bắc hành – 2016, phần 26

hường đi như thế này, tôi tin bản đồ với định vị GPS hơn là tin người địa phương. Những người địa phương thường mô tả không giống nhau về phương hướng, chiều dài lộ trình. Hơn nữa, với địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn như ở đây, sự thật là nhiều người… chưa bao giờ đi quá nơi mình cư ngụ hơn 50 km. Thế nhưng không phải lúc nào bản đồ cũng đúng!

Thực sự là một tai hoạ khi bản đồ vẽ sai, mà sai dư chứ không phải sai thiếu. Hôm nay, dựa theo bản đồ trên điện thoại, tôi đi theo con đường từ Mèo Vạc qua Lũng Phìn, rồi tiếp tục từ Mậu Duệ đi Niêm Sơn. Đến nơi thì mới biết cái con đường vẽ trên bản đồ đó không tồn tại trong thực tế, WTF!? Loay hoay cả một ngày trời để rồi phải quay trở lại nơi xuất phát!

Đôi điều về đường đi trên những địa hình như ở Đồng Văn, trên bản đồ, từ điểm A đến điểm B nhìn rất gần, đường chim bay chưa đến 20 km, nhưng thực tế, đường… chim đi bộ dài hơn 100 km, vì phải uốn lượn qua không biết bao nhiêu là núi non. Và 100 km đó, nếu đường bằng bình thường chỉ mất khoảng 2h, thì thực tế, loay hoay 5, 6 h vẫn chưa thấy tới!

Vì đường xấu, đèo dốc kinh khủng, sương mù dày đặc, nhiệt độ 4 ℃, mất cả gần một ngày chỉ đi được hơn 100 km. Nên thực sự để đi tốt những cung đường như thế này, không chỉ cần một bản đồ đúng, mà nên nghiên cứu trước luôn bản đồ địa hình (topographic map) của khu vực, hình dung ra những khối núi qua những đường đồng mức (contour lines).

bắc hành – 2016, phần 25

ài ngày trước đây, trong các bản làng của người Mông, những người phụ nữ nhất loạt đem quần áo ra giặt, vừa làm việc, vừa trò chuyện râm ran bên bờ suối, như thế là cái Tết đã đến rất gần. Một số còn dùng cách giặt rất xa xưa với chày, tưởng chỉ còn bắt gặp trong phim cổ trang, hay trong thơ cổ, ví dụ như: Bạch Đế thành cao cấp mộ châm (Đỗ Phủ).

Đến hôm nay thì thỉnh thoảng đã bắt gặp một vài người đàn ông Mông say rượu ngủ bên vệ đường, đâm đầu vào bụi rậm, vắt vưởng trong những tư thế lạ lùng nhất. Thanh niên, thiếu nữ, trong những bộ y phục đẹp nhất, bắt đầu vào ra, làng trên xóm dưới rủ nhau đi chơi Tết. Tôi thấy cả một ông già người Tày với bút lông mực Tàu đang chăm chú viết câu đối Tết.

Thoáng nghĩ, khá khen cho ai đặt cái tên Đồng Văn, vì Đồng Văn tức là… “đồng văn” 😀. Đến bây giờ vẫn có cả hơn chục dân tộc, ngôn ngữ khác nhau cùng sống trên cao nguyên này: Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Việt, Hoa… Ngày xa xưa, khi tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ chưa phải là chuẩn chung, thì những giao tiếp hình thức quan trọng đều phải dùng chữ Hán.

