menshikov

enshikov vốn là một cậu bé bán bánh rán dạo trên đường phố Moscow. Một lần, vị Sa-hoàng nhỏ tuổi Peter trốn khỏi hoàng cung đi chơi gặp được, Menshikov dạy cho Peter những mánh khoé của lưu manh đường phố, ví dụ như làm thế nào để “hô biến” một đồng xu. Peter mê tít những “trò chơi” đó, và thế là Menshikov trở thành người hầu, ngủ dưới chân giường của nhà vua! Cũng giống như Hoà Thân với Càn Long vậy, Menshikov trở thành người giàu thứ nhì toàn Nga nhờ vào mối quan hệ thân thiết với Sa hoàng. Peter biết rõ Menshikov tham nhũng, nhưng vì tình bạn thủa niên thiếu của hai người nên đã nhiều lần bỏ qua!

Menshikov còn thừa nhận thẳng thắn: bệ hạ biết rõ thần lớn lên trên đường phố, từ nhỏ thần đã ăn cắp, nên suốt đời thần ăn cắp! Nhưng khác với Hoà Thân chỉ biết nịnh bợ, Menshikov là người có năng lực tổ chức và làm được rất nhiều việc! Là một trong số ít những người thân cận với Peter lăn lộn trên công trường, đóng chiến thuyền, cùng lội bùn kéo pháo như một người lính bình thường nhất! Triều đại của Peter để lại vô số những chuyện “hoang đường” chưa từng có trong lịch sử: một cô gái nông dân mù chữ nhặt được trên đống rơm trở thành Hoàng hậu, một cậu bé bán hàng rong vớ được trên đường phố trở thành Tể tướng… 😅

alexis

ính cách Nga có một sự phân hoá lưỡng cực, tương phản giữa kỷ luật và phóng túng, kiên nhẫn và hấp tấp, nhẹ nhàng và mạnh bạo, tốt bụng và độc ác… một sự phân hoá mà người ngoài khó lòng hiểu được nếu không tìm hiểu kỹ về văn hoá, lịch sử nước Nga! Tính cách ấy do quá trình đấu tranh sinh tồn hàng ngàn năm mà tạo thành! Một ví dụ điển hình là Sa-hoàng Alexis-1, bố của Peter-the-great! Là người to lớn, khoẻ mạnh, điển trai, tính tình được mô tả là mềm mỏng, lịch sự, một nhân vật mà công hay tội cho đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi!

Có lần, đám đông dân chúng tập trung kiến nghị với Sa-hoàng Alexis về chính sách đúc tiền không hợp lý gây ra lạm phát! Nhà vua kiên nhẫn ngồi nghe người dân phản ánh, vui vẻ tiếp nhận đơn kiến nghị của họ, nhẹ nhàng hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề! Đám đông được thể, càng lúc càng tập trung đông, hò hét phản đối, dùng lời lẽ khó nghe… Alexis sau đó vẫy tay nhẹ một phát, đội ngự lâm quân xông vào, chỉ trong phút chốc, 2000 (hai ngàn !!!) người bị tàn sát, không ai sống sót! 😅 Tính cách phân hoá lưỡng cực nên ai yêu thì rất yêu, mà ai ghét thì cũng rất ghét!

catherine-2

a hoàng Peter-1 băng hà, 1725, thời gian trước đó đã sửa luật, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, cho phép một nữ nhân được kế vị! Catherine-1 kế tục sự nghiệp mà Peter đã khởi đầu, mặc dù không biết đọc và viết, chỉ có thể ký tên đúng một chữ Catherine, nhưng chừng đó đã đủ để ký sắc lệnh thành lập Viện Hàn lâm khoa học Nga! Nền móng học thuật Nga đã bắt đầu từ một người mù chữ như thế! 😅 Triều đại Catherine-1 ngắn ngủi chỉ 2 năm, ngai vàng nước Nga sau đó luân chuyển qua nhiều người nhưng cũng chỉ là những quảng thời gian ngắn trước khi về tay Catherine-2. Catherine-2 vốn là người Đức, hôn thê của Peter-3, con trai của Anna Petrovna, cháu ngoại Peter-1!

