Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 4

Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi…

uất phát trễ lúc khoảng 10h sáng, nên phải băng qua cửa Hàm Luông trong cái nắng trưa chói chang. Cửa sông không rộng lắm, tầm 4, 5 km, có một chút sóng và gió nhưng cũng không có gì quá khó khăn. Nhắm thẳng căn nhà gạch duy nhất phía bên kia sông mà chèo, hơi hướng vào bên trong cửa sông một chút để tránh phải đi song song với luồng sóng vỗ. Nói thêm một chút về độ ổn định của sea – kayak trong sóng gió… những khái niệm sau đây rất phổ biến trong thế giới kayak, nhưng chưa chắc đã đúng và áp dụng được với những loại thuyền khác.

Độ ổn định – stability của kayak được chia làm 2 khúc: primary stability (PS) và secondary stability (SS). PS là cái cảm nhận đầu tiên ngay lúc ngồi vào thuyền, còn SS là độ ổn định khi thuyền đã nghiêng, thường là quá 20 độ. Với những người mới tập chèo, PS rất quan trọng, ngồi vào con thuyền tròng trành là đã gây tâm lý lo sợ, nhưng với sea – kayak, PS không quá quan trọng, chính SS mới là yếu tố quyết định đặc tính của con thuyền trong sóng to gió lớn. Phần nhiều sea – kayak có PS thấp, nhưng SS lại cao, nên cũng thường gây ra cảm giác không an toàn cho người mới chơi.

Cũng vì thế nên mới có cái nhận định nghe hơi ngược đời: thuyền ổn định trong lúc sóng to gió lớn hơn là lúc nước phẳng lặng. Nhưng thực ra điều đó là đúng, những chiếc recreational – kayak thường rất ổn định trên nước êm, nhưng ra sóng gió thường lắc lư rất nhiều, còn sea – kayak có vẻ như là rất bất ổn, nhưng chính cái bất ổn ấy là điều cần thiết trong môi trường nhiều biến động. Nghe có vẻ giống như câu châm ngôn Latin của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển: Mobilis in mobili – Linh hoạt trong môi trường linh hoạt 😀.

Suy nghĩ về thiết kế kayak một lúc thì đã qua đến bờ bên kia lúc nào không biết, ghé vào căn nhà gạch ngồi nghỉ, hoá ra đó là trụ sở của HTX nuôi nghêu Thắng Lợi (vâng, những cái tên: Thắng Lợi, Huy Hoàng… nghe cứ oang oang, nhưng mỗi xã viên có lúc đã được chia lợi nhuận 200 ngàn VND một người một năm 😢). Ăn trưa xong (bánh mì, cá hộp và 2 trái chuối), rồi lại tiếp tục chèo đi, rẽ ngoặt từ hướng Đông Nam sang Tây Nam, từ huyện Thạnh Phú sang huyện Thạnh Hải. Ngoài xa xa, cứ cách 2, 3 cây số lại thấy bố trí một chiếc thuyền nhỏ, cách quãng rất đều đặn.

Với ai đã hiểu chuyện thì biết ngay đó là những thuyền của dân nuôi nghêu nằm cảnh giới, canh gác trên khắp địa bàn của họ. Chiếc điện thoại quên tắt máy để trong túi chống nước nằm trong ba lô phía sau thuyền thỉnh thoảng lại kêu, chắc là có một số cuộc gọi và tin nhắn đến, nhưng không thể trả lời được. Cứ chăm chú chèo, chẳng mấy chốc đã đến biển Cồn Bửng. Từ trong bờ có hai người đứng vẫy vẫy tay, lại gần mới biết là anh Đỗ Nguyên Ái cùng vợ. Anh đã chạy từ Sài Gòn xuống tp. Bến Tre, rồi chạy tiếp thêm 70km đến Thạnh Hải này để mang cho tôi một số đồ tiếp tế!

Hết sức cảm kích trước sự quan tâm và nhiệt tình của vợ chồng anh. Anh Phạm Vũ Nguyên, một người chưa quen biết, gởi hỗ trợ tôi ba gói lương khô cùng với một chiếc đèn pin của thợ lặn. Vợ chồng anh Ái mang cho tôi một hộp cơm, chôm chôm, chai thuốc chống muỗi, pin cho đèn và một số vật dụng khác… Thật là rất bất ngờ và cảm động, anh đã không ngại xa xôi, cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ tôi, mà đã chọn đúng vị trí và ngồi chờ cho đến khi tôi chèo ngang qua! Buổi tối đó không phải nấu cơm, ngồi ăn hộp cơm chiên Dương Châu, ngon lành và sung sướng! 😀

