bắc hành – 2017, phần 12

au nhiều do dự và cân nhắc, hành trình quyết định xuôi về miền đồng bằng thay vì miền núi. Cách Lạng Sơn không xa là Hải Dương, một tỉnh với nhiều di tích gắn liền với nhà Trần và nhất là Phật giáo thời Trần… Hành trình xuôi Nam lại đi qua địa phận ải Chi Lăng như năm ngoái, một vùng nay trồng nhiều mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na), đến địa phận thị trấn Kép & Vôi (Bắc Giang) thì vào quốc lộ 37 đi về phía Chí Linh, mà sườn tây của thị xã là vùng Vạn Kiếp, thái ấp của Hưng Đạo vương xưa kia.

Vạn Kiếp nằm không xa Lục Đầu giang, là nơi hội tụ của 6 con sông: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình. Phải đến đây thì mới hiểu những ghi chép mơ hồ, thiếu chi tiết thực tế trong sử sách về 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của nhà Trần, phần nhiều các trận đánh lớn đều diễn ra trên địa hình sông, đầm lầy, biển để lợi dụng sức mạnh của thuỷ binh, thế mạnh của nhà Trần, và hạn chế, né tránh bớt sức mạnh của kỵ binh Mông Cổ.

Ghé thăm đền Kiếp Bạc, thuộc địa phận 2 làng Kiếp và Bạc, thái ấp xưa kia của Hưng Đạo Vương. Dù đền thờ Trần Quốc Tuấn có tại rất nhiều nơi trên khắp cả nước (như đền Trần ở Nam Định), nhưng thiết nghĩ đền Kiếp Bạc ở Vạn Kiếp này mới là công trình tiêu biểu nhất. Dù thời gian đã xoá mờ phần nhiều những đường nét hoa văn, trang trí, những nét chữ xưa, nhưng đại để cũng hình dung ra được phần nào địa thế rất đẹp của công trình, trong chính điện, 1 tấm hoành phi lớn đề: Trần triều hiển thánh.

Cách đền Kiếp Bạc không xa là chùa Côn Sơn, công trình gắn liền với Nguyễn Trãi, người chọn nơi đây là nơi an dưỡng, trí sĩ những năm cuối đời. Nhưng chùa Côn Sơn ra đời từ rất lâu trước thời Nguyễn Trãi, Côn Sơn, cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm là 3 trung tâm lớn của Trúc Lâm thiền phái thời Trần. Chùa Côn Sơn phải nói là ngôi chùa cổ đẹp và hoành tráng nhất mà tôi từng thăm thú, dĩ nhiên không kể các công trình chùa chiền xây bằng kỹ thuật hiện đại (bê – tông giả gỗ) sau này.

Chùa nằm dưới chân một ngọn núi thấp, địa thế rộng rãi, bằng phẳng, tiền môn, cổng chính, tiền điện vẫn là những công trình cổ được tôn tạo lại. Nhưng chính điện và hậu điện đã không còn tồn tại được với thời gian, và đã được xây dựng mới dựa trên nguyên bản cũ, từ hình dáng cho đến kích thước, nên đại khái tạo nên một cảnh quan rộng rãi, hài hoà, đẹp mắt. Đứng giữa sân chùa này, tự dưng nhớ và đọc lại được suôn sẻ nguyên bản Hán Văn của Côn Sơn ca, một bài ngỡ đã quên từ lâu! 😀