hms viper

iper là chiếc tàu dùng động cơ turbine hơi nước đầu tiên của Hải quân Hoàng gia, thử nghiệm đã đạt đến tốc độ 57 kmph. Nhưng trước hết, phải nói về chiếc Turbinia, con tàu nhỏ được đóng bởi Charles Algernon Parsons để thử nghiệm động cơ do ông chế tạo. Kỷ niệm 60 năm trị vì của nữ hoàng Victoria, một lễ duyệt binh Hải quân được tổ chức, 1897. Chiếc Turbinia xuất hiện tại lễ duyệt binh này, chạy qua chạy về mấy vòng. Hải quân đưa vài chiếc tàu ra đuổi bắt, nhưng không ai có thể theo được cái tốc độ kinh hoàng 34.5 kn (gần 65 kmph) của nó.

Catch me if you can! 🙂 Lúc đó, Turbinia là con tàu nhanh nhất thế giới. Chừng đó là đủ để con tàu “xấc xược” này lọt vào mắt xanh của Bộ Hải quân, và họ quyết định đóng Viper và Cobra để thử nghiệm về công nghệ turbine. Đến 1905 thì quyết định toàn bộ tàu chiến Hải quân tương lai sẽ được trang bị động cơ turbine. Nhân nói về gas-turbine và steam-turbine, đọc báo chí VN 10 bài thì hết 9 không phân biệt được sự khác nhau giữa 2 loại này, dịch thuật thì làm ơn đầu tư học hỏi chút xíu đi, kiến thức cơ bản hơn 120 năm trước mà mơ hồ như đi trên mây!

hms magpie

agpie là con tàu khảo sát ven bờ của Hải quân Hoàng gia, lượng giãn nước… 37 tấn, là con tàu nhỏ nhất vẫn có cái prefix HMS, tức nó là “ship” chứ không phải là “boat”. Theo cách hiểu thông thường, phải trên 500, thậm chí trên 1000 tấn thì mới gọi là “ship”, đặc biệt trong một số lực lượng Hải quân, 1500 tấn vẫn chỉ là boat, nên boat hay ship, đó chỉ là quy ước chung chung mà thôi.

Thực tế có khá nhiều tàu nhỏ xíu mà vẫn được gọi là “ship”, vậy “ship” lớn hơn “boat” ở chỗ nào? Lớn hơn là ở cái role & mission – vai trò và sứ mệnh, và lớn hơn ở hàm lượng chất xám đổ vào trong đó, chứ không đơn thuần lớn ở kích thước! Hải quân Hoàng gia ngày nay về “lượng” chỉ có rất ít, 75 chiếc so với thời cao điểm của nó (Thế chiến 2, trên 2300 tàu), nhưng về “chất” thì đều là hạng nhất!

hms victoria

ictoria, 1887 là con tàu hơn 11.000 tấn hiện đại, là tàu chiến đầu tiên được trang bị động cơ hơi nước giãn nở 3 kỳ (triple expansion steam engine), cũng là tàu đầu tiên có động cơ turbine để chạy máy phát điện sơ khai. Victoria là soái hạm của phó đô đốc George Tryon, người đã chết cùng với hơn 350 thuỷ thủ trong một tai nạn kỳ lạ và ngớ ngẩn. Tryon nổi tiếng trong Hải quân Hoàng gia là người có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng đôi khi kỳ cục, một người mềm mỏng, nhưng xa cách với cấp dưới, các sĩ quan dưới quyền rất ít khi dám chất vấn! Rất nhiều tai nạn trong hải quân Anh, Mỹ là do kiểu cá tính này gây ra! Tháng 6, 1893, ở Địa trung hải, con tàu đang hành tiến trong đội hình 2 hàng dọc song song với nhau, một hàng dẫn đầu bởi Victoria, một hàng dẫn đầu bởi HMS Camperdown!

