bắc hành – 2017, phần 13

hận thấy một loạt những di tích lịch sử gắn liền với nhà Trần nằm kề cận nhau trong địa bàn 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, bèn quyết định đi thăm cho được đầy đủ, nhất là những ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Nằm cách Côn Sơn chỉ độ 50 km là Yên Tử, một đỉnh núi cao trên 1000 m thuộc vòng cung Đông Triều. Quyết định leo lên đỉnh Yên Tử cũng khá là ngẫu hứng nên phần nào… đã không lường trước hết được những khó khăn của chặng đường.

Con đường lên đỉnh núi chỉ dài khoảng 6 km, những bậc thang được xây dựa vào sườn núi, gần đỉnh là đường đi trên những mỏm đá, nhưng có chút ít tôn tạo, xây dựng của bàn tay con người để dễ đi hơn. Mất hơn 6 tiếng đồng hồ cả đi và về trên con đường chỉ 6 km ấy, đơn giản vì rất nhiều đoạn là… dốc đứng. Đường lên Yên Tử không dành cho người có sức khoẻ kém, ngay cả khi bạn đi bằng cáp treo, vì 2 hệ thống cáp treo nối tiếp nhau chỉ giúp tiết kiệm được khoảng 60% quãng đường.

Rải rác từ chân lên đỉnh núi là những ngôi chùa nhỏ, và những cụm bảo tháp, nơi chôn cất tro cốt của các chư tăng tiền bối… mà nổi bật nhất là của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trúc Lâm đệ nhất tổ, và hai vị tổ đời thứ 2, thứ 3 là Pháp Loa và Huyền Quang. Những ngọn tháp đá, gạch đơn sơ nằm lưng chừng núi, những cây thông, tùng, sứ (hoa đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cảnh tượng tịch liêu mà thanh nhã lạ thường. Chùa Hoa Yên nằm lưng chừng núi, tuy là kiến trúc trung tâm, lớn nhất của Yên Tử.

Nhưng thực ra, Hoa Yên chỉ là một công trình tương đối nhỏ, đơn giản, mộc mạc, chính điện hình chữ công và tả vu, hữu vu ở hai bên. Nhưng trong mắt tôi, chính những công trình nhỏ, nguyên bản như thế mới phản ánh đúng lịch sử, và mới toát lên vẻ đẹp của một chốn Thiền môn linh thiêng ngày xưa. Từ chùa Hoa Yên trở lên, có một số công trình hiện đại đang được xây dựng quy mô rất lớn, rất bề thế, như tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc nguyên khối bằng đồng nặng trên 130 tấn…

Một trong những điều tốt đẹp mà Yên Tử còn giữ được, nhờ bởi uy linh của đức Phật hoàng, chính là cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, những rặng tùng cổ thụ, những rừng trúc xanh mướt. Cái tên Trúc Lâm chính là bắt nguồn từ những rừng trúc này, một giống trúc thanh cảnh, thân nhỏ chỉ bằng ngón tay, ngón chân. Gần đỉnh có thể thấy rất nhiều cây hoa trà my cổ thụ, thật tiếc mới chỉ đang mùa kết nụ. Có lẻ đó là một ân hạnh tuyệt vời nhất, cho những ai hành hương Yên Tử trong mùa hoa trà my nở!