đêm ngắn tình dài

Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền. (Dương Thiệu Tước)

Dương Thiệu Tước thật tình muốn dùng nhạc pháp Tây Phương để soạn nhạc Việt mới, nhưng ông bị nhạc ngũ cung Việt Nam trói ông lại… Nhạc Dương Thiệu Tước, theo tôi, là loại nhạc tình tứ, nhưng cũng rất sang trọng. Ðó là những ca khúc tình ái thốt lên từ con tim của một nghệ sĩ dòng dõi nhà quan. ( Hồi ký Phạm Duy, tập 1, chương 12)

uốn mượn bài hát Đêm ngắn tình dài này như phần mở đầu cho bài viết giới thiệu về một nhạc sĩ đặc biệt: Dương Thiệu Tước. Lúc nhỏ, đây gần như là bài nhạc duy nhất của Dương Thiệu Tước gây được dấu ấn sâu đậm trong tôi, một phần vì lúc ấy tôi còn chưa hiểu và cảm được những giai điệu ngũ cung, chỉ biết về ông qua một số ca khúc mang tính Tây phương: Đêm ngắn tình dài, Bóng chiều xưa, Ngọc lan, Chiều… Phần nữa vì nét nhạc vừa cổ kính, vừa tân kỳ của bài hát, ca tụng khát vọng tình yêu đôi lứa trong một không gian phảng phất Đường-thi: có trăng, có rượu hoàng hoa… và lại có anh và em, có người con trai và con gái, điều rất ít thấy trong thơ cổ.

Đêm ngắn tình dài - Thái Thanh 
Tiếng xưa - Hà Thanh 

Còn một tối gần bên nhau… cái lời nhạc nói lên khát vọng tình yêu vừa mãnh liệt, vừa êm đềm, đối với tôi lúc ấy đã đủ để nói lên một tâm hồn nhạc đặc biệt mà chỉ sau này tôi mới hiểu rõ được. Khi viết nhạc thất cung theo kiểu Tây phương, nhạc của ông “rất Tây”, điển hình như bài Ngọc lan, nghe bài này chúng ta tưởng như đang nghe Chopin hay Schumann. Ngay từ khi mọi người còn phải vay mượn nhạc điệu Tây phương để soạn lời ca tiếng Việt và gọi nó là bài ta theo điệu tây thì ông đã soạn những bài có thể gọi là bài tây theo điệu ta.

Còn khi viết nhạc ngũ cung, nhạc của ông lại “quá ngũ cung”. Nếu như nhạc ngũ cung của Phạm Duy là thoát thai từ dân ca, khi hát cần luyến láy một chút thì mới tìm thấy được dáng nhạc, thì của Dương Thiệu Tước tự nó đã có đậm đặc chất ngũ cung rồi, cứ hát lên là như tìm lại được những nét dân ca miền Thùy Dương xứ Huế. Tuy là người Hà Nội nhưng nhạc của Dương Thiệu Tước thể hiện một sự thẩm âm đặc biệt mẫn cảm với dân ca Huế, phải chăng chính là nhờ mối tình say đắm với một người con gái sông Hương núi Ngự, nữ ca sĩ Minh Trang (thân mẫu ca sĩ Quỳnh Giao).

Một vài bìa nhạc Dương Thiệu Tước:

hà thanh – chim họa mi xứ huế

hông như những gì viết trên wiki: Hà Thanh sinh ra trong một gia đình gia giáo chỉ có một mình bà đi theo nghiệp âm nhạc, mẹ tôi (lúc còn học ở trường Đồng Khánh có chơi với một số chị em trong gia đình này) cho biết gia đình Hà Thanh là một gia đình có truyền thống cổ nhạc, tuy không ai đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhưng đờn ca hát xướng đã là môi trường từ nhỏ trong gia đình. Hà Thanh đến với âm nhạc từ rất sớm, tham gia hát cho đài phát thanh Huế từ những năm 50. Bà tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do đài tổ chức (giống như cuộc thi Tiếng hát Truyền hình bây giờ) và dành giải nhất với ca khúc Dòng sông xanh (Johann Strauss).

