tại sao kayak? phần 8

ề cái sự nhỏ của chiếc xuồng kayak… đã có ai đọc tác phẩm văn học “Little women – Những người phụ nữ bé nhỏ” chưa nhỉ!? 😀 Tôi thích những gì nhỏ nhắn, xinh xắn. Cụ thể hơn, một chiếc kayak không giống như những thuyền buồm khác, nó rất chi là “manageable”. Khi cần, bạn có thể vác xuồng lên vai đi một cách dễ dàng, không phải dùng xe đẩy lớn nhưng các loại xuồng to hơn. Ngay cả khi ở dưới sông, nếu thuyền bị lật, bạn cũng có thể bơi và đẩy nó vào bờ một cách nhanh chóng.

Ngay từ lúc khởi đầu đóng thuyền, trong đầu tôi đã vẽ ra những hành trình xa, chứ không chỉ là muốn đi loanh quanh gần. Đi xa ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề rủi ro, nguy hiểm, cũng như có rất nhiều sự bất cập trong việc cứu hộ cứu nạn. Và cũng ngay từ đầu, tôi đã xác định là nếu có điều gì không hay xảy ra, thì tự cứu mình hầu như là phương cách duy nhất. Nếu vì một lý do nào đó mà thuyền không chèo được nữa, bạn vẫn có thể nằm sấp phía sau boong thuyền, dùng tay quạt nước đi như một tấm ván.

Ấy cũng là vì tôi không bao giờ muốn phải bỏ thuyền – abandon ship giữa biển, trừ khi chiếc xuồng gặp tai nạn, vỡ nát không thể nổi được nữa mà thôi. Công sức mình bỏ ra để thiết kế và đóng nó, không thể bỏ đi dễ dàng như thế được, mỗi chiếc xuồng dưới nước là một vật thân thiết, gắn bó, trên bờ, treo trên tường, là những vật trang trí rất đẹp cho ngôi nhà 😀. Yếu tố quan trọng nữa là chi phí và công sức để đóng những chiếc thuyền nhỏ cũng thường nhỏ, từ 120 đến 180 giờ công cho mỗi chiếc.

Nó không cần phải bỏ ra quá nhiều công sức, tiền bạc như một chiếc thuyền buồm. Và nếu có gì không đúng mà không sửa chữa được trong quá trình thiết kế và đóng thuyền, bạn hoàn toàn có thể thiết kế lại và đóng một chiếc mới. Mọi chuyện là một quá trình học tập, thử và sai, không có chuyện ngay từ đầu đóng là đã có được ngay chiếc thuyền phù hợp với mình. Nên ngay từ đầu, cũng đã biết đây là một cuộc chơi dài hơi, mỗi chiếc xuồng là một phiên bản với nhiều sửa đổi, cải tiến, nâng cấp!

Những cộng đồng chơi xuồng ở nước ngoài thường đông đảo, họ phát triển, thử nghiệm ý tưởng mới, tìm ra hướng đi đúng rất nhanh, họ có nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau để người đóng và chơi thuyền có thể tham khảo, học hỏi. Ở Việt Nam, chỉ có một mình tôi tự đóng và tự chơi thuyền, cái quá trình tự học ấy, “học phí” đắt không thể tả, có những cái “ngu” chỉ biết tự mình ôm lấy, không biết nói cùng ai, và cũng có nhiều cái “bớt ngu” chỉ đến sau nhiều tháng chèo thuyền tự mình trải nghiệm lấy!





tại sao kayak? phần 7

on số calories chỉ là tương đối, nhưng để so sánh và để thấy rằng rowing có lợi thế hơn hẳn về lực chèo, và do đó, là khả năng chịu tải nặng. Nhưng đó nên hiểu là vận tốc đo trên một quãng thời gian không quá dài (một vài giờ). So sánh về quãng đường đi được trong một ngày dài 12 ~ 14 tiếng chèo thuyền thì rowing và paddling lại thường xấp xỉ ngang nhau, ấy là vì khả năng sản sinh năng lượng của cơ thể con người trong một ngày chèo dài cũng chỉ tới một mức ấy, sẽ đến giới hạn của nó.

