national-id

Lập pháp Mỹ chặt chẽ, tư pháp Mỹ tinh vi, hành pháp Mỹ hiệu quả, đó là điều mà nhiều người phải thừa nhận! Nhưng quay về căn bản, vẫn có một cái gì đó rất không đúng, mà cái không đúng này rất sơ đẳng, đó là nước Mỹ không có National-ID, không quản lý người bằng ID. Họ lập luận rằng quản lý con người bằng ID là không tự do, không dân chủ, nên ở Mỹ đến hiện tại vẫn có hơn 3tr người sống mà không có bất kỳ một cái ID nào. Với những trường hợp có ID, thì đó là số tài khoản ngân hàng, mã số thuế, giấy phép lái xe, etc… những ID “phái sinh” mà chẳng có ID gốc nào để tham chiếu! Kỳ cục hơn nữa là luật bầu cử Mỹ cho phép gửi phiếu bầu qua đường bưu điện, chỉ cần trên phiếu có “chữ ký” là xem như hợp lệ! Ở rất nhiều bang của Mỹ, đi bỏ phiếu không cần trình bất kỳ giấy tờ nào! Họ lập luận rằng, tỷ lệ mạo danh người khác trong bầu cử ở Mỹ là cực nhỏ, chỉ khoảng 1/1 triệu, nên không cần kiểm tra giấy tờ làm gì! Kaka, các đảng phái nó đâu cần mạo danh đôi ba người, cái nó cần là làm khống hàng triệu phiếu “ma” để thay đổi kết quả bầu cử, dễ nhất là… gởi qua đường bưu điện!

Nói thế này nhé, dân số 330 triệu, có hơn 3 triệu người không có bất kỳ một cái ID nào, vài triệu éo thèm quan tâm đi bầu, vài triệu bận công ăn việc làm không đi được, vài triệu ở vùng sâu vùng xa thậm chí chẳng còn nhớ ngày, vài triệu đã chết nhưng vẫn được ghi nhận là có quyền đi bầu (năm 2006 xác minh có hơn 1.2 triệu người như thế), lại thêm vài triệu thanh niên vừa đến tuổi đi bầu, etc… Như thế, ít nhất 15 ~ 25 % tổng dân số không thể xác minh nhân thân chính xác, vì dung sai lớn như vậy nên đây là vùng đất màu mỡ cho gian lận! Ví dụ vừa rồi, tt. Trump bị cáo buộc tìm cách vận chuyển những thùng phiếu giả, cố thay đổi kết quả vào phút cuối. Chửi qua chửi về vậy thôi, chứ chẳng ai chứng minh (hay bác bỏ) được các phiếu đó là thật hay giả, vì không có National-ID tức là… vô phương, không cách nào xác minh trên quy mô lớn được! Chuyện xác minh, rồi ID này, nên chạy qua hỏi một nước rất “kém dân chủ” là TQ, nó làm đâu ra đó! Nên bỏ phiếu, bầu cử, kaka, chúng nó bày trò ra cho dân đen chơi thôi, chứ thực sự ra mọi chuyện đã được thao túng, quyết định hết từ trước!

người việt xấu xí

Gần đây thấy bắt đầu xuất hiện những bài về tật xấu của người Việt, nhưng đọc không thấy “sâu”, không thấy “đã” chút nào! Vẫn kiểu giải thích chung chung, chưa thấy hết sự phức tạp của cuộc sống! Nhiều chỗ vẫn biện giải loanh quanh, vẫn kiểu “trừu tượng, cao vời”, hoặc cố tình “nói giảm, nói tránh, tô hồng” chứ không dám đi vào được đời sống thực đa dạng! Mà đã dám viết về “tật xấu” tức là đã tự đem mình ra làm “bia” cho thiên hạ “ném đá” rồi, thì còn sợ cái gì nữa? Không thể tránh khỏi có những chỗ đụng chạm, ai cảm thấy bị đụng thì đành chịu thôi, người có tâm, có tầm sẽ nhìn nhận khác! Cứ phải nói thẳng ra, chính vì… thuốc đắng dã tật! Nói đơn cử chỉ một ví dụ nhỏ:

Biển rộng mênh mông như vậy, hai con tàu VN nhìn thấy nhau, từ cách xa nhiều cây số đã hụ còi để báo hiệu cho nhau biết, rõ ràng là đã ý thức, nhìn thấy rõ được tình huống! Thế rồi hai cái tàu cứ tiếp tục nhởn nhơ, ngang nhiên đi thẳng cho đến khi… đâm nhau, một tàu chìm! Biển rộng mênh mông vậy, nhưng cái chướng ngại là quá lớn rồi!!! Mà chướng ngại lớn nhất là nằm ở trong tâm: ai vẹ mày đi vào “đường của tao”!? Đến lúc có những chuyện cứ phải nói thẳng ra thế, rồi tìm cách sửa dần dần! Chứ không thì trình độ phối hợp xã hội nó vẫn cứ mãi ở thời… công xã nguyên thuỷ! Không sản xuất được gì, không làm được gì, nói cho cùng, chính là do từ… tâm mà ra!

từ của năm

Những ngày cuối năm tương đối nhàn nhã, suy nghĩ lung tung… Báo chí phương Tây thường có chuyện bầu chọn “từ” điển hình của năm. Ngôn ngữ mà, luôn thay đổi, luôn nghĩ ra từ mới để phản ánh thực tế biến động! Nếu có bầu chọn từ điển hình trong năm của VN, tôi nghĩ nó sẽ là từ “tượng”, với định nghĩa: 1 tượng = 1 ngàn tỷ! Đây theo tôi là một từ rất hay, rất đắt, vô cùng… Vietic! Như chữ Hán cổ thì sẽ là: 萬,億,兆,京,垓,秭,穰,溝,澗,正,載,極 – vạn, ức, triệu, kinh, cai, tỷ, nhương, câu, giản, chính, tái, cực. Nhưng tiếng Việt hiện đại không có từ nên đành phải đặt ra từ mới thôi!