Cao nguyên Đồng Văn những ngày này thời tiết ổn định trong khoảng 5 ~ 6 ℃, thấp hơn những vùng khác trong tỉnh Hà Giang 6 ~ 10 độ, trời nhiều sương mù, nhưng ít mưa. Lạnh, nhưng vẫn còn dễ chịu, vì từ 4℃ trở xuống, chạy xe nhiều giờ ngoài đường gây ra cảm giác buốt, rát nghiêm trọng, và chiếc xe của tôi cũng chạy không trơn tru lắm ở nhiệt độ đó.

bắc hành – 2016, phần 24

ách hay nhất để tham quan một nơi là đi chậm, thật chậm, ví dụ như đi bộ hay xe đạp, như thế thì mới có thể nhìn thấy hết tất cả các góc cạnh, ngõ ngách khác nhau của nó. Thực ra khi bắt đầu đi xe máy xuyên Việt, tôi nghĩ rằng đi như thế đã là đủ chậm, chậm hơn ôtô hay máy bay nhiều lần, nhưng đến bây giờ thì lại nhận ra… như thế vẫn là chưa đủ chậm!

Bỏ ra một ngày để đi bộ khắp thung lũng, leo lên đồn Đồng Văn (do người Pháp xây) nằm trên đỉnh ngọn núi đá ngay giữa thị trấn, ngồi nhìn ra bốn bề xung quanh, trong ánh mặt trời đang lặn, lắng nghe gió lạnh lồng lộng thổi! Toàn bộ cái thị trấn con con này gói gọn trong tầm mắt, những ngôi nhà bé tí, những thửa ruộng bậc thang xanh xanh vừa gieo sạ xong!

Đêm xuống dần dương trần, gợi niềm vương vấn, từ năm ấy đã bao nhiêu lần… thời đại của mobile internet, của thông tin cập nhật, của instant message, của fast food… mà một mình lang thang trèo lên ngọn núi cô độc này, ngồi cả buổi chiều và ca những loại nhạc này, có phải là lạc loài quá không nhỉ!? Thoáng nghĩ thế, nhưng cũng chả quan tâm lắm!

Trăng mơ màng khắp làng, lặng nhìn mây nước, đẹp cho những giấc mơ huy hoàng… Rằng: từ sau ánh mắt xanh, bồ câu xâm chiếm tim anh, quên lãng sao đành! Cái thế giới bên trong vẫn thế, như những bức tranh Bùi Xuân Phái, chỉ độc có màu nguyên không pha, ấy là tự giữ cho mình những tự do cuối cùng, tự do suy nghĩ và sống một cuộc sống như mình muốn!

bắc hành – 2016, phần 23

hững người dân tộc sống lâu với người Kinh, họ nói tiếng Việt rất thuần thục, với một sắc thái hơi gay gắt, chua ngoa thường thấy của phương ngữ miền Bắc (điều họ học được). Nhưng khi chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ, ta thấy ở họ những thái độ khác hẳn. Người Thái thường nói chuyện rất nhẹ nhàng, tinh tế, người Mông thì bộc trực và hơi thô hơn một tẹo.

Âu cũng là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, hơn thế nữa, đa ngôn ngữ tức là đa văn hoá. Cũng là một điều dễ hiểu khi tôi nói tiếng Việt, tôi là một con người khác, khi nói tiếng Anh, tôi là một con người khác, và khi nói tiếng Pháp, tôi là một con người khác nữa. Giống như khi chụp ảnh, cùng một phong cảnh, nhưng mỗi ngôn ngữ là một ống kính (lens) khác nhau.

Thực ra từ rất rất lâu rồi, tôi đã nhận ra, tiếng Việt có nhiều “điểm yếu” trong cấu trúc, dẫn đến những lỗi tư duy rất ngây ngô, phổ biến trong cộng đồng Việt. Đó là một trong nhiều yếu tố đẩy xã hội Việt tới tình trạng như ngày hôm nay. Nhưng nhận ra điều đó không phải dể, vì để khởi đầu, chúng ta cần 1, 2 ngôn ngữ khác, để đối chiếu so sánh và nhận ra sự khác biệt.

