bắc hành – 2017, phần 14

i tích lịch sử gắn liền với nhà Trần ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh này nhiều vô số kể, ấy là còn chưa nói đến 2 tỉnh ở tương đối gần đó là Thái Bình và Nam Định… Nằm giữa Côn Sơn và Yên Tử, cách nhau chỉ độ 30, 40 km là Quỳnh Lâm, ngôi chùa cuối trong 3 ngôi chùa trung tâm gắn liền với Trúc Lâm tam tổ: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang. Đứng lặng hồi lâu trước cái tháp chuông quá đẹp của chùa Quỳnh Lâm (đang trong giai đoạn trùng tu).

Từ nhỏ đến lớn, đã đi rất nhiều chùa, nhà thờ, cũng như các loại đền miếu… Ấy thế mà chưa bao giờ thắp một cây nhang, chưa bao giờ vái một vái, và cũng chưa bao giờ cầu xin bất kỳ một điều gì. Chẳng phải Thiền tông có câu: Phùng Phật sát Phật, Phùng Tổ sát Tổ – gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ đó sao!? Cái loại “siêu việt logic” này hẳn nghe không lọt tai nhiều người! 😀 Trong suy nghĩ của tôi, “Phật giáo” về bản chất là vô thần, thậm chí nó còn không phải là một tôn giáo!

Côn Sơn, Yên Tử & Quỳnh Lâm là 3 ngôi chùa trung tâm của Trúc Lâm phái, cả 3 đều đều bắt nguồn từ chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang (chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn cũng là từ Vĩnh Nghiêm Bắc Giang mà ra). Mặt chính tháp chuông có tấm hoành phi đề: Quỳnh Lâm đại thiền môn, nơi đây ngày trước là một học viện Phật giáo được xây dựng với quy mô rất lớn, nhưng giờ đây vết tích chỉ còn mỗi cái tháp chuông này là đáng lưu ý. Bên trong hậu điện thờ ba tượng rất đẹp của Trúc Lâm tam tổ.

Hành trình tiếp tục đi về phía thị xã Quảng Yên cách đó không xa, về một điểm đã định trước là làng nghề đóng tàu cổ tại Cống Mương, phường Phong Hải, đảo Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh. Đây là nơi đóng tàu thuyền nổi tiếng của vịnh Bắc bộ, mà điển hình là mẫu tàu “ba vách” chạy buồm cánh dơi. Không chỉ được xem những mô hình thu nhỏ, quý hoá nhất là ngay tại xưởng của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn, sừng sững một chiếc “ba vách” thật, dài 11 mét, đang được đóng gần hoàn thiện.

Tôi như đứng sững lại trước một vật thể cực đẹp, những đường cong (line – tuyến hình) của một thân thuyền mà theo như nhận xét của tôi, kinh nghiệm đóng thuyền dân gian Việt Nam đã đúc kết lại được một dạng vỏ tàu đặc trưng mà khi đi kèm với buồm cánh dơi (junk rig) tạo nên một con thuyền buồm hoàn hảo! Cuộc trò chuyện với bác nghệ nhân đóng thuyền cũng làm rõ thêm nhiều chi tiết về cột, buồm, cách đi dây, mái chèo, tời… và như nhiều chi tiết trên thuyền khác.

bắc hành – 2017, phần 13

hận thấy một loạt những di tích lịch sử gắn liền với nhà Trần nằm kề cận nhau trong địa bàn 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, bèn quyết định đi thăm cho được đầy đủ, nhất là những ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Nằm cách Côn Sơn chỉ độ 50 km là Yên Tử, một đỉnh núi cao trên 1000 m thuộc vòng cung Đông Triều. Quyết định leo lên đỉnh Yên Tử cũng khá là ngẫu hứng nên phần nào… đã không lường trước hết được những khó khăn của chặng đường.

Con đường lên đỉnh núi chỉ dài khoảng 6 km, những bậc thang được xây dựa vào sườn núi, gần đỉnh là đường đi trên những mỏm đá, nhưng có chút ít tôn tạo, xây dựng của bàn tay con người để dễ đi hơn. Mất hơn 6 tiếng đồng hồ cả đi và về trên con đường chỉ 6 km ấy, đơn giản vì rất nhiều đoạn là… dốc đứng. Đường lên Yên Tử không dành cho người có sức khoẻ kém, ngay cả khi bạn đi bằng cáp treo, vì 2 hệ thống cáp treo nối tiếp nhau chỉ giúp tiết kiệm được khoảng 60% quãng đường.