Rút kinh nghiệm chiều tối hôm vừa rồi, hôm nay, bên bờ cửa biển Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, neo buộc thuyền xong, tôi chọn chỗ cắm trại, sau đó tìm gặp một số người dân địa phương, trình bày, xin phép được ngủ qua đêm trên bãi biển. Vùng này vẫn là những bãi nuôi nghêu, nhưng canh tác theo lối tự nhiên, chứ không công nghiệp hoá như một số vùng đã đi qua. Chủ đất sau khi hỏi han kỹ, cũng đã vui vẻ đồng ý. Chừng 8h tối lúc chuẩn bị ngủ thì một anh công an xã xuất hiện, kiểm tra giấy tờ theo thông lệ và: tôi cấp cho anh quyền tạm trú một đêm trên bãi biển! 😬

Suy nghĩ miên man trước khi chìm vào giấc ngủ, những người nông dân, ngư dân quê ta cơ bản vẫn là những con người hồn hậu, tốt bụng. Thậm chí họ còn khá “timid”, ngại giao tiếp khi mới gặp gỡ, nhưng bắt chuyện được rồi thường rất niềm nở và quan tâm. Chỉ có một số ít những anh dân phòng say rượu luôn tìm cách đánh người, một số kẻ luôn rình mò, phá hoại người khác. Thực ra chúng ta, về suy nghĩ và nhận thức có khác nhau, nhưng những vết chân trần in trên cát này, giữa tôi và anh, đều như nhau, đều chia xẻ chung một cội nguồn, một gốc rễ xa xăm.

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 3

Rồi vừa đi vừa ca rằng:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những phường bất nghĩa tiêu vong…

hởi đầu ngày thứ 3, chèo qua cửa Đại, bên này là Gò Công Đông, Tiền Giang, bên kia đã là Bình Đại, Bến Tre. Thời tiết 2 hôm nay lặp lại theo một mẫu chung, sáng trời êm, biển lặng, chiều tối có chút mây và mưa nhẹ, nếu có dông cũng chỉ là dông nhỏ, rất thuận lợi cho việc chèo thuyền. Hành trình vượt cửa Đại cũng không có nhiều sóng gió. Nửa đầu tôi chèo đi trong khung cảnh buổi sáng ban mai mờ mịt, yên ắng đến lạ thường, sương mù còn hơi giăng ngang mờ mờ trên mặt biển. Tập trung vào đếm nhịp chèo thầm trong đầu từ 1 đến 100, rồi cứ thế lặp đi lặp lại!

Việc nghỉ ngơi hoàn toàn ngày hôm qua đã chứng tỏ hiệu quả, chèo thuyền đi như trong một bài kinh cầu, tiếng gõ mõ đếm nhịp, hơi thở đều đặn, tâm trí hoàn toàn chuyên chú. Nửa sau của đoạn đường vượt cửa Đại bỗng dưng bị xáo trộn bởi hàng ngàn, hàng ngàn chiếc ghe lưới nhỏ từ cửa sông đổ ra, gây náo loạn cả một vùng biển. Chưa bao giờ tôi thấy ghe thuyền kéo lưới cá nhiều đến thế, chạy đi chạy lại ầm ĩ cả cửa sông, gây ra rất nhiều sóng nhỏ, hơi khó khăn cho việc chèo thuyền chút. Tôi cố gắng chèo nhanh cho qua đoạn giao thông tấp nập này.

Đoạn đường tiếp theo xinh đẹp lạ thường, những bờ biển hoang vắng, những rặng dương, những vạt rau muống biển xanh um. Tuy không thể so với tiêu chuẩn “biển xanh, cát trắng” như ở các tỉnh miền Trung, Nha Trang, Đà Nẵng… nhưng biển miền Tây đôi chỗ cũng có nét đẹp, vẻ thú vị riêng. Suốt một đoạn đường đến cửa sông Mêkong tiếp theo là cửa Ba Lai, cảnh quan đều hoang vắng, nên thơ như thế. Phần đầu thời gian vượt cửa Ba Lai thuận lợi, nhưng nửa sau, trời về chiều, gió mạnh dần lên, sóng cũng theo đó cao chừng 7, 8 tấc, mưa nặng hạt bay lất phất.

Nhắm vào bên kia cửa biển, tôi ra sức chèo, đột nhiên nhận ra mũi tên chỉ hướng trên màn hình của chiếc Garmin chỉ theo một hướng khác, ngược ra cửa biển. Nhận ra ngay ở đây có một dòng chảy mạnh, ước tốc độ phải trên 5 km/h đang đẩy thuyền dạt theo hướng khác. Chỉnh lại tư thế ngồi trở lại ngay ngắn chỉn chu, dồn lực vào mái chèo. Giờ này thuỷ triều đang rút mạnh ra biển, nhưng gió lại thổi mạnh ngược vào hướng cửa sông, gây ra hiện tượng sóng đứng rất khó chịu. Vết lưu đường đi trên Garmin thể hiện một cung tròn, trong khi tôi đang ra sức chèo theo đường thẳng!