Peter-3 nói tiếng Đức giỏi hơn tiếng Nga, ghét tất cả những gì thuộc về Nga và thần tượng tất cả những gì thuộc về Đức! Cộng với tâm thần, tính cách bất ổn, Peter-3 trở thành một hoàng đế xa lạ với các thần dân của mình! Catherine-2 thì hoàn toàn ngược lại, từ khi đến Nga năm 14 tuổi đã chăm chỉ học tiếng Nga, đọc sách lịch sử Nga, bà thậm chí còn học cả cổ ngữ Slavonic, loại ngôn ngữ cổ xưa chỉ dùng trong nhà thờ và các lễ nghi long trọng! Không có gì ngạc nhiên khi Catherine-2 phát động chính biến loại trừ Peter-3 để trở thành nữ hoàng thì đa số ủng hộ bà. Với đa số người Nga, có một người Đức mang tâm hồn Nga làm nữ hoàng vẫn tốt hơn có một người Nga mang tâm hồn Đức! 😅

Từ Catherine-1 đến Catherine-2, dù có một vài giai đoạn ngắt quảng, và nhiều lần chính sách của Peter-1 bị đe doạ đảo ngược, Catherine-2 là người đã bảo đảm quá trình văn minh hoá, hiện đại hoá nước Nga được tiếp diễn! Là một người vô cùng học thức, quan tâm tìm hiểu văn hoá Nga, Catherine-2 cũng là một người ngưỡng mộ nhiệt thành của Peter-the-great! Nước Nga qua các giai đoạn chưa bao giờ thiếu những nhà lãnh đạo tài giỏi, nhà Romanov đã tiến tới bãi bỏ chế độ nông nô, đưa kỷ nguyên Ánh sáng vào nước Nga, thậm chí đã có dự định thay đổi hiến pháp, biến Nga thành nước quân chủ lập hiến thay vì toàn trị…

poltava

ói về lịch sử, “chủ nhân” của vùng Đông – Nam Ukraine ngày nay không phải là người Nga, cũng chẳng phải người Ukraine mà là những người Tatar! Hãn quốc Crimea đương thời chiếm một vùng rộng lớn, lớn hơn Crimea ngày nay nhiều, phía Bắc đến Ba Lan, phía Nam đến Thổ, phía Tây bao gồm cả vùng Rostov-on-Don của nước Nga bây giờ, nếu truy phả hệ thì Hãn quốc Crimea quay về người con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn. Nước Nga lúc đó chia thành hai bộ phận, phần phía bắc là nền nông nghiệp định cư, có năng lực sản xuất lớn, cùng với đó là mâu thuẫn xã hội tích tụ do cuộc sống cố định mà hình thành. Phía nam là những người Nga – cossack, cuộc sống bán du mục, tự do hơn, nhưng phụ thuộc vào phần phía Bắc về văn hoá, kỹ thuật, chính trị và cả kinh tế!

Người Tatar nhiều lần mở những cuộc đột kích vào Nga, có lần đánh đến tận thủ đô Moscow, nên suốt các thế kỷ 16, 17, người Nga nhiều lần Nam chinh đánh đuổi người Tatar! Hãn quốc Crimea cũng giống như vương quốc Champa (đã diệt vong), Ukraine thì giống… Campuchia, còn Ba Lan ở đây đóng vai Thái Lan, dĩ nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng! 😃 Quay trở lại cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Sa hoàng Peter-I lúc này còn đang mãi chơi trận giả, những cuộc tập trận của ông vua con có cả ngàn người tham gia! Trong thực tế, vương hầu Vasily Golitsyn (cố vấn kiêm người tình của nhiếp chính Sophia, chị cùng cha khác mẹ của Peter) nắm quyền, cả hai lần dẫn quân Nam chinh đều thất bại, bộ binh và pháo binh phần lớn là người Nga, kỵ binh phần lớn là người Nga Cossack!

