Hành trình kayak qua 9 cửa sông Mekong, June, 2016, ngày 4

Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi…

uất phát trễ lúc khoảng 10h sáng, nên phải băng qua cửa Hàm Luông trong cái nắng trưa chói chang. Cửa sông không rộng lắm, tầm 4, 5 km, có một chút sóng và gió nhưng cũng không có gì quá khó khăn. Nhắm thẳng căn nhà gạch duy nhất phía bên kia sông mà chèo, hơi hướng vào bên trong cửa sông một chút để tránh phải đi song song với luồng sóng vỗ. Nói thêm một chút về độ ổn định của sea – kayak trong sóng gió… những khái niệm sau đây rất phổ biến trong thế giới kayak, nhưng chưa chắc đã đúng và áp dụng được với những loại thuyền khác.

Độ ổn định – stability của kayak được chia làm 2 khúc: primary stability (PS) và secondary stability (SS). PS là cái cảm nhận đầu tiên ngay lúc ngồi vào thuyền, còn SS là độ ổn định khi thuyền đã nghiêng, thường là quá 20 độ. Với những người mới tập chèo, PS rất quan trọng, ngồi vào con thuyền tròng trành là đã gây tâm lý lo sợ, nhưng với sea – kayak, PS không quá quan trọng, chính SS mới là yếu tố quyết định đặc tính của con thuyền trong sóng to gió lớn. Phần nhiều sea – kayak có PS thấp, nhưng SS lại cao, nên cũng thường gây ra cảm giác không an toàn cho người mới chơi.

Cũng vì thế nên mới có cái nhận định nghe hơi ngược đời: thuyền ổn định trong lúc sóng to gió lớn hơn là lúc nước phẳng lặng. Nhưng thực ra điều đó là đúng, những chiếc recreational – kayak thường rất ổn định trên nước êm, nhưng ra sóng gió thường lắc lư rất nhiều, còn sea – kayak có vẻ như là rất bất ổn, nhưng chính cái bất ổn ấy là điều cần thiết trong môi trường nhiều biến động. Nghe có vẻ giống như câu châm ngôn Latin của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển: Mobilis in mobili – Linh hoạt trong môi trường linh hoạt 😀.

Suy nghĩ về thiết kế kayak một lúc thì đã qua đến bờ bên kia lúc nào không biết, ghé vào căn nhà gạch ngồi nghỉ, hoá ra đó là trụ sở của HTX nuôi nghêu Thắng Lợi (vâng, những cái tên: Thắng Lợi, Huy Hoàng… nghe cứ oang oang, nhưng mỗi xã viên có lúc đã được chia lợi nhuận 200 ngàn VND một người một năm 😢). Ăn trưa xong (bánh mì, cá hộp và 2 trái chuối), rồi lại tiếp tục chèo đi, rẽ ngoặt từ hướng Đông Nam sang Tây Nam, từ huyện Thạnh Phú sang huyện Thạnh Hải. Ngoài xa xa, cứ cách 2, 3 cây số lại thấy bố trí một chiếc thuyền nhỏ, cách quãng rất đều đặn.

Với ai đã hiểu chuyện thì biết ngay đó là những thuyền của dân nuôi nghêu nằm cảnh giới, canh gác trên khắp địa bàn của họ. Chiếc điện thoại quên tắt máy để trong túi chống nước nằm trong ba lô phía sau thuyền thỉnh thoảng lại kêu, chắc là có một số cuộc gọi và tin nhắn đến, nhưng không thể trả lời được. Cứ chăm chú chèo, chẳng mấy chốc đã đến biển Cồn Bửng. Từ trong bờ có hai người đứng vẫy vẫy tay, lại gần mới biết là anh Đỗ Nguyên Ái cùng vợ. Anh đã chạy từ Sài Gòn xuống tp. Bến Tre, rồi chạy tiếp thêm 70km đến Thạnh Hải này để mang cho tôi một số đồ tiếp tế!

Hết sức cảm kích trước sự quan tâm và nhiệt tình của vợ chồng anh. Anh Phạm Vũ Nguyên, một người chưa quen biết, gởi hỗ trợ tôi ba gói lương khô cùng với một chiếc đèn pin của thợ lặn. Vợ chồng anh Ái mang cho tôi một hộp cơm, chôm chôm, chai thuốc chống muỗi, pin cho đèn và một số vật dụng khác… Thật là rất bất ngờ và cảm động, anh đã không ngại xa xôi, cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ tôi, mà đã chọn đúng vị trí và ngồi chờ cho đến khi tôi chèo ngang qua! Buổi tối đó không phải nấu cơm, ngồi ăn hộp cơm chiên Dương Châu, ngon lành và sung sướng! 😀

Rút kinh nghiệm chiều tối hôm vừa rồi, hôm nay, bên bờ cửa biển Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, neo buộc thuyền xong, tôi chọn chỗ cắm trại, sau đó tìm gặp một số người dân địa phương, trình bày, xin phép được ngủ qua đêm trên bãi biển. Vùng này vẫn là những bãi nuôi nghêu, nhưng canh tác theo lối tự nhiên, chứ không công nghiệp hoá như một số vùng đã đi qua. Chủ đất sau khi hỏi han kỹ, cũng đã vui vẻ đồng ý. Chừng 8h tối lúc chuẩn bị ngủ thì một anh công an xã xuất hiện, kiểm tra giấy tờ theo thông lệ và: tôi cấp cho anh quyền tạm trú một đêm trên bãi biển! 😬

Suy nghĩ miên man trước khi chìm vào giấc ngủ, những người nông dân, ngư dân quê ta cơ bản vẫn là những con người hồn hậu, tốt bụng. Thậm chí họ còn khá “timid”, ngại giao tiếp khi mới gặp gỡ, nhưng bắt chuyện được rồi thường rất niềm nở và quan tâm. Chỉ có một số ít những anh dân phòng say rượu luôn tìm cách đánh người, một số kẻ luôn rình mò, phá hoại người khác. Thực ra chúng ta, về suy nghĩ và nhận thức có khác nhau, nhưng những vết chân trần in trên cát này, giữa tôi và anh, đều như nhau, đều chia xẻ chung một cội nguồn, một gốc rễ xa xăm.