Quá 5h 30′ thì qua đến bên kia cửa sông, địa phận của HTX nuôi nghêu Bảo Thuận, Bình Đại, Bến Tre. Đã quá mệt mỏi, tôi vội cắm lều, nấu cơm ăn xong liền chui vào ngủ. Những tưởng yên thân, gần 8h tối bị đánh thức dậy bởi dân phòng và bảo vệ của bãi nuôi nghêu. Họ đưa tôi về trụ sở, thậm chí không nói không rằng còn khiên cả chiếc kayak từ bờ biển lên để đó, rồi tra hỏi tôi là ai, đi đâu, làm gì, vâng vâng… Tôi cố gắng giải thích đơn giản rõ ràng, nhưng họ càng không tin, càng tỏ ra hung hãn. Thấy tình hình không ổn, tôi chủ động nhờ họ gọi công an xã xuống làm việc.

Anh công an trẻ xem xét giấy tờ, hỏi thăm tôi một chút, rồi một cách từ tốn, xoa dịu tình hình. Ảnh bảo rằng anh này chỉ đi du lịch bụi, không làm gì phạm pháp, tuy nhiên không nên ngủ đêm trên bãi nghêu. Sau đó ảnh chở tôi về nhà nghỉ trong xã, chờ mai đi tiếp. Nhờ ảnh kể, tôi mới thực sự hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Trên những bãi nuôi nghêu như thế này, từng xảy ra rất nhiều vụ “nghêu tặc”, hàng chục người dân xứ khác đến công khai cướp nghêu mà người dân địa phương không làm gì được! Nên cũng thông cảm cho cái độ vừa nghi kị, vừa hung hăng của họ!

Ảnh còn giải thích thêm rằng họ (những người nuôi nghêu) nghi bất kỳ ai lạ mặt vào bãi nghêu, vì những “nghêu tặc” thường rải người đi “do thám”, xem bãi nào nhiều nghêu, nghêu to để sau đó tổ chức đi cướp, mỗi lần đi có đến 50, 60 người. Thật sự biết ơn anh công an xã có hiểu biết, mà thái độ cũng rất tử tế. Ông chủ nhà nghỉ trong xã là một giáo viên tiểu học địa phương, cũng rất niềm nở, hiếu khách. Tôi tận dụng cơ hội này để… tắm 😀, đã 3 ngày lê lết ngoài biển, sạc pin điện thoại, sáng hôm sau còn thong thả cafe sáng, vào chợ mua một ít thức ăn, rồi mới xuống lại bờ biển.

Phải đến 10h sáng hôm sau mới có thể bắt đầu ngày thứ 4 của hành trình. Có một chút sơ suất là quên xin số điện thoại của anh công an để gởi đến ảnh một lời cám ơn! Qua cái tai nạn nhỏ này, nhận ra thêm một tính xấu của người Việt, hễ cái gì đụng đến “nồi cơm” là họ liền phản ứng một cách cực đoan thái quá! Cái XH này cần biết bao một cơ chế luật pháp để khuyến khích điều đúng, người tốt, khống chế trừng phạt cái sai, làm minh bạch rõ ràng mọi chuyện, chứ không thể để tình trạng trắng đen lẫn lộn, người dân sống trong nghi kỵ sợ hãi như thế này mãi được!

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 2

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết!

hía bên kia cửa sông, núi Lớn và núi Nhỏ Vũng Tàu hiện bóng rõ nét trên nền trời. Nấu một chút nước sôi, pha vào tô yến mạch (oat), thêm một quả trứng và ít sữa Ông Thọ là đã có một tô “cháo đặc” ngon lành cho bữa sáng. Với những người đi dã ngoại, yến mạch có lẽ là một lựa chọn rất hợp lý, chế biến nhanh, dễ ăn, và cũng chứa khá nhiều calories. Từ đây trở ra đã là biển, cái cảm giác mênh mông chông chênh rất lạ, hứng khởi và kích thích. Xếp lều, gói ghém đồ đạc vào thuyền và chèo đi. Ra đến quá Tân Thành, Gò Công Đông, rác rến bắt đầu giảm dần.

