bắc hành – 2016, phần 32

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

ấm hình đầu tiên: quả hồi phơi khô, mùi hương nhẹ nhàng nhưng thật khó phai! Thăm động Tam Thanh, coi như là đi chùa đầu năm. Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị họ vừa nung vôi chính thị là nơi đây 😀! Cái lời nhại ca dao ấy thực ra là tương đối chính xác, cái tượng nàng Tô Thị họ mới đắp lại sau này trông rất nham nhở, chả đâu vào đâu!

Thăm động Tam Thanh xem như đi cho có. Thực ra, càng lúc tôi càng có cảm giác người Việt cái gì cũng thích đồ giả, không thích đồ thật. Một quả đồi bé xíu, xây vài bậc tam cấp, vài cái đình bé tí ti, đặt những cái tên hoành tráng: cổng trời, hang địa ngục, bàn tay Phật, etc… Càng như thế, họ càng không hiểu được cái rộng lớn của thiên nhiên, của núi non, biển cả.

Leo lên pháo đài Đồng Đăng, một công trình bê tông ngầm to lớn và đổ nát. Nơi đây, hơn 700 con người, vừa dân vừa lính, đã tử thủ cho đến người cuối cùng, trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh 1979. Pháo đài Đồng Đăng, ở một quy mô nhỏ hơn, nhưng lại bi thảm hơn, cũng giống như pháo đài Brest trong chiến tranh vệ quốc của người Nga vậy!

Chủ khách sạn, một người lính đặc công 73 tăng cường cho mặt trận Lạng Sơn, sau chiến tranh, đã cưới một cô gái Nùng 15 tuổi và định cư ở đây! Hai vợ chồng cực kỳ hiếu khách, thế nên Tết nhất với tôi không phải thiếu gì. Nhưng đôi khi, chỉ cần một bát nước chè, vài hơi thuốc lào… đang tự biến mình thành một anh chàng Bắc cày, Bắc cầy chính hiệu! 😀

bắc hành – 2016, phần 31

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ,
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

Chặng 31: tt. Phục Hoà ❯ Đông Khê ❯ đèo Bông Lau ❯ Thất Khê ❯ Đồng Đăng ❯ tp. Lạng Sơn

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

ua Đông Khê, Thất Khê, đèo Bông Lau… những địa danh huyền thoại trong kháng chiến 9 năm chống Pháp. Các bia đá tưởng niệm giờ chỉ là những vật thể nhỏ nhoi, mờ nhạt, hoang phế hai bên vệ đường, chẳng có mấy người để ý coi sóc đến. Tiểu đoàn 374, mật danh đoàn “Bông Lau”, với bài hát: Bông Lau, Bông Lau, rừng xanh pha máu… (Phạm Duy).

Bài hát đó đến chính tác giả cũng không còn nhớ nhạc điệu nó như thế nào. Mà tất cả những ai từng nhớ, từng say mê hát nó thì đã thành ra người thiên cổ tự bao giờ. Tần ngần đứng lặng hồi lâu: Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả前不見古人後不見來者 (Đăng U Châu đài ca – Trần Tử Ngang), quả thật là đáng buồn lắm thay!

Qua Thất Khê, cái thị trấn bé thoang thoảng một mùi hương ngan ngát của hồi (ai đã đọc Rừng hồi xứ Lạng nhỉ). Nếu không phải lái xe, thì cứ muốn nhắm tịt mắt lại, để từ từ trôi qua cái không gian này, tận hưởng mùi hương hồi thơm ngát. Đi qua nhiều vùng đất, ngửi thấy gì cũng đủ biết về chốn xe đang qua, này là hương quả sung chín nẫu thơm đến ngọt…

Này là mùi mật mía đậm đà của những xưởng tinh luyện đường, đây là mùi rơm rạ khô đang cháy, này là mùi ẩm ướt, tươi mát của cỏ non vừa mới cắt xong, kia là mùi hăng hăng của sắn lát khô đang phơi được nắng… Thế giới này không phẳng, không hề phẳng các bạn ạ, không phải chỉ có mùi lavender của các văn phòng, công sở với máy lạnh đâu!

bắc hành – 2016, phần 30

Chặng 30: thác Bản Giốc ❯ động Ngườm Ngao ❯ Trùng Khánh ❯ Quảng Yên ❯ tt. Phục Hoà

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

hân đến thác Bản Giốc nên ghé thăm luôn động Ngườm Ngao nằm cách đó 3 km. Thực ra đi thăm động chỉ là một cách để tiếp xúc và nói chuyện nhiều hơn với những người Tày ở địa phương, nhiều trao đổi thú vị, chứ kể từ sau khi thăm động Thiên Đường, Quảng Bình năm 2013, thì tôi đã không còn hứng thú thăm các hang động be bé nào khác nữa 😀.