Vậy thì loại thuyền nào cho paddling, hiển nhiên suy ra là các loại thuyền nhỏ, dài và hẹp, khi lực đẩy không cần phải quá lớn, đó chính là sea kayak, và đó cũng lý giải tại sao sea kayak lại có hình dạng thiết kế như thế, và phải vừa đúng như thế, không thể to hơn (hay nhỏ hơn) được. Và cũng chỉ có thể nằm trong một khoảng displacement nhỏ khoảng 120 ~ 180 kg như thế mà thôi. Mọi thứ cần thiết cho hành trình phải được khéo léo gói gọn trong khoảng tải trọng hữu ích nhỏ nhoi ấy.

Chính vì mức hao phí năng lượng thấp ấy, nên kayak phù hợp với những hành trình thật dài. Một hành trình dài không phải là một cuộc đua, bạn nên để dành sức lực cho những giờ chèo dài liên tục, hay cho những tình huống khó khăn giông tố dọc đường. Nói điều này nhiều người sẽ không ngờ đến: nhưng điều gì làm cho kayak có khả năng đi xa như thế, ấy chẳng qua là sự kiên định trì chí, cứ tiến lên phía trước, mỗi lúc một ít, dù vận tốc không được nhanh lắm, nó là thế thôi!

Những kiểu rowing canoe có lợi thế rất rõ ràng trong một cuộc đua ngắn một hay vài giờ, nhưng một hành trình thực tế kéo dài nhiều ngày sẽ đi qua nhiều vùng biển với điều kiện sóng gió khác nhau, nhiều dạng thời tiết khác nhau. Cái tâm lý của người chèo thuyền, ấy phải là: dù trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tinh tấn bền bỉ tiến lên phía trước! Có những lúc, trong cơn giông mạnh, tôi chỉ chèo trung bình được khoảng 2 ~ 2.5 km/giờ, nhưng vẫn phải cố gắng suốt 4, 5 giờ liền như thế!

Sắp xếp cho một chuyến hành trình dài trên thuyền kayak, ấy là cả một “nghệ thuật”. Bạn cần phải tính toán những vật dụng nào hữu ích, ở mức tối thiểu cần thiết, sắp xếp làm sao cho gọn gàng nhất, nhẹ nhàng nhất, mà vẫn đáp ứng đủ như cầu sinh hoạt dọc đường, không thiếu cũng không dư điều gì. Đến một lúc nào đó, khi có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi cũng sẽ cố gắng trình bày chi tiết về những cách chuẩn bị ấy, nhưng hiện tại, kinh nghiệm của tôi trong khoản này vẫn khá hạn chế!





tại sao kayak? phần 6

ôi phải nhắc lại kỹ điều này, vì nhiều người mới chơi kayak không hiểu đúng vai trò của trọng tải giằng – ballast, họ không biết rằng muốn đi trong môi trường biến động phải có ballast, họ không vượt qua được điều đó, hoặc là họ bị tai nạn vài lần và bị một cái “dớp”, nên từ đó không (dám) vươn ra biển nữa. Bản thân tôi, tuy thừa hiểu điều này từ góc độ lý thuyết, nhưng cũng phải bị tai nạn vài lần, phải thử nhiều cách thì mới biết cách điều chỉnh con thuyền làm sao để ta có thể tự tin đi ra biển.

Một số ít loại surf ski thì dùng tốc độ và sự linh hoạt để lướt (surf) theo con sóng, do đó không cần, và không nên có ballast. Nhưng nên nhớ rằng đó là một sự cân bằng rất “động”, liên tục phải điều chỉnh để con thuyền không bị lật, và như thế cũng không thích hợp với cruising, vì chèo một con thuyền như thế có một tâm lý rất bất an, một sự bất an kéo dài. Và đằng nào thì cruising cũng phải đem theo nhiều vật dụng, đồ ăn, nước uống, lều trại… nên sắp xếp chúng làm sao để có thể tạo ballast tốt nhất.

Nên nhớ, kayak là một dạng thuyền rất nhỏ, rất “cá nhân”, rất “nhạy cảm”, cách phân bổ tải trọng trên thuyền rất quan trọng. Không giống một chiếc thuyền buồm to, ta không cần phải quá quan tâm đến việc vài chục kg hàng hoá nên để ở đâu. Tất cả cần nhiều thời gian để một người chèo nhận ra đâu là cách làm đúng, đâu là những loại thiết bị đúng. Đúng ở đây không phải là cái đúng vật lý phố quát, như đã nói trên, nó còn phải đúng với thói quen chèo thuyền, đúng với cơ địa sinh học của từng người.