Lại một ngày nắng trong xanh, thời tiết rất tốt vào buổi sáng, biển êm chỉ gợn một chút sóng lăn tăn. Cửa sông, bãi bồi, những rặng đước rừng ngập mặn trải dài ngút tầm mắt, rải rác đây đó là những lá cờ đỏ đánh dấu vùng “biên giới”. Tôi không có ý kiến gì với màu cờ, nhưng thật sự là ác cảm với cách sử dụng chúng tràn lan như thế. Bạn nghĩ sao về một ông chồng trong nhà, suốt ngày đi ra đi vào chỉ tìm cách chứng tỏ: ta là chủ nhân của ngôi nhà này, còn lại không chịu làm gì khác, không làm ăn kiếm tiền nuôi vợ con, xây dựng mở mang nhà cửa!?

Cái hứng khởi đầu ngày nhanh chóng giảm dần qua từng cây số, cảm giác mệt mỏi bắt đầu xuất hiện chỉ sau 2, 3 tiếng chèo thuyền. Trước khi khởi đầu hành trình, tôi cũng đã dự tính rằng phải mất 2, 3 ngày hay hơn thì cơ thể mới bắt đầu quen với cái cường độ làm việc nặng nhọc 10, 12 tiếng chèo thuyền mỗi ngày, mới bắt đầu trơ ra với các chứng đau nhức. Nhưng cũng không ngờ là nó đến nhanh đến thế, nắng trưa bắt đầu hắt xuống, mệt mỏi đến không chịu đựng nổi. Nhưng cũng ráng chèo qua hết cửa Tiểu, cửa đầu tiên trong hành trình vượt 9 cửa sông Mêkong.

Vượt cửa Tiểu không có gì khó khăn, biển lặng, sóng êm, từ bên này sang bên kia chỉ chừng hơn 7 km. Bãi bồi cửa sông trãi dài nhiều cây số, bắt đầu xuất hiện những rặng dương xen lẫn với rừng đước, những nơi lý tưởng để có thể cắm trại, nấu cơm, thưởng ngoạn phong cảnh. Suy nghĩ và quyết định rất nhanh, dừng lại để củng cố lại mọi thứ: sức khoẻ, ăn uống, sinh hoạt, etc… Hành trình đến ngày thứ 2 dừng ở đây, chỉ sau khoảng hơn 4h, 16 km. Tôi hạ trại, nấu và ăn một bữa cơm đầy đủ, rồi ngủ một giấc ngon lành, bù lại cho phần mất ngủ tối hôm qua.

Cả ngày hôm đó, tôi kiểm tra, tổng duyệt lại mọi trang thiết bị. Lều được xếp lại, dựng lên 2, 3 lần cho nó quen động tác, làm sao cho thật gọn ghẽ, để những ngày sau, đến cuối ngày, tôi có thể setup một căn lều thật nhanh, trước khi trời sập tối và đàn muỗi khát máu kia bắt đầu làm việc. Những chiếc Beckson hatches (nắp nhựa khoang hàng) có đường kính rất bé, lọt lòng chỉ hơn 18 cm, nên từng món đồ được lôi ra, xếp gọn, rồi chất lại vào thuyền, cái nào trước, cái nào sau, cái nào hay sử dụng, cái nào ít dùng tới, tất cả đều phải tính toán cho hợp lý.

Hành trình còn rất dài phía trước, dự tính trong trường hợp lý tưởng là 7 hoặc 8 ngày, nhưng tôi mang theo đến 10 ngày đồ ăn, và 5 ngày nước uống (đã dự tính điểm tiếp thêm nước & lương thực dọc đường). Nên không cần phải vội vàng, quan trọng là mọi tính toán, động tác đều phải chính xác, hiệu quả… Phần còn lại trong ngày, một bãi biển hoang vắng, rộng mênh mông không một bóng người, không ai làm phiền mình, cảm giác thanh bình đến lạ. Nằm nghe sóng vỗ rì rào, qua cửa lều, nhìn vầng trăng sắp tròn đang lên, đất trời này là của riêng chỉ mình ta!

Thuỷ triều xuống, bãi bồi mở rộng ra cả cây số. Những người ngư dân tranh thủ nước cạn đi đặt đăng, đó rồi trở về ăn cơm trên những chiếc thuyền của họ, ánh lửa chài lấp lánh trên mặt nước tim tím buổi chiều hôm. Bổng dưng có suy nghĩ về những “thuyền nhân”, những con người sống cả đời trên thuyền, chưa hề có một cơ nghiệp nào trên đất liền. Lẽ đương nhiên là họ không có lựa chọn, nhưng trong một suy nghĩ khác, từ mấy trăm năm nay, họ vẫn sống như thế, có khi nào như một cách thích nghi với những biến động vô thường của cuộc sống này!?

