gs đặng đình áng

ôi có số được gặp nhiều nhân vật hàn lâm tầm cỡ, nhưng không học hỏi được gì nhiều, bản tính ngu muội, cứng đầu, lại thêm tuổi trẻ nông cạn… nên thôi, đành vậy! 😞 Thầy của tôi, dù chỉ học với ông khoảng một năm ĐH. Nhiều người biết thầy Đặng Đình Áng là một trong những GS Toán hàng đầu VN, ông còn là chú ruột của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, cả một gia đình, một dòng họ tài hoa! RIP! 😥

parkers

oài niệm – Nostalgia… nhớ bố H.Ngọc Anh xưa, hiệu phó TV, luôn có 2 cây bút, 1 xanh 1 đỏ, kẹp nơi túi áo. Cái thời người ta may áo sơ-mi nam luôn có cái vòng nhỏ trong túi áo trước ngực, chỉ để kẹp bút, giờ không thấy như thế nữa. Haiza cuộc sống, thời thế đổi thay. Hình dưới: 2 cây Parker quý giá của tui, sắm hẳn cái túi gấm để đựng bút cho khỏi xước!

Năm 19xx hồi đó, ngày cuối cùng năm lớp 9, chuẩn bị rời trường cấp 2, ko biết ai còn nhớ, thầy hiệu phó Hứa Ngọc Anh đi thăm từng lớp một (cả thảy có 11 lớp 9), mỗi lớp ổng đều có bài nói chuyện ngắn, đại ý giống nhau: “các em cố gắng tiếp tục học hành thêm, sau này kiếm lấy một vị trí trong XH, vì tuy là hiệu phó một trường XHCN, nhưng tôi nói thẳng với các em rằng, ko XH nào là ko có giai cấp!” – Đúng người ta nói: “nhứt lé nhì lùn”!

Giờ đã thoáng hơn trước nhiều, tại thời điểm đó, nói thế có thể mất chức như chơi, hoặc còn tệ hơn thế! Cái lứa tuổi 13 ẩm ương, giai đoạn “dậy thì”, với một số học sinh, những suy nghĩ như thế là khá sớm, nhưng với một số khác thì… cũng không phải là sớm lắm, cũng đủ gây nên những tiếng cười “khục khục”! Đến tận giờ tôi cũng chỉ phục nhưng ai sống thật được với lòng mình, “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”…

biết tuốt để làm gì!?

iết nhân đọc được bài hiếm hoi đề cập đúng bản chất vấn đề. Vì tôi đã từng là một thằng “biết tuốt”. Hồi học lớp 6~9, trường cấp 2 Trưng Vương, tôi đã là kiểu “ngôi sao biết tuốt” của trường, chuyên đi thi Toán, tham gia các kiểu “Đố vui để học” phát sóng trên truyền hình. Thành phố bé tí có 4, 5 trường phổ thông thi với nhau, gần như năm nào Trưng Vương cũng đoạt giải nhất. Tả lại chút cho mọi người hiểu về cuộc thi, “format” này thực sự không mới, đã làm trên sóng truyền hình miền Nam VN trước 75.

Hai đội, mỗi đội 3 người, ngồi 2 cái bàn riêng biệt, tay đặt lên nút chuông, giám khảo đưa ra câu hỏi xong thì ai bấm chuông trước được quyền trả lời, đúng được cộng, nhưng sai thì bị trừ điểm. Có lần đang thu hình thì… cúp điện, trong lúc chờ máy phát điện hoạt động thì ông thầy Bùi Thế Mỹ đi qua đi lại doạ nạt: em trả lời sai rồi, nhưng tôi khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Điện có trở lại, tiếp tục ghi hình, giám khảo đành phải cho tôi điểm vì trả lời đúng, năm đó, Trưng Vương lại về nhất!

