gà và thóc

Nếu nghĩ kỹ sẽ thấy các hệ thống trí tuệ nhân tạo – AI có một khuôn mặt “nhị trùng” ẩn kín đằng sau. Như nhân viên các công ty VN, rồi cả các quan chức chính phủ, vì “trí năng hữu hạn”, nên hở cái gì cũng lên hỏi ChatGPT, khác nào nói cho người ta biết mình đang suy nghĩ, dự tính những gì!? Rồi các bí mật kinh doanh, những kế hoạch hành động, vì “năng lực suy nghĩ có hạn” nên cứ “thoải mái tâm sự” với ChatGPT hết, khác nào vạch áo cho người xem lưng!? Tung hô vạn năng, vạn tuế, không khéo lại là một chiêu bịp, tưởng mình là khách hàng, hóa ra chỉ là món hàng, ai là gà, ai là thóc!? Gì chứ những loại suy nghĩ vấn đề logic nhỏ không được, viết câu đơn giản không thông, “tâm” lúc nào cũng đầy “nhiễu sự”, những loại đó nhiều vô kể, không hiểu giáo dục thế nào lại tạo ra những kiểu như thế!

Bên trong không tự vận động được, nên tự biến mình thành công cụ của AI. Hiện còn quá sớm để nhận định về DeepSeek, mới là một chiêu “nhá hàng”, “ta đây cũng làm được nhé!” Nhưng để đối lại với sự độc quyền, bảo hộ thì cũng chỉ có cách dùng “open source” như thế! Mã nguồn mở, an toàn, giá thành rẻ, những phương thức vô cùng XHCN nhé! Chưa gì Hoa Kỳ đã cấm nhân viên, nhất là ở BQP sử dụng DeepSeek vì lo ngại về “an ninh quốc gia”, hơn ai hết, họ hiểu rõ bản chất loại công cụ đó, vì họ là người nghĩ ra đầu tiên mà! Suy cho cùng, chỉ bằng cách nâng cao năng lực vận động tư duy của bản thân thì mới thoát được những cái bẫy “phản khách vi chủ – 反客为主” như thế!

Từ một góc nhìn sâu xa hơn, diễn đạt theo một cách khá là “Phật giáo”, thì người ta ngộ ra sự thay đổi nhân quả từ trong tính “không”, không ai đi tìm chân lý trong sự “có”, nhất là một cái “có – làm sẵn, ăn ngay” như vậy! :D Về lâu dài, “giá rẻ” sẽ không còn mang hàm nghĩa “chất lượng thấp” nữa, mà sẽ mang ý nghĩa “hiệu quả cao”! Còn các định chế bảo hộ, độc quyền sẽ chết dần vì luôn tìm cách “nâng giá”, và trong cái nỗ lực “làm giá” đó, vô hình chung đánh mất đi tính hiệu quả, nếu không muốn nói, trong nhiều trường hợp là “tạo khống giá trị”, “tạo ra quá nhiều bánh vẽ”. Đương nhiên cái gọi là “giá rẻ” này không phải ai cũng làm được, vẫn phải là “dân trí” cao! Một xã hội vận hành hiệu quả không chỉ dựa trên chất lượng con người, mà sâu xa hơn, là làm sao đào luyện, khống chế được cái “tâm” con người, bằng văn hóa, giáo dục, bằng luật pháp!

Suy cho cùng, với hàng tỷ con người đang sinh sôi, và với tài nguyên ngày càng cạn kiệt, thì ai tối ưu, hiệu quả hơn thì sẽ có cơ hội sinh tồn tốt hơn! Nên một mặt, phương Tây vẫn đang dẫn đầu với xu hướng “tự do, khai phá”, luôn luôn thử nghiệm, tìm kiếm ý tưởng mới của họ! Nhưng mặt khác, việc giải quyết vấn đề sinh kế cho nhiều tỷ con người chen chúc trong cái vòng tròn Valeriepieris đó vẫn phải cần có một cách tiếp cận “down – to – earth”, làm sao thực tế và hiệu quả nhất, chứ ăn “bánh vẽ” mãi thì chỉ có… “cạp đất…”! Và cứ như thế, chỉ đến khi nào xử lý được cái “tâm” của con người thì cuộc cách mạng mới được xem là hoàn tất!