Rải rác từ chân lên đỉnh núi là những ngôi chùa nhỏ, và những cụm bảo tháp, nơi chôn cất tro cốt của các chư tăng tiền bối… mà nổi bật nhất là của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trúc Lâm đệ nhất tổ, và hai vị tổ đời thứ 2, thứ 3 là Pháp Loa và Huyền Quang. Những ngọn tháp đá, gạch đơn sơ nằm lưng chừng núi, những cây thông, tùng, sứ (hoa đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cảnh tượng tịch liêu mà thanh nhã lạ thường. Chùa Hoa Yên nằm lưng chừng núi, tuy là kiến trúc trung tâm, lớn nhất của Yên Tử.

Nhưng thực ra, Hoa Yên chỉ là một công trình tương đối nhỏ, đơn giản, mộc mạc, chính điện hình chữ công và tả vu, hữu vu ở hai bên. Nhưng trong mắt tôi, chính những công trình nhỏ, nguyên bản như thế mới phản ánh đúng lịch sử, và mới toát lên vẻ đẹp của một chốn Thiền môn linh thiêng ngày xưa. Từ chùa Hoa Yên trở lên, có một số công trình hiện đại đang được xây dựng quy mô rất lớn, rất bề thế, như tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc nguyên khối bằng đồng nặng trên 130 tấn…

Một trong những điều tốt đẹp mà Yên Tử còn giữ được, nhờ bởi uy linh của đức Phật hoàng, chính là cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, những rặng tùng cổ thụ, những rừng trúc xanh mướt. Cái tên Trúc Lâm chính là bắt nguồn từ những rừng trúc này, một giống trúc thanh cảnh, thân nhỏ chỉ bằng ngón tay, ngón chân. Gần đỉnh có thể thấy rất nhiều cây hoa trà my cổ thụ, thật tiếc mới chỉ đang mùa kết nụ. Có lẻ đó là một ân hạnh tuyệt vời nhất, cho những ai hành hương Yên Tử trong mùa hoa trà my nở!

bắc hành – 2017, phần 12

au nhiều do dự và cân nhắc, hành trình quyết định xuôi về miền đồng bằng thay vì miền núi. Cách Lạng Sơn không xa là Hải Dương, một tỉnh với nhiều di tích gắn liền với nhà Trần và nhất là Phật giáo thời Trần… Hành trình xuôi Nam lại đi qua địa phận ải Chi Lăng như năm ngoái, một vùng nay trồng nhiều mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na), đến địa phận thị trấn Kép & Vôi (Bắc Giang) thì vào quốc lộ 37 đi về phía Chí Linh, mà sườn tây của thị xã là vùng Vạn Kiếp, thái ấp của Hưng Đạo vương xưa kia.

Vạn Kiếp nằm không xa Lục Đầu giang, là nơi hội tụ của 6 con sông: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình. Phải đến đây thì mới hiểu những ghi chép mơ hồ, thiếu chi tiết thực tế trong sử sách về 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của nhà Trần, phần nhiều các trận đánh lớn đều diễn ra trên địa hình sông, đầm lầy, biển để lợi dụng sức mạnh của thuỷ binh, thế mạnh của nhà Trần, và hạn chế, né tránh bớt sức mạnh của kỵ binh Mông Cổ.

Ghé thăm đền Kiếp Bạc, thuộc địa phận 2 làng Kiếp và Bạc, thái ấp xưa kia của Hưng Đạo Vương. Dù đền thờ Trần Quốc Tuấn có tại rất nhiều nơi trên khắp cả nước (như đền Trần ở Nam Định), nhưng thiết nghĩ đền Kiếp Bạc ở Vạn Kiếp này mới là công trình tiêu biểu nhất. Dù thời gian đã xoá mờ phần nhiều những đường nét hoa văn, trang trí, những nét chữ xưa, nhưng đại để cũng hình dung ra được phần nào địa thế rất đẹp của công trình, trong chính điện, 1 tấm hoành phi lớn đề: Trần triều hiển thánh.

