người dùng” khi cần cứ lựa một cái có sẵn để mà “có ý kiến”.

Dùng mì ăn liền nhiều quá chắc chắn không có lợi cho sức khoẻ, huống hồ nhiều sự việc căn nguyên sâu xa, không phải trong một câu mà nói hết được. Xét lại mình, cũng có xài meme chứ không phải là không, nhưng xài một cách hạn chế, có chọn lọc. Meme luôn tự mình nghĩ ra, không đi copy của người khác, meme là do tự mình viết lên, chứ không xài đồ có sẵn. Đầu năm, làm một cái meme chúc mừng năm mới!

王涯 – 送春词

日日人空老
年年春更歸
相歡有尊酒
不用惜花飛

trừu đao đoạn thuỷ

Suy nghĩ vẩn vơ, điều kỳ lạ là, thời bây giờ, người TQ có thể đọc sử VN như: Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư .v.v. một cách tự nhiên, bằng chính ngôn ngữ của họ (vì tất cả những sách đó đều viết bằng chữ Hán). Trong khi người Việt không còn có thể tự đọc sử của chính mình!

Từ trong vốn văn hoá cũ, từ hơn 1200 năm trước, Lý Bạch đã cho thấy một mẫu cá tính… larger – than – life, xa hơn cả cuộc đời! Cuộc sống hiện đại, với tất cả những tiến bộ, hiểu biết của nó, hoá ra, lại toàn tạo thành những con người… smaller – than – micro – beads, nhỏ hơn vi – nhựa!

nguyên tiêu

德成禪師 – 載月明歸

千尺絲綸直下垂
一波才動萬波隨
夜靜水寒魚不食
滿船空載月明歸

Thơ thế này thì Nguyễn Khuyến cứ phải gọi bằng sư phụ, cả thơ của ai đó… “giữa dòng bàn bạc việc quân, khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” cũng không bằng được!

Thiên xích ty luân trực hạ thuỳ,
Nhất ba tài động vạn ba tuỳ.
Dạ tĩnh thuỷ hàn ngư bất thực,
Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.
Trăm thước dây câu, nước trong veo,
Một làn sóng động, vạn sóng theo.
Đêm thanh nước lạnh khôn được cá,
Thuyền chở trăng về nhẹ tay chèo.

cầu hang tôm, 1

Ngày về, biết đáp làm sao?
Ba Sơn mưa tối tràn ao thu đầy!
Bao giờ thắp nến song tây?
Cùng nhau kể, những đêm này mưa rơi!

李商隱
夜雨寄北


君問歸期未有期
巴山夜雨漲秋池
何當共翦西窗燭
卻說巴山夜雨時

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2016, gần thị xã Mường Lay, cây cầu được xem là khó xây dựng nhất VN. Nhìn thì bình thường, nhưng đến mùa nước thấp, mới thấy được trụ cầu cao hun hút.

tử mãn chi

Hương thơm, tìm đã muộn rồi,
Chẳng nên buồn bã oán thời xuân qua.
Gió lay, hồng rụng hết hoa,
Chỉ còn lá biếc cùng là quả thôi!

杜牧 – 嘆花

自是尋春去校遲
不須惆悵怨芳時
狂風落盡深紅色
綠葉成陰子滿枝

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt lần đầu tiên năm 2014, và cũng là lần đầu tiên đến với Đồng Văn, Hà Giang. Và những năm tiếp sau đó, còn trở đi trở lại đây 4 lần nữa, một vùng đất quyến rũ, đầy mầu sắc!

tống hữu nhân

Bắc thành một dải núi xanh,
Phía đông sông bạc uốn quanh lững lờ.
Tiễn người về chốn xa mờ,
Cỏ bồng thân phận, thế cô dặm trường…

李白 – 送友人

青山橫北郭
白水遶東城
此地一為別
孤蓬萬里征
浮雲遊子意
落日故人情
揮手自茲去
蕭蕭班馬鳴

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2015, trên sông Son, Bố Trạch, Quảng Bình. Một vùng núi non, sông nước thật hữu tình, cảnh quan thật mờ ảo, diễm lệ trong màn sương mù mùa đông.

thu phong từ

李白 – 秋風詞

秋風清
秋月明
落葉聚還散
寒鴉棲復驚
相思相見知何日
此時此夜難為情

Hình chụp trong chuyến xuyên Việt năm 2014, chụp tình cờ bằng điện thoại nên không được rõ nét lắm, cảnh sắc trăng chiều mơ hồ, bỗng gợi nhớ đến một bài thơ của Lý Bạch…