Chứ suốt 4 ngàn năm lịch sử dân tộc, chưa bao giờ, chưa từng có khi nào có nhu cầu phải dùng con số lớn đến như vậy! Và dùng số lớn quá, trăm ngàn tỷ này nọ sẽ gây ra nhiều bất tiện khi ghi chép, lại rất khó hình dung về độ lớn! Nói vụ Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại chỉ có hơn 300 tượng à, nghe có phải là nhỏ nhắn và nhẹ nhàng hơn nhiều không?! Tương tự, các con số đầu tư, đề án này nọ cũng như thế, những dự án 350 tượng, 500 tượng, nghe nó nhẹ hẫng như thinh không vậy! Năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, cùng với những sự hoang đường ngày càng khổng lồ hơn!

… hiện thực

Viết tiếp post trước để nói rõ hơn về kỹ thuật và công nghệ! Công nghệ là quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là tập hợp các giải pháp kỹ thuật từ nhỏ đến lớn trong đó! Không thể bỏ lơ công nghệ, nhưng muốn hiểu nó kỹ càng là phải đi từ đầu, tức là hiểu kỹ thuật, hiểu những nguyên tắc vận hành cơ bản bên dưới! Nên ai đó mà bảo rành công nghệ mà không rành kỹ thuật, điều đó tôi không tin, không hiểu chuyện nhỏ, làm sao hiểu chuyện lớn?! Chính những người không làm được chuyện nhỏ, nên cứ lấy chuyện lớn để khoả lấp, vung vít lên! Ngày xưa thì là các ngôn ngữ Visual, nào là XML, SOAP, etc… ngày nay thì AI, Blockchain, ChatGPT, etc… Cứ lặp đi lặp lại nhưng kiểu thiểu năng thấy phát chán, họ nghĩ rằng người ta không biết công phu của họ tới đâu hay sao!?

Chán nhất là những thể loại AI thế này thế kia… nói mãi mà chẳng có gì cụ thể cả! Cụ thể ví dụ như: thuật toán nhận dạng khuôn mặt của tôi có độ chính xác 99.9%! Hay AI của tôi giúp giảm 10% thời gian hàng hoá lưu kho, tiết kiệm chừng này chi phí logistics. Hay AI của tôi giúp tối ưu lộ trình shipper giao hàng, tiết kiệm chừng này thời gian, chừng này xăng dầu!

Nó phải đi vào từng bài toán cụ thể, chả ai lặp đi lặp lại mãi những từ AI – Trí tuệ nhân tạo mà éo nói được nội dung gì! Nói có thể mọi người không tin, nhưng em đã từng gặp rất nhiều coder VN, toán cộng trừ nhân chia đơn giản không làm được, chưa nói thuật toán gì cao siêu, làm cái vòng lặp tính tổng cũng chưa được: bảng cân đối trong ngày có 50 giao dịch con, mỗi giao dịch con lợi nhuận 1, 2%… tổng lợi nhuận trong ngày = 1 + 2 + … = 50%, tính kiểu này thì thành tỷ phú hết! Hoàn toàn không có một chút khái niệm toán cấp 1 nào trong đầu, viết đoạn code 5 ~ 10 dòng không được, nhưng công nghệ nào cũng biết cả đấy! Cái giáo dục nào đã tạo ra những loại như thế, giờ báo chí bắt đầu rên rỉ, nào là VN không tự sản xuất được, không tạo ra được sản phẩm gì!

Nói thì mọi người bảo là xỉa xói, cực đoan nhưng nhìn kỹ lại sẽ thấy: tất cả đều là nhân – quả hiển nhiên, khi bỏ lơ những điều nhỏ nhoi nhưng căn bản tất sẽ dẫn đến thảm trạng như vậy! Mà căn bản nhất của giáo dục chính là dạy cách làm người! Đương nhiên, thủ phạm không hoàn toàn là giáo dục, giáo dục thực ra cũng là nạn nhân của một xã hội suy đồi mà thôi!

mơ mộng …

Nghĩ lại thời còn đi học ở ĐH KHTN, mặc dù tôi học hành dạng không quá xuất sắc, nhưng nghĩ lại cái thời đó vẫn xem là một điểm sáng! Cái suy nghĩ cho rằng cần phải học công nghệ, “đi tắt đón đầu”, học các ngành có thể ứng dụng thực tế ngay, đó là một kiểu suy nghĩ không hoàn toàn đúng, có thể nói là nhiều sai lầm! Trị trường cần cái gì thì dạy cái đó, nó chỉ là một nửa của vấn đề! Một nửa còn lại là học hành cũng chính là không gian rộng mở đề phát triển cá nhân, để mơ mộng, chính vì thế nên học Bách khoa ra thì gọi là Bachelor of Science, mà học Tự nhiên ra thì gọi là Bachelor of Art, vì Art là nó… trên tầm Science, ít nhất trên danh định là như thế! Tôi thường nói là giáo dục là phải mơ mộng và tưởng tượng!