Nhưng tại sao kayak lại nhỏ như thế, câu hỏi khác đi một chút: tại sao nó không thể lớn hơn!? Thử so sánh kayak với các rowing boat. Những ai ưa thích rowing sẽ nhận thấy đó là một trong những hình thức ưu việt nhất để đẩy con thuyền lên phía trước: lực chèo mạnh, có thể đẩy thuyền với tải trọng lớn, thực sự là ưu việt hơn hẳn paddling. Nhưng paddling có một vài ưu điểm so với rowing, thứ nhất là vị trí ngồi quay về trước, chả ai muốn đi du ngoạn sơn thuỷ mà ngồi quay mặt về phía sau cả.

Thứ hai là, vì mái chèo không tựa vào cọc, mà được cầm trên cả hai tay, nên có thể linh hoạt biến hoá, nhiều động tác chèo phức tạp, và dễ xoay xở trong điều kiện sóng to gió lớn. Trong sóng cao, mái chèo rất dài và thấp như của rowing xoay xở rất vướng víu và chậm chạp, một số trường hợp trở nên rất vụng về. Theo một số thống kê, nếu hoạt động ở mức cruising, sliding – seat rowing tiêu tốn khoảng 600 calories trong một giờ, so với chèo kayak chỉ chừng 350 calories trong cùng thời gian ấy!





tại sao kayak? phần 5

hững chiếc kayak trước của tôi đều dài 18 feet, chèo khá nặng. Chiếc Serene – 2 gần đây nhất ngắn hơn 1 chút, gần 17 feet, tức là hơn 5.1m một chút, xấp chỉ 3 lần chiều cao của tôi (1.7m), và cảm giác chèo thuyền rất nhẹ nhàng, êm ái. Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về thiết kế thuyền chèo, nó không những phải phù hợp với những quy luật vật lý của tự nhiên, nào là thuỷ tĩnh học, nào là thuỷ động học, mà nó còn phải phù hợp với những quy luật tâm sinh lý của người chèo nó.

Nói theo kiểu của Kim Dung là người và thuyền hợp nhất! 😀 Khả năng của chiếc kayak tới đâu, điều đó phụ thuộc lớn vào người chèo. Với những người chèo kayak chuyên nghiệp, một số giới hạn sau thường được biết đến: gió cấp 4 (Beaufort scale): chèo thoải mái, gió cấp 5: vẫn đi tốt, nhưng chậm, gió cấp 6: vẫn có thể cố gắng trong vài giờ, từ cấp 7 trở lên: nên ở trên bờ, không nên đi ra ngoài 😀! Những giới hạn ấy, so ra vẫn là khá tốt (nhỉnh hơn) so với những dạng thuyền nhỏ khác như sailing dinghy.

Đó là những “giới hạn” chung chung cho những người chèo thuyền tương đối chuyên nghiệp, nhưng thực ra cũng chẳng có nghĩa lý gì với những ai đã thích phiêu lưu mạo hiểm. Những câu chuyện về chèo kayak trong gió cấp 8, 9, sóng biển cao trên 4m (nhưng phải là bước sóng dài) cũng không phải là quá hiếm gặp. Thêm một điều nữa, tuy gọi là sea kayak, nhưng thực ra luôn đi ven bờ (ngoại trừ 1 số ngoại lệ hiếm hoi), đơn giản vì người chèo cần chỗ để nghỉ ngơi sau một ngày dài chèo thuyền mệt mỏi.

Thiết nghĩ cũng không thừa nếu nhắc lại một điều rằng: với tất cả các loại tàu thuyền, kể cả tàu ngầm, từ 0.1 tấn cho đến 500,000 tấn, điều tối quan trọng để sống sót trong giông tố, đó là trọng tải giằng (ballast). Những chiếc kayak hay xuồng rowing nhỏ, nhìn có vẻ rất an toàn trên sóng nhỏ 0.5 ~ 0.7m, nhưng khi ra đến môi trường biển động, sóng cao từ 1m trở lên, nhất thiết phải có ballast, dưới dạng là nước uống đóng chai, đồ hộp hay các vật nặng khác lèn chặt vào đáy thuyền.

