Hạ Long và Tuần Châu là những khu đô thị mới, được xây dựng rất khang trang và hiện đại, cảnh quan nhìn rất rộng rãi. Hành trình tiếp tục ghé qua Bãi Cháy, vượt cầu Bãi Cháy bắt qua cửa vịnh Cửa Lục để đi về thị xã Hồng Gai cũ, nay là một phường của tp. Hạ Long. Cầu Bãi Cháy nằm trên một địa thế chênh vênh, phức tạp, nối liền hai ngọn đồi cao nơi cửa vịnh, độ tĩnh không 50 m cho thuyền lớn lưu thông, là một cảnh tượng khá ngoạn mục. Dải bờ biển Hồng Gai là một vùng rất rất đẹp.
Một vùng biển nước êm xanh mướt với vô số những hòn đảo nhỏ nằm rải rác cách bờ không xa, như những bức bình phong chắn sóng gió. Trong một giây phút, tôi ước gì mình có thể sắp đặt cuộc sống của mình quanh vùng này, cảnh tượng hoành tráng, đẹp không thua gì dải bờ biển Phan Thiết – Cam Ranh, nhưng lại có nét đặc sắc rất riêng. Cảnh quan này thật đúng là: Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy, Núi bày cờ thế, biếc liền mây…
(thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ).
Quá Hồng Gai một chút, đoạn bắt đầu của vịnh Bái Tử Long, đã thấy dấu vết của những vùng khai thác than, tàu chở than đậu san sát trên mặt vịnh. Ven bờ là những nhà máy “tuyển than”, bụi than đen bám khắp sông ngòi phố xá. Nhưng khai thác xuất khẩu than đã bị hạn chế lại đáng kể những năm gần đây, không còn dạng xuất than vô tội vạ đi Trung Quốc, chính sách chung là để dành than cho những nhà máy nhiệt điện đang được xây ven bờ biển Việt Nam suốt dọc từ Bắc vào Nam.
Cứ đi dọc bờ vịnh Bái Tử Long như thế đến thị trấn Cửa Ông, nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Rồi từ Cửa Ông, qua một loạt 3 chiếc cầu để ra đảo Vân Đồn. Dọc bờ biển vùng từ Hạ Long đến Cẩm Phả này, có thể thấy khá nhiều di tích lịch sử gắn liền với triều Trần, như đền Trần Quốc Nghiễn, đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, đền Cặp Tiên… Tiếp tục đi dọc bờ biển đến thành phố Móng Cái, ghé thăm đảo Trà Cổ, mũi đất Sa Vĩ, vùng đất địa đầu tổ quốc sát biên giới với Trung Quốc.
Đình Trà Cổ (1461) có kiến trúc tương tự như đình Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây), đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ghé thăm trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng có tuổi đời nhiều hơn đến 2, 3 thế kỷ! Trà Cổ do một nhóm lính gốc Đồ Sơn vâng lệnh triều đình ra trấn thủ biên cương lập nên. Một ngạc nhiên đến sửng sờ khi phát hiện ra, cư dân ở đây vẫn còn bảo lưu một giọng nói thô ráp, cứng cáp đặc trưng của vùng Thanh Hoá, khác hẳn với chất giọng mềm mại của miền Bắc!