đêm ngắn tình dài

Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền. (Dương Thiệu Tước)

Dương Thiệu Tước thật tình muốn dùng nhạc pháp Tây Phương để soạn nhạc Việt mới, nhưng ông bị nhạc ngũ cung Việt Nam trói ông lại… Nhạc Dương Thiệu Tước, theo tôi, là loại nhạc tình tứ, nhưng cũng rất sang trọng. Ðó là những ca khúc tình ái thốt lên từ con tim của một nghệ sĩ dòng dõi nhà quan. ( Hồi ký Phạm Duy, tập 1, chương 12)

uốn mượn bài hát Đêm ngắn tình dài này như phần mở đầu cho bài viết giới thiệu về một nhạc sĩ đặc biệt: Dương Thiệu Tước. Lúc nhỏ, đây gần như là bài nhạc duy nhất của Dương Thiệu Tước gây được dấu ấn sâu đậm trong tôi, một phần vì lúc ấy tôi còn chưa hiểu và cảm được những giai điệu ngũ cung, chỉ biết về ông qua một số ca khúc mang tính Tây phương: Đêm ngắn tình dài, Bóng chiều xưa, Ngọc lan, Chiều… Phần nữa vì nét nhạc vừa cổ kính, vừa tân kỳ của bài hát, ca tụng khát vọng tình yêu đôi lứa trong một không gian phảng phất Đường-thi: có trăng, có rượu hoàng hoa… và lại có anh và em, có người con trai và con gái, điều rất ít thấy trong thơ cổ.

Đêm ngắn tình dài - Thái Thanh 
Tiếng xưa - Hà Thanh 

Còn một tối gần bên nhau… cái lời nhạc nói lên khát vọng tình yêu vừa mãnh liệt, vừa êm đềm, đối với tôi lúc ấy đã đủ để nói lên một tâm hồn nhạc đặc biệt mà chỉ sau này tôi mới hiểu rõ được. Khi viết nhạc thất cung theo kiểu Tây phương, nhạc của ông “rất Tây”, điển hình như bài Ngọc lan, nghe bài này chúng ta tưởng như đang nghe Chopin hay Schumann. Ngay từ khi mọi người còn phải vay mượn nhạc điệu Tây phương để soạn lời ca tiếng Việt và gọi nó là bài ta theo điệu tây thì ông đã soạn những bài có thể gọi là bài tây theo điệu ta.

Còn khi viết nhạc ngũ cung, nhạc của ông lại “quá ngũ cung”. Nếu như nhạc ngũ cung của Phạm Duy là thoát thai từ dân ca, khi hát cần luyến láy một chút thì mới tìm thấy được dáng nhạc, thì của Dương Thiệu Tước tự nó đã có đậm đặc chất ngũ cung rồi, cứ hát lên là như tìm lại được những nét dân ca miền Thùy Dương xứ Huế. Tuy là người Hà Nội nhưng nhạc của Dương Thiệu Tước thể hiện một sự thẩm âm đặc biệt mẫn cảm với dân ca Huế, phải chăng chính là nhờ mối tình say đắm với một người con gái sông Hương núi Ngự, nữ ca sĩ Minh Trang (thân mẫu ca sĩ Quỳnh Giao).

Một vài bìa nhạc Dương Thiệu Tước: