phạm duy – 3

Hãy nhìn cho khá sâu xa,
và sẽ nhìn thấy khúc điệu.

(Carlyle)

Nói vậy chắc không ai tin. Lúc tôi đã có vợ, tôi chỉ yêu một người phụ nữ trong 10 năm trời với mối tình rất nghệ sĩ. Tôi không đụng chạm tới cái chân lông của cô ấy. Cô ấy làm 300 bài thơ tặng tôi, tôi viết tặng cô ấy gần 50 bài tình ca hay nhất đời mình…

NS PD nói những lời này hiển nhiên là nói thật, tôi tin là như thế. Có điều đó chỉ là một nửa sự thật. Có thể ông đã yêu một người 10 năm trời mà không hề đụng chạm tới cái chân lông cô ấy, nhưng cũng trong thời gian đó, ông cũng có thêm vài đứa con rơi ở đâu đó. Để biết về cái nasty reputation người NS này, xin đọc 3 tập hồi ký của ông. 😀

ăm 1954 đánh dấu một bước chuyển biến trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông hoàn thành phần đầu tiên của trường ca Con đường Cái quan (phần Từ miền Bắc), và bắt đầu chuyển hướng qua viết nhạc tình. Ở đây tôi xin phép được bỏ qua những phê bình hướng về đời tư của tác giả, một người có hàng chục (nếu không muốn nói là hàng trăm) người tình… Chỉ có một điều, nhạc tình của Phạm Duy cũng tuyệt diệu không kém gì những loại nhạc khác của ông.

Đường xưa lối cũ, Đường chiều lá rụng, Hoa rụng ven sông, Cho nhau, Xuân thì, Tìm nhau, Đừng xa nhau, Ngày đó chúng mình, Đường em đi, Thú đau thương, Còn gì nữa đâu, Kiếp nào có yêu nhau… chỉ là một ít trong số rất nhiều bản nhạc tình tuyệt vời của con người đào hoa Phạm Duy. Một số nhạc phẩm chỉ là những mối tình “sinh viên” lãng mạn, hẹn hò, một số lại là những cuộc tình gây chấn động tâm tưởng và để lại những vết cắt, vết đau lâu dài.

Kiếp nào có yêu nhau - Mỹ Linh 
Đường chiều lá rụng - Thái Thanh 

Trong số đó Đường chiều lá rụng là một bản nhạc đặc biệt, rất “khó chịu”, tinh vi về nhạc thuật, tác giả đã bỏ ý định chiều lòng đa số quần chúng nghe nhạc mà đặt nghệ thuật lên trên hết. Đây là một bản nhạc phức tạp, rất kén người biểu diễn và người nghe. Tuy vậy, Kiếp nào có yêu nhauNghìn trùng xa cách mới thực sự là một trong những đỉnh cao của nhạc tình PD. Có lẽ PD chỉ thực sự yêu có một người, và dành tất cả những bài tình ca hay nhất của mình cho người ấy, nhưng đấy lại là một tình yêu Platonic (chỉ có điều ông lại có những cái non-Platonic ở quá nhiều những người khác!).

Nước mắt rơi - Thái Thanh 
Tôi còn yêu tôi cứ yêu - Khánh Ly 

Năm 1960, PD hoàn tất trường ca Con đường cái quan, một công trình của nhiều năm làm việc và của một lời hứa thời hoa niên: ghi lại những gì ông đã tai nghe mắt thấy trên chuyến du ca xuyên Việt theo gánh hát Đức Huy. Qua những năm 60, khi cuộc sống gia đình đã ổn định tại Sài gòn, khi đã hoàn tất những đại tác phẩm, nhạc sĩ PD quay sang sáng tác những tác phẩm nho nhỏ xinh xinh: Xuân ca, Bài ca trăng, Bài ca sao, Nước mắt rơi, Ngậm ngùi, Mộ khúc

Ngoài ra, ông còn bắt đầu viết những công trình nghiên cứu về dân ca cổ nhạc: Đặc khảo dân nhạc Việt Nam (NXB Hiện Đại, 1972) và Đường về dân ca (NXB Xuân Thu, USA, 1990). Hiện tôi mới chỉ tìm được soft-copy của công trình đầu, xin post ở đây, (format ebook PRC), cuốn Đường về dân ca là một tác phẩm quan trọng nhưng do xuất bản tại Mỹ nên đến giờ tôi vẫn chưa tìm được. Những bài dân ca chúng ta còn nghe được hôm nay: Trèo lên Quán Giốc, Qua cầu gió bay, Cây trúc xinh… là nhờ công của ông.