Những người Tày ở đây có lối xây nhà rất đặc trưng không bắt gặp ở những vùng khác. Thay vì là nhà sàn gỗ, họ xây những ngôi nhà lớn bằng đá hộc, với chất kết dính chỉ là đất sét. Đây đó có thể thấy những ảnh hưởng từ phía Trung Quốc, nhà nào cũng treo một bức hoành Tân gia đại cát ở phía trên cổng chính, và một số câu đối chữ Hoa rải rác khắp nhà.

Quay ngược trở lại Quảng Yên, nhưng không theo quốc lộ 4C, mà theo tỉnh lộ 207 qua thị trấn Hoà Thuận, thị trấn Phục Hoà sát cửa khẩu Tà Lùng với Trung Quốc. Cả một vùng “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, tiếp giáp với khu vực gọi là “Thập Vạn Đại Sơn” phía bên Trung Quốc. Như tên gọi, là hàng ngàn hàng vạn ngọn núi nhỏ nằm liên tiếp nhau.

Rồi từ đây, theo tỉnh lộ 208 đi Đông Khê, Thất Khê rời Cao Bằng qua địa phận tỉnh Lạng Sơn. Có đôi khi, gã lang thang núi đồi cũng biết nhớ phố, đi giữa đại ngàn mênh mông, mà nghe đâu đây tiếng hát: mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao vọng tiếng chuông ngân, ta còn em một mầu xanh thời gian, một chiều phai tóc em bay…

bắc hành – 2016, phần 29

ừ tp. Cao Bằng qua đèo Mã Phục (một con đèo xinh xắn thuộc huyện Trà Lĩnh), qua huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, từ đây 25 km nữa là đến thác Bản Giốc. Một buổi sáng nắng ấm đẹp trời như tôn vinh thêm quan cảnh sơn thuỷ hữu tình hai bên đường. Cao Bằng đẹp một cách diễm lệ và thanh bình, tuy không sắc sảo đến mức cực đoan như Đồng Văn.

Dừng chân đỉnh đèo, hai cái bánh chưng chiên be bé của người Tày thay cho bữa sáng. Thác Bản Giốc quả thực như một viên ngọc quý lớn trên cái vương miện du lịch miền Đông Bắc. Thực trạng về phân định biên giới Việt – Trung ở thác Bản Giốc, theo những xác nhận tại địa phương (không giống như một số thông tin kém chính xác trên internet):

Thác gồm hai cụm, một to một nhỏ, cụm nhỏ (rộng nhưng thấp hơn) thuộc về Việt Nam, cụm to (thác chính) thì một nửa thuộc về Việt Nam, một nửa thuộc về Trung Quốc. Hiệp định phân chia biên giới mới nhất xác nhận cột mốc 53 (cũ) nằm ở chính giữa thác lớn, lấy dòng sông Quy Xuân làm ranh giới, chia hai dòng sông tức đồng nghĩa là chia đôi thác lớn.

Nhưng cũng theo những thông tin của nhiều người dân địa phương, ngày xa xưa, cột mốc 53 nằm trên đỉnh núi ngay sát bờ bắc (phía TQ) của dòng sông, theo như xác lập bởi Công ước Pháp – Thanh 1887 thì thác Bản Giốc nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Chính người Trung Quốc đã dời cột mốc xuống quá chân núi để chiếm một nửa dòng thác lớn!

bắc hành – 2016, phần 28

Chặng 28: Bảo Lạc ❯ Ca Thành ❯ đèo Phia Oắc ❯ Tĩnh Túc ❯ Nguyên Bình ❯ tp. Cao Bằng

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

ừ Bảo Lạc chạy dọc theo quốc lộ 34, vượt đèo Phia Oắc đi Tĩnh Túc. Cao trên 1900 m, Phia Oắc là một khung cảnh rất hoành tráng, hai đỉnh núi đá lớn dựng đứng nằm cạnh nhau, ở giữa trũng xuống giống như hình một chiếc yên ngựa. Và con đường đèo chạy vòng quanh, nhìn từ trên cao xuống như làm thành 3/4 (270 độ) của một cung tròn hoàn chỉnh.

Mức độ choáng ngợp của cung đường này có lẽ chỉ đứng ngay sau Ô Quý Hồ hay Mã Pí Lèng, nhưng điều đặc biệt là toàn bộ địa thế ở đây có thể gói gọn hoàn toàn trong tầm mắt, rất ngoạn mục. Tiếc là đi qua đây trong một buổi chiều đầy sương mù, mưa và lạnh, nên không thể chụp một khung hình đẹp lấy được rõ ràng toàn bộ quang cảnh hấp dẫn đó.