Mùa thu con gió trong veo,
Mùa thu trăng sáng dõi theo bóng nàng.
Lá bay kìa, hợp rồi tan,
Lạnh lùng quạ khóc, miên man đêm trường.
Bao giờ gặp lại người thương?
Đêm này, tình ấy, tỏ tường cùng ai?

tần thời minh nguyệt

王昌齡 – 出塞

秦時明月漢時關
萬里長征人未還
但使龍城飛將在
不教胡馬渡陰山

Khi nhỏ, một mình tự học Hán tự, tự đọc thơ Đường, mọi thứ đều là trên giấy trắng mực đen, thông tin không được phong phú, đa phương tiện như bây giờ. Tất cả chỉ là một mình tự thưởng thức cái đẹp, những gì lịch sử còn lưu lại, Đường thi với gần 5 vạn (50 000) bài của hơn 2 ngàn tác giả (số lượng thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, không kể phần đã thất truyền, mai một qua hơn 1200 năm biến động lịch sử). Kho tàng văn hoá đồ sộ như thế, Trung Quốc lâu lâu bẻ ra một miếng là làm thành một bộ phim, thỉnh thoảng trích một câu là làm được một series truyền hình, thậm chí còn không cần tới một câu!

Tần thời minh nguyệt, mới có 4 chữ trong một câu 7 chữ. Trông người lại ngẫm đến ta, xưa có câu Nôm na là cha mách qué, ý nói về bản chất, ngôn ngữ Việt cũng thể… phường “ba que xỏ lá”, chẳng có thực chất gì! Lại nói, gần đây, giới ngôn ngữ học có xu hướng cho rằng, thực ra “tiếng Việt” chưa phải là một ngôn ngữ hoàn chỉnh mà mới chỉ là một “Creole language”, một dạng tập hợp, hình thành tạm bợ, nhất thời từ nhiều nguồn khác nhau, thừa hưởng cấu trúc ngữ pháp từ gốc Môn – Khmer, tiếp nhận hệ thống thanh điệu từ phía Tày – Thái và vay mượn một lượng rất lớn từ vựng từ nguồn Hán tự!

vân hoành tần lĩnh

Xăm với tôi không phải là mê tín dị đoan, đơn giản chỉ là trò chơi chữ nghĩa mang tính giải trí. Hôm trước còn tự “sáng tác” ra trò gọi là “Cổ thi thiêm”, chọn ra 100 câu thơ Đường, đánh số từ 1 đến 100, rồi “randomize” – lấy ngẫu nhiên một số để đoán xem “hạn vận” thế nào. Bốc được ngay câu của Hàn Dũ: Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại, Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.

Dịch nghĩa: Mây giăng ngang dãy núi Tần, nhà của ta ở đâu? Tuyết phủ đầy cửa ải Lam, ngựa không tiến lên được! Haiza, là điềm báo sự việc không suôn sẻ, cái gì là “nhà ở đâu”, thế nào là “ngựa không tiến”!? Nhưng nghĩ lại, mình đi bằng xuồng chứ có đi bằng ngựa đâu, nên thực ra cũng chẳng có can hệ gì, thôi kệ, xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!

韓愈 – 左遷至藍關示姪孫湘

雲橫秦嶺家何在
雪擁藍關馬不前

thanh mai trúc mã

青梅竹马

Đọc truyện, xem phim thường thấy sử dụng thành ngữ “thanh mai trúc mã”, nhưng không để ý lắm đến xuất xứ của nó, hôm nay chợt nghĩ ra, “bụng đầy thơ” như mình sao bây giờ mới nhận ra chính là từ trong bài Trường Can hành của Lý Bạch hay đọc hồi nhỏ: Thiếp phát sơ phú ngạch, Chiết hoa môn tiền kịch, Lang kỵ trúc mã lai, Nhiễu sàng lộng thanh mai, Đồng cư Trường Can lý, Lưỡng tiểu vô hiềm sai, Thập tứ vi quân phụ…

Dịch nghĩa: Tóc em khi mới xoã ngang trán, Bẻ hoa trước cửa nhà chơi, Chàng cưỡi ngựa tre lại, Chạy quanh giường nghịch ném quả mơ xanh. “Trúc mã” chính là cây gậy trúc mà mấy cậu nhóc hay đóng giả làm ngựa, “thanh mai” là quả mơ chế biến thành món ô mai mà các cô bé hay ăn. Bài thơ mô tả chuyện tình của 2 đứa bé lớn lên bên nhau, từ nhỏ đến khi thành niên. Haizza, ai xui ngày xưa cụ Lý Bạch viết “ngôn tình” vậy ta!?

