“lý thuyết hấp dẫn mới”

u hu hu hu, ô hô! Tôi muốn khóc, khóc to, thật to, khóc cho những linh hồn bạc nhược và ảo tưởng về một tương lai huy hoàng, khóc cho một dân tộc suy đồi, khóc cho một nền văn hóa và học vấn mạt vận… Mọi người sẽ cười, không phải cười một bệnh nhân vĩ cuồng (megalomaniac), mà cười cái hội đồng uy tín nào đã ca ngợi và đề nghị công bố cho cả thế giới biết, cười những cơ quan truyền thông nào đã lên dây cót tinh thần như thế này nhân dịp Việt Nam gia nhập WTO.

Gần đây báo Thanh Niên đăng bài: Một người Việt đề nghị công bố thuyết hấp dẫn mới, sau đó đăng nguyên văn bài viết chi tiết, trong đó tác giả Bùi Minh Trí nêu ra một lý‎ thuyết mới: Giải thích cấu tạo vật chất theo kiểu vật thể và trường quyển không thể tách rời của nó, đồng thời chỉ ra sự ngộ nhận của Newton và Einstein về nhiều mâu thuẫn nghịch lý, nhiều khái niệm mơ hồ không nhất quán về tự nhiên.

Báo Thanh Niên đồng thời trích lời PGS-TS Bùi Ngọc Oánh, (viện trưởng Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng VN): Vấn đề ông Bùi Minh Trí đưa ra là có cơ sở, nghiên cứu nghiêm túc nên Viện chúng tôi quyết định hỗ trợ việc công bố rộng rãi cho các nhà khoa học trong nước (và sau đó là các nhà khoa học quốc tế) được biết học thuyết mới này. Nguyên văn bài viết được đăng tải ở đây.

Bài viết bao gồm 45 trang, định dạng cẩu thả, có nhiều lỗi đánh máy, từ ngữ và khái niệm không nhất quán, thiếu chính xác, và nhiều câu tối (vô) nghĩa. Tác giả viện dẫn những thiếu sót, mâu thuẫn trong lý thuyết cơ học cổ điển của Newton, trong thuyết tương đối của Einstein, và đưa ra những luận chứng của Thuyết hấp dẫn mới để có thể giải thích các nghịch lý, mâu thuẫn của vật lý hiện đại. Tổng quát, trình bày của tác giả có cấu trúc như sau:

  • Thiếu sót của thuyết cơ học cổ điển của Newton.

  • Thuyết tương đối của Einstein và một số ngộ nhận của ông.

  • Thuyết hấp dẫn mới với khái niệm cơ bản: vật thể và trường quyển hấp dẫn năng lượng của nó.

1.   NEWTON VÀ CƠ HỌC CỔ ĐIỂN

Luận điểm chính phản bác thuyết cơ học cổ điển của Newton là: Khối lượng không hấp dẫn khối lượng mà khối lượng (trong vật thể tâm trường) hấp dẫn các năng lượng không gian (hạt Graviton) trong trường quyển chuyển động hướng tâm với gia tốc g. Các vật thể có khối lượng hiện hữu trong trường quyển bị cuốn theo cùng gia tốc đó (sic).

Vấn đề ở đây là khái niệm vật thể và trường vật chất xung quanh vật thể không phải là khái niệm mới, nó đã có ít nhất từ lúc Faraday phát hiện ra điện từ trường.

Tác giả chỉ mượn lại khái niệm này và thêm vào graviton, một loại hạt giả thuyết chưa được chứng minh về sự tồn tại. Theo tác giả, quan điểm của Newton về không gian là không gian trống rỗng tuyệt đối. Thực ra là Newton, cũng như phần lớn các nhà khoa học cùng thời, cho rằng không gian được lấp đầy bằng ethe, một loại vật chất giả thuyết lúc bấy giờ.

2.   EINSTEIN VÀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

Tác giả bài bác hai luận điểm của Einstein và gọi đó là ngộ nhận: Ngộ nhận vận tốc làm thay đổi khối lượng của vật thể chuyển động (sic).

Einstein chưa bao giờ có ý này, ông chỉ nói vận tốc làm thay đổi thời gian tương đối của vật chuyển động.

Ngộ nhận môi trường không gian là chân không dẫn tới ngộ nhận vận tốc ánh sáng trong môi trường không gian là hằng số vật lý, thực ra vận tốc, ánh sáng c không phải là hằng số vật lý trong mọi trường quyển vật thể (sic).