Nhưng như thế nào là giáo dục kiểu “mơ mộng”?! Đương nhiên đây là kiểu từ ngữ không chính xác, nhưng đại ý rằng: học không nhất thiết chỉ nhắm vào các ngành cần ứng dụng ngay, không nhất thiết phải quá nặng về công nghệ! Cần dạy thật kỹ về Toán Tin và về kỹ thuật lập trình, những lớp bài toán kinh điển, còn dùng ngôn ngữ công nghệ gì, thực chất không quá quan trọng.

Sinh viên mới ra trường thường choáng ngợp với số lượng tài liệu về công nghệ, cần phải có thời gian làm quen, cần phải có kỹ năng ngôn ngữ tốt! Nhưng khi đã hiểu rồi thì sẽ thấy nó lại quay về những điều rất cơ bản! Thực ra, “công nghệ” chính là một cách “nô dịch”, người ta làm ra công nghệ để cho những nơi có trình độ kém hơn xài, còn bản thân nơi kém hơn đó… không tự tạo ra được công nghệ! Muốn tự tạo ra được công nghệ thì phải có công phu, mà công phu đầu tiên là nắm cho thật kỹ kiến thức nền tảng và cách áp dụng nó! Nên cái thực trạng SV công nghệ VN hiện tại, cái gì cũng biết, công nghệ nào cũng rành, nhưng làm việc thực tế, giải quyết những bài toán thực tế thì… như gà mắc tóc!

Điều nguy hiểm là họ sa đà vào một mớ ngôn từ “đao to búa lớn” mà không hiểu thực chất bên dưới, để hiểu thực chất bên dưới cần phải có quá trình, cần nhất là dẹp ngay những thứ ngôn từ vô nghĩa lảm nhảm trên bề mặt và đi vào tìm hiểu bản chất, đi lại từ đầu những vấn đề đơn giản, cơ bản nhất! Giống như kiểu học võ: bài bản nào cũng biết, chiêu thức nào cũng hay, chỉ có điều… đứng tấn không vững!

xe lửa

Anh chàng người Anh, chắc đã sống ở Trung Quốc khá lâu và khá rành văn hoá TQ, và cái kiểu khôi hài, châm biếm ngấm ngầm: các bạn hãy nhìn mà xem, các thể loại tàu và xe ở TQ, và nhìn lại xe lửa ở nước Anh mà xem, ôi, cái nước Anh khốn khổ của tôi, ấy vậy mà nó lại là nơi phát minh ra tàu hoả đấy, ôi, ôi cái nước Anh thảm hại của tôi! Rất nhiều người, thậm chí nhiều người châu Âu, đi TQ về đều thấy như thế: thành phố sạch sẽ, ngăn nắp, được tổ chức tốt, an ninh và an toàn tuyệt đối, camera giám sát khắp mọi nơi, mua một cái SIM điện thoại xài tạm một tuần cũng phải xác minh nhân thân, người dân thân thiện, hiếu khách, tuy chưa so được, nhưng một số mặt, nhất là an ninh công cộng và thanh toán không tiền mặt là đã vượt qua châu Âu!

Quay lại cái xứ Vịt trời đánh, đĩ điếm và lưu manh vẫn lộng hành nơi nơi, truyền thông bẩn và giang hồ mạng vẫn tìm cách gieo rắc FUD: Fear, Uncertainty, and Doubt! Cái này dịch như nhạc sĩ Phạm Duy là rất hay, rất đắt, chúng ta đang sống trong một thời đại: Sợ hãi, Hoài nghi, và Khinh thị, chính thực là như thế! Mà những thành phần bất hảo của xã hội, chúng nó vẫn y một chiến thuật cũ rích, cứ lảm nhảm suốt những thứ tào lao thiên địa, không bằng không cứ, đánh vào đám đông với dân trí thấp lè tè ngọn cỏ! Muốn xử đám này thì buộc phải mạnh tay như TQ: chứng cứ đâu, xác minh nhân thân mày là ai!? Nói nghe có vẻ khắt khe, nhưng không có quyết tâm dẹp bỏ những thứ xàm xí, lưu manh thì làm sao đạt được tiến bộ xã hội!?

ốc mượn hồn

Em mà nhìn vào thấy chính tả viết sai chi chít, “Founder” viết thành “Fouder”, “bộ môn” viết thành “bổ môn” là em đập ngay vào mặt chứ không có lèn èn gì! Giờ những thể loại “ốc mượn hồn” như thế này rất nhiều, ăn cắp nguyên CV, đóng giả thành một vai khác! Bấy lâu va chạm với toàn “người trong ngành” mà không bị phát hiện sớm, kể cũng lạ! Chuyện này em nghĩ các giáo viên chân chính chỉ cần hỏi mấy câu là phát hiện ra ngay, nhưng có dám tố giác từ sớm hay không mà thôi! VN thì vẫn bị cái bị bệnh cả nể, ngại va chạm, không biết ku này có ai chống lưng, kiểu như thế! Đến khi hiểu ra rồi thì sẽ biết nó chỉ là một ku lưu manh đứng giữa mọi người, đóng vô số vai diễn, dùng người này đánh người kia, anh A đã nói thế này, đồng chí B nói thế kia…