Phó đô đốc Tryon ra lệnh 2 hàng ôm cua, hàng trái cua phải và hàng phải cua trái, đảo ngược hướng đi! Lệnh đưa ra rất rõ, nhưng các sĩ quan cảm thấy không ổn… Bán kính ôm cua của mỗi đội tàu là lớn hơn 700m, trong khi khoảng cách giữa 2 hàng chỉ có 1100m. HMS Camperdown trì hoãn thi hành lệnh vì thấy rõ nó không ổn, Tryon thúc dục bằng lệnh cờ semaphore: “còn đợi gì nữa”! Sự việc sau đó là Victoria và Camperdown đâm vào nhau. Camperdown ngập nhiều nước nhưng vẫn cứu được. Tryon lúc này vẫn chủ quan, lệnh đâm thuyền vào bờ, cách hơn 8km để giữ nó khỏi chìm và ra hiệu các xuồng cứu hộ xung quanh lui ra. Nhưng diễn biến sau đó quá nhanh, Victoria chìm sau 13 phút, các sĩ quan phớt lờ lệnh xông vào cứu người nhưng chỉ cứu được 1/2 thuỷ thủ đoàn, Tryon chết cùng 1/2 còn lại!

treasure island

uốn tiểu thuyết mê ly thời còn nhỏ xíu, tôi đọc bản NXB Văn học, 1987, nhưng thực ra đây là tái bản của bản 1944 – Vũ Ngọc Phan – Tự lực văn đoàn, nên tiếp cận văn hoá phương Tây ở VN là khá sớm, có lẽ từ thời Đông kinh Nghĩa thục. Khi nhỏ đã đọc cả trăm truyện thế này, nhưng hay nhất là “Bí mật đảo Lincoln” của Jules Verne! Cuốn sách này chứa đầy ắp đủ loại kiến thức về thiên văn, địa lý, vật lý, khoa học tự nhiên! Rất nhiều thứ, từ cách xác định góc phương vị (azimuth) của mặt trời để đo kinh vĩ.

Chả cần phải học hoá cấp 2 cũng biết được thuỷ phân dầu tạo ra xà phòng và glycerine, chả cần học hoá cấp 3 cũng hiểu quy trình Bessemer để luyện gang thành thép… Spoiler: không khó để nhận ra trong bản dịch này nhiều lỗi chuyên môn về địa lý, hằng hải và nhiều kiến thức tổng quát! Vì thực ra các cụ thời đó cũng không có biết nhiều lắm đâu! Nhưng nói cho đúng, nó vẫn tốt hơn các bản dịch hiện tại, sách vở bây giờ hành văn căn bản còn chưa nên thân, câu cú lộn xộn cứ như “cơm sống”!

the pandora box

ảo giấu vàng (treasure island), vịnh cướp biển (pirates’ bay), và vô số từ vựng có nguồn gốc hàng hải khác khác, đã đi vào kho từ vựng của loài người, với những nghĩa phái sinh, những ẩn dụ vô cùng thâm thuý! 😅 Nhưng cũng đừng quên, cái hộp Pandora đó vẫn luôn còn chứa đựng một thứ cuối cùng còn sót lại cho loài người!

tiên nhạc

hương trình âm nhạc… đầu tuần. “Li cung cao xứ nhập thanh vân, Tiên nhạc phong phiêu xứ xứ văn – 驪宮高處入青雲,仙樂風飄處處聞。” Tiên-nhạc là hoàn toàn có thật, tiếng của cây hạc-cầm hiển nhiên là tiếng đẹp nhất trong tất cả các nhạc cụ, piano cũng không so được!