Einstein cũng không có ý này, ông chỉ nói vận tốc ánh sáng trong môi trường chân không là hằng số c. Một học sinh lớp 9 cũng biết rằng ánh sáng chuyển động khác nhau trong các môi trường vật chất khác nhau và đặc trưng cho thuộc tính này là chiết suất của môi trường. (Đây chính là đánh tráo khái niệm giữa môi trường chân khôngmôi trường không gian).

Phê phán về các chứng minh lý thuyết và thực nghiệm của lý thuyết tương đối (hẹp) của Einstein rất hàm hồ và không chính xác: Thuyết tương đối tổng quát đã dự đoán 3 hiệu ứng hấp dẫn… Các quan trắc đã kiểm nghiệm là khá phù hợp với dự đoán của lý thuyết, song các kết quả quan trắc kiểm nghiệm đó có đáng tin cậy hay không thì chưa có phương pháp kiểm chứng đảm bảo (sic).

Tác giả Bùi Minh Trí có thể đọc lại lịch sử vật lý để biết các chứng minh thực nghiệm này đã được chuẩn bị và tiến hành như thế nào, có rất nhiều tài liệu ghi lại các chuyến hải hành và đo đạc kiểm chứng của Viện Hàn lâm Khoa học và Hải quân Hoàng gia Anh lúc bấy giờ (1914). (Trong điều kiện nước Anh đang có chiến tranh với Đức, Thế chiến thứ I, mà giới học giả Anh vẫn có thể làm một hành động rất công tâm là kiểm chứng và thừa nhận giả thuyết của Einstein, lúc đó đang còn là một nhà khoa học Đức).

Không gian phi Euclid, một cơ sở của lý thuyết tương đối tổng quát có hiện thực hay không? Cho đến nay chưa ai chứng minh được bởi hình học phi Euclid của Riemann, Gauss, Bolyai, Lobachevsky suy ngẫm cho cùng chỉ là hình học mặt phẳng chuyển sang các mặt cong có độ cong không đổi trong không gian Euclid mà thôi. Đó không phải là hình học không gian phi Euclid (sic).

Vậy thì thế nào mới là hình học phi Euclid, tác giả không nói rõ!?

Xây dựng thuyết tương đối tổng quát, Einstein đưa ra khái niệm không – thời gian cong, một khái niệm không thể hình dung nhận thức theo tư duy thông thường cho đến nay chưa có ai giải thích được rõ ràng thuyết phục khái niệm không – thời gian cong (sic).

Điều này chứng tỏ tác giả không hiểu Einstein ở những điểm sơ đẳng nhất, cũng là những điểm tinh tế nhất, đồng thời tác giả cho thấy lập luận chủ yếu của mình là một quan điểm về không – thời – gian tuyệt đối. Đây là một nhận thức có tính trực quan và bản năng tồn tại trong mỗi cá nhân, một tri thức tiên nghiệm theo nghĩa của Kant, và cũng là nhận thức mà Einstein đã đả phá.

Đọc kỹ, có thể tìm thấy rất nhiều những nhận định hàm hồ và ngây thơ trong 45 trang viết.

3.   TÓM LẠI

Tác giả thiếu hiểu biết cơ bản về vật lý. Tác giả không logic trong cách đặt vấn đề và chứng minh vấn đề. Các công thức tính toán chỉ là những biểu thức cơ học cổ điển đơn giản, không có nội hàm biểu đạt không – thời gian theo nghĩa vật lý hiện đại.

Chỉ cần một học sinh hết cấp 3 được giáo dục tử tế cũng có thể nhận ra những luận điệu vô bằng vô chứng của tác giả. Tình huống thế này có thể được tóm tắt trong một câu nói đùa như sau: người nghe không hiểu người nói đang nói những gì, nhưng nếu người nghe hiểu người nói ấy đang nói gì, thì người nghe cũng sẽ hiểu ra một điều rằng: người nói không hiểu điều anh ta đang nói! 😬.

Tác giả chỉ chứng minh được một điều rằng mình không hiểu Einstein và cả Newton ở những điểm sơ đẳng nhất. Thuyết hấp dẫn mới không có gì khác ngoài việc nhắc lại một cách không chính xác một số vấn đề của vật lý hiện đại. Tác giả thậm chí không đưa ra được một luận điểm có thể bàn cãi.