Trường Can hành – Lý Bạch

Trán em tóc mới chấm ngang,
Bẻ hoa trước ngõ, ngoài đàng đứng chơi.
Ngựa tre, chàng cỡi tới nơi,
Vui đùa ném trái mơ chơi quanh giường.
Trường Can, cùng chỗ náu nương,
Trẻ thơ chẳng có vấn vương ý gì.
Lấy chàng, mười bốn, biết chi!
Thẹn thùng, nên chẳng mấy khi ra ngoài.
Cúi đầu, quay mặt vách hoài,
Nghìn lần chàng gọi, không quay một lần.
Mười lăm, mày mới nở dần,
Nguyện cùng gian khổ quây quần bên nhau.
Tin nhau từ thuở ban đầu,
Có đâu nghĩ chuyện lên lầu ngóng trông.

Mới năm mười sáu, xa chồng,
Cù Đường, Diễm Dự, xót trông xa vời.
Tháng năm, chẳng đến được nơi,
Mãi nghe tiếng vượn bên trời bi ai.
Trước sân, dấu bước in dài,
Giờ rêu xanh phủ, đều phai mờ rồi.
Rêu dầy, khó quét, đành thôi,
Gió thu sớm thổi, lá rơi rụng đầy.
Bướm vàng tháng tám, lượn bay,
Từng đôi trên cỏ vườn tây chập chờn.
Lòng em chua xót, cô đơn,
Má hồng thấy đã già hơn trước rồi.
Tam Ba, chàng sẽ xuống thôi,
Gửi thư báo trước về nơi quê nhà.
Đón chàng chẳng quản đường xa,
Trường Phong Sa đến, thế là gặp nhau.

“trần” thời minh nguyệt

王昌齡 – 出塞

秦時明月漢時關
萬里長征人未還
但使龍城飛將在
不教胡馬渡陰山

Hình chụp trong một quán cafe cũ kỹ, gần như là đồng nát, thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, 2017, một đêm không gian u ám, tối tăm: “Trần” thời minh nguyệt “Lý” thời quan, Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn… Vẫn (còn đây) là vầng trăng sáng đời Trần, vẫn còn đây là miền quan ải thời Lý, mà người chinh nhân vạn dặm đi vẫn chưa thấy về…

vong quốc chi ca

亡國之歌

Đạo đức, thịnh, suy, khôn, dại, hay dở đều hiện ra nơi âm nhạc, không giấu được ai. Bởi vậy cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào. (Tuân Tử – Nhạc ký)

Về Bolero VN, nói chung âm nhạc là một quá trình giáo dục và cảm nhận, nó gồm nhiều năm trãi nghiệm nên thường ai nghe gì đó là việc của họ, tôi không có ý kiến. Và biết rằng nói ra sẽ mất lòng một số người… Nhưng nhận xét về Bolero Việt Nam nói chung, tôi nghĩ thứ nhạc đó xứng đáng được gọi bằng cái tên: Vong quốc chi ca亡國之歌, loại âm nhạc mất nước! Những dân tộc ưa chuộng vận động và tiến bộ phải có thể loại nhạc sáng tạo và sinh động, không phải như Bolero VN ngồi nhai đi nhai lại mãi một mớ nhảm nhí, chẳng đại diện cho ai cả, ngoài cái tâm trạng xấu xí của họ.

Chính xác theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Bolero VN là loại vong quốc chi ca, một loại âm nhạc mất nước! Vì quyết không sai, đây chính là âm nhạc của một quốc gia đã mất, và mất vì cứ mãi lải nhải từ năm này sang tháng khác một thứ nhạc kém đến như thế! Kém không phải vì loại nhạc đó sầu não uỷ mị, mà vì nó không có sự sáng tạo, cứ sử dụng mãi những giai điệu na ná từa tựa nhau, nghe 100 bài như 1, đến tác giả còn lười biếng, không chịu tìm tòi cái mới, làm theo kiểu mỳ ăn liền…

Nghe câu đầu là đã đoán được câu sau, làm gì có tí giá trị âm nhạc mới mẻ nào!? Và những người cứ mãi lải nhải loại nhạc ấy cũng không có hy vọng gì có thể mở mang đầu óc mà tiếp thu cái mới! Tuân Tử nói, đến một đất nước nào, chỉ cần nghe qua âm nhạc của nước đó cũng sẽ biết ngay là “Hưng” hay là “Phế”! Và rất nhiều người không phân biệt được đâu là dân ca, và đâu là Bolero. Thực ra, từ ngay chính cái tên Bolero cũng đã chẳng có nội hàm, ý nghĩa gì, và cũng như cái tên tự nó gọi đó, Bolero chẳng có dính dáng gì đến dân ca cả, mặc dù cũng đã cố gắng vay mượn, đánh tráo khái niệm.