Ai lên xứ hoa đào - Hà Thanh 
Các anh đi - Hà Thanh 

Những năm 60, bà gia nhập làng văn nghệ Sài-gòn, trở nên nổi tiếng và thường xuyên xuất hiện trên sóng phát thanh cũng như trong các chương trình Đại nhạc hội. Hà Thanh có giọng hát rất đặc biệt, cao sang, trong mà mềm mại. Nghe bà hát, ta mới cảm thấy những luyến láy nhấn nhá đặc trưng của một giọng hát cũ. Hơn thế nữa, giọng Hà Thanh rất Huế, một giọng Huế sang trọng và tinh tế. Mời các bạn thưởng thức giọng ca Hà Thanh qua hai ca khúc: Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên) và Các anh đi (Văn Phụng).

phạm duy – 8

Âm nhạc là một sự khải thị
lớn hơn mọi nền luân lý.

(Beethoven)

iết đến đây, khi cố gắng hệ thống hóa, “chia lô” những sáng tác của nhạc sĩ PD (sự phân chia này một phần dựa trên sự tự phân loại của tác giả), tôi mới nhận ra rằng làm như thế vô hình chung đã bỏ qua nhiều phần sáng tác quan trọng của nhạc sĩ. PD ông có nhiều sáng tác không đơn thuần có thể chia vào một hạng mục nào cụ thể, hơn nữa nhiều sáng tác lẻ lại có giá trị nghệ thuật quan trọng. Vì vậy ở phần này chúng ta lại “thập di”, đi tìm bổ khuyết những thiếu sót trong 7 bài viết vừa qua.

Có rất nhiều ca khúc nhạc ngoại quốc chúng ta đang hát có phần lời Việt do nghệ sĩ PD đặt, và nhiều khi chúng ta được biết phần lời Việt này trước khi được biết nguyên tác. Trong số những bài ca này có những bản nhạc cổ điển phương Tây: Dòng sông xanh (Le beau Danube bleu), Trở về mái nhà xưa (Retour à Soriento), Vũ nữ thân gầy (La Cumparsita), Dạ khúc (Serenade)… Một số là những bài dân ca các nước hay nhạc Pháp, Mỹ: Clémentine, Khi xưa ta bé (Bang bang), Em đẹp nhất đêm nay (La plus belle pour aller danser), Giàn thiên lý đã xa (Scaborough fair), If you go away (Ne me quitte pas), Hỡi người tình Lara (Chanson de Lara)… và rất nhiều những bài khác.

Áo anh sứt chỉ đường tà - Thái Thanh 
Quê nghèo - Thái Thanh 

Trong những ca khúc giai đoạn đầu của ông, những ca khúc “dân ca mới”, tôi đặc biệt lưu ý một số ít ca khúc có giai điệu rất cổ kính, nét tân kỳ ẩn tàng đi đâu mất. Trong số đó có Thu chiến trườngChinh phụ ca. Nghe những ca khúc này chúng ta có cảm giác được thưởng ngoạn lại những gia tài âm nhạc cũ đã thất truyền, không còn ai biết đến nữa. Cái biệt tài sáng tạo của nghệ sĩ PD là làm ra những cái mới chưa ai có, thì một biệt tài khác, trong những ca khúc này, là hình dung lại những cái cũ mà cũng không ai còn nhớ. Có lẽ đến một lúc nào đó, muốn có một hình dung về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chúng ta phải nhờ đến những bài như thế này chăng?

Chinh phụ ca - Hà Thanh 
Tiếng hát trên sông - Thái Thanh 

Trong số những ca khúc giai đoạn đầu của nhạc sĩ PD, có một ca khúc rất đáng để ý: Áo anh sứt chỉ đường tà phổ thơ bài thơ nổi tiếng Đồi tím hoa sim của Hữu Loan. Liên quan đến bài thơ này là một đời người đày đọa, Hữu Loan là một phần của vụ án Nhân văn giai phẩm ngày trước, hẳn phải có lúc nào lịch sử lật lại vụ án này, với những lời xin lỗi và công nhận chính thức. Riêng về ca khúc này, đây là một đỉnh cao trong nhạc thuật của PD, khi nhỏ, mỗi lần nghe ca khúc này là tôi lại có cảm giác gió rờn rợn trên mộ vàng… Có đến hơn 3, 4 ca khúc cùng phổ nhạc bài thơ này, nhưng chỉ mỗi bản nhạc của PD là đáng nhớ (những bản khác còn chưa thoát ra được thể loại boléro rẻ tiền, đàn ca nhạc nhậu.