Hình như đâu đó có giọng ai đang ngâm thơ, thơ rằng: Khách có kẻ: Giương buồm giong gió chơi vơi, Lướt bể chơi trăng mải miết. Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương, Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt. Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt. Nơi có người đi, Đâu mà chẳng biết. Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều, Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết… Thế rồi tự mình đọc tiếp cho trọn ý bài phú nổi tiếng năm nào: Rồi vừa đi vừa ca rằng: Sông Đằng một dải dài ghê, Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông. Những phường bất nghĩa tiêu vong… 😀

Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 1

Khách có kẻ: giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.

hức dậy lúc 4h sáng, ăn một gói xôi gà, một ổ bánh mì mua từ tối hôm trước, kiểm tra lại mọi thứ, rồi đẩy chiếc xuồng ra sông. Mực nước triều đang xuống ở mức thấp nhất, bình minh sẽ đến không lâu nữa, bắt đầu chèo chậm rãi, thong thả. Tâm trạng thản nhiên vì cũng đã làm khá nhiều chuyến chèo kayak đi xa, không còn nôn nao, hồi hộp như lần đầu tiên nữa. Rạng đông ngày mới đang lên, ánh dương hồng nhìn xao xuyến lạ, cảnh vật trong veo, báo hiệu một buổi sáng đẹp trời, những chiếc tàu đang neo ngủ, cảnh vật êm đềm tịnh không một tiếng động.

Chèo qua khu cảng Hiệp Phước, đây rồi khúc sông hình chữ S, bổng xuất hiện một vùng sóng đứng (standing wave). Sóng đứng thường xuất hiện ở những nơi có dòng chảy phức tạp, nhiều luồng nước giao nhau, con sóng ít di động, có vẻ như đứng yên một chổ, dựng lên, rồi lại biến mất, cứ như thế. Sóng đứng thường gây rất nhiều khó khăn cho việc chèo thuyền, nhưng cũng may hôm nay chỉ là những con sóng nhỏ, tầm 4, 5 tấc. Dừng lại một chút nói chuyện với những thuỷ thủ một tàu hàng trên sông, rồi chèo tiếp qua bến đò Kinh Lộ.

Qua ngã ba sông Soài Rạp – Vàm Cỏ, kinh nghiệm từ những chuyến đi trước cho biết đây là nơi nhiều sóng to nguy hiểm. Đáng lo hơn, mây đen đang đùn lại một đống thật to trên bầu trời. Không chút mảy may lo ngại, tôi cứ nhắm thẳng hướng đã định mà chèo, chừng 15 phút thì một cơn dông dữ dội ập đến. Gió mạnh dần lên, những con sóng bạc đầu xuất hiện, nâng dần độ cao, 1m rồi 1m5. Từ phía sau lưng, một chiếc xà lan lớn trờ đến, những thuỷ thủ đổ ra nhìn tôi với con mắt ái ngại, nhưng khi không thấy có yêu cầu giúp đỡ gì, họ bèn đi tiếp.

Tắc, tắc, tiếng vỗ vào đáy thuyền khi nó trườn qua sóng. Tôi rất tin vào chiếc Serene – 1 của mình, nó có khả năng đi trong môi trường biến động phức tạp rất tốt. Cứ vững tay chèo tiến lên phía trước, trong lòng không một chút lo sợ, ái ngại. Nhưng dè chừng khả năng mình “quá tự tin”, tôi đưa mắt nhìn về bên kia ngã ba sông, chỗ một chiếc phao tiêu đỏ. Điều chỉnh thuyền sang phải một chút, hướng về phía chiếc phao tiêu. Ngay giữa ngã ba sông, một khối sắt khổng lồ xám xịt, han rỉ, cao bằng toà nhà 5, 6 tầng, rộng cả trăm mét nằm sừng sững ở đó.

Không biết người ta đặt đống sắt vụn ở đó để làm gì. Những cũng không có thời gian, dù chỉ là 1 giây, để chụp ảnh hay quay film ghi lại hình ảnh đó, mọi nỗ lực dồn vào việc chèo chống. Và cũng cố chèo ra xa đống sắt giữa sông ấy một chút. Điều khó chịu đối với những con thuyền nhỏ là những “sóng phản xạ”, khi con sóng đập vào một vật cản lớn, dội ngược trở ra, giao với luồng sóng đến, tạo nên một sự hỗn loạn, lắc lư rất khó chịu. Cái spray – skirt tự chế đã bắt đầu rò rỉ nước, và tôi cũng biết rằng, qua cơn dông này, có khi nước sẽ vào đến hơn 1/3 thuyền.

Cuối cùng thì 4km ngã ba sông Vàm Cỏ ấy cũng đã vượt qua được, sau khoảng 1h 30′ chèo chống, nghĩa là trong cơn dông đó, tôi đi được rất chậm, chỉ khoảng 2.66 km/h. Một tay bám vào chiếc phao tiêu đỏ, tay kia tát nước ra khỏi thuyền, tôi tự nhắc mình rằng đừng bao giờ quá tự tin vào khả năng xoay xở của mình, con đường còn dài và còn nhiều bất trắc phía trước. Trời mưa tầm tã suốt chặng đường còn lại xuôi dòng sông Soài Rạp ra quá Vàm Láng. 2 hoặc 3 lần tôi suýt ngủ gục ngay trong lúc đang chèo, một biểu hiện xuống sức đáng lo ngại của cơ thể.

