bắc hành – 2016, phần 21

ồng Văn năm nay lạnh hơn mọi năm, nhiệt độ giữa trưa tầm 5, 6 ℃, ban đêm khoảng 2, 3 ℃, nhưng cảm giác như rất lạnh vì gió thổi vi vút không ngớt. Những ngày sắp đến dự báo còn rét hơn nữa. Một vùng núi đã vôi trơ trọi, chẳng có nổi một rặng cây lớn hòng chắn gió. Những ngày này, người dân vẫn chưa nghĩ Tết, công việc đồng áng vẫn đang tiếp diễn.

Lần đầu tiên chứng kiến trong giá rét lạnh căm, một người đàn ông dắt bò đi cày trên một sườn núi dốc dễ có hơn 60 độ. Chẳng thể nào hiểu được làm sao người và bò có thể cày được trên một địa hình như thế, chỉ sơ sảy một chút là lăn xuống núi. Người dân miền Trung (như tôi) vẫn hay than thở, rằng quê mình đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt etc…

Nhưng hãy đến Đồng Văn để thấy như thế nào mới thật sự là khắc nghiệt! Người dân gùi đất lên những sườn núi đá cao, đổ vào giữa các hốc đá để trồng đây đó vài khóm rau cải. Rác, bã mía, cây bụi các nơi được tha về, đốt thành than giữa các hốc đá để làm phân bón. Cứ như thế, qua nhiều thế hệ, người ta biến núi đá khô khốc thành nơi có thể trồng trọt được!

Cái câu thơ “thô thiển” của Hoàng Trung Thông mà ai cũng học ở phổ thông: Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, cái câu ấy hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn đúng ở nơi đây! Nhiều khi phải mở mắt xem người khác sống như thế nào, mới bớt cường điệu hoá hoàn cảnh, cảm xúc của riêng cá nhân mình, mới thôi tự xem mình là trung tâm của vũ trụ! 😀