Chúng nó sống được bằng sự nhiễu nhương, vô minh của xã hội, của nền tảng dân trí quá thấp! Nói thực ra, học rồi lặp lại một vài “bài” phổ thông, xạo xạo với mọi người, thậm chí “đứng lớp” giảng dạy không quá khó! Nhưng chỉ cần hỏi vài câu, bài bản thì như thế nhưng áp dụng, biến hoá như thế nào là sẽ lòi ngay cái dốt thôi, vì chữ hiển nhiên là chưa kịp dính vào người! Còn thẩm tra trình độ trí tuệ lên đến mức sáng tạo, nghĩ ra được cái mới hay không thì bố nó cũng không giả được! Thời đại mà cái dốt, cái ác lộng hành, không ai dám làm gì… Các nhà giáo, nhà nghiên cứu chân chính cũng nên dần bước khỏi “tháp ngà” của mình, làm những việc thực tế, hữu ích, mà đầu tiên… là góp sức phân định rõ ràng “chân – nguỵ”, “ngay – gian”, “thật – giả”…

block

Từ nhiều tháng nay, mọi người hẳn là rất khó chịu với những thứ “Suggested for you” của face, tràn ngập những điều xàm xí, chiếm hơn 95% nội dung. Đó chẳng qua là “tiền đề” họ chuẩn bị, tạo ra sự bất tiện cho người dùng để tiến đến sử dụng face có tính phí! Đây là điều nên làm, nhưng trong lúc còn chưa tới đó thì face đã làm một chuyện khá hay, đó là enable lại chức năng block page, profile! Tận dụng điều này, em block sạch, có lẽ lên đến nhiều ngàn, hiện ra bao nhiêu là block bấy nhiêu! Tuy mất công một tí nhưng kết quả là sạch sẽ, chỉ còn lại đúng những thứ mình quan tâm! Thà giết lầm hơn bỏ sót! Tính năng block này rất hiệu quả, mọi người nên xài thử xem sao! Cuối tuần xem như dọn dẹp nhà cửa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Nói thì chúng nó lại tìm cách vu vạ là “kèn cựa hơn thua” từng chút nhỏ, nhưng rác rưởi, bụi bẩn đa phần cũng nhỏ li ti đấy thôi, không quét làm sao sạch!?

Nói năng lảm nhảm là block, viết sai chính tả ngây ngô là block, hành văn trúc trắc không nên câu là block, thơ thẩn thiểu năng là block, nói vòng vo, lạc đề là block, nội dung la liếm là block, copy đạo nhái là block, nguỵ biện quanh co là block, xe cán chó chó cán xe là block, các thể loại đẹp độc lạ giật gân là block! Diễn viên ca sĩ này nọ, showbiz các kiểu là block, xàm xí trong nhà ngoài phố là block, kích động nói xấu, phân biệt cạnh khoé là block, các kiểu meme, hài tào lao là block, triết lý vớ vẩn, Phật nói thế này, lời Chúa thế kia là block, thở than tâm trạng, trích dẫn lung tung là block, đuổi hình bắt chữ, đố vui clip nhảm là block. Các thể loại đắc nhân tâm, tướng số, đọc vị tâm lý là block, các kiểu “khoa học đã chứng minh” là block, “minh triết phương Đông” là block, sách xưa tài liệu quý là block, các kiểu thức “trí thức” giả cầy là block, và vô số những hình thức khác không nêu ra hết được ở đây!

nhà thơ

Tình hình là MXH VN có hiện tượng bùng nổ các nhà thơ, đi đâu cũng thấy “nhà thơ X, nhà thơ Y”, mà chẳng biết X, Y là ai! Đến cả Nguyễn Bính, Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận… ngày trước cũng không đề hai từ “nhà thơ” phía trước, chỉ đề tên đơn giản, ví dụ như: Chế Lan Viên, Thâm Tâm, Lưu Trọng Lư… Ấy thế mà nay chúng nó mở miệng: ta là nhà thơ này, ta là nhà thơ kia, và để tự nâng mình lên cho cùng đẳng cấp thì chúng nó bèn phải đề thêm chữ “nhà thơ” phía trước mấy cái tên Xuân Diệu, Huy Cận… Vì chúng nó đã là “nhà thơ” rồi, thì chẳng lẽ Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử… không phải là nhà thơ hay sao!?

Các ông ấy mà sống dậy thì chắc phải văng ra: đệt mịa, bố chúng mày éo phải là nhà thơ nhé! Chính MXH là cái loa khuếch đại tất cả những sự ngu dốt, rỗng tuếch, háo danh, đĩ miệng, lúc nào cũng có một cái “thôi thúc” không ngừng nghỉ, ta phải là một cái gì đó! Rồi cũng y hệt như đám bolero thôi, nội dung rỗng tuếch thì chỉ sa vào một đống cxx, không khác được! Xã hội mà, luôn có người này người kia, nhưng chính sự ngu dốt của đám đông, sự im lặng của người có hiểu biết, cộng với “công nghệ” truyền thông, các chiêu thức của đám lưu manh mạng là nguyên nhân tạo nên hiện tượng “rác thải văn hoá” như vậy!

giao thông

Xem các clip camera ghi lại được các tai nạn giao thông, các thanh thiếu niên vì bốc đồng mà gây tai hoạ, tài xế xe tải thì 7, 8 phần nghiện ma tuý, bà con đi ra đường như đi vào chỗ… không người, thực trạng đúng là đau lòng! Nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy: tăng động, manh động thực chất chính là… một mặt khác của sự ít vận động! Người vận động nhiều sẽ hiểu được các nguyên tắc vật lý, các tình huống nguy hiểm, từ đó nhận thức về an toàn, mặt khác cải thiện khả năng điều khiển cơ thể, từng bước khống chế, kiểm soát những xung động cảm tính! Đám trẻ chính vì ít vận động, thể trạng ù lỳ, tâm hồn nghèo nàn, nên đột nhiên, một lúc nào đó lại bộc phát trở thành manh động nhất thời, đây chính là 2 mặt của một đồng xu mà thậm chí có người còn nhầm, nhầm lẫn giữa tăng động với… khỏe mạnh, đâu có tự hiểu, tự ngộ ra được! Đến cả những tai nạn do nhầm chân ga, thắng xe hơi cũng y như vậy!