Khi Peter-I đủ 17 tuổi, gạt nhiếp chính Sophia qua một bên, trực tiếp nắm quyền, tiếp tục Nam chinh! Trận Poltava (miền trung Ukraine, gần Kharkov) là dấu mốc lịch sử, Peter đánh bại quân đội Thuỵ Điển của Charles-XII! Chỉ số ít người Ukraine Cossack cầm đầu bởi Ivan Mazepa đứng về phía Thuỵ Điển, số đông đứng bên phía Nga! Trận Poltava mở ra một chương mới, nước Nga mở rộng về phía Tây Nam, cũng giống như Việt Nam, một chương mà hơn 300 năm vẫn chưa viết xong! Ước mơ của Peter-I không phải chỉ là Ukraine mà là kiểm soát các eo biển Dardanelles và Bosphorus của Đế-chế Ottoman (rộng lớn hơn ngày nay rất nhiều), tìm đường từ biển Đen ra Địa Trung Hải! Cũng gần giống như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, nếu như không có Poltava thì cũng sẽ chẳng có cái là Ukraine ngày nay!

Một không gian địa chính trị quá rộng lớn và siêu phức tạp bao gồm rất nhiều bên có liên quan, từ Liên minh phương Bắc do Thuỵ Điển cầm đầu, đến Đế chế Ottoman ở phía Nam, Peter-I gây chiến suốt từ Nam đến Bắc, cùng lúc đối đầu gần như với cả châu Âu! Cho đến ngày nay, hai con đường ra biển, một phía Bắc và một phía Nam: phía Bắc đứng chân tại Kaliningrad (chính là Königsberg, nổi tiếng trong giới Computer Science với bài toán 7 cây cầu – travelling salesman, đây cũng là quê hương của Immanuel Kant), phía Nam dùng Crimea làm bàn đạp, tiếp tục gây sức ép với Thổ, chưa thông được từ biển Đen ra Địa Trung Hải, hai đầu Địa Trung Hải là Gibraltar và kênh đào Suez vẫn do Anh (và bây giờ là NATO) kiểm soát! Xem ra, bài ca “Đất phương Nam” này vẫn sẽ còn tiếp tục thêm rất rất lâu nữa… 😅

march of the Preobrazhensky regiment

ành khúc trung đoàn Preobrazhensky, đội ngự lâm quân đầu tiên của Peter – the Great. Lời bài hát nói rõ lịch sử hình thành trung đoàn, từ ngày còn là những cậu bé chơi trận giả đến khi trưởng thành. Một dân tộc mạnh khoẻ phải có thứ âm nhạc khoẻ mạnh. Haiza, nghĩ đến những thứ “nhẽo” Việt đương đại, haiza, lại thở dài, ko thể gọi là “nhạc” được, chính xác chỉ có thể gọi là “nhẽo” !!! 🙁

russian navy day

hư thường lệ hàng năm, ngày 26/7 vừa qua là ngày truyền thống, dịp để Hải quân Nga phô diễn cơ bắp. Phút thứ 30, chiếc thuyền buồm gỗ nhỏ của Peter – the – Great lại dẫn đầu đoàn diễu hành. Đọc thêm về chiếc thuyền này trong một post tôi đã viết năm trước.

Mãi cho đến khi kết thúc buổi lễ, khi dàn quân nhạc chuyển sang chơi một điệu valse khoan thai nhẹ nhàng, người ta mới cảm thấy bớt căng thẳng, ngột ngạt, vâng, đó lại là những điệp khúc lặp đi lặp lại: cha ông của chúng ta như thế này, tổ tiên của chúng ta như thế kia… 😃

Peter the Great

àng năm, vào ngày 30 tháng 7, sinh nhật của Sa hoàng Peter I (vừa qua), chiếc thuyền buồm nhỏ 400 năm tuổi này lại dẫn đầu đoàn diễu hành kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân Nga trên sông Neva. Sau 400 năm, con thuyền 7m đóng bằng gỗ sồi này cỡi trên boong một con tàu khác chứ không thể tự bơi như trước. Tất cả chiến hạm của Hải quân Nga đều phải nghiêm chào khi con thuyền này đi qua. Peter I tìm thấy chiếc thuyền buồm trong nhà kho của ông nội, và học cách điều khiển nó năm 14 tuổi. Vài năm sau, ông tự tay đóng những chiếc thuyền buồm khác, “from keel to mast” – từ đáy lên tới đỉnh, và sau đó giong thuyền hàng trăm cây số trong bão tố trên vịnh Baltic, mặc cho bà mẹ của ông sợ hãi can ngăn.