Cái thời đói kém, sách vở, thông tin thiếu thốn, nên những trò chơi như thế cũng tương đối vui. Nhưng ngay từ những ngày đó, lũ học sinh chúng tôi đã nhận ra rằng biết nhiều như thế cũng ko để làm gì, cũng kiểu con vẹt, tỏ ra ta đây hiểu biết, ta đây hơn người mà thôi. Rất may là ngoài những kiểu “biết tuốt” như thế, tôi còn biết thêm rất nhiều thứ khác nữa: biết bơi hơn 10km, biết leo núi, băng rừng, cắm trại, biết dùng “trăm phương ngàn kế” để cưa gái .v.v. đó mới là những kỹ năng hữu ích! 😀

Vâng, biết cưa gái, một cách sáng tạo và đứng đắn, đó cũng là một kỹ năng, thời bây giờ gọi là “kỹ năng mềm” ấy! Nhớ lại cái thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, bạn tôi viết thư tình cho gái thế này (thời đó chỉ có thư giấy thôi, chưa có di động, tin nhắn đâu): em à, ở đây muỗi nhiều lắm, mở ngoặc, dùng hồ dán một con muỗi chết vào đó, đóng ngoặc, chấm! 😀 Chính những cái “joie de vivre” (tiếng Pháp: niềm vui sống) như thế mới là những động lực để con người ta phấn đấu, cố gắng lâu dài trong cuộc đời.

Những con người / thế hệ ít vận động thực tế cứ nghĩ rằng càng biết nhiều là càng tốt! Biết thì đã sao mà không biết thì đã sao!? Chưa kể thời nào cũng thế, sách vở, chữ nghĩa cũng đầy rẫy loại “đạo tặc”, đọc nhiều những thứ “trít học” vô bổ nó ám vào người, đẻ ra những kiểu “lơ lơ lửng lửng”, gì cũng biết nhưng ko biết được gì! Quan trọng nhất là hao phí sinh lực tuổi trẻ vào những điều ko thiết thực, cốt chỉ để thoả mãn cái mong muốn tỏ ra hơn người. Ngay từ gốc, động cơ của việc học là đã sai!

Thời đại bùng nổ thông tin, hàng tỷ tỷ gigabytes dữ liệu, làm sao mà nhớ hết, và nhớ để làm cái gì!? Càng nhớ nhiều, đầu óc càng mụ mẫm đi, kiểu như con vẹt, chỉ biết “tụng niệm, giáo điều” chứ thực ko có tư duy sáng tạo. Rất nhiều thứ bây giờ người ta ngỡ là “kiến thức”, thực ra mới chỉ là “thông tin”, thậm chí thông tin còn chưa biết chất lượng thế nào! Trong sự phát triển của tư duy con người, có rất nhiều “level” khác nhau, phải phân biệt rất rõ ràng giữa thông tin, kiến thức và tri thức!

nước mắt cá sấu

ột bài viết rất hay! Lại cái thói trí trá lặt vặt, muôn đời của người Việt, cứ hay lấy những giá trị cực đoan ra để thách đố người khác! Giáo dục là hướng con người đến những hành động đúng đắn, vừa phải, trong những tình huống bình thường hàng ngày, hướng đến một sự tiến bộ từ từ và thiết thực. Chứ không phải vẽ ra những mẫu hình đạo đức cao siêu không tưởng, thường chỉ xảy ra ở những tình huống cực đoan trong cuộc sống! Riết như thế một lúc sẽ trở thành những trò đạo đức giả! Học sinh học cách khóc “nước mắt cá sấu” khi cần phải “diễn”, học cách vẽ ra những hình tượng đạo đức gương mẫu, nhưng thực tế thì ngược lại, sẵn sàng làm những trò lưu manh không nháy mắt trong các tình huống thực của cuộc sống! Thêm một bằng chứng về thói “đĩ miệng” và “lưu manh vặt” của người Việt, hai cái đó thường đi đôi với nhau! XH Việt vẫn luôn như thế, đa số vẫn bị lôi cuốn bởi những chuyện đạo đức giả đầy nước mắt cá sấu mà quên đi cách nhìn thẳng vào cốt lõi của vấn đề.

