timurites

hi cuộc chiến đã bước qua năm thứ 3 và đã có hơn 600K quân được huy động (thực ra nó đã bắt đầu không chính thức rất lâu về trước, từ 2014 hoặc sớm hơn thế), ở Nga đang dần sống lại các phong trào Timurites, y hệt như ngày xưa vậy! Lâu về trước có viết một bài về cuốn truyện Liên Xô: Timur và đồng đội, là đội các thiếu niên chuyên hỗ trợ những gia đình trong xóm: đi chợ, dọn nhà, làm vườn, trông em, và vô số những công việc khác, có rất nhiều gia đình neo đơn khi những người đàn ông ra trận!

Về cái tên Timur, đây là cái tên rất phổ biến ở vùng Trung Á. Ví dụ như Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn có tên khai sinh chính là Temujin – Thiết Mộc Chân đó thôi. Không biết chính xác cái tên này có nghĩa gì, hình như nó mang nghĩa là “sắt, thép”. Nên trên bề mặt thì văn hoá Nga có vẻ như hoàn toàn là châu Âu, từ ngôn ngữ, văn chương cho đến khoa học, kỹ thuật, etc… Nhưng sâu bên dưới, có những yếu tố rất lâu đời, rất rất cổ xưa vẫn âm thầm hiện diện, cái văn hoá sinh tồn đến từ châu Á!

lệ chi

huyện lịch sử nhiều người biết, vì Dương Quý Phi thích ăn quả vải – lệ chi, mà Đường Huyền Tông cho thành lập hẳn một tuyến vận chuyển hoả tốc, phi ngựa suốt ngày đêm để kịp đem vải về kinh đô Trường An. Có lẽ không phải vận chuyển từ Quảng Đông, Lĩnh Nam, mà từ một nơi nào đó gần hơn như Tứ Xuyên, Phúc Kiến, nơi cây vải vẫn mọc được! Theo những ước tính bây giờ, thời gian vận chuyển ít nhất là 10 ngày, biết bao nhiêu người, ngựa gục chết trên đường, mà quả đem về chắc chắn không tươi ngon, phần nhiều là dập nát vì ngày đêm trên lưng ngựa! Từ Đường sang đến thời Tống, cách thức vận chuyển bảo quản đã có những tiến bộ khác! Quan địa phương ở Phúc Kiến sẽ chọn những cây nhiều quả, nhưng kích thước tương đối nhỏ…

Bứng nguyên gốc, bọc trong sọt đất, vận chuyển bằng đường biển về Biện Kinh (Khai Phong), đến nơi cây vẫn còn sống, cách này tuy đỡ tốn kém hơn chút, nhưng cũng không phải là dễ dàng gì! Sang thời Minh, cách thức lại có tiến bộ, người ta chặt ngang gốc cây chuối, cắm cành vải to vào đó, cách này giúp cành vải sống tiếp được một thời gian, kịp đưa đến những ông hoàng đế ở kinh thành! Như thế, chúng ta thấy công nghệ bảo quản, vận chuyển thực phẩm đã tiến bộ rất chậm trong suốt nhiều trăm năm, nhưng càng về sau, càng tiến bộ nhanh dần. Ngày xưa vận chuyển chỉ để chứng tỏ tình yêu (của Lý Long Cơ với Dương Ngọc Hoàn) mà thôi, còn ngày nay, nhu cầu ẩm thực của con người hàng triệu lần lớn hơn thế! 🙂

chữ

ầu năm nói chuyện “chữ”… Trước em có biết một số vị làm việc liên quan đến cổ ngữ! Chữ của các vị ấy đương nhiên nhiều rồi, em không bằng được! Nhưng làm bộ hỏi vài câu Đường thi thông dụng, các vị ấy đều lơ ngơ, ướm thử vài câu Tống từ phổ biến, các vị ấy đều kiểu lấp lửng! Nên em tạm rút ra nhận định: tuy chữ của các bác ấy nhiều, nhưng lại không hàm thụ được vẻ đẹp của thi ca cổ, hay ít nhất là tâm trí các bác không quan tâm những điều ấy! Em băn khoăn tự hỏi tâm các bác ấy đặt ở chỗ nào!? Sau thì phát hiện ra, phần lớn thời gian các bác ấy dùng “chữ” để vừa khoe mẽ, vừa đấu tố nhau, kích động ghen ghét cá nhân, phân biệt vùng miền, thường khi là lồng ghép trong đó những đấu đá chính trị, tôn giáo, một số trường hợp rõ ràng là “bồi bút” được các thế lực ngoài giật dây, dùng “chữ” kích động mâu thuẫn, đánh vào cái tôi “vừa ghen ghét, vừa tự ti vặt của người Việt”, đánh vào cái dân trí lè tè không tự luận ra được. Nên với những người ấy, tốt nhất là cứ… “kính nhi viễn chi”.