Một cậu bé siêu tò mò và hiếu động, lập ra những “đại đội” đầu tiên từ các gia nhân, những người hầu cận của mình để chơi đánh trận giả. Hơn 3000 thiếu niên được huy động để lập nên hai trung đoàn: một đóng vai quân xanh, một đóng vai quân đỏ, và để xây dựng những pháo đài gỗ cho các trò chơi của cậu bé này. Ngày qua ngày, các chàng trai đó lớn dần lên, trò chơi trận giả ngày càng trở nên thật hơn. Đến một lúc, họ tập trận với gươm thật, súng thật, và từ đó trở thành 2 trung đoàn PreobrazhenskySemenovsky, đội ngự lâm quân của các Sa hoàng sau này. Những cậu bé chơi trận giả với Peter, về sau, đa số đều trở thành những sĩ quan thành danh trong các đơn vị quân đội khác nhau của vương quốc.

Không quan tâm nhiều đến sách vở, chỉ ham mê các trò chơi vận động. Nhưng ham thích thuyền buồm, nên đã học toán, học thiên văn để biết cách dùng kính lục phân (sextant), đã học nghề mộc, học cách tự may buồm, học cách rèn đúc đại bác, vũ khí, và tất cả những nghề nghiệp có liên quan khác. Năm 1697, lúc 25 tuổi, Peter du hành ẩn danh (incognito) qua nhiều quốc gia châu Âu, dừng chân 4 tháng ở Amsterdam để học nghề mộc đóng thuyền. Trong suốt thời gian 4 tháng này, ai gọi Peter là “bác cả” (thợ mộc) thì ông trả lời, còn ai gọi là “điện hạ”, “hoàng thượng” thì ông làm lơ không đáp. Peter đến Đức, Anh, Áo và nhiều quốc gia châu Âu khác, học hỏi mọi thứ có thể trên đường đi, nhất là những tiến bộ kỹ thuật!

Bản thân Peter thành thạo hơn 16 nghề, thành thạo thật sự chứ không phải chỉ làm cho có. Cuộc hành trình 2 năm ở châu Âu đã đem về Nga hàng chục ngàn đầu sách, đích thân Peter phỏng vấn và tuyển chọn gần 1000 chuyên gia nước ngoài để phục vụ cho việc đóng tàu, khai khoáng, luyện kim, chế tạo vũ khí, huấn luyện binh lính, etc… Họ được trả một mức lương hậu hĩnh để phục vụ trong quân đội, hải quân, trong chính quyền và các ngành nghề công nghiệp khác của Nga. Nên biết rằng lúc này châu Âu đã qua kỷ nguyên Ánh sáng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên Công nghiệp hoá, trong khi nước Nga vẫn còn là một quốc gia trung cổ cực kỳ lạc hậu, đơn thuần nông nghiệp dựa trên chế độ “nông nô” (serfdom).

Để mở mang bờ cõi, phía Nam, Peter xây dựng hạm đội biển Đen và gây chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Bắc, ông lập nên hạm đội biển Baltic và tuyên chiến với Thuỵ Điển, quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu lúc bấy giờ. Hai hạm đội này, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, mở được đường ra biển, giao thương với châu Âu và thế giới. Trước đó, người Nga hầu như chưa biết biển là gì! Peter khởi đầu với vị trí bombardier – pháo thủ, tự tay kéo pháo, tự tay nhồi đạn. Ông làm việc trên công trường đóng tàu như một người thợ mộc bình thường khác. Suốt mấy chục năm chinh chiến, ông được “thăng chức” bởi… chính các tướng lĩnh của ông, dần dần sau mỗi trận chiến, từ đại uý, đại tá và cuối cùng là đại tướng.

Mặc dù hiển nhiên, Sa hoàng mới thực sự là người chỉ huy cao nhất. Tất cả giống như là một vở kịch lớn, một trò chơi lớn, tiếp nối những trò chơi trận giả lúc nhỏ. Lúc đang xây dựng thành phố mới St. Peterburg, dự tính sẽ là thủ đô mới của nước Nga bên bờ vịnh Baltic, Peter sống trong một ngôi nhà gỗ 3 gian tạm bợ, với người vợ, sau này là nữ hoàng Catherine. Trong suốt nhiều năm, Catherine tự tay nấu ăn và giặt giũ, chăm sóc con cái, còn Peter tự tay làm vườn, họ sống như một cặp vợ chồng nông dân bình thường khác, trong căn nhà gỗ nhỏ thậm chí không có ống khói. Thư từ gởi đến và đi, đề tên là Peter Mikhailov, chứ không phải là Sa hoàng. Căn nhà này bây giờ trở thành một viện bảo tàng ở thành phố St. Peterburg.