Khác biệt không phải trong cách hành văn, mà trong cách suy nghĩ. Nhưng điều đó là khó, với một thế hệ trẻ như ngày nay, viết chính tả còn sai một cách sơ đẳng, sai có hệ thống, và không hề có một ý thức nào về việc phải sửa sai. Bắt họ nhận ra sự khác biệt trong cách suy nghĩ giữa các cộng đồng ngôn ngữ, văn hoá khác nhau có lẽ là một việc không tưởng!

bắc hành – 2016, phần 22

hững cành mận trắng, chi chít hoa nở trên những thân, gốc cây xù xì rêu bám. Thực ra, mặc cho rất nhiều người bàn ra tán vào, nói đi nói lại, tán tụng… tôi chưa bao giờ thấy hoa mai hay hoa đào đẹp cả! Mà có đẹp chăng đi nữa cũng chỉ là một vẻ rất chi nhân tạo, thiếu sức sống, không tự nhiên được như một nhành hoa mận lớn chưng trong nhà giữa ngày xuân!

Cả ba lần lên cao nguyên Đồng Văn này, là cả 3 lần nhìn thấy những tai nạn, những chiếc xe tải lớn đâm xuống vực sâu hàng trăm mét, mà đá tai mèo tua tủa như một rừng chông nhọn hoắt, hầu như không cho ai cơ hội sống sót! Những con đường này không dành cho người yếu tim, nhất là khi thời tiết lạnh cóng và sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế!

Nhiều khi có cảm giác cao nguyên đá Đồng Văn như một hòn non bộ được phóng to lên, muôn trùng núi đá và đá, những con đường bé tí lượn lờ vắt vẻo, nhiều khúc cua tay áo thật gấp liên tiếp chồng lên nhau. Một cảnh tượng ngồ ngộ khi thấy những chiếc xe tải to một tí phải xích tới, xích lui, xê qua, xê về chán chê mới lọt qua được những khúc cua như thế!

Một cái thế giới được thu nhỏ như trên sa bàn, những bóng người bé tí xinh xắn đây đó giữa thiên nhiên, vài cái hồ nước be bé, những cái nhà con con, vài ngọn cây trơ trụi mọc lẻ loi bên sườn núi, những con đường mòn như kẻ chỉ, đích thị là một hòn non bộ thật sự! Và những câu chuyện về cuộc sống con người, như những con kiến cần mẫn bò quanh hòn núi!

bắc hành – 2016, phần 21

ồng Văn năm nay lạnh hơn mọi năm, nhiệt độ giữa trưa tầm 5, 6 ℃, ban đêm khoảng 2, 3 ℃, nhưng cảm giác như rất lạnh vì gió thổi vi vút không ngớt. Những ngày sắp đến dự báo còn rét hơn nữa. Một vùng núi đã vôi trơ trọi, chẳng có nổi một rặng cây lớn hòng chắn gió. Những ngày này, người dân vẫn chưa nghĩ Tết, công việc đồng áng vẫn đang tiếp diễn.

Lần đầu tiên chứng kiến trong giá rét lạnh căm, một người đàn ông dắt bò đi cày trên một sườn núi dốc dễ có hơn 60 độ. Chẳng thể nào hiểu được làm sao người và bò có thể cày được trên một địa hình như thế, chỉ sơ sảy một chút là lăn xuống núi. Người dân miền Trung (như tôi) vẫn hay than thở, rằng quê mình đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt etc…

Nhưng hãy đến Đồng Văn để thấy như thế nào mới thật sự là khắc nghiệt! Người dân gùi đất lên những sườn núi đá cao, đổ vào giữa các hốc đá để trồng đây đó vài khóm rau cải. Rác, bã mía, cây bụi các nơi được tha về, đốt thành than giữa các hốc đá để làm phân bón. Cứ như thế, qua nhiều thế hệ, người ta biến núi đá khô khốc thành nơi có thể trồng trọt được!

Cái câu thơ “thô thiển” của Hoàng Trung Thông mà ai cũng học ở phổ thông: Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, cái câu ấy hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn đúng ở nơi đây! Nhiều khi phải mở mắt xem người khác sống như thế nào, mới bớt cường điệu hoá hoàn cảnh, cảm xúc của riêng cá nhân mình, mới thôi tự xem mình là trung tâm của vũ trụ! 😀

bắc hành – 2016, phần 20

hững cung đường quen thuộc đã qua lại 4, 5 lần, không muốn chụp nhiều ảnh nữa, và có chụp nữa cũng không thể đẹp hơn (kỹ năng “nhiếp ảnh” của tôi có hạn, xin xem thêm về Hà Giang trong các album ảnh trước). Nhưng vẫn muốn đi qua một lần nữa, cho tâm hồn được lẩn khuất ở đâu đó trong những áng mây mù giăng ngang trên những vách đá tai mèo.