Có lẽ vì đã mất khá nhiều năng lượng chèo qua cơn dông ban chiều, và vì đã bắt đầu ngấm lạnh. Vội dừng lại, vốc nước lên rửa mặt, châm một điếu thuốc, và nhai vài lát bánh mì tiếp thêm năng lượng. Từ Vàm Láng trở ra là một cảnh tượng dơ bẩn đến kinh tởm, những rừng đước ngập mặn với cơ man nào là rác rến, rác thải ra từ cái thành phố đông dân nhất là Sài Gòn, rác tràn ngập mọi gốc cây, rác ken dày chất cao nhiều mét, rác ngập ngụa khắp nơi, rác và chỉ có rác. Khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trên bờ đê biển để dựng trại, lúc này trời đã sập tối hẳn.

Nấu vội nồi cơm và chui vào lều ngồi ăn. Muỗi dày đặc, chỉ cần vung tay ra là có thể vơ được một nắm, muỗi là điều tôi quên tính đến trong hành trình này. Đêm đầu tiên của chuyến đi, mất ngủ nghiêm trọng vì muỗi cắn, vì ướt át, ngứa ngáy, vì chưa quen với việc sắp xếp mọi chuyện cho hợp lý, và cũng vì cơ thể chưa kịp thích nghi với sự lao lực cả chục tiếng một ngày thế này. 5h sáng thức dậy, tôi ngồi ngây ra cả chục phút ngắm ánh bình minh rạng rỡ đang đến, đã bao nhiêu năm rồi, tôi mới được chứng kiến một quan cảnh đến huyền diệu như thế này!?

tiếng đàn môi sau bờ rào đá

ho những ai say mê cảnh quan, con người vùng đất Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang, những ai đã ghé qua Quản Bạ, Sủng Là, Phố Cáo… đã xem phim Chuyện của Pao, những ai yêu thích con người và văn hoá Mông… Trước khi tới Hà Giang, tôi thường đọc những chuyện về trai gái Mông tỏ tình với nhau, họ dùng đàn môi để nói chuyện, ví dụ như:

Khi người con trai gặp người con gái, họ rút cây đàn môi ra nói chuyện, sau khi nói chuyện, nếu thấy người con trai dễ thương, cô gái rút cây đàn môi trả lời lại rồi hẹn nhau ở một nơi nào đó ở trong làng.

Và gặp nhau, cô gái sẽ nhẹ nhàng rung tiếng đàn môi: Anh là ai? Anh ở đâu đến? Em chưa biết tên, em không nói chuyện…

Đọc những lời mô tả có vẻ rất văn chương ấy, tôi đã nghĩ rằng tác giả chỉ thi vị hoá, nói quá lên về cách giao tiếp, đơn giản là trai gái chỉ thổi sáo, đánh đàn cho nhau nghe, thế thôi! Nhưng đã đến Hà Giang 3 lần, đã gặp và nói chuyện với nhiều người Mông, tôi chợt có suy nghĩ: hay đúng là họ có thể nói chuyện, truyền tải thông tin bằng tiếng đàn thật!?

Xem clip dưới đây, tác giả dùng đàn môi để “nói tiếng Anh”, bạn sẽ hiểu làm sao có thể dùng đàn môi để nói chuyện. Xét đến việc tiếng Mông là một ngôn ngữ có đến 8 hoặc 7 thanh điệu (tuỳ vùng), lời nói nghe còn du dương hơn cả tiếng Việt, không monotone như tiếng Anh. Hãy tưởng tượng trong đêm thanh vắng, những lời tự tình ấy vang đi khắp núi rừng.

Kỹ thuật lồng ghép tiếng nói trong âm nhạc này cũng đã được trình bày bởi TS. Trần Quang Hải, nhưng tiếc là tôi chưa tìm được các tài liệu minh hoạ chính xác. Kỹ thuật này đã được áp dụng ở châu Âu để cho những người có khiếm khuyết về thanh quản có thể “phát âm”, diễn đạt được điều mình muốn nói.

mộc châu

i bảo legging, áo 2 dây, mini jupe đẹp, chứ tui thấy dư lày mới đẹp! 😀 Hai cô gái người Thái đi chợ về (hình chụp trên đường đi từ Mộc Châu lên Yên Châu).