Ngay từ lúc còn rất nhỏ, cái bản chất bướng bỉnh của tôi vẫn luôn nhìn ra những chuyện như thế. Nói nghe có vẻ bất hiếu hay vô lễ, nhưng thực ra, chúng ta đang sống trong một xã hội mà cha mẹ không thực sự yêu con cái, họ chỉ yêu cái “vai” làm cha mẹ mà họ phải diễn, thầy cô cũng không yêu học trò, họ chỉ yêu cái “vai” làm thầy, cô mà họ phải diễn. Tác hại của những điều ấy tưởng vô hình, khó thấy, nhưng thực rất khủng khiếp, nó đẻ ra những thế hệ mất niềm tin, nhưng lại rất giỏi diễn kịch! Rút cuộc trở thành một cuộc thi ai “kể chuyện” hay hơn, ai lấy được nhiều nước mắt hơn, còn hơn cả… một lũ bán hàng đa cấp! Nguy hại là những điều ấy xâm nhập trường cấp 1, 2, tiêm nhiễm những đầu óc còn non nớt! Sự đổ vỡ tâm hồn là hậu quả hiển nhiên tất yếu, khi con người ta bị dồn nén mãi bởi những điều “có vẻ quá sức tốt đẹp nhưng lại không có thực”, nó phải tự giải thoát theo chiều hướng ngược lại: lưu manh, xảo trá, đê tiện, càng nguy hiểm hơn dưới những vỏ bọc “tốt đẹp” nguỵ tạo như đã nói trên!

gymnasium

Rút cuộc, tại sao cây quất trồng ở phía nam sông Hoài thì cho quả ngọt, mà cũng cây ấy, đem sang trồng ở bờ bắc sông Hoài thì quả lại chua!?

hững “gymnasium”, nôm na giống như kiểu “trường chuyên lớp chọn” ở VN (nhưng “chất” hơn nhiều), không phải là một sản phẩm của một Liên Xô XHCN, mà thực ra, đã có từ thời các Sa hoàng. Khi người Nga tiếp xúc với văn minh châu Âu, cảm thấy mình lạc hậu, thua kém, nên đã học tập những mô hình giáo dục có tính hàn lâm rất cao, hoặc tính hướng nghiệp từ rất sớm (những mô hình xưa cũ của Đức, Áo). Trẻ ngay từ những năm 10 ~ 12 tuổi đã được tiếp cận và định hướng nghề nghiệp tương lai. Đó có thể là chuyên sâu về những ngành lý thuyết: toán, lý, hoá… hay học về những ngành nghề, kỹ nghệ, kỹ thuật đặc thù khác.

Nhưng không như người Việt, thường coi khinh lao động chân tay, người Nga đào tạo những nghề chuyên sâu như điện, hàn, cơ khí, etc… tạo nên những người thợ có “đôi bàn tay vàng” mà thiếu nó thì toán, lý, hoá… thuần tuý lý thuyết không thể đẻ ra máy bay, tên lửa được. Cũng bắt chước y như thế, nhưng hệ thống “trường chuyên lớp chọn” ở VN không đem lại một thành tựu đáng kể nào! Tại sao lại như thế!? Tại sao cây quất trồng ở phía nam sông Hoài thì cho quả ngọt, mà cũng cây đó, đem sang trồng ở bắc sông Hoài thì quả lại chua!? Câu hỏi tưởng chừng khó trả lời, nhưng thực ra lại rất dể hiểu khi tiếp cận ở tầng con người, tầng văn hoá!

Trước hết, trẻ em Nga được dạy “từ dưới lên” chứ không phải “từ trên xuống”, họ không dạy trẻ ngay các vấn đề thuần tuý lý thuyết. Ngay từ thời Sô Viết, hơn 1/3 số hộ gia đình Nga, vừa có nhà (hay căn hộ), vừa có “dacha”. “Dacha” là một nét văn hoá đặc trưng chỉ có ở người Nga, một kiểu nhà nhỏ, túp lều ở miền nông thôn, ngoại ô, nơi các gia đình nghỉ ngơi cuối tuần, xa căn nhà chính của họ ở thành phố! Một lối sống gần gũi thiên nhiên, nơi trẻ có thể làm vườn, tắm sông, chèo thuyền hay đi buồm trên sông, trên hồ. Lối sống “gần mặt đất”, vận động nhiều là phổ biến từ thời xa xưa, dù đó có là thời Sa hoàng, thời Sô Viết hay thời bây giờ.

