tiếng đàn môi sau bờ rào đá

ho những ai say mê cảnh quan, con người vùng đất Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang, những ai đã ghé qua Quản Bạ, Sủng Là, Phố Cáo… đã xem phim Chuyện của Pao, những ai yêu thích con người và văn hoá Mông… Trước khi tới Hà Giang, tôi thường đọc những chuyện về trai gái Mông tỏ tình với nhau, họ dùng đàn môi để nói chuyện, ví dụ như:

Khi người con trai gặp người con gái, họ rút cây đàn môi ra nói chuyện, sau khi nói chuyện, nếu thấy người con trai dễ thương, cô gái rút cây đàn môi trả lời lại rồi hẹn nhau ở một nơi nào đó ở trong làng.

Và gặp nhau, cô gái sẽ nhẹ nhàng rung tiếng đàn môi: Anh là ai? Anh ở đâu đến? Em chưa biết tên, em không nói chuyện…

Đọc những lời mô tả có vẻ rất văn chương ấy, tôi đã nghĩ rằng tác giả chỉ thi vị hoá, nói quá lên về cách giao tiếp, đơn giản là trai gái chỉ thổi sáo, đánh đàn cho nhau nghe, thế thôi! Nhưng đã đến Hà Giang 3 lần, đã gặp và nói chuyện với nhiều người Mông, tôi chợt có suy nghĩ: hay đúng là họ có thể nói chuyện, truyền tải thông tin bằng tiếng đàn thật!?

Xem clip dưới đây, tác giả dùng đàn môi để “nói tiếng Anh”, bạn sẽ hiểu làm sao có thể dùng đàn môi để nói chuyện. Xét đến việc tiếng Mông là một ngôn ngữ có đến 8 hoặc 7 thanh điệu (tuỳ vùng), lời nói nghe còn du dương hơn cả tiếng Việt, không monotone như tiếng Anh. Hãy tưởng tượng trong đêm thanh vắng, những lời tự tình ấy vang đi khắp núi rừng.

Kỹ thuật lồng ghép tiếng nói trong âm nhạc này cũng đã được trình bày bởi TS. Trần Quang Hải, nhưng tiếc là tôi chưa tìm được các tài liệu minh hoạ chính xác. Kỹ thuật này đã được áp dụng ở châu Âu để cho những người có khiếm khuyết về thanh quản có thể “phát âm”, diễn đạt được điều mình muốn nói.