Cách đền Kiếp Bạc không xa là chùa Côn Sơn, công trình gắn liền với Nguyễn Trãi, người chọn nơi đây là nơi an dưỡng, trí sĩ những năm cuối đời. Nhưng chùa Côn Sơn ra đời từ rất lâu trước thời Nguyễn Trãi, Côn Sơn, cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm là 3 trung tâm lớn của Trúc Lâm thiền phái thời Trần. Chùa Côn Sơn phải nói là ngôi chùa cổ đẹp và hoành tráng nhất mà tôi từng thăm thú, dĩ nhiên không kể các công trình chùa chiền xây bằng kỹ thuật hiện đại (bê – tông giả gỗ) sau này.

Chùa nằm dưới chân một ngọn núi thấp, địa thế rộng rãi, bằng phẳng, tiền môn, cổng chính, tiền điện vẫn là những công trình cổ được tôn tạo lại. Nhưng chính điện và hậu điện đã không còn tồn tại được với thời gian, và đã được xây dựng mới dựa trên nguyên bản cũ, từ hình dáng cho đến kích thước, nên đại khái tạo nên một cảnh quan rộng rãi, hài hoà, đẹp mắt. Đứng giữa sân chùa này, tự dưng nhớ và đọc lại được suôn sẻ nguyên bản Hán Văn của Côn Sơn ca, một bài ngỡ đã quên từ lâu! 😀

bắc hành – 2017, phần 11

ời Trà Cổ nhưng trong lòng vẫn không hết băn khoăn tại sao những cộng đồng di dân rải rác dọc khắp bờ biển Việt Nam đều mang một đặc tính chung là rất cô lập và cực kỳ bảo thủ, những ngữ âm địa phương ít nhiều giống nhau được bảo lưu với rất ít đổi thay trong suốt hơn 500, 600 năm lịch sử. Trong khi đó, những cộng đồng di dân về phía miền núi lại thường hoà nhập vào với môi trường bản địa tốt hơn, trong suy nghĩ của tôi, lý ra, điều ngược lại đúng hơn mới phải!?

Đã đến với Trà Cổ, Móng Cái, vùng đất địa đầu tổ quốc, hành trình quay ngược lại theo quốc lộ 4B đi về phía Lạng Sơn, cách không xa chỉ chừng hơn 100 km. Nhưng trước khi đến thành phố Lạng Sơn, ghé qua bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, nơi vẫn còn lưu giữ một ít lịch sử di dân của tộc Việt. Ở miền biên viễn này, có những thôn xóm nhìn vào như là của người Tày, từ nhà ở, trang phục cho đến phong tục tập quán… nhưng cư dân ở đó lại không nói tiếng Tày, chỉ nói tiếng Việt.

Đó là con cháu của những cư dân Việt di cư đến nhiều thế kỷ trước, như nhà họ Vi, vốn gốc Đông Thành, Nghệ An, chuyển đến châu Lộc Bình này từ thời Lê Lợi. Đến đời cụ tổng đốc Vi Văn Định là 14 đời làm thổ ti cai quản xứ Cao Lạng (Cao Bằng, Lạng Sơn). Đó là một chính sách giữ đất nhất quán của các triều đại phong kiến xưa, di dân người Việt, dùng người miền núi quản mặt núi, dùng người miền biển giữ mặt biển! Sau bao thời gian chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn duy nhất một chiếc cổng!

Bản Chu nằm trong một thung lũng nhỏ sườn đông nam của đỉnh núi Mẫu Sơn, một cộng đồng Tày – Việt với nhiều di tích hoang tàn (bản bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh biên giới năm 1979, nằm cách đường biên chỉ tầm 6, 7 km theo đường chim bay), nhưng vẫn còn đây đó một số vết tích cổ: giếng nước, tường thành, bờ ao, các công trình phòng thủ… Và nhất là những ngôi nhà cổ xây gạch hai tầng khang trang bề thế, tất cả giúp hình dung nên những nề nếp sinh hoạt xưa.

Hành trình tạm dừng đón Tết ít ngày ở thành phố Lạng Sơn, thời gian trôi qua ở thành phố “mậu biên” này, những tiếp xúc nhiều hơn với người địa phương, những cảm nhận thực hơn về cuộc sống, những mối quan tâm của giới trẻ, những suy nghĩ toan tính của lớp già… Có nhiều cân nhắc về những chặng kế tiếp của hành trình, có một sự phân vân không hề nhẹ giữa ước muốn đi lên miền núi đầy màu sắc ở phía Bắc, hay xuôi về những cộng đồng Việt giàu truyền thống ở đồng bằng…