Như chiếc kayak của tôi, khi chất hàng đầy tải (thực sự là hơi quá tải 1 chút so với thiết kế), phần mạn khô chỉ còn độ 2, 3 cm. Nhưng như thế, con thuyền nổi lập lờ trong nước, sóng gió rất khó lật thuyền, nếu các nắp khoang chứa hàng kín nước, thì con thuyền không thể chìm được, vẫn cứ nổi lập lờ như thế mặc cho sóng tràn qua. Dĩ nhiên là rất rất hao sức để chèo con thuyền nặng đi về phía trước, nhưng nặng hay nhẹ không phải là điều bạn quan tâm khi đang ở giữa một cơn dông lớn!





tại sao kayak? phần 4

ừ xa xưa, châu Âu đã có những loại canoe nhỏ, hẹp, chèo bằng mái chèo đôi, nhưng họ vẫn gọi đó là canoe. Cho đến khi những mẫu thuyền kayak của người Eskimo, người Inuit “du nhập” vào châu Âu, thời gian đầu nó vẫn chưa được thừa nhận chính thức. Có vẻ như người châu Âu đã nhận ra ưu điểm của loại thuyền mới này (gọi đúng theo phiên âm thổ dân phải là qajag), nhưng vẫn “ngoan cố” sửa những chiếc canoe của họ cho dài hơn, hẹp hơn, chứ chưa chịu cho kayak một “danh phận” chính thức! 😀

Thế nhưng, phải đến khi có những tiếp xúc, những bản tường trình, báo cáo “tai nghe mắt thấy” về cái cách những người thổ dân Inuit, Eskimo, Aleut, Greenland… dùng thuyền kayak để đi săn hải cẩu, thực hiện những cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần, băng qua những vùng biển băng tuyết lạnh giá, trong những điều kiện thời tiết bão tố, sóng to gió lớn đến mức “không tưởng” thì người châu Âu mới bắt đầu có những cái nhìn khác đi, nghiêm túc hơn về loại thuyền này.

So với rowing canoe, kayak không thể nhanh bằng, cũng không thể chở nhiều hàng hoá bằng, và có vẻ như nó cũng không an toàn bằng, khi chiếc thuyền quá bé, và vị trí ngồi gần như là sát mặt nước. Thực ra xét ra trên mọi phương diện, kayak chẳng có gì nổi trội hơn các loại thuyền khác. Nhưng những bằng chứng về khả năng sống sót trong môi trường biển động, khả năng vượt qua những chặng đường dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm cái nhìn của người phương Tây thay đổi.

Đành rằng sống sót và tiến lên phía trước, điều đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng của người chèo, và những tộc người Aleut, Eskimo… nổi tiếng là những con người dẻo dai, sắt đá, điều đó là do môi trường sống tôi luyện nên. Nhưng phần khác, từ góc độ kỹ thuật, cũng là do thiết kế của con thuyền. Mỗi chiếc kayak đều được đóng sao cho sít sao, phù hợp với người chèo nó, kiểu như ta phải đo chân để đóng giày cho vừa vậy. Cho đến hiện tại, người Inuit vẫn đóng kayak theo những thước đo “không giống ai”.

Họ có những “cách đo lường sinh trắc học”, ví dụ như: thân thuyền nên dài khoảng gấp 3 lần chiều cao người chèo, bề rộng của thuyền nên bằng bề rộng của vai cộng thêm khoảng từ 4 đến 8 ngón tay… Ấy thế nên mỗi người tự đóng cho mình chiếc thuyền phù hợp với cơ thể của chính mình, không có chiếc kayak nào giống chiếc kayak nào cả. Và thực sự, đến bây giờ, sau khi đã đóng 4 chiếc kayak, tôi mới có được cái cảm nhận rằng, cách đo lường như vậy có cái “lý” thâm sâu nội tại của nó!





tại sao kayak? phần 3

ói như thế nghĩa là chẳng có ranh giới rõ ràng nào giữa một kayak và một chiếc canoe nhỏ. Những nỗ lực cải tiến thiết kế và trang thiết bị độ 10, 15 năm gần đây đã dần dần dẫn đến chỗ khả dĩ có thể hình thành một định nghĩa chung chung cho cái gọi là kayak. Có một điều khá chính xác, đó là kayak luôn dùng mái chèo đôi (double blade paddle), nhưng còn lại, không có gì có thể định nghĩa rõ ràng rành mạch cả. Người ta dùng “kayak” cho một loạt những hoạt động thể thao khác nhau:

