gymnasium

Rút cuộc, tại sao cây quất trồng ở phía nam sông Hoài thì cho quả ngọt, mà cũng cây ấy, đem sang trồng ở bờ bắc sông Hoài thì quả lại chua!?

hững “gymnasium”, nôm na giống như kiểu “trường chuyên lớp chọn” ở VN (nhưng “chất” hơn nhiều), không phải là một sản phẩm của một Liên Xô XHCN, mà thực ra, đã có từ thời các Sa hoàng. Khi người Nga tiếp xúc với văn minh châu Âu, cảm thấy mình lạc hậu, thua kém, nên đã học tập những mô hình giáo dục có tính hàn lâm rất cao, hoặc tính hướng nghiệp từ rất sớm (những mô hình xưa cũ của Đức, Áo). Trẻ ngay từ những năm 10 ~ 12 tuổi đã được tiếp cận và định hướng nghề nghiệp tương lai. Đó có thể là chuyên sâu về những ngành lý thuyết: toán, lý, hoá… hay học về những ngành nghề, kỹ nghệ, kỹ thuật đặc thù khác.

Nhưng không như người Việt, thường coi khinh lao động chân tay, người Nga đào tạo những nghề chuyên sâu như điện, hàn, cơ khí, etc… tạo nên những người thợ có “đôi bàn tay vàng” mà thiếu nó thì toán, lý, hoá… thuần tuý lý thuyết không thể đẻ ra máy bay, tên lửa được. Cũng bắt chước y như thế, nhưng hệ thống “trường chuyên lớp chọn” ở VN không đem lại một thành tựu đáng kể nào! Tại sao lại như thế!? Tại sao cây quất trồng ở phía nam sông Hoài thì cho quả ngọt, mà cũng cây đó, đem sang trồng ở bắc sông Hoài thì quả lại chua!? Câu hỏi tưởng chừng khó trả lời, nhưng thực ra lại rất dể hiểu khi tiếp cận ở tầng con người, tầng văn hoá!

Trước hết, trẻ em Nga được dạy “từ dưới lên” chứ không phải “từ trên xuống”, họ không dạy trẻ ngay các vấn đề thuần tuý lý thuyết. Ngay từ thời Sô Viết, hơn 1/3 số hộ gia đình Nga, vừa có nhà (hay căn hộ), vừa có “dacha”. “Dacha” là một nét văn hoá đặc trưng chỉ có ở người Nga, một kiểu nhà nhỏ, túp lều ở miền nông thôn, ngoại ô, nơi các gia đình nghỉ ngơi cuối tuần, xa căn nhà chính của họ ở thành phố! Một lối sống gần gũi thiên nhiên, nơi trẻ có thể làm vườn, tắm sông, chèo thuyền hay đi buồm trên sông, trên hồ. Lối sống “gần mặt đất”, vận động nhiều là phổ biến từ thời xa xưa, dù đó có là thời Sa hoàng, thời Sô Viết hay thời bây giờ.

Trẻ được khuyến khích chơi các trò thể thao mạo hiểm: kayak vượt thác, leo núi, tham gia các hoạt động dã ngoại, kích thích trí tò mò và niềm vui, sự hứng khởi của chúng với các hiện tượng của thiên nhiên, và sớm phát triển một ý thức về cách thức vận hành của vạn vật, cũng như ý thức về vai trò, nhiệm vụ, khả năng… của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Cần phải nói rõ rằng những điều này hướng trẻ vào việc tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh và cũng để hiểu rõ về chính bản thân, thay vì dây vào những điều nhảm nhí, xàm xí khác trong xã hội! Đây là yếu tố tiên quyết, rằng trẻ phải được dạy để “chơi”, chứ không được dạy để “học”.

Học mà theo kiểu thành tích, bằng cấp thì chỉ vô ích! Bước tiếp theo là nền giáo dục chuyên sâu, dù về lý thuyết, hay về kỹ năng thực hành! Họ không coi khinh mặt nào cả! Một người thợ hàn những mối nối trên thân tàu ngầm là một dạng thợ bậc rất cao, cần nhiều chục năm rèn luyện tay nghề, và được trả lương cao hơn một kỹ sư bình thường khác. Từ các ông thầy cho đến các sinh viên, họ tập trung vào những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, giải quyết những yêu cầu thực tế của xã hội, chứ không ngồi đó mà đánh đố nhau bằng các “kiến thức chết” như kiểu những trò lố “Đường lên đỉnh Olympia”, hay “SV” một thuở!

Nói về Olympia hay SV, tôi thấy không có gì nhảm nhí và lố bịch hơn thế, nói hoàn toàn thật lòng! Chưa bao giờ tôi xem được nhiều hơn 5, 10 phút! Như Olympia, khoảng 30% trường hợp đã thấy ngay từ cách đặt câu hỏi đã có vấn đề, chưa nói đến câu trả lời! Và những câu trả lời, toàn là những loại “kiến thức chết” (thực ra đúng hơn mới chỉ là những loại “đơn thuần là thông tin”, chưa hẳn là “kiến thức” thực sự). Nó đánh vào cái tôi ưa tỏ ra “hiểu biết”, “ưa hơn người” mà chỉ bằng những lời nói suông, một cách thô tục và gay gắt (nhưng rất đúng) phải nên gọi là “đĩ miệng” – hoàn toàn vô tích sự trước những vấn đề thiết thực của cuộc sống!

Giáo dục không phải chỉ giúp đào tạo kỹ năng hay kiến thức! Sâu xa hơn, giáo dục phải giúp nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho nó chiều sâu và nhiều màu sắc, và đây là yếu tố quyết định những thành quả khác trong những giai đoạn lâu dài về sau trong cuộc đời trẻ. Nhưng “tâm hồn” ư, nói về “tâm hồn” trong một xã hội như Việt Nam hiện tại nghe có vẻ xa vời, vô ích và huyễn hoặc! Những gì chúng ta đang có là một thế hệ vô hồn, những tội ác vô hồn, những “quái thai ngâm giấm” của thời đại! Công bằng mà nói, không phải bây giờ mới có những điều ấy, có thể đã có từ rất sớm, hàng chục hay có thể là cả hàng trăm năm về trước!