Đó cũng là tiểu xảo và mục đích của cộng đồng Bolero, đánh đồng tất cả tốt xấu, hay dở, đánh lên một vũng nước đục, gạt bỏ tất cả những thành tựu khác để tự xem mình là một cái gì đó. Bolero VN thực ra chỉ là một quái thai của thời đại nó: âm nhạc thì copy dân ca một cách thô thiển, ca từ thì chả đâu vào đâu, chủ đề thì nhảm nhí… tất cả nói thẳng ra là một công cụ “phá hôi” để phục vụ cho các mục đích xã hội và chính trị, khởi đầu chẳng có gì rồi kết thúc cũng chẳng có gì!

杜牧 – 泊秦淮

煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, epilogue

Trần gian chưa thỏa ý người,
Sớm mai xoã tóc rong chơi với thuyền.

Thế rồi cứ miệt mài chèo đi trong 9 ngày như thế, ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống, vừa đi vừa hát rằng: Anh nằm xuống, sau một lần, đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời đầy… Bạn bè còn đó, anh biết không anh? Người tình còn đây, anh nhớ không anh? Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên, khi bóng anh như cánh chim chìm xuống! Vùng trời nào đó, anh đã bay qua, chỉ còn lại đây những sáng bao la… Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà, đất ôm anh khép lại hẹn hò, rồi từ đó, trong trời rộng đã vắng anh…

bắc hành – 2016, phần 31

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ,
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

Chặng 31: tt. Phục Hoà ❯ Đông Khê ❯ đèo Bông Lau ❯ Thất Khê ❯ Đồng Đăng ❯ tp. Lạng Sơn

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Qua Đông Khê, Thất Khê, đèo Bông Lau… những địa danh huyền thoại trong kháng chiến 9 năm chống Pháp. Các bia đá tưởng niệm giờ chỉ là những vật thể nhỏ nhoi, mờ nhạt, hoang phế hai bên vệ đường, chẳng có mấy người để ý coi sóc đến. Tiểu đoàn 374, mật danh đoàn “Bông Lau”, với bài hát: Bông Lau, Bông Lau, rừng xanh pha máu… (Phạm Duy).

Bài hát đó đến chính tác giả cũng không còn nhớ nhạc điệu nó như thế nào. Mà tất cả những ai từng nhớ, từng say mê hát nó thì đã thành ra người thiên cổ tự bao giờ. Tần ngần đứng lặng hồi lâu: Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả前不見古人後不見來者 (Đăng U Châu đài ca – Trần Tử Ngang), quả thật là đáng buồn lắm thay!

Qua Thất Khê, cái thị trấn bé thoang thoảng một mùi hương ngan ngát của hồi (ai đã đọc Rừng hồi xứ Lạng nhỉ). Nếu không phải lái xe, thì cứ muốn nhắm tịt mắt lại, để từ từ trôi qua cái không gian này, tận hưởng mùi hương hồi thơm ngát. Đi qua nhiều vùng đất, ngửi thấy gì cũng đủ biết về chốn xe đang qua, này là hương quả sung chín nẫu thơm đến ngọt…

Này là mùi mật mía đậm đà của những xưởng tinh luyện đường, đây là mùi rơm rạ khô đang cháy, này là mùi ẩm ướt, tươi mát của cỏ non vừa mới cắt xong, kia là mùi hăng hăng của sắn lát khô đang phơi được nắng… Thế giới này không phẳng, không hề phẳng các bạn ạ, không phải chỉ có mùi lavender của các văn phòng, công sở với máy lạnh đâu!

bắc hành – 2016, phần 9

Nước non này chỗ đưa nhau,
Một xa, muôn dặm biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả nỗi lòng,
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.

Từ Phố Châu, Hà Tĩnh vừa qua đến địa phận tỉnh Nghệ An, muốn mở điện thoại ra xem bản đồ thì mới biết rớt mất từ lúc nào! Vào quán bên đường, nhờ điện thoại gọi vào số của mình! May có người nhặt được bắt máy, thế là lội ngược trở lại 50 km để nhận lại cái điện thoại! Thế mà người trả tôi cái điện thoại nhất quyết không nhận bất kỳ sự đền đáp nào!