Trẻ được khuyến khích chơi các trò thể thao mạo hiểm: kayak vượt thác, leo núi, tham gia các hoạt động dã ngoại, kích thích trí tò mò và niềm vui, sự hứng khởi của chúng với các hiện tượng của thiên nhiên, và sớm phát triển một ý thức về cách thức vận hành của vạn vật, cũng như ý thức về vai trò, nhiệm vụ, khả năng… của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Cần phải nói rõ rằng những điều này hướng trẻ vào việc tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh và cũng để hiểu rõ về chính bản thân, thay vì dây vào những điều nhảm nhí, xàm xí khác trong xã hội! Đây là yếu tố tiên quyết, rằng trẻ phải được dạy để “chơi”, chứ không được dạy để “học”.

Học mà theo kiểu thành tích, bằng cấp thì chỉ vô ích! Bước tiếp theo là nền giáo dục chuyên sâu, dù về lý thuyết, hay về kỹ năng thực hành! Họ không coi khinh mặt nào cả! Một người thợ hàn những mối nối trên thân tàu ngầm là một dạng thợ bậc rất cao, cần nhiều chục năm rèn luyện tay nghề, và được trả lương cao hơn một kỹ sư bình thường khác. Từ các ông thầy cho đến các sinh viên, họ tập trung vào những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, giải quyết những yêu cầu thực tế của xã hội, chứ không ngồi đó mà đánh đố nhau bằng các “kiến thức chết” như kiểu những trò lố “Đường lên đỉnh Olympia”, hay “SV” một thuở!

Nói về Olympia hay SV, tôi thấy không có gì nhảm nhí và lố bịch hơn thế, nói hoàn toàn thật lòng! Chưa bao giờ tôi xem được nhiều hơn 5, 10 phút! Như Olympia, khoảng 30% trường hợp đã thấy ngay từ cách đặt câu hỏi đã có vấn đề, chưa nói đến câu trả lời! Và những câu trả lời, toàn là những loại “kiến thức chết” (thực ra đúng hơn mới chỉ là những loại “đơn thuần là thông tin”, chưa hẳn là “kiến thức” thực sự). Nó đánh vào cái tôi ưa tỏ ra “hiểu biết”, “ưa hơn người” mà chỉ bằng những lời nói suông, một cách thô tục và gay gắt (nhưng rất đúng) phải nên gọi là “đĩ miệng” – hoàn toàn vô tích sự trước những vấn đề thiết thực của cuộc sống!

Giáo dục không phải chỉ giúp đào tạo kỹ năng hay kiến thức! Sâu xa hơn, giáo dục phải giúp nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho nó chiều sâu và nhiều màu sắc, và đây là yếu tố quyết định những thành quả khác trong những giai đoạn lâu dài về sau trong cuộc đời trẻ. Nhưng “tâm hồn” ư, nói về “tâm hồn” trong một xã hội như Việt Nam hiện tại nghe có vẻ xa vời, vô ích và huyễn hoặc! Những gì chúng ta đang có là một thế hệ vô hồn, những tội ác vô hồn, những “quái thai ngâm giấm” của thời đại! Công bằng mà nói, không phải bây giờ mới có những điều ấy, có thể đã có từ rất sớm, hàng chục hay có thể là cả hàng trăm năm về trước!

phí & giá

ĩ nhiên không nên đổi “học phí” thành “học giá”. Về mặt từ nguyên mà nói: giá (): giá cả, hầu như là quy thành tiền, phí (): khoản hao tổn, không nhất thiết có thể quy thành tiền. Ngày xưa, đi học chữ với thầy, ít khi phải trả bằng tiền, thầy thời xưa thường được đền đáp bằng tiền, gạo và nhiều dạng lễ vật khác, vì nhiều lý do khác nhau. Một mặt, người ta không muốn biến nó thành một giao dịch thương mại thẳng thừng.