Là con người thì không ai có thể loại trừ 100% khả năng mắc sai lầm, nhưng bỏ chút thời gian, công phu tập luyện động tác cho nhuần nhuyễn sẽ giúp giảm tối thiểu khả năng gây tai nạn! Nhưng mà không, làm có được đâu, từ nhỏ đã lười vận động rồi, đến khi lớn, già có tiền mua xe, thì tập bao nhiêu cho đủ!? Đó là chưa kể suốt ngày lên mạng, xem những thứ tào lao, nghe các chuyện xàm xí, tranh hơn thua những chuyện vớ vẩn, cái tâm vọng động liên tục, không thể tập trung làm chuyện gì cho tử tế! Nói một câu có vẻ ngang: tất cả vấn đề nan giải của người Việt là do cái ý bất thành, cái tâm bất chính mà ra! Giáo dục luật lệ, mũ nón bảo hiểm, chỉ nói đằng mồm không thể giúp ích được gì đâu, trừ khi trị được cái “tâm”! Mà trị “tâm” thì vô cùng khó, phi thường khó, đầu tiên là phải trị được “nơi chứa” cái “tâm”, tức là cái “thân”, nói vòng vo nhưng quay lại, cụ thể tức là… thể dục và vận động!

phong sát

Cứ y như rằng khi có một nhân vật “nghệ sĩ” nào đó bị “phong sát”, “cấm sóng” ở Trung Quốc là đám báo chí rẻ tiền Việt Nam lại lên tiếng “than vãn, cạnh khoé, phẫn nộ, bất bình thay”… em đẹp như thế, em có nhiều tiền như thế, em là nghệ sĩ thành công như thế, sao lại bị đối xử bất công như thế, vâng vâng và vâng vâng!

Họ không hiểu quan điểm của nhà cầm quyền, thể hiện qua mấy câu: Quân tử ố kỳ văn chi trứ君子恶其文之着 – Người quân tử ghét cái vẻ loè loẹt bề ngoài (nhưng rỗng tuếch bên trong), và: Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền圣人不得已用权 – Thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến quyền lực (để uốn nắn, trấn áp)!

thuốc súng

Từ góc độ kinh tế, bất kỳ điều gì cũng có thể mang lại lợi ích, kể cả, nói xin lỗi, là… cứt! Do có muốn làm hay không mà thôi! Tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi quy mô lớn là đáng báo động, hầu như tỉnh nào cũng gặp vấn đề này, gây ra vô số phiền nhiễu, nhưng chẳng thấy ai xử lý! Ngược dòng lịch sử, nói chuyện xa xôi… châu Âu đã xử lý chất thải chăn nuôi gia súc như thế nào?! Người Trung Quốc phát minh ra thuốc súng, thành phần chính bao gồm diêm tiêu (kali nitrat – KNO3) và than (Carbon)! Than thì dễ rồi, nhưng diêm tiêu lấy ở đâu ra!? Người TQ lấy trong các hang động, nơi những loài dơi cư ngụ thành những quần thể lớn, phân dơi sau thời gian phong hoá, rửa trôi hàng trăm năm chứa rất nhiều KNO3, với khối lượng rất lớn lên đến cả chục ngàn tấn! Nhưng châu Âu mới là người hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc súng trên quy mô công nghiệp!

Người Đức từ thế kỷ 16 đã có những trang trại lớn, sử dụng chất thải của gia súc để sản xuất kali nitrat. Tro than từ gỗ (chứa nhiều kali carbonate – K2CO3) được trộn với phân, được ủ cho hoai trong thời gian một năm, sau đó đun để chiết tách ra KNO3! Về hoá học, đây là phản ứng khá phức tạp, dù tại thời điểm đó chưa hiểu rõ bản chất, nhưng người Đức mày mò làm được bằng kinh nghiệm! Như thế họ sản xuất ra lượng lớn KNO3, thời chiến thì dùng làm thuốc súng, thời bình thì dùng làm phân bón! Năm 1561, nước Anh có chiến tranh với TBN nhưng bị cạn nguồn cung thuốc súng, họ đành phải bấm bụng chi 150 kg vàng để đi mua “bí mật công nghệ” này từ một sĩ quan Đức! Nên học hoá theo kiểu công thức ở nhà trường là một chuyện, hiểu nó có ý nghĩa thực tế thế nào lại hoàn toàn khác! Chuyện từ một cái mà người ta rất kinh thường, thậm chí cho là tào lao như… phân Bắc, nhưng lại mang ý nghĩa hệ trọng như thế!

thầy bói

Thế kỷ nào rồi mà vẫn còn những loại mị dân thô sơ, ngu xuẩn như thế này!? Do dân trí quá thấp nên nói vẫn có người nghe, vẫn có hàng triệu view (chắc là ảo!?)! Chỉ cần tâng bốc, phỉnh nịnh, đánh vào cái tâm lưu manh vặt là gì cũng nghe, cái gì cũng làm! Nỗi khổ của một dân tộc mãi không chịu lớn, tư cách chưa định hình hoàn chỉnh, chỉ vài ngôn từ sáo rỗng, bịp bợm là thao túng được!