Điều tôi yêu ở những ca từ của PD là chúng đẹp, tân kỳ nhưng đơn giản, gần gũi, không trừu tượng xa vời, không đao to búa lớn. Ca từ cũng như nhạc của ông không triết lý, không siêu hình, chỉ là những thoáng chớp thăng hoa của cảm xúc, của tâm hồn, vậy thôi: Vâng, tôi còn yêu, tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo, đường về cõi tiên xa vời, nhạc trời đứt dây tơ rồi, thần đồng gãy đôi cánh vàng tả tơi… Vâng, tôi còn yêu, bên bờ suối vắng lạnh lẽo tiêu điều. Dòng lệ hết vơi lại đầy, ngập lụt thế gian đêm ngày, chập chờn bóng ma kêu bầy cuồng quay… (Tôi còn yêu tôi cứ yêu).

(Còn tiếp…)

café Chiêu



afé Chiêu là một quán không nhiều người biết, nằm trong một hẻm phố trên đường Cao Thắng, thành lập năm 1969, một trong những quán café xưa của Sài Gòn còn sót lại, tuổi đời cũng sánh ngang ngửa với quán Tùng Đà Lạt. Những bạn nào từng là sinh viên ĐH KHTN hẳn quen thuộc quán café này. Ngày trước thường ngồi đây với Đạt, Minh, Khoa, Phương… có hôm nói chuyện IT & CS say sưa suốt cả ngày, uống hết 16, 17 ấm trà.

Bài hương ca vô tận – Thái Thanh 
Nước mắt mùa thu - Lệ Thu 
Người đi qua đời tôi - Khánh Ly 

Quán có gì gần gần giống như café Tùng (Đà Lạt): không gian đồ gỗ cũ kỹ, một vài bức tranh sơn dầu tối tăm ám khói, một bức ảnh BB (Brigitte Bardot) lớn đã ngã màu và rạn vỡ, một vài bức ảnh Đà Lạt của MPK. Từng ngồi đây khá lâu để xem những đổi thay của cuộc sống đi qua không gian quán: những ông trung niên xài laptop và… uống Heineken, những cô cậu thanh niên, thiếu nữ mặc áo pull đen Machine Head, Slipknot… đi giày Converse… phì phèo thuốc lá và nghe Văn Cao, Trịnh Công Sơn…

Quán mở nhạc xưa, phần nhiều là nhạc hay, nhưng bản thân người mở nhạc cũng không mấy chú ý đến giá trị của âm nhạc. Một lần yêu cầu người mở nhạc cho nghe Thái Thanh, người ta hỏi là ai, rồi loay hoay một lúc lâu mới tìm ra và mở được hai bài. Ngày trước, ở quán này, thi thoảng tìm được những phút “yêu người, yêu đời” hiếm hoi, như khi nghe giọng ca Mai Hương: Hương ơi, sao tiếng hát em nghe vẫn ngọt ngào, dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường (ca khúc viết riêng cho Mai Hương: Bài hương ca vô tận – Trầm Tử Thiêng).

Hay khi nghe Lệ Thu hát: Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều, hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu (bài ca viết riêng cho Lệ Thu: Nước mắt mùa thu – Phạm Duy).