Cứ mỗi lần đi qua vùng Nghệ An, Thanh Hoá là tôi lại có cảm giác… trở về nhà! Có điều gì đó tương đồng từ trong ngữ âm, giọng nói cho đến tính cách, khó có thể lý giải cho rõ ràng được, mà người ngoài nhìn vào thì chắc chắn sẽ bảo rằng chẳng có gì giống nhau cả! Đứng trên cầu Cẩm Thuỷ, nhìn ra bốn bề cảnh sắc sông xanh núi biếc hữu tình, thầm đọc câu:

Phù vân du tử ý, Lạc nhật cố nhân tình – 浮雲游子意落日故人情 (Tống hữu nhân – Lý Bạch). Dịch nghĩa: ý của kẻ lãng du thì như mây bay trên tầng không, mà tình người xưa cũ thì như vầng mặt trời sắp lặn. Cái sự cô đọng tối giản mà bao la ngữ nghĩa, mênh mông tình ý của thơ Đường nhiều khi không thể lý giải cho đủ hết ngọn nguồn được!

Tân Kỳ: km số 0 của đường Trường Sơn ngày trước, Nghĩa Đàn: những nông trường bò sữa dài ngút tầm mắt, bỏ qua thành nhà Hồ đã thăm trong chuyến đi năm ngoái, bỏ qua luôn suối cá Cẩm Lương, Cẩm Thuỷ, cũng chỉ là những đàn cá to, không có gì hấp dẫn lắm. Đường lên Mai Châu, Hoà Bình, đây đó đã thấy những y phục của người Mường, người Thái.

bắc hành – 2016, phần 1

李白 – 春思
燕草如碧絲
秦桑低綠枝

Cảnh sắc xuân về trên khắp trời Nam, đất Bắc, chính thị như mô tả bằng hai câu trong bài Xuân tứ của Lý Bạch: Yên thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi dẫn ở trên. Này là lúc để ung dung lên đường vãn cảnh xuân các xứ. Kế hoạch du xuân năm nay thì đã lên từ… sau Tết năm ngoái, gần một năm trở về trước, nay thì cứ như thế, như thế… mà tiến hành.

Kế hoạch tổng thể là từ cửa khẩu Bờ Y, Ngọc Hồi, Kontum qua nước bạn Lào ở tỉnh Attapeu cực Nam, rồi đi dọc sông Mêkong lên phía Bắc: Champasak, Pakse, Savanaket, Vientiene, Vang Vieng, LuongPhrabang… đủ một hành trình xuyên từ Nam chí Bắc nước Lào, rồi trở lại Việt Nam vào khoảng Điện Biên, qua Hoà Bình, Mai Châu về lại phía Tây của Thanh Hoá.

Rồi từ đó đi dọc đường Trường Sơn về Nam, điểm lại những phần đã bỏ sót trong hành trình năm ngoái! Thực ra với một đất nước đa dạng và phong phú như Lào, hành trình dự kiến hơn 1 tháng kể cũng chỉ là cưỡi ngựa (sắt) xem hoa… kỹ càng hơn chắc còn phải trông đợi nhiều ở những chuyến đi khác! Nghe như đâu đây ai đang hát khúc Đoàn lữ nhạc!

Hành trình dài như thế này, vài ngày đầu tiên rất là mệt mỏi, những ngày tiếp theo đó sẽ… quen dần đi, cơ thể dần thích nghi với cái màn tra tấn kinh khủng của cả chục giờ liền ôm ghi – đông xe máy. Các cột mốc cây số cứ nối tiếp nhau vùn vụt trôi qua, những nẻo đường cao nguyên đèo dốc liên tu bất tận, và những pha ôm cua lượn lờ rất ngọt của chiếc xế.

viễn mộng

李白 – 夜泊牛渚懷古

牛渚西江夜
青天無片雲
。。。。。
明朝挂帆席
楓葉落紛紛

Sách vở thường phân tích phương Đông (không giống như phương Tây): sống nội tâm, mẫn cảm, chan hoà và gần gũi với thiên nhiên. Theo như thực tế hiện nay mà thấy, hình như điều ngược lại mới là đúng! Lại dùng cổ máy thời gian, mời tác gia Lý Bạch ngược đến tương lai, trích bốn câu trong bài Dạ bạc Ngưu chử hoài cổ để bình luận cho bức hình bên dưới!