Quant trading

Một cái tên nghe có vẻ rất Việt, Lương Văn Phong – Liang Wenfeng, người Quảng Đông, đang tạo ra sự chao đảo nhất định trên thị trường chứng khoán. Ngay từ đầu, tôi đã nhận định cái gọi là “trào lưu AI – trí tuệ nhân tạo” thực chất vẫn có những thuộc tính rõ ràng của sự tuyên truyền, cố tình tạo ra cái ấn tượng rằng: “ta đây có một loại sức mạnh siêu nhiên nhé!!!” Một số bài toán lập trình, tự động hóa đơn giản cũng cố khoác lên mình cái áo AI nhằm gia tăng giá trị. Thế rồi cái AI đó hoành hành, với những dân tộc không có căn cơ suy nghĩ, nó thực sự tạo ra những “cơn sốt”!

Nhưng với những dân tộc có chiều sâu suy nghĩ mà nói, họ thừa hiểu rằng phải đi vào bài toán cụ thể, phải tối ưu hóa sản xuất, phải cải tiến tự động hóa, phải áp dụng AI vào những việc cụ thể. Thằng nào chỉ lu loa cái mồm AI chung chung mà không nói được việc cụ thể gì, thì chính là… bên trong éo có cái gì cả! Như DeepSeek vốn gốc là một công cụ để làm QuantTrading, kinh doanh chứng khoán sử dụng các kỹ thuật “phân tích định lượng”, High – Flyer Quant tăng tài sản được quản lý của mình gấp 10 lần trong 4 năm, một kỷ lục đáng mơ ước với bất kỳ quỹ đầu tư nào!

Đôi khi tôi tự hỏi, cái gì, điều gì hậu thuẫn, tạo tiền đề cho những sự phát triển như vậy!? Là ngôn ngữ, là văn chương, là nền tảng văn hóa, lịch sử!? Là gì thì chưa chắc đã biết rõ được, nhưng đầu tiên chính là văn hóa cộng đồng, phải dẹp các thành phần lưu manh gây bất ổn xã hội, phải dẹp cái tâm lau nhau suốt ngày ghen ăn tức ở, lưu manh lặt vặt đi, thì mới bắt đầu học cái gì đó cho ra hồn được! Còn không thì chỉ có mua gian bán lận, lừa bịp lẫn nhau, bịp quanh hết người này đến người khác, đến khi hết người để bịp rồi thì quay sang bịp ngay chính người trong nhà mà thôi!

bukh

Người Anh, đôi khi họ có những cái tự hào rất… kỳ lạ, ví dụ họ cho rằng cái động cơ Bukh của họ, vốn có hơn 120 năm lịch sử, mới là máy thủy thực sự, và duy nhất, tức là được thiết kế và chế tạo ngay từ đầu để chạy trên các con tàu biển, còn các hiệu khác đều là “máy cạn” được “marinized” – độ, chế lại cho phù hợp với môi trường nước! Nhưng cái tự hào ấy đúng là có chút cơ sở! Nếu xét kỹ thì các nhãn hiệu máy thủy nổi tiếng, từ Beta, Yanmar đến Volvo Penta đều là máy cạn được chế lại.

Như Beta là mua động cơ từ Kubota và chế lại cho phù hợp với môi trường biển! Động cơ Bukh được sử dụng phổ biến trên các xuồng cứu sinh, khi không cần đến thì cứ treo xuồng ở đó 10 năm, nhưng khi cần đến thì đề máy phải nổ! Đến tận ngày nay, một số dòng máy của Bukh vẫn không có phun xăng điện tử, không được điều khiển tiên tiến bằng máy tính, khi cần vẫn có thể quay tay (manivelle – hand-crank) để khởi động, tất cả là để phù hợp với môi trường khắc nghiệt nơi biển cả!

