biết tuốt để làm gì!?

iết nhân đọc được bài hiếm hoi đề cập đúng bản chất vấn đề. Vì tôi đã từng là một thằng “biết tuốt”. Hồi học lớp 6~9, trường cấp 2 Trưng Vương, tôi đã là kiểu “ngôi sao biết tuốt” của trường, chuyên đi thi Toán, tham gia các kiểu “Đố vui để học” phát sóng trên truyền hình. Thành phố bé tí có 4, 5 trường phổ thông thi với nhau, gần như năm nào Trưng Vương cũng đoạt giải nhất. Tả lại chút cho mọi người hiểu về cuộc thi, “format” này thực sự không mới, đã làm trên sóng truyền hình miền Nam VN trước 75.

Hai đội, mỗi đội 3 người, ngồi 2 cái bàn riêng biệt, tay đặt lên nút chuông, giám khảo đưa ra câu hỏi xong thì ai bấm chuông trước được quyền trả lời, đúng được cộng, nhưng sai thì bị trừ điểm. Có lần đang thu hình thì… cúp điện, trong lúc chờ máy phát điện hoạt động thì ông thầy Bùi Thế Mỹ đi qua đi lại doạ nạt: em trả lời sai rồi, nhưng tôi khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Điện có trở lại, tiếp tục ghi hình, giám khảo đành phải cho tôi điểm vì trả lời đúng, năm đó, Trưng Vương lại về nhất!

Cái thời đói kém, sách vở, thông tin thiếu thốn, nên những trò chơi như thế cũng tương đối vui. Nhưng ngay từ những ngày đó, lũ học sinh chúng tôi đã nhận ra rằng biết nhiều như thế cũng ko để làm gì, cũng kiểu con vẹt, tỏ ra ta đây hiểu biết, ta đây hơn người mà thôi. Rất may là ngoài những kiểu “biết tuốt” như thế, tôi còn biết thêm rất nhiều thứ khác nữa: biết bơi hơn 10km, biết leo núi, băng rừng, cắm trại, biết dùng “trăm phương ngàn kế” để cưa gái .v.v. đó mới là những kỹ năng hữu ích! 😀

Vâng, biết cưa gái, một cách sáng tạo và đứng đắn, đó cũng là một kỹ năng, thời bây giờ gọi là “kỹ năng mềm” ấy! Nhớ lại cái thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, bạn tôi viết thư tình cho gái thế này (thời đó chỉ có thư giấy thôi, chưa có di động, tin nhắn đâu): em à, ở đây muỗi nhiều lắm, mở ngoặc, dùng hồ dán một con muỗi chết vào đó, đóng ngoặc, chấm! 😀 Chính những cái “joie de vivre” (tiếng Pháp: niềm vui sống) như thế mới là những động lực để con người ta phấn đấu, cố gắng lâu dài trong cuộc đời.

Những con người / thế hệ ít vận động thực tế cứ nghĩ rằng càng biết nhiều là càng tốt! Biết thì đã sao mà không biết thì đã sao!? Chưa kể thời nào cũng thế, sách vở, chữ nghĩa cũng đầy rẫy loại “đạo tặc”, đọc nhiều những thứ “trít học” vô bổ nó ám vào người, đẻ ra những kiểu “lơ lơ lửng lửng”, gì cũng biết nhưng ko biết được gì! Quan trọng nhất là hao phí sinh lực tuổi trẻ vào những điều ko thiết thực, cốt chỉ để thoả mãn cái mong muốn tỏ ra hơn người. Ngay từ gốc, động cơ của việc học là đã sai!

Thời đại bùng nổ thông tin, hàng tỷ tỷ gigabytes dữ liệu, làm sao mà nhớ hết, và nhớ để làm cái gì!? Càng nhớ nhiều, đầu óc càng mụ mẫm đi, kiểu như con vẹt, chỉ biết “tụng niệm, giáo điều” chứ thực ko có tư duy sáng tạo. Rất nhiều thứ bây giờ người ta ngỡ là “kiến thức”, thực ra mới chỉ là “thông tin”, thậm chí thông tin còn chưa biết chất lượng thế nào! Trong sự phát triển của tư duy con người, có rất nhiều “level” khác nhau, phải phân biệt rất rõ ràng giữa thông tin, kiến thức và tri thức!