1.     Giọng điệu rất lịch sự, dùng nhiều kính ngữ, rào trước đón sau, đây là bài của mấy cha Cố, nói năng hết sức tròn trịa, làm cho người nghe cảm thấy được vuốt ve, câu từ có khi hơn 1/2 là “kính ngữ, rào đón” rồi. Kiểu như các phim về lính Nguỵ xưa, mô tả tuy thô nhưng thật, những nhân vật cứ mở miệng là lễ phép quá mức cần thiết, vừa “lễ phép”, vừa “nham nhở” cùng lúc, tự bộc lộ cái nội tâm bất ổn!

2.     Phát ngôn kiểu thầy bói: nằm mơ / điềm / triệu này chứng tỏ, ngày xưa có những câu sấm ký, tiên đoán như thế này thế kia, TQ, CS sắp sụp rồi, lụn bại là điều chắc chắn! Cái giọng thầy bói này thì quá quen, gặp không biết bao nhiêu lần! Là thời buổi nào rồi mà vẫn còn dùng những thứ “huyền học”, “bấm đốt ngón tay”, lúc nào cũng “ta đây thấu rõ thiên cơ”! Đúng là… “số thầy ruồi bâu” mà!

3.     Nội dung có lẽ do nước ngoài chỉ đạo, một số chỗ đọc không đúng, ví dụ như “Hồ Hợi, Vương Mãng” thì đọc là “Ho Hoi, Vuong Mang”… là do thằng đọc đéo biết gì về lịch sử, chỉ đọc lại bài do bọn Tây soạn, bỏ dấu tiếng Việt không đúng! Cái này thì chúng nó soạn thành tài liệu dùng để huấn luyện nội bộ chứ chẳng chơi! Tình huống nào thì dùng chiêu gì, những kịch bản thường gặp, FAQ các kiểu!

4.     Chỗ nào không dùng sấm ký, bói toán để phán được thì chúng nó sẽ xạo sự, đơm đặt, ví dụ như Angkor Wat là do người ngoài hành tinh xây, chứ dân Khmer không thể nào xây được, vẫn là cái bài đánh vào cái tâm lý ranh vặt, nhược tiểu của người Việt! Nếu lung lạc một người không được, chúng nó sẽ tìm cách kích động nhiều người, tìm cách ly gián, tạo ra mâu thuẫn, đánh lên một vũng nước đục!

ngập

Chỉ cần căng bạt, bôi đất sét là nước sẽ không tràn vào nhà, còn nước từ hố ga tràn lên thì lấy cái bô úp lại, bôi mỡ bò xung quanh! Chưa nói các nước văn minh nhé, đến Lào, Cam mà đọc mấy dòng này cũng sẽ coi VN như “mọi”. Là ngu thật hay ngu giả, tuỳ mọi người phán xét! Nên một là dân trí nó còn tự ý thức, tự luận ra được, tự bảo nhau, thì phần “thiện” còn khả năng thắng!

Hai là phải có một cá nhân kiệt xuất nào đó áp đặt ý chí, thay đổi tình thế, dùng bàn tay sắt “pháp trị” để thay đổi nhận thức, vừa nắm tóc, vừa quất roi vào mông lôi đi ra khỏi đêm trường Trung cổ, chứ “giáo dục”, “ý thức” các kiểu… không ăn thua đâu, còn không nữa thì chỉ cạp đất mà ăn thôi! Kiểu như đốt đống lửa dưới đất, nấu nồi cơm treo trên ngọn cây cao, hỏi bao giờ cơm chín?!

xe máy

Lảm nhảm cuối tuần, nói chuyện xe máy… Tuổi teen, cái tuổi “nổi loạn”, có rất nhiều trò “vui” không cưỡng được, đơn giản là do cái tuổi đó như thế, khí huyết phương cương! Hồi cỡ năm 17, 18 tuổi gì đó, bọn bạn bè chúng tôi có cái trò đang chạy xe máy thì… đổi tài, thằng ngồi trước đứng lên nhích qua một bên, thằng ngồi sau chồm lên giữ tay lái, trong nháy mắt là người ngồi sau thành người ngồi trước, và xe vẫn chạy không dừng! Và trong nháy mắt là tông phải một bà già, thế là phải chở bà ta đi bệnh viện, khám từ trên xuống dưới phát hiện… gãy 1 ngón chân út! Làm phải mất công 1, 2 lần đi viện “thăm nuôi” cho nó đủ “lễ”!

Sau 20 thì tuyệt đối không còn những trò bốc đồng nữa, sau 25 thì không bao giờ chạy quá 60 kmph, đến sau 30 thì không bao giờ quá 50 kmph và con số vẫn còn tiếp tục giảm theo năm tháng! Tôi đi xuyên Việt bằng xe máy tổng cộng 3 chuyến, hơn 25 ngàn km hành trình, không dính một cái vé phạt nào, đơn giản là tuân thủ luật giao thông tuyệt đối! Khi có được sự tự chủ trong người rồi thì người ta không làm những chuyện dại dột nữa! Đương nhiên xã hội mà, vẫn luôn có người này người kia, vẫn có những thành phần già đầu rồi vẫn không lớn, suốt ngày loanh quanh cũng chỉ có mấy chuyện: nhậu, bolero và đua xe!

just my 2 cents

Theo em, đây là cách làm đúng đắn, nếu không MXH sẽ tự nó trở thành cái hố đen sâu thẳm không đáy, càng lúc càng tệ hại! Theo em là cứ mạnh tay thu tiền theo số view, người ta phải trả tiền cho số view – số tác động xã hội mà người ta mong muốn có! Ví dụ như em là người nói nhiều, một năm viết khoảng 100 posts, danh sách “Friends” của em có chưa tới 50 người, như vậy là khoảng 5000 views, cứ 1 view trả 1 cent là ok, em đồng ý cả 2 tay! Hoặc cũng có thể làm theo hướng ngược lại, muốn xem một mục nội dung gì thì người xem phải trả 1 cent.