Horse power

Thường nghe nói “tàu cá 1000 CV” hay “động cơ 500 HP” (CV – HP – mã lực) nhưng đó chỉ là… một nửa sự thật, giới bán hàng thường mập mờ một nửa sự thật còn lại để đánh lừa khách hàng. Cái này phải nói sao cho dễ hiểu… những ai từng xài xe Vespa 150 thời xưa sẽ để ý tiếng nổ động cơ rất chậm, mạnh và đằm, một chiếc Honda đời mới có tiếng nổ nhanh hơn rất nhiều, dù 2 xe có cùng công suất danh định. Công suất (HP) và động năng (torque) là 2 cái hoàn toàn khác nhau, một đằng là con số tính toán “lý thuyết” và một đằng là năng lượng “thực tế” truyền ra tới bánh xe, chân vịt để đẩy xe, tàu chạy. Có thể tăng công suất động cơ bằng cách tăng số vòng quay RPM (round per minute) của nó! Ép máy chạy nhanh hơn, sinh nhiều công (HP) hơn, nhưng chưa chắc động năng đã tăng. Đồ thị biểu diễn liên hệ giữa số vòng quay (RPM), công suất (HP) và động năng (Torque) như hình. Ban đầu khi tăng RPM thì cả HP và Torque đều tăng, nhưng đến một mức thì chỉ HP tăng, còn Torque không tăng nữa, thậm chí giảm! Dù có ép máy quay nhanh hơn thì xe, tàu cũng không đi nhanh hơn, chính là tại điểm giao nhau của 2 đường cong!

Cũng như người vậy, những người có nhịp tim chậm thường sống thọ hơn người có nhịp tim nhanh! Tăng tốc độ quay RPM của động cơ đồng nghĩa với việc giảm tuổi thọ, trong nhiều trường hợp là giảm đi đáng kể! Các thế hệ động cơ cũ được thiết kế để chạy chậm và bền, còn không hiểu sao, các động cơ mới sau này được thiết kế để chạy nhanh, “công suất lớn”, nhưng tuổi thọ lại… rất có vấn đề! Cách duy nhất để tăng công suất mà vẫn giữ tốc độ chậm là tăng phân khối! Nhưng tăng phân khối tức là tăng kích thước, khối lượng, và tăng giá thành lên rất nhiều! Trong đồ thị, điểm giao nhau của 2 đường cong chính là số RPM “không bao giờ được vượt qua” của động cơ, vì có vượt qua cũng không có nghĩa lý thực tế gì. Người bán hàng lương thiện sẽ nói với bạn điều đó, còn người bán hàng “đểu” sẽ dùng các con số “hư ảo” trong phần phía trên của đường cong để đi lừa khách hàng! Về định nghĩa của HP – horse power, một con ngựa có thể sinh công suất tối đa khoảng… 15 sức ngựa, vì ông James Watt ngày xưa đo công suất ngựa trong điều kiện làm việc bình thường! Chứ lúc nào cũng 15 HP thì chắc con ngựa không sống được mấy ngày!

meteorbridge

Vài năm trước, ông bạn già người Anh khoe cái “trạm khí tượng thủy văn” mini đặt tại nhà, giống như trong hình, có tính năng thu thập thông tin thời tiết và gởi về các trung tâm xử lý! Đương nhiên một trạm KTTV hiện đại còn nhiều thiết bị khác chứ không phải chỉ mỗi cái máy này, nhưng khác với các trạm KTTV truyền thống, nó được tự động hóa hoàn toàn, tự động cập nhật thông tin lên các máy tính trung tâm.

Nhiều gia đình ở Anh tự nguyện lắp đặt những trạm này để đóng góp cho mạng thời tiết chung. Thứ nhất là tự động hóa, thứ nhì là số lượng trạm lớn, độ bao phủ (coverage) rộng thì dự báo sẽ chính xác hơn! Cũng tương tự như các thiết bị đo bụi mịn vậy, nhưng ở mức độ chuyên nghiệp hơn! Đương nhiên, thu thập số liệu là một chuyện, mô hình dự báo, diễn dịch số liệu có nghĩa gì lại là một chuyện khác nữa!

Ornithopter

Ornithopter là thiết bị bay vỗ cánh như chim, trong clip là kỷ lục thế giới thiết lập bởi một nhóm nghiên cứu ĐH Bắc Hàng TQ, “con chim” bay liên tục 1h 31′! Thực tế trên thị trường từ 2, 3 năm qua đã xuất hiện loại đồ chơi “RC Bird” – Chim điều khiển từ xa, vỗ cánh bay y như chim thật! Kiểu này mà ứng dụng vào quân sự thì các hệ thống AI, nhận dạng sử dụng hình ảnh là bó tay, không thể phân biệt được đâu thật, đâu giả!

46950

Mới nhớ ra cả đời mình chưa bao giờ xài sạc sự phòng, thực sự vì không có nhu cầu đó. Điện thoại thì sạc thường nhật đều đặn ngày một lần là đủ rồi, Facebook thì hiện tại mỗi ngày lên 3 lần, mỗi lần 3~5 phút, bình nhật, mỗi ngày dành cho Face không quá 15 phút. Trừ khi có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu một chủ đề nào đó thì mới online lâu hơn!

