bắc hành – 2017, phần 11

ời Trà Cổ nhưng trong lòng vẫn không hết băn khoăn tại sao những cộng đồng di dân rải rác dọc khắp bờ biển Việt Nam đều mang một đặc tính chung là rất cô lập và cực kỳ bảo thủ, những ngữ âm địa phương ít nhiều giống nhau được bảo lưu với rất ít đổi thay trong suốt hơn 500, 600 năm lịch sử. Trong khi đó, những cộng đồng di dân về phía miền núi lại thường hoà nhập vào với môi trường bản địa tốt hơn, trong suy nghĩ của tôi, lý ra, điều ngược lại đúng hơn mới phải!?

Đã đến với Trà Cổ, Móng Cái, vùng đất địa đầu tổ quốc, hành trình quay ngược lại theo quốc lộ 4B đi về phía Lạng Sơn, cách không xa chỉ chừng hơn 100 km. Nhưng trước khi đến thành phố Lạng Sơn, ghé qua bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, nơi vẫn còn lưu giữ một ít lịch sử di dân của tộc Việt. Ở miền biên viễn này, có những thôn xóm nhìn vào như là của người Tày, từ nhà ở, trang phục cho đến phong tục tập quán… nhưng cư dân ở đó lại không nói tiếng Tày, chỉ nói tiếng Việt.

Đó là con cháu của những cư dân Việt di cư đến nhiều thế kỷ trước, như nhà họ Vi, vốn gốc Đông Thành, Nghệ An, chuyển đến châu Lộc Bình này từ thời Lê Lợi. Đến đời cụ tổng đốc Vi Văn Định là 14 đời làm thổ ti cai quản xứ Cao Lạng (Cao Bằng, Lạng Sơn). Đó là một chính sách giữ đất nhất quán của các triều đại phong kiến xưa, di dân người Việt, dùng người miền núi quản mặt núi, dùng người miền biển giữ mặt biển! Sau bao thời gian chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn duy nhất một chiếc cổng!

Bản Chu nằm trong một thung lũng nhỏ sườn đông nam của đỉnh núi Mẫu Sơn, một cộng đồng Tày – Việt với nhiều di tích hoang tàn (bản bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh biên giới năm 1979, nằm cách đường biên chỉ tầm 6, 7 km theo đường chim bay), nhưng vẫn còn đây đó một số vết tích cổ: giếng nước, tường thành, bờ ao, các công trình phòng thủ… Và nhất là những ngôi nhà cổ xây gạch hai tầng khang trang bề thế, tất cả giúp hình dung nên những nề nếp sinh hoạt xưa.

Hành trình tạm dừng đón Tết ít ngày ở thành phố Lạng Sơn, thời gian trôi qua ở thành phố “mậu biên” này, những tiếp xúc nhiều hơn với người địa phương, những cảm nhận thực hơn về cuộc sống, những mối quan tâm của giới trẻ, những suy nghĩ toan tính của lớp già… Có nhiều cân nhắc về những chặng kế tiếp của hành trình, có một sự phân vân không hề nhẹ giữa ước muốn đi lên miền núi đầy màu sắc ở phía Bắc, hay xuôi về những cộng đồng Việt giàu truyền thống ở đồng bằng…