Như thế, người xem phải cân nhắc cái nào đáng giá! Chứ không những con bots, rồi các nội dung rác rưởi, xàm xí, độc hại vẫn cứ mãi tràn ngập! Còn không nữa thì thu tiền cả hai đầu, thu cả của người sản xuất thông tin (producer) lẫn người tiêu thụ thông tin (consumer)! Chỉ là cái chợ thôi mà, người bán và người mua đều phải đóng phí, như thế nó mới công bằng, thế mới tạo ra giá trị thặng dư chứ! Đến khi chán rồi không muốn dùng tiền để “chế tài” nữa thì dùng cách của Trung Quốc, cứ xác minh nhân thân, có report là sẽ bị xử lý! Chính là thời đại 3 xu!

“ý thức”

Kể chuyện “đuối nước”, mùa hè năm 19xx hồi đó, mấy cậu bé 12, 13 tuổi lang thang ra bán đảo Sơn Trà chơi, đó là cái thời còn nguyên sơ rừng núi, còn chưa có đường đi, phải vịn đá, vạch cây, băng rừng thì mới đến được những bãi cát, trạm kiểm lâm dọc theo bờ biển! Trong 6 thằng bé thì 2 đứa bơi khá, 2 đứa biết bơi, còn 2 đứa không. Nên trước khi xuống nước đã dặn kỹ rồi, tôi và ku Trung bơi tốt thì không nói, hai đứa biết bơi thì chỉ nên ra tới ngực thôi, còn hai đứa không biết bơi thì… cầm cái xô múc nước lên bờ mà tắm, cứ như thế cho lành! Ấy thế mà vẫn xảy ra chuyện. Ku An ra tới chỗ nước hơi sâu hụt chân, chới với, la hét, tôi và ku Trung đang leo lên chiếc tàu đánh cá đậu ngoài xa nhìn lại và… cười!

Cười vì nghĩ ku An đang diễn kịch, cách bờ có chút xíu, nước tới ngực mà kêu cứu cái gì!? Nhưng khi thấy ông già kiểm lâm đứng trên bờ la hét thì mới sững người ra, có khi không phải là đùa, 2 đứa liền đâm đầu xuống nước, cố hết sức quay lại cứu bạn, nhưng không nhanh hơn ông già kiểm lâm, ổng nhảy xuống vớt ku An lên! Mới có 12, 13 tuổi mà, ngồi khóc một lúc mới hoàn hồn lại, nếu không thì giờ đất nước đã bớt đi một KTS tài năng rồi! Nên “biết bơi” là một chuyện, bơi nhiều cây số trong điều kiện thực tế lại hoàn toàn khác! Ấy thế mà báo chí VN vẫn kiểu “đĩ miệng”: chỉ cần xây dựng “ý thức” về phòng chống đuối nước thôi, không cần cải thiện thể lực, kỹ năng bơi lội, “ý thức”… ccc!

tư duy hình thức

Nhân một tranh luận gần đây trên báo chí: “trẻ em như tờ giấy trắng là một suy nghĩ sai hoàn toàn”… nhân chuyện này bàn về kiểu tư duy máy móc, hình thức của người Việt! “Trẻ em như tờ giấy trắng”, câu cũng có phần đúng, chúng nó chưa biết gì và chỉ tiếp thu, tiêm nhiễm những gì được dạy, được thấy! Nhưng câu đó cũng không đúng hoàn toàn, trẻ em như một hạt giống mang thông tin di truyền, và biết đâu đó, có thể được thừa hưởng cả những “duyên nghiệp” từ kiếp trước (từ ngữ hơi duy tâm một tí)! Nên hành trình phát triển của một đứa bé, rất thường khi là nằm ngoài tiên liệu của phụ huynh và giáo viên! Trẻ em vừa là tờ giấy trắng, vừa không phải là tờ giấy trắng, đó đơn giản chỉ là những cách diễn đạt khác nhau, hình thức lý luận nhị nguyên, một điểm yếu cố hữu của tư duy con người!

Nhưng 99% người Việt (có khi là nhiều hơn) chấp vào cái hình thức nhị nguyên thô thiển, sơ khai đó! Họ chấp vào đó như “gà mắc tóc”, điều đó dẫn đến sự “đối kháng” giữa những “suy nghĩ” khác nhau! Theo tôi, ai còn mắc vào những lỗi “tư duy hình thức” như vậy là chỉ cho thấy tầm tư duy nông cạn, hời hợt trên bề mặt, không nghĩ ra được những nội dung sâu xa hơn, không thể đi hết độ phức tạp của vấn đề, nên đành đứng trên bề mặt trắng đen như thế. Bao nhiêu “học hỏi, tư duy”, lên mạng đọc này kia, biết được một vài “ngôn từ lảm nhảm” là đã tự cho mình giỏi, nghĩ rằng bao nhiêu đó là đủ rồi! Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi họ ngày càng “chấp ngã”, bám vào những cái lý lẽ đó theo kiểu “take position” – giữ vị trí y như trong quân sự vậy, bên này là “ta”, bên kia là “địch”!

