nghìn trùng xa cách

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi. Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người. Trả nốt đôi môi gượng cười. Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.

ghìn trùng xa cách, đây có thể nói là bản nhạc tuyệt vời nhất cho những cuộc tình tan vỡ. Bài nhạc không còn là tiếc thương, vương vấn mà là thổn thức cầu nguyện cho những tâm hồn khổ đau lầm lạc. Đây phải nói là lần yêu thương chân thành nhất và đau khổ thực sự của con người đào hoa Phạm Duy. Cứ mỗi lúc tình cảm trào dâng đến chỗ tột bậc thế này, ông lại trở về với cái nguồn sacred music – âm nhạc phụng sự cho những tình cảm thiêng liêng. Nghìn trùng xa cách là một điểm son trong âm nhạc Phạm Duy.

Nghìn trùng xa cách - Thái Thanh 
Nghìn trùng xa cách - Lê Dung 

Không cần phải nói về phần lời rất đẹp, phần nhạc là một sự đơn giản lạ kỳ. Cấu trúc một bài hát thông thường phải là ABAB hay ABA (A: khúc dẫn, B: khúc điệp), Nghìn trùng xa cách chỉ có cấu trúc 2 đoạn AB, và sử dụng nhiều gam nhạc lặp đi lặp lại: mi mi fa sol, sol sol la si hay do do mi mi, la la re re. Điểm đặc biệt nhất của bản nhạc là cách chuyển giọng (modulate) từ đoạn 1 sang đoạn 2, và rất nhiều kỹ thuật tinh tế khác, với mục đích không ngoài việc làm cho lời và nhạc ăn khớp vào nhau, để vẽ nên một nét gượng cười bằng âm thanh.

Ai đã cảm được nhạc Phạm Duy rồi mới thấy nhận xét sau đây của nhạc sĩ rất đúng: âm nhạc hiện nay kém sang trọng, thiếu sự cuốn hút và rung động lòng người. Riêng tôi thì muốn nói thêm rằng: âm nhạc hiện tại còn thiếu cả sự… tử tế! 😬.

không nhìn nhau lần cuối

Trong bao kiếp hoang vui chưa tìm thấy, xin em hãy tin mai đây là lúc sum vầy. Đâu có ai biết mai sau. Đâu có ai mãi thương đau. Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau.

ôi sẽ lần lượt post nhạc của Lê Uyên Phương, mỗi lần một bài thôi. Thứ nhất là nhạc Lê Uyên Phương cũng không có nhiều, thứ hai phần lớn là những bài thật hay cả. Nhìn nhận về nhạc của Lê Uyên Phương, nhạc sĩ Phạm Duy có viết như thế này trong hồi ký (tập 3 – chương 12):

Không nhìn nhau lần cuối - Lê Uyên Phương 

Tôi nghĩ nhạc sĩ Phạm Duy nói vậy cũng không đúng lắm, đành rằng nhạc của Lê Uyên Phương không có tham vọng lớn, không theo đuổi những vấn đề mang tính cách dân tộc hay lịch sử, mà chỉ đơn thuần là nhạc của đôi lứa yêu nhau, tình yêu của họ là thứ tình điên dại, yêu cuồng sống vội, nhưng lãng mạn hóa dục tính hay trần tục hóa tình yêu thì cũng chỉ là hai mặt của một tình yêu. Ám ảnh về bệnh tật, cái chết, những suy tư trăn trở mang tính thời cuộc vẫn hiện diện trong nhạc của họ đấy thôi.

…Những ca khúc Nỗi Buồn Dâng Hiến, Buồn Đến Bao Giờ, không còn là tình sầu của họ Trịnh mà là tình điên. Nhìn đôi uyên ương này hát với lối diễn tả rất khêu gợi thì càng thấy được chất nhục tính trong nhạc của họ. Tuổi trẻ quá đau khổ chỉ còn một cách phản ứng là vùi đầu vào ái ân. Từ trong Vũng Lầy Của Chúng Ta, đôi Lê Uyên, Phương đưa ra những bài hát ngây ngất như đôi người tình vừa ôm ấp nhau, hay chán chường như họ vừa buông nhau ra sau một trận ân ái. Chúng ta cho nhau lần cuối nhưng cũng không nhìn nhau lần cuối!

Khác chăng là cách nói, Phạm Duy viết nhạc tình dù nồng nàn đến bao nhiêu vẫn có chút bóng gió, tế nhị: Tôi xây lại mộng mơ năm nào, bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau (Nha Trang ngày về), Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi, hẹn với bình minh (Cỏ hồng), nhạc Lê Uyên Phương chỉ nói rõ hơn một chút, và cũng nói rõ mọi mặt của một tình yêu hoàn hảo, một cuộc sống lứa đôi, mà nào có đâu dung tục? Nhạc Lê Uyên Phương là thứ thuốc phiện kinh khủng cho những ai đã, đang và sẽ yêu.

dạ khúc cho tình nhân

…Thương em khi yêu lần đầu. Thương em lo âu tình sau.
Dù gương xưa không được lau. Soi lấy bóng mối duyên sầu.
Cho tôi yêu em nồng nàn. Dù biết yêu tình yêu muộn màng.