ngọn đèn dầu lạc

hớ lại quãng thời gian 5 ~7 tuổi, thành phố áp dụng quy định “2 đỏ 1 cúp”, rồi “3 đỏ 1 cúp”, tức là cứ 2 ngày có điện thì 1 ngày cúp điện, cái thời đó nó như thế, điện sản xuất ra không đủ, nên cứ loanh quanh vài ngày lại cúp điện một ngày! Nhưng mà ít ra, về danh nghĩa, là tôi đã lớn lên trong một thành phố “có điện”. Lên ĐH, vô SG, vẫn thỉnh thoảng bị hỏi: Đà Nẵng có điện chưa!? 😃 Khi nhỏ, lâu lâu lại về quê sống với ông bà 4, 5 ngày, nơi đó toàn xài đèn dầu thôi, chưa có điện đâu, những chiếc đèn thuỷ tinh thắp bằng dầu hoả! Trong góc nhà vẫn còn lưu lại ký ức của một thời còn xa xôi hơi nữa, những chiếc đèn dầu lạc (đốt bằng dầu ép từ đậu phụng), không biết ở đây có ai còn thực sự biết cái đèn dầu lạc nó trông thế nào? Cứ như thế, ông bà tôi sống cả đời mà chưa từng biết ánh điện là gì!

Kể câu chuyện lạc hậu như thế, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh một mặt khác, điều tôi nhận ra được những ngày giãn cách xã hội! Vì không có điện nên tầm 6h chiều là đã ăn tối xong rồi, loanh quanh 7, 8h là đã đi ngủ! 3h sáng mấy người già đã dậy pha trà, mấy người trẻ còn ngủ nướng thêm chút, đến tầm 4h30 là tất cả đã ra đồng. Công việc làm nông quanh năm vất vả, đến tối về, ăn cơm xong, lại leo lên phản, 2 chân xoa xoa đập đập mấy cái cho sạch đất cát, thế là lại lăn ra ngủ rất ngon, không phải quan tâm Facebook hôm nay có tin gì nóng sốt, thoả mãn hay không! Chính vì không quan tâm chuyện thiên hạ, nên không “vong bản”, không đánh mất chính mình! Ngồi suy nghĩ mông lung, phải chăng đến một lúc nào đó, con người trở lại sống xanh, sống sạch, thì lại giống y như thời ông bà lúc đó!?

whaler

ột chút lịch sử hàng hải phương Tây, nghề đánh bắt cá voi, loại sinh vật khổng lồ nặng đến vài chục (thậm chí cả trăm) tấn, loài mà ngư dân VN kính ngưỡng và thờ phụng, gọi là “Ông”, còn bọn Tây thì xem đó như những thùng dầu khổng lồ di động. Trong ảnh là Charles W. Morgan, con tàu 350 tấn, giờ là một phần của bảo tàng Mystic Seaport. Ai từng đọc Moby-Dick – Herman Melville, một trong những cuốn tiểu thuyết mà tôi say mê lúc nhỏ, sẽ không lạ gì những chuyện thế này! Một chuyến săn cá voi có thể kéo dài vài tháng, hay vài năm, nhiều tàu đánh cá voi đi vòng quanh thế giới, đi theo mùa và theo những đàn cá.

Thuỷ thủ trực trên cột buồm để tìm “tia nước cá voi”, luồng khí & nước vọt lên trời khi cá thở. Phát hiện ra, vài chiếc xuồng con được hạ thuỷ từ tàu mẹ, bắt đầu truy đuổi! Các tay chèo đuổi theo con cá, người đứng mũi, nhân vật xuất sắc nhất, lãnh nhiệm vụ phóng lao! Cá trúng lao sẽ kéo vài chiếc xuồng chạy băng băng trên mặt biển cho đến khi kiệt sức! Cũng có khi cá lặn xuống vài trăm mét, phải liên tục xả dây, nếu không sẽ kéo chiếc xuồng xuống biển! Toàn bộ quá trình siêu nguy hiểm, chỉ cần cá quẫy đuôi trúng là xuồng tan tành! Cuộc chiến đấu với cá voi là một đề tài “lãng mạn” trong văn hoá Anh, Mỹ.