Các tranh luận ở VN đều mang tính “đối kháng”, “chiếm lĩnh vị trí” như thế, kiểu tư duy bên kia là “địch”, bên này là “ta”, trắng đen rõ ràng! Nhưng tiếc thay, kiến thức không phải 3D hay 4D như quân sự, nó là không gian n-D vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều chiều kích, thay vì đối kháng, cần phải gợi mở, để cùng phát triển, đó mới là tranh luận thực sự. Trong giáo dục, “giữ vị trí”, cố sống chết bám vào một điểm thì cũng chẳng khác nào tự giới hạn mình! Chuyện này cũng như khác biệt giữa cờ vây và cờ vua vậy! Cờ vua có tính đối kháng rõ ràng, mục tiêu là ăn “hậu” của đối phương! Nhưng cờ vây không có tính “đối kháng, ăn quân” rõ ràng, mục tiêu là chiếm lĩnh càng nhiều “dư địa”, tạo ra càng nhiều “không gian phát triển” càng tốt, nói theo ngôn ngữ cờ vây là có thêm nhiều “khí” để “thở”.

Tôi rất sợ những kiểu người bám víu vào lý luận hình thức… Họ “take position, hold the line, take the side”, ngôn ngữ của họ cứ “điểm, tuyến & diện” như thế! Mọi cách diễn đạt đều tương đối, đều không chính xác hoàn toàn, dùng nó như thế nào là cả một sự cân nhắc! Phải bước qua được rào cản của ngôn ngữ thì mới hiểu được những nội dung khác truyền tải bên dưới! Nhưng không, họ bám víu vào mớ ngôn từ chết ấy, tìm cách “tranh tiên”, chiếm lấy một lợi thế nho nhỏ bằng ngôn từ, rồi mắc cứng luôn ở đó, sau đó bằng những kiểu: do đó, cho nên, vì vậy, suy ra… tìm cách chứng minh chỉ có tôi đúng và đối phương là sai! Tranh đấu với đối phương thực chất chỉ thể hiện những mâu thuẫn, lúng túng, hạn chế nội tại mà thôi, vẫn là kiểu “tôi đúng anh sai” chứ chưa phải là khai mở kiến thức!

hỏi & đáp

Người ta nói: hỏi cũng chính là trả lời, nói một cách dễ hiểu hơn là: cách anh hỏi cũng chính là cách anh nhận được câu trả lời! Nói một cách tường tận là: vạn vật chỉ là sự phản ánh của cái “tâm” con người, “tâm” như thế nào, “hỏi” điều gì thì nhận lại như thế! Có nhiều người không thể thấy được cái gì khác ngoài cái “tôi” của mình, nên nhiều vấn đề mà khi ta vừa nói tới thì vừa hay, cũng biết rằng nó… đã không có ở đó, một khoảng trống hoác như thế, đâu có tự “luận” ra được! Đương nhiên, người ta sẽ tìm lý do: học vấn, ngôn ngữ, đào tạo, môi trường, v.v…

Nhưng còn chưa nói tới chữ “tâm” là vẫn chưa rốt ráo, vẫn đi rải đinh đầy đường, vẫn lên mạng lừa gạt tìm gái, vẫn đủ trò lưu manh vặt đó thôi… Nói đơn giản thế này, về nền tảng thể chất, rồi cả tinh thần, người Ấn Độ chắc là tốt hơn người Trung Quốc nhiều. Nhưng Ấn vĩnh viễn không thể trở thành Trung Quốc, là do yếu tố đạo đức cá nhân & luật lệ cộng đồng của nó! Xây cái cầu mấy trăm triệu đô sập, chỉ có vài quan chức bị miễn nhiệm! Ở Trung Quốc nếu xảy ra tình huống như thế là sẽ có kha khá người bị bắt đi dựa cột, đơn giản và rõ ràng như thế!

không lớn

Em nói muôn chuyện là từ “tâm” mà ra, vẫn lên mạng xem mông và vú, vẫn hóng hớt đấu tố, bóc phốt nhau, tâm đã thế thì càng làm chỉ càng tệ mà thôi! Thầy còn như thế làm sao dạy được trẻ!? Trên mặt báo chí đã bắt đầu thấy có những bài về tính “không lớn” của người Việt, nhưng kỳ lạ thay, thất vọng thay, càng đọc càng thấy… không lớn! Nội dung các bài không nói lên được chiều sâu, chưa cho thấy khả năng tự tri giác, mà chưa tri giác, nhận biết được về bản thân thì vẫn chỉ là đứa trẻ! Ngoài đường thì đua xe bốc đầu, đám nhóc chưa biết gì thì không nói đi, người lớn một tay ôm đứa trẻ 3 tuổi, một tay lái xe, đứa bé quẫy một cái là tự té chết, chưa cần phải va chạm với ai!

Nhiều người đứng giữa đường nghe điện thoại, xem thế giới như là của riêng mình! Mà đó vẫn là những chuyện rất sơ đẳng, nếu đi sâu vào, nhìn kỹ thấu đáo, sẽ thấy là 30 tuổi không lớn, 40 tuổi không lớn, 50 tuổi không lớn… thậm chí đến 70 tuổi vẫn chưa lớn! Không chỉ là vận động thể chất, ý thức an toàn căn bản, đến những hiểu biết về cộng đồng, cách đối xử với người khác, cách nhìn nhận về thế giới xung quanh vẫn luôn kiểu “trẻ con hờn dỗi”, không thoát ra được “cái – tôi vị – thành – niên”. Nhận thức về “tha nhân – người khác”, về thế giới xung quanh thực chất là bắt đầu với việc tự nhận thức về bản thân, mà nhận thức về chính bản thân thì vẫn như đứa trẻ lên 3 vậy!