Thử cục sạc dự phòng 46950 này xem sao! Đây là một cục pin trụ tròn đường kính 46 mm, dài 95 mm, dung lượng 30 Ah, test thử thực tế sạc được con iPhone 2000 mAh được khoảng 10 lần! Nặng hơn 0.5kg, công suất thực của cục pin này nằm đâu đó khoảng giữa 110 ~ 130 Wh, nhưng trên vỏ thì nhà SX ghi là 75Wh để đem được lên máy bay (!?!?)

3D printing

Chụp ảnh đề lưu giữ kỷ niệm là xưa rồi, giờ phải là in mô hình 3D! Gia đình, vợ chồng, cặp đôi, bạn bè, etc… có thể đứng vào máy cho nó quét 3D rồi in ra cái mô hình mini nhìn sống động như thật, từ chi tiết, màu sắc cho đến cả… hình xăm! Công nghệ đang bùng nổ ở TQ, Hàn, Mỹ và nhiều nước khác. Chắc chắn nhu cầu về kiểu tạo hình này là rất lớn, dù giá cả còn hơi mắc! Chuyện quét hình 3D thì rất dễ, nhưng có nơi dùng công nghệ in 3D không màu, in xong tô màu lên, còn TQ không hiểu làm cách gì, hình như không phải in mà là đúc, mẫu tạo ra có màu sẵn!

sinh nhật

Ngày xa xưa, sinh nhật từng là một chuyện rất đơn giản, như trong nhà tôi, con nít được mua cho vài cái bánh ngọt nhỏ dạng cupcakes, vài loại trái cây, vài chai nước ngọt, cho nó ngồi chơi tám chuyện với 2, 3 đứa bạn thân, như thế xem như là sinh nhật rồi! Còn người lớn thì quên đi, có khi còn chẳng nhớ và không tổ chức sinh nhật của mình! Thế rồi, thời buổi thay đổi, giờ đây người ta chăng rạp, tràn ra trọn con đường, nhậu nhẹt, hét hò ầm ĩ, tưng bừng như mấy con “linh trưởng” – primate thiểu năng vậy, một năm có khi cả chục cái sinh nhật ấy! Người có ý thức đi ngang qua chỉ biết nói đúng một câu: “LŨ MỌI”!! Chúng ta sinh ra trên đời này, có khi chỉ để phí thêm một lượng oxy vô ích – just an oxygen – wasting creature! Nên trên Facebook cũng vậy, những cái thao tác chúc mừng này nọ thôi thì ta cứ giản lược đi, không nhất thiết cứ phải chúc tụng qua lại phiền phức!

Còn dưới đây là quà sinh nhật… mọi năm đều tự tặng quà sinh nhật cho mình, khi thì là chiếc xe đạp, khi thì là cái laptop, nhưng chỉ những vật dụng cần thiết thôi! Năm nay khác chút, Garmin Fenix 7X Pro Sapphire Solar, vâng, cái tên nó dài như thế, kích cỡ X – 51mm, phiên bản Pro, mặt kính Sapphire kiêm tính năng sạc pin mặt trời (tăng đáng kể thời gian sử dụng)! Dù dùng ở chế độ GPS rất hao pin thì vẫn có thể đến 120h một lần sạc, nếu xài ở mode “Expedition” thì có thể kéo đến hơn 2 tháng, hoặc nếu chỉ xài như cái đồng hồ bình thường thì đến một năm! Và tính năng vẽ bản đồ của nó thật tuyệt với một cái máy đeo tay nhỏ xíu như thế! Và vô số tính năng cần thiết khác cho một “nhà thám hiểm” thực thụ: la bàn, máy đo cao, đo áp suất không khí, dự báo bão, nhiệt kế, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, lịch mặt trăng, lịch thủy triều, đo nhịp tim, đo oxy máu, etc…

telecentric

Mỗi ngày biết thêm một tí, trong video là một loại ống kính rất đặc biệt – telecentric lens, vật thể nằm trong trường nhìn của nó có kích thước giống nhau dù ở xa hay gần! Tức nó không tạo ra một phép chiếu phối cảnh (perspective projection) mà kỳ lạ thay, có thể tạo ra một phép chiếu đẳng cấu (isometric projection)! Điều này có vẻ khá là khó tin nhưng phép chiếu đẳng cấu thực ra không xa lạ như mọi người nghĩ! Thậm chí tôi còn cho rằng, bản năng đầu tiên của chúng ta khi diễn họa cấu trúc một vật thể là đẳng cấu chứ không phải phối cảnh. Xem thêm về một bức tranh vẽ trong không gian đẳng cấu ở đây!