wooven bamboo boat

Nhớ lắm, những hình thuyền này. Trông xa thì y hệt kayak, nhưng thực ra là những chiếc thuyền nan tre, chèo bằng hai cái mái chèo ngắn, nhỏ, và cái dáng điệu ung dung tự tại của những người ngư dân đó nữa.

tiếng đàn tôi

Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời.
Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.
Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời.
Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.

hi ra đây một chuyện thú vị trong chuyến xuyên Việt vừa qua. Thoáng nghe một bà lão (chừng trên 70 tuổi) vừa rửa chén bát, vừa hát bài này ở thành phố Điện Biên Phủ. Dừng xe lại, đúng vào cái khúc: mênh mông lả ơi ấy, và giả vờ hỏi: cụ ơi, cụ đang hát bài gì thế ạ!?, thì nhận được câu trả lời: tôi cũng không nhớ đâu, chỉ hát chơi thế thôi!

Tiếng đàn tôi - Quỳnh Giao 
Tiếng đàn tôi - Thái Hiền 

Cái thú vị là ở chỗ, nghe được một điệu dân ca rất xa xưa, lồng trong một ca khúc cũng đã khá xa xưa, được hát bởi một người cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Và người trình diễn cũng chỉ nhớ và hát nó hoàn toàn tình cờ, thậm chí không còn biết đến tựa đề hay tác giả. Cái sự đi vào lòng người, thấm vào trong tiềm thức, thành công của âm nhạc chính là ở chỗ đó.

Tôi cũng không biết là bài này được phát triển từ điệu dân ca nào, nhưng NS Phạm Duy hẳn là sẽ mỉm cười khi biết chuyện thế này! Nghe thêm cụ Phạm Ngọc Lân đàn và hát bài này dưới đây, và hát đầy đủ cả 2 lời của ca khúc. Còn có thêm một lời ca nữa: Xuân Hương nàng ơi, thuyền về tới bến mê rồi, nhưng lời đó thì chỉ có NS Phạm Duy mới biết mà thôi! 😀

Tiện nói luôn, lặp lại một số điệu phổ biến, kiểu: tình tang nọn tàng tinh, tính tang nọn tang tình (Lý ngựa ô Huế) mà gọi là hiểu dân ca thì… nực cười lắm, cái đó mới gọi là học vẹt thôi. Hiểu thực sự là nắm được những thể phát triển từ dân ca, lần theo được những biến hoá tinh vi của nó. Đó cũng là lý do tại sao các nhạc sĩ hiện đại không sáng tác được dân ca (học vẹt).

Tiếng đàn tôi – Phạm Duy

Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt, với bao tiếng tơ xót thương người. Vì cuộc tình đã chết một đêm nao, lúc trăng hãy còn thơ ấu.

Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi, vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời. Lúc bao nhiêu tiếng cười, rộn ràng chảy về xuôi.

1. Mênh mông lả ơi, thuyền về tới bến mê rồi, khoan khoan hò ơi, dặt dìu trong tiếng đàn tôi. Mênh mông lả ơi, thuyền về bát ngát hương trời, khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi!

Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu hoàng hôn đến cho êm vui người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, thuyền chờ mong gió lên trời, mang theo đàn tôi chảy về đậu bến ngày mai.

2. Mênh mông lả ơi, đường về dương thế xa vời. Khoan khoan hò ơi, lệ sầu rụng xuống đàn tôi. Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời. Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.

Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời. Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.

thị dân ca – phần 4

ái việc nghe, hiểu, cảm dân ca ấy, nó không hề đơn giản một chút nào! Nói thế này nhé, cùng đi học nhạc ở Nga về, cùng sáng tác thính phòng giao hưởng, cùng lấy dân ca làm cảm hứng, nhưng Cao Việt Bách và Nguyễn Tài Tuệ theo tôi ở hai level hoàn toàn khác nhau! Cái gì gây nên sự khác biệt như thế!? Có bao nhiêu nhạc sĩ đương thời sáng tác được theo phong cách dân ca, sáng tác thật sự ấy, chứ không phải là copy & paste!? Hình như là không có ai, đừng kể với tôi những loại chim đa đa, đậu cành đa, lấy chồng xa nhé. Và trong suốt chiều dài lịch sử âm nhạc gần cả trăm năm qua, có bao nhiêu nhạc sĩ thành danh dựa trên dân ca cổ truyền Việt Nam? Con số ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi!