1. Surfing kayak, hay kayak lướt sóng (surf) ven bờ: đây là những thuyền rộng bề ngang, ngắn (khoảng 6 ~ 12 feet) dùng để vượt qua những đoạn nước biến động mạnh. Thân thuyền thường làm bằng nhựa có độ mềm, độ đàn hồi cao để chịu được va đập. 2. Touring kayak: thường có chiều dài 12 ~ 16 feet, ổn định, an toàn, và như tên gọi, thường dùng cho du khách đi vãn cảnh loanh quanh độ vài chục km, thể loại này cũng không phải là một hình thức cố định, cũng có nhiều kích thước khác nhau.

3. Sea kayak: đặc trưng là thân thuyền dài (16 ~ 21 feet), thon gọn (bề ngang thường nhỏ hơn 60 cm), có khả năng cắt qua những con sóng vừa phải, thích hợp để đi đường trường, có thể lên đến hơn 60, 70 km mỗi ngày, linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với hàng loạt những điều kiện sóng gió khác nhau dọc đường đi. 4. Racing kayak: loại này tôi không bàn đến, vì nó hy sinh mọi thứ, độ ổn định, tải trọng để đạt được vận tốc nhanh nhất, nên không có chút giá trị nào khi dùng cho cruising.

5. Surf ski: là một tiến hoá hiện đại nhất, gần đây nhất của sea kayak, thân thẳng, bánh lái nằm dưới đáy thuyền gần đuôi, cockpit mở, chuyên dùng để lướt sóng hay để đua, nhưng tải trọng tương đối hạn chế, cũng không thích hợp cho cruising. Trong loạt bài viết này, chữ “kayak” là ám chỉ đến loại “touring kayak” hay “sea kayak” như sẽ giải thích rõ hơn sau đây. Trong 5 loại trên, chỉ có touring kayak và sea kayak là thích hợp để cruising, thực ra cũng không có biên giới rõ ràng giữa hai thể loại đó.

Khi ta chèo trong môi trường sóng lớn, những thân thuyền có bề ngang rộng thường lắc lư dữ dội, đến mức cảm thấy bất ổn. Ngược lại, những thân thuyền thon gọn, tuy cảm giác ban đầu có vẻ như là kém ổn định, lại cắt, trượt qua con sóng dễ dàng. Nên thuyền chèo trong môi trường biển thường có thiết kế dài và hẹp, và quan trọng là để giảm bớt năng lượng tiêu phí đẩy con thuyền về phía trước. Ấy hầu như là một quy luật chung, và cũng là một lời giải thích hợp lý cho các kiểu thiết kế sea kayak.





tại sao kayak? phần 2

ôi biết nhiều người “thích nước”, thích theo kiểu mang một con heo sữa quay và chai rượu lên thuyền ra giữa sông ngồi nhậu ấy! Những người như thế, họ không bao giờ hiểu được cái ý nghĩa của sự vận động, hiểu được cái tác động tích cực của chèo thuyền lên tâm sinh lý con người. Chèo thuyền đường trường, vượt qua sóng gió, thử thách, ấy chính là một quá trình chuyển hoá, tự chuyển hoá bản thân thành một con người khác. Có những người thích tự chuyển hoá bằng rượu hơn, không cãi với họ được!

Mà tại sao lại là chèo, mà không phải là buồm!? Buồm là một khung trời khác, có cái đẹp lãng mạn xa vời riêng của nó. Tôi cũng mê buồm, thậm chí là còn mê hơn cả chèo! Chèo chỉ là một anh chàng nông dân thô vụng, bên cạnh quý ông buồm lịch lãm, quý tộc. Nhưng mà “cha tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn” 😬, thế nên trong tương lai gần, tôi vẫn thích gắn bó với chèo, buồm là để dành cho một tương lai xa hơn, khi tôi tìm ra được một mục đích hành trình phù hợp với nó!