Hay là nghe Khánh Ly: Người leo lên người tôi (í quên: người đi qua đời tôi) có nhớ gì không người (ca khúc Người đi qua đời tôi – Phạm Đình Chương). 😬

Ngày xưa uống café Chiêu là để… chờ yêu, bẵng đi một thời gian không lui tới café Chiêu nữa… Cuộc sống ít ra cũng nên còn cảm thấy điều gì đó đẹp, nên còn cảm thấy phải tôn trọng một số thứ nào đó, bây giờ lại trở về đây để… chờ yêu.

sơn ca

Sơn ca 7 - Intro 

Hân hạnh giới thiệu cùng quý vị một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 7, với tiếng hát Khánh Ly qua những nhạc phẩm lừng danh của Trịnh Công Sơn, một thời khuấy động hàng triệu con tim qua những giai đoạn dầu sôi lửa bỏng… Với hai giai đoạn của một đời nghệ sĩ, Sơn Ca 7 sẽ đưa quý vị về những khung trời hoa bướm ngày xưa, với tiếng hát nồng nàn tình ái của Khánh Ly trong những ca khúc trữ tình hay nhất, muôn đời của người nghệ sĩ lãng mạn…

Sơn ca 10 - Intro 

Hân hạnh giới thiệu một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 10, với tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, qua những ca khúc tuyển chọn từng làm rung cảm cả một dân tộc, thấm sâu vào lòng đất nước và tạo thành danh, tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long.

ái này dành cho những ai thích sưu tầm đồ cổ… Sê-ri 11 băng nhạc (cassette tape) Sơn Ca ngày trước (1970 – 1975). Một sê-ri những ca sĩ ăn khách nhất thời bấy giờ, bất kể trình độ, khuynh hướng âm nhạc. Trong những băng nhạc Sơn Ca này, các bạn sẽ tìm thấy Giao Linh, Tuấn Vũ, Chế Linh… và cả Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh… Đúng là vàng thau lẫn lộn, nhưng có như thế chúng ta mới hiểu được một giai đoạn lịch sử nước nhà…

Có thể chúng ta không thích tất cả 11 băng nhạc, mỗi người sẽ có một gu riêng, nhưng ít ra đó là một trong những gì còn lại để chúng ta hiểu về tình hình âm nhạc ngày trước, hiểu tất cả những khác biệt, dằn vặt, đau khổ… hiểu cái gọi là con người Việt Nam. Đến lúc này rồi, tôi nghĩ không nên lấy quan điểm chính trị để mà đánh giá con người, nhất là những người nghệ sĩ.

Như Trịnh Công Sơn ca tụng mẹ Việt Nam anh hùng bằng một bài ca rất hay: Huyền thoại Mẹ, cũng như cầu nguyện cho một người bạn, đại tá không quân VNCH (Lưu Kim Cương) tử trận năm 1968, bằng một bài ca tuyệt vời: Cho một người nằm xuống (bài này, theo tôi xét về cả nhạc và lời đều hay hơn bài trước).

Quá khứ đấy có nhiều người nghĩ là đã xa, nhưng tôi lại nghĩ là nó rất gần, nó vẫn còn dấu vết sâu đậm đâu đó trong nhịp sống hàng ngày của chúng ta, trong chính con người chúng ta. Tôi chỉ nhớ khi nhỏ, những băng nhạc này đã quá quen thuộc, đến mức, chỉ cần nghe một phần đoạn intro đầu tiên, tôi đã biết ngay đó là băng nào… Một giọng nữ Sài Gòn “chính hiệu con nai vàng”, vừa sang trọng, vừa đầy chất tiếp thị 😀. Mời các bạn nghe lại, chỉ những phần intro thôi, tôi nghĩ là chúng đã khá quen thuộc với nhiều người…

Trên đây là bìa trước của 3 băng nhạc Sơn ca 7, 9 và 10. Kỹ thuật in offset 4 màu thời bấy giờ vẫn còn vụng về quá, không khác bây giờ chúng ta in hàng mã là mấy… Hiện tại tôi có đầy đủ những bản mp3 chất lượng cao (196 kbps) của 11 băng nhạc này (khoảng 150 bài). Bạn nào cần, xin liên hệ, tôi sẵn sàng chia xẻ. Hình trên, từ trái quá phải: Sơn ca 7: Khánh Ly và ca khúc Trịnh Công Sơn, Sơn Ca 9: Lệ Thu và những ca khúc tiền chiến, Sơn Ca 10: Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long.