bắc hành – 2016, phần 25

ài ngày trước đây, trong các bản làng của người Mông, những người phụ nữ nhất loạt đem quần áo ra giặt, vừa làm việc, vừa trò chuyện râm ran bên bờ suối, như thế là cái Tết đã đến rất gần. Một số còn dùng cách giặt rất xa xưa với chày, tưởng chỉ còn bắt gặp trong phim cổ trang, hay trong thơ cổ, ví dụ như: Bạch Đế thành cao cấp mộ châm (Đỗ Phủ).

Đến hôm nay thì thỉnh thoảng đã bắt gặp một vài người đàn ông Mông say rượu ngủ bên vệ đường, đâm đầu vào bụi rậm, vắt vưởng trong những tư thế lạ lùng nhất. Thanh niên, thiếu nữ, trong những bộ y phục đẹp nhất, bắt đầu vào ra, làng trên xóm dưới rủ nhau đi chơi Tết. Tôi thấy cả một ông già người Tày với bút lông mực Tàu đang chăm chú viết câu đối Tết.

Thoáng nghĩ, khá khen cho ai đặt cái tên Đồng Văn, vì Đồng Văn tức là… “đồng văn” 😀. Đến bây giờ vẫn có cả hơn chục dân tộc, ngôn ngữ khác nhau cùng sống trên cao nguyên này: Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Việt, Hoa… Ngày xa xưa, khi tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ chưa phải là chuẩn chung, thì những giao tiếp hình thức quan trọng đều phải dùng chữ Hán.

Cao nguyên Đồng Văn những ngày này thời tiết ổn định trong khoảng 5 ~ 6 ℃, thấp hơn những vùng khác trong tỉnh Hà Giang 6 ~ 10 độ, trời nhiều sương mù, nhưng ít mưa. Lạnh, nhưng vẫn còn dễ chịu, vì từ 4℃ trở xuống, chạy xe nhiều giờ ngoài đường gây ra cảm giác buốt, rát nghiêm trọng, và chiếc xe của tôi cũng chạy không trơn tru lắm ở nhiệt độ đó.