Mặt khác, muốn biến nó thành một món nợ ân tình, mà tình nghĩa thì có cách hoàn trả khác biệt. Ngày nay, đi học chữ với thầy, không nhất thiết chỉ cần tiền. Còn phải nói ngon nói ngọt, dẫn thầy đi nhậu, vận động từ hành lang cho tới tận đâu, hao phí rất nhiều công sức! Cho nên nói “phí” nó nặng hơn “giá”, không thể quy thành tiền được. Dù là hiểu theo nghĩa nào, xưa hay nay, thì “phí” nó vẫn khác với “giá”, đâu cần phải đổi!? 😅

toán & tính

hớ lại ông thầy dạy Toán ở Đại học hồi xưa có nói rằng: cái thứ mà các anh đang học đó, ở cái “trường phổ thông trung học cấp 4” này, nó là “tính” chứ không phải là “toán”! Nhớ lại những ngày đang học lớp 13 hay 14 gì đó (modulo cho 12), câu nói đó đến tận giờ vẫn chẳng hề sai tí nào! Ở Việt Nam, số người làm “toán” thực sự, như GS Ngô Bảo Châu, chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi, mà lại là các ngón trên bàn tay của một thằng Yakuza ấy! Và những người như ông thì đa số đại chúng (>99%), chẳng thế éo nào mà hiểu cho được, dù chỉ là phần nhỏ!

Những gì chúng ta học ở cấp 3 và những năm đầu Đại học: vi tích phân, đạo hàm… phần lớn vẫn là “tính”, chúng ta được dạy nhân chia, cộng trừ, chuyển vế đổi dấu các kiểu. Nhưng ai “nhạy cảm” chút sẽ nhận ra rằng, từ “lý thuyết vành”, “lý thuyết trường”… trở đi không còn là “tính” nữa, đó là biểu diễn của thế giới thực qua những mô hình trừu tượng của Toán học. Cuộc phiêu lưu của thằng “Mít đặc” toán là tôi đây dừng lại ở đó, cũng có thể là xa hơn một chút, nhưng đủ để hiểu rằng, Toán nó hoàn toàn khác với Tính, Tính chỉ cần khả năng, Toán cần tài năng.

Ngày GS NBC được trao giải Fields, một người bạn hỏi tôi: liệu rằng lễ trao giải có thượng quốc kỳ, cử quốc ca hay ko!? Tôi nhìn vào mắt anh ấy, như thể nhìn vào một khoảng trống vô hồn, ko nói gì nhưng thầm nghĩ: hoá ra 5 năm ĐH ngành Toán chẳng có tí xíu ích lợi gì với con người này! Cái tư duy chưa vượt qua được luỹ tre làng ấy ko hiểu rằng, có những cộng đồng nhỏ chỉ vài trăm người nhưng uy tín và danh dự cá nhân của họ vượt lên trên ranh giới quốc gia, dân tộc! Hoặc giả như rằng những cái bản ngã nhỏ nhoi đó ko thể hiểu, hay ko muốn chấp nhận điều ấy!

quy tắc 10,000 giờ

uy tắc 10,000 giờ liệu có đúng!? Từ lâu các “bài” trên internet “kháo nhau” rằng, dù là lĩnh vực gì, tập trung cho nó đủ 10,000 giờ, bạn sẽ trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực đó!? Mới nghe tôi đã phì cười… Như tôi, lập trình C: Borland C++, Visual C++, Objective-C, glibC… xoay quanh mỗi ngôn ngữ C hơn 20 năm, thời gian bỏ vào đó hơn 10,000 giờ nhiều lần.

Hay thời gian dành cho thuyền bè 6, 7 năm qua cũng đã hơn 10,000 giờ, mà cũng chưa nên cơm cháo gì! Cuộc sống ko dể dàng đến thế! Thật ớn ăn cho các “tác giả” – “giả cầy” của thời buổi marketing, PR, sale, SEO… những lĩnh vực lúc nào cũng chỉ muốn “mì ăn liền” và hiệu quả nhanh chóng. Họ đang nô dịch chúng ta từ trong suy nghĩ… 10,000 giờ ư, chuyện nhỏ!!! 😀

“lý thuyết hấp dẫn mới”

u hu hu hu, ô hô! Tôi muốn khóc, khóc to, thật to, khóc cho những linh hồn bạc nhược và ảo tưởng về một tương lai huy hoàng, khóc cho một dân tộc suy đồi, khóc cho một nền văn hóa và học vấn mạt vận… Mọi người sẽ cười, không phải cười một bệnh nhân vĩ cuồng (megalomaniac), mà cười cái hội đồng uy tín nào đã ca ngợi và đề nghị công bố cho cả thế giới biết, cười những cơ quan truyền thông nào đã lên dây cót tinh thần như thế này nhân dịp Việt Nam gia nhập WTO.