Đương nhiên, theo quan điểm hiện đại, điều đó không được “đúng đắn & nhân văn” cho lắm, nhưng chỉ khác với con rồng trong thần thoại là không thể phun lửa thôi, chứ cá voi là loại động vật to lớn nhất lịch sử tự nhiên, lớn hơn cả những loại khủng long to nhất, chúng có thể nặng đến 170 tấn! Cá đánh bắt về được xẻ thịt, lò than trên tàu sẽ biến mỡ cá voi thành những thùng dầu! Chiếc Charles W. Morgan trở về cảng năm 1845 sau 3 năm đi biển, đem về 2,400 thùng dầu! Dầu cá thường dùng làm dầu thắp đèn (lửa sáng mà không có mùi), làm nến! Dầu cá voi là loại bôi trơn cho máy móc của Kỷ nguyên Công nghiệp hoá.

Dầu cá được dùng làm margarine, loại thực phẩm thay thế bơ. Dầu cá là nguyên liệu vô cùng quan trọng trong Chiến tranh thế giới lần 1 & 2, nó được thuỷ phân thành xà phòng và glycerine, mà glycerine là nguyên liệu chính tạo nên các loại thuốc súng không khói & thuốc nổ! Đánh cá voi từng là một ngành công nghiệp lớn và một phần quan trọng của văn hoá phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Mãi cho đến những năm 198x, thoả thuận cấm đánh bắt cá voi mới có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu, vì dầu cá đã được thay thế bằng các sản phẩm dầu mỏ! Trước đó, con người giết cả vài chục ngàn con cá voi mỗi năm để lấy dầu!

trường ca sông Lô

hương trình âm nhạc cuối tuần… Rất lâu rồi không theo dõi tình hình, bản thu âm này chất lượng hơi bị tệ… giọng ca “mới” (biết) Duyên Huyền đúng kinh hoàng thật, Đăng Dương hát theo chỉ có đuối! 🙂 Hoà âm rất mới, tiếc là chất lượng âm thanh xấu quá không nghe hết được!

Phạm Duy đã từng nhận xét: bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là một kẻ khai phá, nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương… Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc…

vô môn quan

無門關

gôn ngữ, đó là cái vỏ của tư duy, ngày trước nghe nói như thế, nhưng vẫn chưa hiểu lắm! Thật ra, người ta dùng từ rất chính xác, “cái vỏ”, giống như cái vỏ của các loài giáp xác (tôm, cua…) vậy, vừa là hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi tác động của môi trường xung quanh, vừa là cái khung cấu trúc để cho cơ thể bên trong được phát triển! Người có suy nghĩ chính chắn, vững vàng không dễ gì bị tác động của môi trường xung quanh, kẻ không có tư duy gì đáng kể thì… ai nói gì cũng nghe, ai xúi gì cũng làm! Tuy tác dụng là vậy, nhưng phát triển đến một mức độ nào đó, cái vỏ này lại trở thành vật cản trở, vì cơ thể có nhu cầu phải trở nên lớn hơn, mà cái vỏ không lớn hơn được, do đó phải trãi qua… rất nhiều chu kỳ lột xác!

Nhiều người học đâu đó vài ngôn từ lảm nhảm, cũng tự tạo nên cái vỏ như thế, họ hài lòng với cái vỏ be bé ấy, rồi đóng khung cứng luôn trong đó! Họ không hiểu “cái vỏ ngôn từ” có hai mặt, phải thay đổi, nếu không sẽ trở thành tù nhân của cái vỏ do chính mình tạo ra! Dĩ nhiên, thay đổi có tính cấu trúc và kế thừa, còn những loại “ốc mượn hồn” thì không cần kể đến! Cứ như thế phát triển từng bước, đến cảnh giới dùng “Vô Ngôn Thông” (thông hiểu không cần… ngôn từ) để bước qua “Vô Môn Quan” (cửa không có… cổng) thì chắc lúc đó về với chư Phật rồi! Hoà thượng Thuỵ Nham Sư Ngạn mỗi ngày tự gọi: “Ông chủ!”, rồi tự trả lời: “Dạ”, lại tiếp: “Tỉnh táo nhé!” – “Dạ” – “Mai kia mốt nọ chớ để người gạt nhé!” – “Dạ, dạ!” 😃