Catherine, một phụ nữ gốc gác nông dân, “xuất thân hèn kém”, cả đời không biết đọc và viết, nhưng theo chồng Nam chinh Bắc chiến, chia xẻ mọi khó khăn, cực khổ, hiểm nguy trên chiến trường, nhiều khi còn tự tay nấu ăn cho lính tráng. Bà cứu mạng chồng mình trong một lần thua trận, bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây, bằng sự thông minh khôn khéo và can đảm của mình. Còn những khi chiến thắng trở về, Sa hoàng Peter, trong quân phục một đại uý, diễu hành qua cổng Khải hoàn môn ở Mát-cơ-va, đi phía sau những tướng lĩnh chỉ huy của ông như một người lính bình thường nhất. Giới quý tộc truyền thống Nga nhìn vào Hoàng đế của họ với tất cả những sự ngỡ ngàng, khó hiểu, xen lẫn với tức tối và bất mãn.

Công cuộc lột xác của nước Nga từ một nước nông nghiệp trung cổ lạc hậu, bước sang công nghiệp hoá trải qua nhiều đau đớn. Bản thân giới quý tộc không muốn từ bỏ các đặc quyền đặc lợi. Bản thân Nhà thờ Chính thống giáo không muốn mất đi các đất đai sở hữu và những quyền lợi khác. Peter đã ra lệnh tháo tất cả chuông của tất cả Nhà thờ trên toàn thể lãnh thổ Nga xuống để lấy đồng đúc súng đại bác, một hành động mà sau đó ông bị xem là “anti – Christ”. Giới quý tộc được lệnh phải văn minh hoá, phải học theo kiểu cách Tây phương. Áo choàng dài bị cắt ngắn, những hàm râu quai nón rậm rạp đặc trưng của quý tộc Nga bị cạo sạch, ai còn muốn để râu phải đóng “thuế râu”, phải trả một khoản tiền lớn.

Con em các nhà quý tộc và thơ lại được gởi đi châu Âu, học ngoại ngữ, học toán, học luyện kim, đóng tàu, kiến trúc, xây dựng, etc… và tất cả những ngành nghề cần thiết khác. Thể chế dựa trên đặc quyền, đặc lợi xa xưa dần dần bị bãi bỏ, tất cả được xây dựng lại trong một hệ thống dựa trên tài năng và công trạng. Thăng tiến trong chính quyền hoàn toàn dựa trên những thành quả đạt được. Và những đổi thay đó rất đau đớn, ở đây thể hiện một mặt khác trong cá tính con người Peter, một sự tàn bạo đến khát máu, sẵn sàng ra lệnh treo cổ hàng ngàn người chỉ trong một ngày, tất cả những ai dám chống đối, dám cản đường ông, tất cả chỉ để thực hiện cho bằng được chính sách “Duy tân” của mình.

Lịch sử nước Nga từ đó bước sang một trang khác, một kỷ nguyên khác, nổi lên như một siêu cường ở châu Âu. Cả châu Âu run sợ trước một thế lực mới, vừa văn minh hiện đại, vừa dã man tàn bạo! Không một ai có được vai trò như của Peter đối với nước Nga, trên tất cả các phương diện: khoa học, kỹ thuật, quân sự, văn hoá, thể chế luật pháp, chính quyền, kiến trúc, xây dựng, etc… Và cũng chỉ duy nhất một mình Peter được sử sách Nga chính thức gọi bằng cái tên: Piotr Veliki – Peter the Great – Peter vĩ đại. Tất cả được kể lại một cách hết sức chi tiết và sống động trong cuốn sách đồ sộ Peter the Great của Alexei Tolstoy, bản dịch tiếng Việt: Pie đệ nhất, một trong những cuốn sách yêu thích nhất của tôi lúc nhỏ.