(Tình khúc cho em – Lê Uyên Phương)

…Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Ðà Lạt vào những năm của thập niên 60. Chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Ðà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi…

ôi đã nghe nhạc của Lê Uyên Phương từ lâu, những câu nhạc quen thuộc, cứ hát nhưng không biết là nhạc của ai: em ơi, xin em, xin em nói yêu đương đậm đà, để rồi ngày mai cách xa, như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa xuân… Mãi về sau khi một người bạn hát cho nghe bài Dạ khúc cho tình nhân, tôi thấy rất hay bèn hỏi là nhạc của ai, bạn tôi trả lời… của Tuấn Ngọc 😀. Bắt đầu tìm hiểu về Lê Uyên Phương từ đó, những album, bài hát, từ cái tiêu đề, ca từ cho đến nhạc, nhất là nhạc, đã phảng phất vẻ khác người, đứng riêng một đôi trai gái thắm thiết yêu nhau trên bầu trời ca nhạc.

Dạ khúc cho tình nhân 
Hãy ngồi xuống đây 
Vũng lầy của chúng ta 

Những tên album: Khi loài thú xa nhau, Tình như mây cõi lạ, Nỗi buồn dâng hiến…, những tên bài hát: Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Ngồi lại trên đồi, Bài ca hạnh ngộ, Loài hươu đa cảm, Tình khúc cho em… phảng phất nét hiện sinh chủ nghĩa phổ biến trong giới văn nghệ sĩ trước 1975, mà vẫn có nét ái tình, u buồn, khát khao riêng biệt. Nếu như miền Nam lúc đó, đã có một Phạm Duy & Thái Thanh, với gốc gác Hà Nội xưa, đã có một Trịnh Công Sơn & Khánh Ly mang màu sắc Huế trầm mặc, hai phong cách lớn trên khung trời âm nhạc, thì bỗng dưng xuất hiện một đôi trai gái yêu nhau, họ đã mang khí trời Đà Lạt thổi vào đời sống văn nghệ lúc đó.

Về tầm vóc, thật khó so sánh Lê Uyên Phương với Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Trịnh Công Sơn có một khối lượng tác phẩm lớn với ngôn từ uyên áo. Phạm Duy có một lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú và sáng tạo hơn nhiều về mặt âm nhạc. Lê Uyên & Phương thì chỉ có những bài hát về cuộc tình của họ, dường như ngoài hai con người yêu nhau kia ra, chẳng gì khác tồn tại: chiến tranh, chết chóc, cuộc sống khốn cùng… Nhưng xét từ một khía cạnh khác, Lê Uyên Phương có chỗ đứng ngang hàng với những “đại gia” âm nhạc kể trên. Nếu như nhạc Phạm Duy không tách rời cái số nhà 54 Hàng Dầu, nơi tác giả sinh ra: Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, Số nhà năm bốn đứng đầu… du côn, không tách rời các làn điệu ngũ cung ba miền đất nước; nhạc Trịnh (phải nói là khá đơn điệu) là nhạc thất cung (ảnh hưởng nặng nề của giáo dục âm nhạc Pháp), thì Lê Uyên Phương, có lẽ là người đầu tiên tiếp nhận ảnh hưởng rock, blue, jazz Mỹ mà đem vào âm nhạc của chính mình, biến nó thành của mình không có chút nào ngượng ngập, khiên cưỡng.

Nhạc Lê Uyên Phương trong khổ đau chân thực vẫn luôn tiềm ẩn sức sống và khát vọng rất riêng, như chính một lời hát: trong đau đớn điên cuồng đó, vun kiếp sống không ngơi. Họ sinh ra là để yêu nhau và ca hát, như mỗi lần từ Sài Gòn (nơi họ biểu diễn để kiếm sống), trở về Đà Lạt, để tiếp tục bên nhau và có những sáng tác mới về cuộc tình của chính mình. Xin gửi đến các bạn ba bài hát trong album Khi loài thú xa nhau, album ghi dấu cuộc tình lãng mạn Lê Uyên & Phương. Có nhiều bản thu âm (của những ca sĩ khác) có thể ấn tượng hơn, nhưng nhạc của Lê Uyên Phương, xin nghe trình bày từ chính Lê Uyên & Phương.

Một cuộc tình như thế cuối cùng lại có một kết cục (theo tôi) là tầm thường. Âu cũng là số phận và căn cơ con người chỉ đến thế, cũng là một bài học về cái cơ địa (đáng buồn) của nhiều (đa số) người Việt chúng ta, cũng là một dạng định mệnh, đến và đi, không thể khác được. Nhưng ít nhất họ cũng đã có 15 năm chung sống, một tình yêu thật đẹp, và một sự nghiệp âm nhạc đầy mầu sắc, họ chẳng có gì để tiếc nuối.