Tôi không phải là một nhạc sĩ, thậm chí cũng chưa phải là một người nghe nhạc nghiêm chỉnh! Mỗi năm tôi mở loa lên để thực sự nghe nhạc không đến… chục lần! Nhưng có thể nói tôi là một người nghe khó tính, rất khó tính! Và đơn giản là… dân ca, âm nhạc cổ truyền Việt Nam không hề đơn giản một chút nào. Cảm, hiểu được tất cả những sự phong phú đa dạng của nó, để từ đó thoát thai, sáng tạo nên những điều mới… còn khó hơn lên trời! Mà có cảm giác như cái thế hệ có cái khả năng làm được điều đó đã khuất núi hết cả rồi, giờ chẳng còn ai đâu. Tôi than thở cũng không để chỉ trích ai cả, chỉ là cảm thấy cái “generation continuity”, tính kế thừa, kế tục giữa các thế hệ rõ ràng là đang, nếu không muốn nói là đã chết!

Với những gì ít ỏi còn sót lại, không khéo lớp trẻ sau này sẽ nghĩ rằng cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ chính là dân ca Việt! Nhưng đó còn là khả năng tươi sáng, tệ hơn thế, không khéo nhiều người sẽ nghĩ rằng một số loại nhạc ung nhọt của xã hội, những thứ bệnh hoạn, quái thai ngâm giấm của thời những năm 60, 70 của thế kỷ trước chính là nhạc cổ truyền Việt! Thực ra tôi nghĩ rằng giới chuyên môn thừa sức hiểu những vấn đề như thế, nhưng vì các động cơ chính trị, kinh tế, xã hội, vẫn cứ tiếp tục mị dân, vờ vịt, bằng cách này hay cách khác. Nói như Trịnh Công Sơn: Em chưa thấy quê hương thanh bình, em chưa biết xưa kia Việt Nam, em chưa hát ca dao một lần… đến tận bây giờ vẫn đúng lắm thay!

 

Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, Tết Bính Thân, 2016



thị dân ca – phần 3

ó hôm ngồi nói chuyện với một người về Phạm Duy (PD), huyên thuyên đủ điều, hỏi: thế anh thích nghe những bản nào của PD, đáp: uh, thì Cây đàn bỏ quên, hỏi tiếp: rồi còn gì nữa?, ú ớ không trả lời được ⇐ Loại 1: chỉ lặp lại như con vẹt một số điều mà người khác mớm cho nói chứ chưa thật sự tìm hiểu bao giờ, đây là loại thô thiển nhất. Dưới đây tôi sẽ chỉ ra thêm một vài cách nữa, để phân biệt loại thực với loại “giả cầy”. Một hôm khác: tôi thích nhạc của Văn Cao, với một số người nữa như Vinh Sử, Chế Linh, đứng dậy bỏ về không một lời giải thích! ⇐ Loại 2: không phân biệt được nhạc hay với loại nhảm nhí, tầm phào, cũng chỉ là nghe tán láo ở đâu đó, trường hợp này cũng không có gì phải bàn cãi !

Loại 3, hỏi: anh cảm thấy thế nào về bài ABC của nhạc sĩ XYZ?, trả lời: uh, thì lời ca thế này thế kia!, cũng đứng dậy đi về không cần giải thích! Nó thế này nhé, giả sử một cô gái cực kỳ xinh đẹp đang đi đến, hỏi anh thấy cô gái thế nào, thì anh lại khen cái áo cô ấy mặc đẹp, anh không thấy được gì khác bên dưới cái áo sao!? 😬 Loại 4: tôi thích dân ca của PD, kiểu như: Nước non ngàn dặm ra đi, Phố buồn… Tôi cười thầm trong bụng, PD ông rất khéo, bày ra một vài bài nhạc thuộc loại “easy listening”, cố tình gây cho anh cái ảo tưởng sai lầm, để cho anh được thoả mãn: ah, ta đã biết rồi, PD là như thế! Tốt hơn nên như thế, chứ có trình bày các khía cạnh tinh tế trong âm nhạc của ông thì anh cũng đâu có hiểu!

Loại 5: tôi thích Trần Văn Khê, nhất là 6 câu vọng cổ Nam bộ, hỏi: thế anh thích cái gì ở dân ca Bắc bộ?, đáp: tôi không quan tâm! ⇐ không có một sự thông hiểu truyền thống thực sự nào mà lại bo bo thủ cựu, không dám chấp nhận sự khác biệt, nhất là ở ngay cùng trong một nước. Loại 6: tôi mê dân ca Việt Nam, hỏi: thế anh còn thích dân ca nước láng giềng nào khác? đáp: tôi không biết! ⇐ không có một sự hiểu biết truyền thống đích thực nào mà không dám học hỏi cái mới, chỉ lặp lại những điều sáo rỗng như con vẹt. Và đã thấy có muôn ngàn loại khác, tất thảy đều không cần đến 3 giây để nhận ra! Đôi điều về “thị dân” và “thị dân ca”, có ai thấy chúng ta có quá nhiều loại “giả cầy” không nhỉ!? 😀