Nhưng cụ thể, ống kính này được dùng để làm gì? Nó được dùng trong các ứng dụng đo lường, kiểm định, các ứng dụng computer vision, pattern recognition, etc.. sẽ tránh được nhiều lỗi sai về kích thước, vì dù có chụp gần hay chụp xa thì kích thước vẫn y như thế, xem như đã chuẩn hóa đầu vào! Một ví dụ khác là in vi mạch bằng phương pháp quang khắc đều dùng loại ống kính này để tránh sai số! Một chút suy luận là sẽ thấy ngay, ống kính không thể nhìn thấy được vật thể to hơn nó (lớn hơn đường kính ống), nên quên chuyện dùng để chụp phong cảnh đi, chỉ dùng để chụp những vật thể nhỏ và macro mà thôi!

3M Novec

Làm mát bằng nước hay bằng dầu khoáng (mineral oil) là xưa rồi… giờ họ làm mát bằng dung dịch “3M Novec xxxx” (có bán đầy ở ngoài thị trường). Thực ra, kỹ thuật này đã được dùng với siêu máy tính Cray-2 từ năm… 1985, nhưng chỉ phổ biến trong thị trường máy tính dân dụng vài năm gần đây! Toàn bộ board mạch máy tính được nhúng ngập trong “3M Novec”, loại chất lỏng không dẫn điện, sôi ở 56 độ C, có thể hạ tiếp nhiệt độ sôi bằng cách rút bớt không khí ra khỏi case, tạo môi trường áp thấp, như ta biết, nhiệt độ sôi phụ thuộc vào áp suất! Sau khi hấp thu nhiệt, bốc hơi thành thể khí, khí này chạy qua bộ phận làm mát, ngưng tụ (condenser) với các lá kim loại tản nhiệt và quạt gió ở phía trên, lại hóa thành thể lỏng và rơi xuống dưới trở lại!

Giống như là mây – mưa vậy, cứ thế tuần hoàn! Kỹ thuật này giúp tăng mật độ thiết bị điện tử lên cả chục lần mà vẫn bảo đảm vấn đề tản nhiệt! Và quan trọng là có thể thực hiện tương đối dễ dàng, cho cả quy mô cá nhân (như PC) lẫn quy mô công nghiệp (như data-center). Cũng gần gần giống như cách làm các trạm biến áp xưa, toàn bộ thiết bị được bỏ trong container kim loại chứa ngập dầu khoáng, dùng dầu làm chất dẫn nhiệt! Nhiều người đã làm dàn máy tính cá nhân sử dụng tản nhiệt bằng “3M Novec” kiểu aquarium, trông giống như cái bể cá thủy sinh thật sự, nhìn rất đẹp mắt! Rất thích tự build một cái workstation thế này, nhưng trước tiên là… phải đi kiếm những bài toán cần đến năng lực tính khủng như thế đã!

radio clock

Radio clock, là loại đồng hồ được tự động đồng bộ qua sóng radio! Đồng hồ (hiểu theo nghĩa rộng) có vô số hình thức và công năng khác nhau: đồng hồ công cộng ở sân bay, bến xe, đồng hồ trong các thiết bị điều phối giao thông đường bộ, đường sắt, đồng hồ trong các thiết bị cảm ứng đo lường (khí tượng, thuỷ văn, thời tiết…) hàng triệu đồng hồ này đều có sai số nhất định.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu thiết bị bẻ ghi – điều hướng tàu hoả bị sai giờ!? Cần có các tháp / trạm phát tín hiệu thời gian để những đồng hồ này tự chỉnh lại cho đúng! Như Nga và Mỹ, mỗi nước có 11 trạm phát sóng, Trung Quốc có 5 trạm, Đức có 3, Nhật Bản có 2, Anh, Pháp, Đài Loan mỗi nước có 1 trạm… phần lớn những vùng còn lại trên thế giới, ví dụ như Ấn Độ, không có trạm nào!