bắc hành – 2017, phần 14

i tích lịch sử gắn liền với nhà Trần ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh này nhiều vô số kể, ấy là còn chưa nói đến 2 tỉnh ở tương đối gần đó là Thái Bình và Nam Định… Nằm giữa Côn Sơn và Yên Tử, cách nhau chỉ độ 30, 40 km là Quỳnh Lâm, ngôi chùa cuối trong 3 ngôi chùa trung tâm gắn liền với Trúc Lâm tam tổ: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang. Đứng lặng hồi lâu trước cái tháp chuông quá đẹp của chùa Quỳnh Lâm (đang trong giai đoạn trùng tu).

Từ nhỏ đến lớn, đã đi rất nhiều chùa, nhà thờ, cũng như các loại đền miếu… Ấy thế mà chưa bao giờ thắp một cây nhang, chưa bao giờ vái một vái, và cũng chưa bao giờ cầu xin bất kỳ một điều gì. Chẳng phải Thiền tông có câu: Phùng Phật sát Phật, Phùng Tổ sát Tổ – gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ đó sao!? Cái loại “siêu việt logic” này hẳn nghe không lọt tai nhiều người! 😀 Trong suy nghĩ của tôi, “Phật giáo” về bản chất là vô thần, thậm chí nó còn không phải là một tôn giáo!

Côn Sơn, Yên Tử & Quỳnh Lâm là 3 ngôi chùa trung tâm của Trúc Lâm phái, cả 3 đều đều bắt nguồn từ chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang (chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn cũng là từ Vĩnh Nghiêm Bắc Giang mà ra). Mặt chính tháp chuông có tấm hoành phi đề: Quỳnh Lâm đại thiền môn, nơi đây ngày trước là một học viện Phật giáo được xây dựng với quy mô rất lớn, nhưng giờ đây vết tích chỉ còn mỗi cái tháp chuông này là đáng lưu ý. Bên trong hậu điện thờ ba tượng rất đẹp của Trúc Lâm tam tổ.

Hành trình tiếp tục đi về phía thị xã Quảng Yên cách đó không xa, về một điểm đã định trước là làng nghề đóng tàu cổ tại Cống Mương, phường Phong Hải, đảo Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh. Đây là nơi đóng tàu thuyền nổi tiếng của vịnh Bắc bộ, mà điển hình là mẫu tàu “ba vách” chạy buồm cánh dơi. Không chỉ được xem những mô hình thu nhỏ, quý hoá nhất là ngay tại xưởng của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn, sừng sững một chiếc “ba vách” thật, dài 11 mét, đang được đóng gần hoàn thiện.

Tôi như đứng sững lại trước một vật thể cực đẹp, những đường cong (line – tuyến hình) của một thân thuyền mà theo như nhận xét của tôi, kinh nghiệm đóng thuyền dân gian Việt Nam đã đúc kết lại được một dạng vỏ tàu đặc trưng mà khi đi kèm với buồm cánh dơi (junk rig) tạo nên một con thuyền buồm hoàn hảo! Cuộc trò chuyện với bác nghệ nhân đóng thuyền cũng làm rõ thêm nhiều chi tiết về cột, buồm, cách đi dây, mái chèo, tời… và như nhiều chi tiết trên thuyền khác.