bắc hành – 2017, phần 7

hị trấn Quất Lâm không phải chỉ có điều mà ai cũng biết tới, thực sự đây là một cảng cá, vùng nuôi trồng thuỷ sản và là nơi đóng tàu khá lớn. Những con tàu cá đóng bằng gỗ ở đây nhìn khá bắt mắt, được đóng theo một lối nửa hiện đại, nửa truyền thống, nghĩa là vẫn xây dựng một số (khá ít) khung cơ bản trước rồi mới ghép ván vào, nhưng tàu hoàn toàn không có ki (sống lưng), chỉ có một ít đà, sống ở gần mũi và gần đuôi để chịu lực, ở dưới đáy tàu chỉ có duy nhất một lớp ván gỗ.

Từ Quất Lâm, tiếp tục đi dọc theo triền đê biển đến vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Lại là những hệ thống đê điều, cống, ngòi… thể hiện sự dày công tạo tác của con người. Ngoài cũng phía biển là những bờ kè chắn sóng, trong một chút là những bãi bồi với rừng ngập mặn xen lẫn với bãi cát. Trong nữa là đê biển, có nhiệm vụ ngăn mặn, với nhiều cống xả nước từ sông ra. Bên trong đê là vùng nuôi tôm, trong nữa là vùng trồng lác, cói (dệt chiếu), trong nữa mới đến vùng trồng lúa và những loại hoa màu khác!

Một phát hiện rất đáng ngạc nhiên về sự sáng tạo của người ngư dân, lần đầu tiên tôi thấy ghe biển chạy máy mà có cái xiếm – centerboard (thanh gỗ màu đỏ, hình 5, 6) như ghe buồm! Trò chuyện với một bác ngư dân và xác nhận đó chính là cái xiếm, đâm xuống rất sâu đằng mũi ở vị trí ngay sát mớn nước. Và không phải chỉ có một chiếc, thuyền đi biển vùng này đồng loạt đóng như thế. Có thể vì cấu trúc thuyền đáy tròn, thân ngắn và rộng nên cần xiếm để cho bớt lắc và đi thẳng hơn.

Từ Giao Thuỷ, qua phà Cồn Nhất bắc qua sông Hồng, bên kia đã là tỉnh Thái Bình. Mất một vài giờ đi lạc trong cái ma trận những cầu cống, đê điều và sông ngòi này… những hệ thống đường phức tạp mà Google Map chưa kịp cập nhật đến. Cũng phải nói thêm rằng, đồng bằng Bắc bộ, mà điển hình là tỉnh Thái Bình, đã đô thị hoá cao độ, nhiều nơi không thể phân biệt đâu là nông thôn, đâu là phố thị… nhà cửa và công trình xây dựng san sát. Loay hoay một hồi mới đến được thị trấn Tiền Hải.

Rồi qua sông Trà Lý, sông Diêm Hộ đi về thị trấn Diêm Điền, là một thị trấn biển nhỏ, nhưng có một vẻ “miền Nam” đáng kinh ngạc, có thể dễ dàng tìm thấy những đồ ăn thức uống phổ biến của phía Nam ở đây: cà phê, cơm tấm, bánh xèo, chè Huế, etc… Rồi từ đây, qua sông Hoá (một nhánh của sông Thái Bình) là đã vào địa phận Hải Phòng, dừng lại một lúc để mua một ít thuốc Lào Tiên Lãng 😀, rồi lại theo tỉnh lộ 354 qua cầu Khuế (sông Văn Úc), theo tỉnh lộ 402 đi về phía bán đảo Đồ Sơn.