Thị trấn Tĩnh Túc (được nhắc đến trong SGK phổ thông) là một mỏ thiếc lớn của Việt Nam. Thị trấn Nguyên Bình toàn bộ là một nông trường mía, xanh mướt, đang mùa sắp thu hoạch. Từ đây, quốc lộ 34 không còn xấu nữa, đã được mở rộng và tráng nhựa phẳng phiu. Tăng ga chạy nhanh suốt đến thành phố Cao Bằng khi trời đã về chiều và dần trở lạnh.

Cao Bằng, Lạng Sơn tuy là những tỉnh miền núi, nhưng địa hình không quá cực đoan như Hà Giang, Đồng Văn. Đường xá rộng và phẳng, đi lại dễ dàng. Hai tỉnh này có nhiều cửa khẩu với Trung Quốc, hàng loạt thị trấn nhỏ sát biên giới mọc lên để phục vụ cho việc giao thương. Đi bằng xe máy nên cẩn thận với các xe tải, xe container lớn nhộn nhịp suốt ngày đêm.

bắc hành – 2016, phần 27

ức hình đầu tiên, chụp gần chợ tình Khâu Vai, những chữ Mông (Romanized) viết trên thanh rào chắn đường, và phần chữ Việt chú thích (!?). Từ Mèo Vạc đi Niêm Sơn, hơn 50 km xe hầu như không phải nổ máy, cừ từ từ thả trôi suốt đoạn đường để rời khỏi cao nguyên Đồng Văn. Muốn thăm thú Đồng Văn kỹ càng hơn, nhưng lịch trình không cho phép!

Lúc nào đó, phải trở lại, ở đây một tháng, hoặc nhiều hơn nữa, thì may ra mới có thể hiểu rõ hơn về người Mông, ngôn ngữ và văn hoá của họ. Đến Bảo Lâm, Bảo Lạc là đã sang địa phận tỉnh Cao Bằng. Nhiệt độ đang từ 4 ℃ bổng nhảy lên 12 ℃, cảm thấy ấm áp đến mức nóng bức muốn cởi áo ấm! 😀 Thực ra, mọi cảm giác của con người ta chỉ là… tương đối!

Cao Bằng thật đúng nghĩa tức là… cao nhưng bằng. Địa hình gồm chủ yếu là các núi trung bình và nhỏ, nằm tương đối thưa nhau. Nên giữa các quả núi đó có khá nhiều đất đai bằng phẳng cho canh tác nông nghiệp, và đường sá vì thế cũng rộng rãi, ít đèo dốc, dể đi hơn nhiều. Từ đây, các ngôi nhà trình tường xây bằng đất nện của người Mông cũng ít dần đi.

Thay vào đó là các ngôi nhà sàn lớn bằng gỗ của người Tày. Nếu chỉ nhìn trên trang phục, quần áo hàng ngày, thì người Tày chẳng có mấy nổi bật. Nhưng tiếp xúc với họ nhiều mới thấy họ là một dân tộc hiếu khách và chân thành. Và tâm lý chung của người Kinh sống ở những miền này cũng thường xem người Tày đáng tin cậy hơn những sắc dân khác!

bắc hành – 2016, phần 26

hường đi như thế này, tôi tin bản đồ với định vị GPS hơn là tin người địa phương. Những người địa phương thường mô tả không giống nhau về phương hướng, chiều dài lộ trình. Hơn nữa, với địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn như ở đây, sự thật là nhiều người… chưa bao giờ đi quá nơi mình cư ngụ hơn 50 km. Thế nhưng không phải lúc nào bản đồ cũng đúng!

Thực sự là một tai hoạ khi bản đồ vẽ sai, mà sai dư chứ không phải sai thiếu. Hôm nay, dựa theo bản đồ trên điện thoại, tôi đi theo con đường từ Mèo Vạc qua Lũng Phìn, rồi tiếp tục từ Mậu Duệ đi Niêm Sơn. Đến nơi thì mới biết cái con đường vẽ trên bản đồ đó không tồn tại trong thực tế, WTF!? Loay hoay cả một ngày trời để rồi phải quay trở lại nơi xuất phát!

Đôi điều về đường đi trên những địa hình như ở Đồng Văn, trên bản đồ, từ điểm A đến điểm B nhìn rất gần, đường chim bay chưa đến 20 km, nhưng thực tế, đường… chim đi bộ dài hơn 100 km, vì phải uốn lượn qua không biết bao nhiêu là núi non. Và 100 km đó, nếu đường bằng bình thường chỉ mất khoảng 2h, thì thực tế, loay hoay 5, 6 h vẫn chưa thấy tới!