Nói thế có nghĩa là dù là bơi, chèo, buồm, hay máy, vâng vâng… tất cả chỉ là những phương tiện phục vụ cho hành trình của chúng ta mà thôi. Ấy có nghĩa là bạn muốn có một hành trình như thế nào, mục tiêu phương châm nó là gì, bạn sẽ tìm được cái công cụ đúng để phục vụ cho mục đích ấy! Thuyền như một người phụ nữ đẹp, nhưng cái đẹp ấy vô nghĩa nếu nó không đi cùng ta suốt những hành trình dài, không dùng nó để trải nghiệm hết tất cả những sắc màu khác nhau của cuộc sống!

Bốn năm, cặm cụi thiết kế, đóng và chèo bốn chiếc kayak khác nhau, nhưng đến tận giờ tôi vẫn chưa thấy thật sự hài lòng với bất kỳ chiếc nào. Mỗi chiếc có những ưu điểm, nhược điểm riêng, và tất cả đều có thể được tiếp tục cải tiến để được tốt hơn. Và tôi sẽ còn tiếp tục đóng nhiều chiếc nữa. Ấy là một quá trình “tối ưu hoá” trên một khoảng hẹp, liên tục hoàn thiện, cải tiến. Như thế vẫn tốt hơn là nhảy hết từ loại thuyền này đến loại thuyền khác mà không có được cái cảm nhận sâu sắc nào về chúng!

Nếu như bạn vẫn đang đọc tiếp đến đây, thì sau đây là những giải thích mang tính ngẫu hứng, dông dài, vụn vặt, không có tí hệ thống nào cả. Trước hết, cái chữ kayak không có một định nghĩa chính xác, nó chỉ thực sự hình thành nên một cái gì đó có thể gọi tên, có thể phân loại được trong độ vài chục năm gần đây. Còn trước đó, người ta gọi chung là “canoe”, và thực sự cho đến hiện tại, một số cá nhân thuộc dạng tương đối bảo thủ như ở Anh quốc vẫn gọi nó là canoe chứ không gọi là kayak.





tại sao kayak? phần 1

ứng viết chơi, giải thích dông dài chút về 4 năm thiết kế, đóng và chèo 4 chiếc thuyền kayak. Bài viết dài này không nhằm mục đích để giải thích cho người khác về thú chơi kayak. Đơn giản là trong suy nghĩ, tôi đã có quá nhiều băn khoăn lựa chọn giữa: paddling, rowing, sailing… đâu là hình thức phù hợp với mình, và phù hợp để cruising, đi những chặng đường thật dài. Viết chỉ để tổng kết kinh nghiệm cá nhân, và để có một cái nhìn cô đọng, chính xác hơn về kayak và kayaking mà thôi.

Trước hết, điều gì đem tôi đến với kayak? Trước hết là sự say mê cảnh sông nước, biển vịnh, đầm phá… những cảnh quan thoáng đãng và rộng rãi (sông cũng có nhiều chỗ rộng, nhưng đến một lúc, bạn sẽ thấy nó chật hẹp). Mà đó phải là loại nước có chuyển động, có dòng chảy, có sóng, có thật nhiều gió máy, chứ tắm ao, tắm hồ thì có gì là thú vị!? Trên cái nền chuyển động ấy, cái bập bềnh của con thuyền, cái động tác nó lướt, trượt, cắt ngang qua những con sóng chẳng phải là tuyệt đẹp đó sao!?

Sông và biển có muôn ngàn sắc thái đổi thay, lúc dịu êm, khi dữ dội, lúc tĩnh lặng, khi dào dạt. Bờ biển sáng tinh mơ có một vẻ tươi sáng tráng lệ, lúc chiều hôm lại có nét trầm lặng sầu u, khi nắng trời thì đẹp lộng lẫy, lúc mưa rơi lại buồn cô tịch. Để chứng kiến muôn ngàn sắc thái ấy, chỉ có một cách duy nhất là làm những hành trình thật dài. Ấy là ta không muốn bỏ sót bất kỳ một trạng thái cảm xúc nào của nó, nếm trải tất cả những sắc thái khác nhau của nó, dù đó là buồn hay vui, tích cực hay tiêu cực.