Gần đây báo Thanh Niên đăng bài: Một người Việt đề nghị công bố thuyết hấp dẫn mới, sau đó đăng nguyên văn bài viết chi tiết, trong đó tác giả Bùi Minh Trí nêu ra một lý‎ thuyết mới: Giải thích cấu tạo vật chất theo kiểu vật thể và trường quyển không thể tách rời của nó, đồng thời chỉ ra sự ngộ nhận của Newton và Einstein về nhiều mâu thuẫn nghịch lý, nhiều khái niệm mơ hồ không nhất quán về tự nhiên.

Báo Thanh Niên đồng thời trích lời PGS-TS Bùi Ngọc Oánh, (viện trưởng Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng VN): Vấn đề ông Bùi Minh Trí đưa ra là có cơ sở, nghiên cứu nghiêm túc nên Viện chúng tôi quyết định hỗ trợ việc công bố rộng rãi cho các nhà khoa học trong nước (và sau đó là các nhà khoa học quốc tế) được biết học thuyết mới này. Nguyên văn bài viết được đăng tải ở đây.

Bài viết bao gồm 45 trang, định dạng cẩu thả, có nhiều lỗi đánh máy, từ ngữ và khái niệm không nhất quán, thiếu chính xác, và nhiều câu tối (vô) nghĩa. Tác giả viện dẫn những thiếu sót, mâu thuẫn trong lý thuyết cơ học cổ điển của Newton, trong thuyết tương đối của Einstein, và đưa ra những luận chứng của Thuyết hấp dẫn mới để có thể giải thích các nghịch lý, mâu thuẫn của vật lý hiện đại. Tổng quát, trình bày của tác giả có cấu trúc như sau:

  • Thiếu sót của thuyết cơ học cổ điển của Newton.

  • Thuyết tương đối của Einstein và một số ngộ nhận của ông.

  • Thuyết hấp dẫn mới với khái niệm cơ bản: vật thể và trường quyển hấp dẫn năng lượng của nó.

1.   NEWTON VÀ CƠ HỌC CỔ ĐIỂN

Luận điểm chính phản bác thuyết cơ học cổ điển của Newton là: Khối lượng không hấp dẫn khối lượng mà khối lượng (trong vật thể tâm trường) hấp dẫn các năng lượng không gian (hạt Graviton) trong trường quyển chuyển động hướng tâm với gia tốc g. Các vật thể có khối lượng hiện hữu trong trường quyển bị cuốn theo cùng gia tốc đó (sic).

Vấn đề ở đây là khái niệm vật thể và trường vật chất xung quanh vật thể không phải là khái niệm mới, nó đã có ít nhất từ lúc Faraday phát hiện ra điện từ trường.

Tác giả chỉ mượn lại khái niệm này và thêm vào graviton, một loại hạt giả thuyết chưa được chứng minh về sự tồn tại. Theo tác giả, quan điểm của Newton về không gian là không gian trống rỗng tuyệt đối. Thực ra là Newton, cũng như phần lớn các nhà khoa học cùng thời, cho rằng không gian được lấp đầy bằng ethe, một loại vật chất giả thuyết lúc bấy giờ.

2.   EINSTEIN VÀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

Tác giả bài bác hai luận điểm của Einstein và gọi đó là ngộ nhận: Ngộ nhận vận tốc làm thay đổi khối lượng của vật thể chuyển động (sic).

Einstein chưa bao giờ có ý này, ông chỉ nói vận tốc làm thay đổi thời gian tương đối của vật chuyển động.

Ngộ nhận môi trường không gian là chân không dẫn tới ngộ nhận vận tốc ánh sáng trong môi trường không gian là hằng số vật lý, thực ra vận tốc, ánh sáng c không phải là hằng số vật lý trong mọi trường quyển vật thể (sic).