Vì đường xấu, đèo dốc kinh khủng, sương mù dày đặc, nhiệt độ 4 ℃, mất cả gần một ngày chỉ đi được hơn 100 km. Nên thực sự để đi tốt những cung đường như thế này, không chỉ cần một bản đồ đúng, mà nên nghiên cứu trước luôn bản đồ địa hình (topographic map) của khu vực, hình dung ra những khối núi qua những đường đồng mức (contour lines).

bắc hành – 2016, phần 25

ài ngày trước đây, trong các bản làng của người Mông, những người phụ nữ nhất loạt đem quần áo ra giặt, vừa làm việc, vừa trò chuyện râm ran bên bờ suối, như thế là cái Tết đã đến rất gần. Một số còn dùng cách giặt rất xa xưa với chày, tưởng chỉ còn bắt gặp trong phim cổ trang, hay trong thơ cổ, ví dụ như: Bạch Đế thành cao cấp mộ châm (Đỗ Phủ).

Đến hôm nay thì thỉnh thoảng đã bắt gặp một vài người đàn ông Mông say rượu ngủ bên vệ đường, đâm đầu vào bụi rậm, vắt vưởng trong những tư thế lạ lùng nhất. Thanh niên, thiếu nữ, trong những bộ y phục đẹp nhất, bắt đầu vào ra, làng trên xóm dưới rủ nhau đi chơi Tết. Tôi thấy cả một ông già người Tày với bút lông mực Tàu đang chăm chú viết câu đối Tết.

Thoáng nghĩ, khá khen cho ai đặt cái tên Đồng Văn, vì Đồng Văn tức là… “đồng văn” 😀. Đến bây giờ vẫn có cả hơn chục dân tộc, ngôn ngữ khác nhau cùng sống trên cao nguyên này: Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Việt, Hoa… Ngày xa xưa, khi tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ chưa phải là chuẩn chung, thì những giao tiếp hình thức quan trọng đều phải dùng chữ Hán.

Cao nguyên Đồng Văn những ngày này thời tiết ổn định trong khoảng 5 ~ 6 ℃, thấp hơn những vùng khác trong tỉnh Hà Giang 6 ~ 10 độ, trời nhiều sương mù, nhưng ít mưa. Lạnh, nhưng vẫn còn dễ chịu, vì từ 4℃ trở xuống, chạy xe nhiều giờ ngoài đường gây ra cảm giác buốt, rát nghiêm trọng, và chiếc xe của tôi cũng chạy không trơn tru lắm ở nhiệt độ đó.

bắc hành – 2016, phần 24

ách hay nhất để tham quan một nơi là đi chậm, thật chậm, ví dụ như đi bộ hay xe đạp, như thế thì mới có thể nhìn thấy hết tất cả các góc cạnh, ngõ ngách khác nhau của nó. Thực ra khi bắt đầu đi xe máy xuyên Việt, tôi nghĩ rằng đi như thế đã là đủ chậm, chậm hơn ôtô hay máy bay nhiều lần, nhưng đến bây giờ thì lại nhận ra… như thế vẫn là chưa đủ chậm!

Bỏ ra một ngày để đi bộ khắp thung lũng, leo lên đồn Đồng Văn (do người Pháp xây) nằm trên đỉnh ngọn núi đá ngay giữa thị trấn, ngồi nhìn ra bốn bề xung quanh, trong ánh mặt trời đang lặn, lắng nghe gió lạnh lồng lộng thổi! Toàn bộ cái thị trấn con con này gói gọn trong tầm mắt, những ngôi nhà bé tí, những thửa ruộng bậc thang xanh xanh vừa gieo sạ xong!

Đêm xuống dần dương trần, gợi niềm vương vấn, từ năm ấy đã bao nhiêu lần… thời đại của mobile internet, của thông tin cập nhật, của instant message, của fast food… mà một mình lang thang trèo lên ngọn núi cô độc này, ngồi cả buổi chiều và ca những loại nhạc này, có phải là lạc loài quá không nhỉ!? Thoáng nghĩ thế, nhưng cũng chả quan tâm lắm!

Trăng mơ màng khắp làng, lặng nhìn mây nước, đẹp cho những giấc mơ huy hoàng… Rằng: từ sau ánh mắt xanh, bồ câu xâm chiếm tim anh, quên lãng sao đành! Cái thế giới bên trong vẫn thế, như những bức tranh Bùi Xuân Phái, chỉ độc có màu nguyên không pha, ấy là tự giữ cho mình những tự do cuối cùng, tự do suy nghĩ và sống một cuộc sống như mình muốn!