Nước, ấy chính là nơi khởi nguồn của sự sống, mà cũng chính là sự ẩn dụ về những biến động khôn lường của cuộc sống. Thế nên ai chưa biết bơi thì không cần và không nên đọc tiếp, chẳng ích lợi gì đâu! 😀 Một lý do quan trọng nữa, khi tôi đến với kayaking, đơn giản là vì tôi thích cái hình ảnh một người (và chỉ mỗi một mình anh ta) đơn độc chèo thuyền hàng trăm (hay hàng ngàn) cây số, vượt qua bao nhiêu sóng gió, thử thách. Nếu bạn không thích cái sự hành xác ấy, thì cũng không cần phải đọc tiếp! 😀

Mà tại sao lại là chèo, mà không phải là buồm, hay động cơ!? Đơn giản là vì chèo nó có sự nỗ lực, sự cố gắng chiến thắng bản thân. Nếu bạn không thích cái viễn cảnh phải chèo 10 ~ 12 tiếng mỗi ngày, và nhiều ngày liên tục như thế thì cũng không cần phải đọc tiếp! 😀 Nếu nói về sự khám phá, thì quả đất này đã trở nên quá nhỏ hẹp, hầu như chưa có chỗ nào mà con người chưa đặt chân đến. Nên khám phá theo nghĩa hiện đại, nó “hướng nội” hơn, nó tự quay “vào trong”, đó là khám phá chính mình!





bắc hành – 2017, phần 21, kết

àng vào Nam, thời tiết càng lúc càng nóng bức, mà dải bờ biển từ Cam Ranh vào đến Vũng Tàu đã biết tương đối kỹ. Thế nên quyết định “đổi gió” một chút cho hành trình, thay vì toàn là những cảnh quan vùng biển, cũng nên trải qua một chút không khí miền núi. Từ Cam Ranh, rẽ qua quốc lộ 27B đi Đà Lạt, thăm lại quãng đèo Ngoạn Mục mà đã từ lâu không đi lại. Đèo Ngoạn Mục cái tên được dịch từ tiếng Pháp là Bellevue (nice view) hay còn được gọi là đèo Sông Pha, lấy theo tên con sông “Krong Fa”.

Dọc tuyến đường này, còn thấy nhiều vết tích của tuyến đường xe lửa răng cưa mà người Pháp xây dựng từ Tháp Chàm đi Đà Lạt (nay đã hoang phế). Đoạn đường này nổi tiếng nguy hiểm với các loại xe khách, mặc dù núi đồi không phải là quá hiểm trở, độ dốc cũng không phải là quá lớn, các khúc cua cũng không phải là quá khúc khuỷu so với các con đèo khác. Nhưng đơn giản là vì các con dốc quá dài, hơn 150 km toàn lên (xuống) dốc liên tục, dể cháy thắng xe nếu tài xế không lưu ý!

Từ trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cảnh quan thật đúng là… ngoạn mục. Đứng ở đây có được một cảm giác, hình dung rất rõ về cao nguyên Lâm Viên nổi bật lên hẳn trên nền cảnh quan xung quanh như thế nào. Hành trình tiếp tục đi về Đà Lạt, thành phố ngày càng hiện đại và đông đúc, trước khi đổ đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, theo quốc lộ 20 qua Phương Lâm, Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Thống Nhất, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hoà… về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình!

44 ngày đi dọc theo bờ biển Việt Nam, với quá nhiều những trải nghiệm, những phát hiện thú vị. Như thuyền máy có xiếm ở Quất Lâm, Nam Định, ghe buồm “ba vách” cổ truyền ở Quảng Yên, Quảng Ninh, hay những chiếc ghe composite nhỏ trên đảo Cát Bà. Từ những cảnh quan thoáng đạt của vùng biển khu bảo tồn Núi Chúa, Phan Thiết, hay hoàng hôn cửa biển Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến không gian đầy kỷ niệm của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hay chèo kayak trên vịnh Hạ Long…

thiên thượng hoả

afe sáng, TV đang chiếu phim “The Age of Adaline” gì đó, về một người phụ nữ, sau một tai nạn hy hữu năm 29 tuổi, cô ấy không già đi nữa, cô ấy cứ như thế, đến năm 108 tuổi vẫn nguyên vẹn nhan sắc… Trong một phút giây, bỗng thấy mình cũng giống y như thế, kiểu như bị “Thiên Thượng Hoả” đánh trúng í, ước gì… mình được già đi… 😀