Einstein cũng không có ý này, ông chỉ nói vận tốc ánh sáng trong môi trường chân không là hằng số c. Một học sinh lớp 9 cũng biết rằng ánh sáng chuyển động khác nhau trong các môi trường vật chất khác nhau và đặc trưng cho thuộc tính này là chiết suất của môi trường. (Đây chính là đánh tráo khái niệm giữa môi trường chân khôngmôi trường không gian).

Phê phán về các chứng minh lý thuyết và thực nghiệm của lý thuyết tương đối (hẹp) của Einstein rất hàm hồ và không chính xác: Thuyết tương đối tổng quát đã dự đoán 3 hiệu ứng hấp dẫn… Các quan trắc đã kiểm nghiệm là khá phù hợp với dự đoán của lý thuyết, song các kết quả quan trắc kiểm nghiệm đó có đáng tin cậy hay không thì chưa có phương pháp kiểm chứng đảm bảo (sic).

Tác giả Bùi Minh Trí có thể đọc lại lịch sử vật lý để biết các chứng minh thực nghiệm này đã được chuẩn bị và tiến hành như thế nào, có rất nhiều tài liệu ghi lại các chuyến hải hành và đo đạc kiểm chứng của Viện Hàn lâm Khoa học và Hải quân Hoàng gia Anh lúc bấy giờ (1914). (Trong điều kiện nước Anh đang có chiến tranh với Đức, Thế chiến thứ I, mà giới học giả Anh vẫn có thể làm một hành động rất công tâm là kiểm chứng và thừa nhận giả thuyết của Einstein, lúc đó đang còn là một nhà khoa học Đức).

Không gian phi Euclid, một cơ sở của lý thuyết tương đối tổng quát có hiện thực hay không? Cho đến nay chưa ai chứng minh được bởi hình học phi Euclid của Riemann, Gauss, Bolyai, Lobachevsky suy ngẫm cho cùng chỉ là hình học mặt phẳng chuyển sang các mặt cong có độ cong không đổi trong không gian Euclid mà thôi. Đó không phải là hình học không gian phi Euclid (sic).

Vậy thì thế nào mới là hình học phi Euclid, tác giả không nói rõ!?

Xây dựng thuyết tương đối tổng quát, Einstein đưa ra khái niệm không – thời gian cong, một khái niệm không thể hình dung nhận thức theo tư duy thông thường cho đến nay chưa có ai giải thích được rõ ràng thuyết phục khái niệm không – thời gian cong (sic).

Điều này chứng tỏ tác giả không hiểu Einstein ở những điểm sơ đẳng nhất, cũng là những điểm tinh tế nhất, đồng thời tác giả cho thấy lập luận chủ yếu của mình là một quan điểm về không – thời – gian tuyệt đối. Đây là một nhận thức có tính trực quan và bản năng tồn tại trong mỗi cá nhân, một tri thức tiên nghiệm theo nghĩa của Kant, và cũng là nhận thức mà Einstein đã đả phá.

Đọc kỹ, có thể tìm thấy rất nhiều những nhận định hàm hồ và ngây thơ trong 45 trang viết.

3.   TÓM LẠI

Tác giả thiếu hiểu biết cơ bản về vật lý. Tác giả không logic trong cách đặt vấn đề và chứng minh vấn đề. Các công thức tính toán chỉ là những biểu thức cơ học cổ điển đơn giản, không có nội hàm biểu đạt không – thời gian theo nghĩa vật lý hiện đại.

Chỉ cần một học sinh hết cấp 3 được giáo dục tử tế cũng có thể nhận ra những luận điệu vô bằng vô chứng của tác giả. Tình huống thế này có thể được tóm tắt trong một câu nói đùa như sau: người nghe không hiểu người nói đang nói những gì, nhưng nếu người nghe hiểu người nói ấy đang nói gì, thì người nghe cũng sẽ hiểu ra một điều rằng: người nói không hiểu điều anh ta đang nói! 😬.

Tác giả chỉ chứng minh được một điều rằng mình không hiểu Einstein và cả Newton ở những điểm sơ đẳng nhất. Thuyết hấp dẫn mới không có gì khác ngoài việc nhắc lại một cách không chính xác một số vấn đề của vật lý hiện đại. Tác giả thậm chí không đưa ra được một luận điểm có thể bàn cãi.