Ghé quán quen cũ, ăn một bát cháo ấu tẩu, trước khi tiếp tục hành trình. Một niềm vui nho nhỏ khi mà mình đi đâu, người ta cũng nhận ra, ah, thằng này đã đến đây năm trước! Và các câu chuyện, vì thế, cũng trở nên cởi mở, chân tình, thân mật hơn. Trong suy nghĩ thoáng qua phút chốc, có khi nào, chỉ là giả sử thôi, mình nhận lấy nơi đây làm quê nhà không nhỉ!?

Cao nguyên Đồng Văn, nơi mà người dân một phố núi như Hà Giang vẫn gọi là… vùng cao. Thời tiết không lạnh lắm, thấp nhất cũng chỉ tầm 10 ~ 12 ℃, như vậy chạy xe máy không giày (chỉ mang dép), không găng tay vẫn thoải mái. Xuống dưới 8℃ thì nên mang giày vào, xuống dưới 4℃ thì nên thêm găng tay, còn xuống dưới 0℃ thì… nên nghỉ không đi nữa!

Những cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị trên đường, những bạn trẻ, rất trẻ, cùng chia xẻ chung một niềm đam mê dịch chuyển, lang bạt đây đó! Những câu chuyện trao đổi, những thông tin, kinh nghiệm về lộ trình phía trước! Chúc các bạn trẻ đi, hãy đi thật nhiều và đi thật xa! And the road becomes my bride…, nghe đâu đó quanh đây, là nhạc của ai thế nhỉ!? 😀

bắc hành – 2016, phần 19

ũng từ Lào Cai đi Hà Giang, nhưng không chọn con đường đi sát biên giới (Mường Khương, Y Tý, Bát Xát, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì…) như năm ngoái nữa. Từ Lào Cai lùi sâu một chút vào trong nội địa, đến Phố Lu, rồi theo quốc lộ 279 đi Phố Ràng, Quang Bình, Việt Quang, tp. Hà Giang. Nếu nhìn trên bản đồ địa hình, tổng thể miền bắc như một cái quạt.

Mà các nhánh núi (và nương theo đó là những con đường) là những cái nan quạt quy tụ về đồng bằng Bắc Bộ. Nên từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh biên giới thì đều dễ dàng, nhưng đi giữa các tỉnh biên giới với nhau lại rất khó khăn, do thiếu đường sá vượt qua các dãy núi cao. Quốc lộ 279 bổ khuyết sự thiếu hụt đó, bắt đầu từ Điện Biên và kết thúc ở tp. Hạ Long.

Trên bản đồ, nhìn như một vòng cung ôm trọn hết cả miền Đông Bắc và Tây Bắc. Và ngay cả cái tên 279 của con đường cũng mang một ý nghĩa quốc phòng đặc biệt, là trực tiếp gợi nhớ về sự kiện tháng 2 năm 1979. Thời tiết quay trở lại mưa phùn và gió bắc, tuy không thực sự lạnh lắm, đoạn đường từ Phố Ràng đi Việt Quang rất xấu, lầy lội, trơn như đổ mỡ.

Từ đây chủ yếu là thế giới của người Tày, những bộ trang phục đen đơn giản, nam cũng như nữ, chỉ có đôi chút màu sắc, hoa văn ở thắt lưng và khăn đội đầu. Tuy vậy, những bộ y phục ngày Tết, lễ của họ cũng thực sự rất đẹp, cùng một kiểu với quần áo thường ngày, nhưng may bằng chất liệu nhung đen sang trọng, trông có phần chải chuốt và cầu kỳ hơn!

bắc hành – 2016, phần 18

hành phố Lai Châu, này là lần thứ 3 qua đây! Cái đẹp của một thành phố được xây mới từ con số không: mọi thứ đều nhìn có vẻ chỉn chu, khang trang, ngăn nắp, quy hoạch rất rõ ràng. Một ngày nắng ấm rất đẹp, bầu trời trong xanh, ở đèo Ô Quý Hồ băng tuyết đã tan và đã thông xe. Đi phượt xe máy như tôi thì thực ra thời tiết băng giá… không hề vui chút nào!