Ngưu chử Tây giang dạ,
Thanh thiên vô phiến vân…
Minh triêu quải phàm tịch,
Phong diệp lạc phân phân.
Cảnh đêm Ngưu chử Tây giang,
Trời thu trong vắt không hàng mây trôi…
Sáng dong buồm chiếu đi rồi,
Lá phong đã rụng tơi bời bến sông!

trào lỗ nho

李白 – 嘲鲁儒

魯叟談五經
白髮死章句
問以經濟策
茫如墜煙霧
足著遠遊履
首戴方山巾
緩步從直道
未行先起塵
。。。。。

Cách đây gần 1300 năm mà người ta đã viết như thế này đây! Dịch nghĩa: Ông già nước Lỗ bàn chuyện Ngũ kinh, tóc bạc vùi trong những từ chương đã chết, hỏi ông cách giúp nước giúp đời, ông ngơ ngác như từ trên mây rơi xuống, chân đi giày “viễn du”, đầu chít khăn “phương sơn”, khệnh khạng ông bước trên đường thẳng, chưa đi đã thấy bụi bay mù…

Kinh tế (经济) là rút gọn của kinh bang tế thế (经邦济世), không phải nghĩa hẹp như chúng ta đang dùng bây giờ. Vị hành tiên khởi trần: phàm người ta đi đường thì làm bụi bay, như thế là chuyện bình thường, còn tác giả mô tả ông này chưa bước đi đâu cả mà bụi đã bay mù, ám chỉ loại người vô tích sự, không được việc gì! Chữ dùng đến là khéo!

Trào Lỗ nho – Lý Bạch
Lỗ tẩu đàm ngũ kinh,
Bạch phát tử chương cú.
Vấn dĩ kinh tế sách,
Mang nhiên truỵ yên vụ.
Túc trước viễn du lý,
Thủ đới phương sơn cân.
Hoãn bộ tòng trực đạo,
Vị hành tiên khởi trần…
Giễu ông đồ nước Lỗ
Ông đồ nước Lỗ học Ngũ kinh
Bạc đầu nhai chết từng chương cú
Hỏi ông giúp đời thế nào đây?
Mờ mịt như người mây khói phủ!
Chân đi đôi giày “viễn du lý”,
Đầu đội chiếc khăn “phương sơn cân”.
Khệnh khạng ông bước theo đường thẳng,
Chưa đi bụi đã như mây vần…

môn hệ điếu ngư thuyền

杜牧 – 旅宿

旅館無良伴
凝情自悄然
寒燈思舊事
斷雁警愁眠
遠夢歸侵曉
家書到隔年
滄江好煙月
門系釣魚船

Cái tật khó bỏ, thấy gì cũng trích một câu Đường thi làm tựa đề và bình luận… Hôm nay là hai câu cuối trong một bài của Đỗ Mục, dẫn thêm bản dịch tiếng Việt cho nhiều người dễ hiểu, chứ thường rất ít khi đọc bằng tiếng Việt, Đường thi phải đọc trong nguyên bản chữ Hán mới cảm được cái hay về âm hưởng, cái cô đọng, súc tích về ngữ nghĩa của nó!

Lữ túc – Đỗ Mục
Lữ quán vô lương bạn,
Ngưng tình tự tiễu nhiên.
Hàn đăng tư cựu sự,
Đoạn nhạn cảnh sầu miên.
Viễn mộng quy xâm hiểu,
Gia thư đáo cách niên.
Thương giang hảo yên nguyệt,
Môn hệ điếu ngư thuyền.
Trọ đêm không có bạn hiền,
Tình như lắng đọng, tự nhiên thấy buồn.
Đèn mờ, chuyện cũ nhớ thương,
Nhạn kêu chẳng biết, mãi vương giấc sầu.
Mộng xa, trời sáng đã lâu,
Thư nhà mới nhận cách hầu một năm.
Sông xanh khói quyện ánh trăng,
Thuyền câu trước cửa đương nằm đợi ai?

Hình lấy từ guillemot-kayaks.

Về việc hiển thị chữ Hán trên website này: vì tập chữ phồn thể rất lớn, trong khi bộ chữ giản thể ít hơn nhiều, nên “ánh xạ” phồn thể – giản thể không phải là “song ánh”. Trong một số ít trường hợp, việc hiển thị phồn thể vẫn còn có chỗ sai sót, do phần mềm vẽ chưa thể tự tra đúng mặt chữ, mong các bạn “Hán(g) rộng, Nho thâm” thông cảm.