Vấn đề quay lại điểm khởi đầu, học để làm gì!? Lịch sử Trung Quốc lâu dài như vậy, văn minh Hoa Hạ rực rỡ như vậy, họ làm ra biết bao nhiêu chuyện kỳ vĩ, từ văn hoá, thơ ca cho đến các công trình quốc kế, dân sinh, đào Vận hà, xây Trường thành, và biết bao nhiêu thành tựu khoa học, kỹ thuật, xã hội to lớn khác! Em chỉ cần nhìn vào một thoáng là em biết, họ học chữ để đấu đá và kèn cựa nhau, chứ trong tâm không có cái mộng học được cái đẹp, cái hay của thiên hạ! Nói nghe có vẻ to lớn, nhưng học chưa chắc đã làm được như người ta, trở thành sĩ phu kẻ sĩ, kinh bang tế thế, chuyện đời đâu có dễ thế! Nhưng ít nhất và đầu tiên, học có thể thay đổi tính cách, tâm hồn con người! Bản thân còn không thay đổi được, làm sao thay đổi ngoại giới!? Muốn xem công phu của một người tới đâu, đầu tiên hãy xem cách anh ta đối xử, nhìn nhận, đặt ra yêu cầu đối với… chính bản thân mình! Em lạy các bác, mở mắt ra xem người ta sống như thế nào, đừng bám vào mấy cái gốc tre làng mãi như thế nữa! 🙁

tom – 8

u Tom đi đâu về, trên người đầy vết xước, trên lưng gỡ ra được một cái móng (của một con mèo khác) bị gãy ra và găm lại ở đó, đây hẳn là một trận thư hùng ra trò chứ không đùa! Thế rồi đòi ăn, ăn đẫy lại lăn ra ngủ! Ăn thì như hạm, được cái vận động và chơi bời nhiều nên chỉ to thôi chứ không béo phì, cân nặng ổn định ở mức 4.5 kg!

Lúc nào làm việc cũng thấy ảnh nằm ngủ loanh quanh đâu đó! Ban đầu thì cho rằng mèo là thứ “tình cảm”, lúc nào cũng muốn loanh quanh gần người! Cũng có thể đó là một phần sự thật, nhưng có thể chỉ là phần nhỏ! Thực ra nó loanh quanh gần người vì cảm giác an toàn, luôn phải tìm ai đó canh giấc ngủ cho được ngon giấc! 🙂

thấu quang kính

iết mục khoa học thường thức, thấu quang kính – 透光镜 – Chinese magic mirror! Ít nhất là từ thế kỷ thứ 5 người ta đã biết một số gương đồng có xuất hiện hiện tượng này, và Thẩm Quát thời Tống đã tìm cách giải thích nó một cách gần đúng! Đầu tiên là gương thời cổ đại không phải làm bằng thuỷ tinh mạ bạc (thuỷ ngân) như ngày nay, mà chỉ là một miếng đồng được mài đến nhẵn bóng! Mặt sau của miếng đồng thường có một số motif trang trí lồi lõm, khi ánh sáng chiếu vào mặt trước của gương và dội ngược lên tường, kỳ lạ thay, ta sẽ thấy được hình ảnh của mặt sau, giống như ánh sáng xuyên qua từ sau ra trước vậy! Tại sao lại xảy ra hiện tượng kỳ lạ như vậy!?

Khi đúc gương, những đường nét trang trí lồi lõm làm bản đồng có độ dày khác nhau, quá trình nguội đi sau khi đúc không đồng nhất làm bề mặt kim loại có cơ tính khác nhau (phần mỏng hơn nguội nhanh hơn, và do đó cứng hơn). Đến khi mài, bằng mắt thường không thể thấy sự khác biệt, gương có vẻ như là một bề mặt hoàn toàn nhẵn bóng, nhưng thực ra vẫn có những chỗ kim loại mềm / cứng khác nhau, và do đó chênh nhau về độ dày khoảng 0.5 micron! Chỉ một khác biệt nhỏ như vậy, nhưng khi phản chiếu ánh sáng sẽ cho ra một hình ảnh! Đây cũng chính là cách để kiểm tra xem một miếng silicon wafer (công nghệ bán dẫn) có khiếm khuyết hay không!