Lai Châu, Điện Biên nằm về phía bắc của Mai Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu… nhưng khí hậu lại ấm hơn chút đỉnh, đó là nhờ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ che chắn bớt một phần gió mùa đông bắc. Đèo Ô Quý Hồ băng ngang qua Hoàng Liên Sơn, bên này đèo thì uống mía đá, bên kia đèo thì đốt lửa sưởi. Lên Sapa không còn dấu tích nào của băng tuyết.

Chỉ có hai bên đường, người dân la liệt chào bán thịt bê, trâu, những gia súc đã chết trong vụ rét mới vừa qua. Sapa đang đổi thay từng ngày, xây dựng bốn bề, người xe nhộn nhịp! Chỉ ghé Sapa độ hơn 1 tiếng đồng hồ, ngồi nói chuyện với những người quen cũ ở đây! Luôn có nhạc Pháp, và cà phê rất ngon, miễn phí dành cho tôi mỗi khi quá bộ Sapa này! 😀

Qua hết Lai Châu, từ Tam Đường, đèo Ô Quý Hồ, thị trấn Sapa về lại thành phố Lào Cai là vùng đất đã quen thuộc, không chụp nhiều ảnh nữa! Như một thói quen, dừng chân Lào Cai, ngồi trầm ngâm bên cầu Cốc Lếu, bên kia sông là Hà Khẩu, Trung Quốc. Đâu đó vẫn nghe loa phát bài hát, hát rằng: rằng anh thương em… hỡi em yêu ở cuối sông Hồng…

bắc hành – 2016, phần 17

i đó nói… không phải điểm đến mà là con đường nhỉ 😀!? Tỉnh Lai Châu không có nhiều địa danh trên bản đồ du lịch, nhưng có nhiều núi đồi, sông suối và cao nguyên. Con đường từ Điện Biên đi Lai Châu qua các bản làng của người Thái, Mông rất đẹp. Du khách nước ngoài thường chỉ thích những gì nguyên bản, chưa thay đổi, như xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ…

Và tôi cũng tự thấy mình lạ lẫm với cái chúng ta gọi là làm du lịch: đi ô tô đến, ăn một vài món (kiểu bê chao Mộc Châu, cá sông Đà…), chụp một vài tấm hình ở những di tích đã bị tàn phá, tu sửa lem nhem, những thứ mà giới kinh doanh du lịch đặt ra hoặc phịa ra để moi tiền các bạn. Không có gì xa rời cuộc sống thực tế của người dân bản địa ở đây hơn thế!

Mường Lay cũ bây giờ nằm hoàn toàn dưới lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Địa thế tổng thể Mường Lay rất rất đẹp, một hồ nước bình yên rộng lớn, các nhà sàn tái định cư nằm chi chít bên bờ hồ, tựa mình lên triền núi! Mất gần một buổi chiều ngơ ngẩn dạo quanh thị trấn, ngắm nhìn những “con thuyền trên núi” rong chơi giữa không gian mặt nước thẫm xanh.

Gặp gỡ thú vị nhất trong ngày: Hélène và Stéphane, cặp đôi đạp xe dọc con đường tơ lụa (Route de la Soie) từ Pháp đến Trung Quốc, đi hết Đông Nam Á rồi quay lại Pháp. Một dịp thực tập cái thứ tiếng Pháp “rỉ sét” của mình. L’aventure ne doit pas s’arrêter là, voyager loin sans voyager vite: phiêu lưu không dừng lại ở đó, hãy đi thật xa, và đi thật chậm! 😀