Có một số bài hát hiện nay chúng ta được biết qua phần lời đã sửa chữa của chúng. Một số bài hát phần nhạc rất hay sáng tác trong kháng chiến 9 năm về sau bị nhạc sĩ PD sửa lại lời, phần nhiều là vì những lý do chính trị. Như Bao giờ anh lấy được đồn Tây thường được biết dưới cái tiêu đề Quê nghèo hay Tiếng hát trên sông Lô đã được đổi thành Tiếng hát trên sông. Tuy vậy, hai bài hát được giới thiệu ở đây đều có phần lới mới khá hay, nhất là bài Quê nghèo.

(Còn tiếp…)

phạm duy – 7

Chỉ có hiện tại là không dứt!
(Schrodinger)

hững ý tưởng sáng tạo luôn đến một cách bất chợt, cóp nhặt… để đến một lúc nó trở thành những thay đổi trong xu hướng, phong cách. Từ những năm 70 trở về sau, nhạc của PD chuyển theo một hướng mà không phải ai cũng hài lòng. Một số tự bảo rằng: Ồ, PD, ông ta đâu còn như trước!. Dĩ nhiên tôi cũng thích PD lúc trẻ hơn, nhất là những năm 60, khi nhạc thuật đã đạt đến chỗ chín muồi, và những phần hòa âm phối khí cũng đã được tinh luyện.

Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng - Thái Thanh 
Quán thế âm - Thái Thanh 

Đó là lúc ông còn chưa bị cuộc đời dằn vặt đến mức nhạc phải nhuốm màu suy tư triết lý. Nhưng từ những năm 70, âm nhạc của ông đã chuyển theo một hướng thâm trầm hơn, bác học hơn, và thể hiện đầy đủ hơn những gì được tích lũy, cóp nhặt là ông. Với những gì ông đã đạt được, việc bắt ông phải lặp lại chính mình, phải sáng tác những ca khúc đỉnh cao như lúc trước là điều không thể.

Nghìn thu - Thái Thanh 
Mẹ năm 2000 - Khánh Ly 

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là PD đã bế tắc, cạn nguồn trong nhạc hứng, chỉ có một điều nhạc của ông ngày càng ít cho công chúng, mà càng cho riêng bản thân ông. Phàm những cái đạt đến đỉnh cao thì tự quay vào chính mình vậy! Sau đây, chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc “cỡi ngựa xem hoa” để điểm qua Thập mục ngưu đồ – tức mười bài Đạo ca.

Về sau, nghệ sĩ PD còn tiếp tục làm giàu cho gia tài âm nhạc của mình bằng 10 bài Thiền ca, 10 bài Rong ca. Những ca khúc này được sáng tác khi ông đã định cư lâu năm ở Mỹ, nhiều bài thể hiện ước mơ hồi hương từ rất sớm như: Hẹn em năm 2000. Trước đây tôi chỉ được biết một phần nhỏ trong những ca khúc sáng tác sau này của ông.

Sau này nghe kỹ lại có thể thấy, những nguồn cảm hứng lớn cho các ca khúc này đã không còn nữa, các giai điệu phần lớn là những trò chơi âm thanh của riêng tác giả, một số rất đáng nghe, nhưng nhìn tổng thể những tác phẩm này không còn đạt đến đỉnh cao như trước.

(Còn tiếp…)

bến xuân

huyện về ca khúc Bến xuân kể ra đây nghe như một giai thoại, nhưng lại là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện về mối tình giữa nhạc sĩ Văn Cao và người đẹp Hoàng Oanh. Một chương trình truyền hình, tôi quên mất là chương trình nào, phỏng vấn Văn Cao và Hoàng Oanh và kể lại mối tình giữa hai người.

Ngày ấy hai người yêu nhau, nhưng cùng yêu người đẹp Hoàng Oanh còn có ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng), hai người bạn thân của Văn Cao trong ban nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất cảng Hải Phòng một thời. Nhưng khi cưới, nhà cô Hoàng Oanh thách cưới quá nặng, chỉ có một người đáp ứng đủ yêu cầu và cưới được người đẹp, đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.

Bến xuân - Hà Thanh 

Cô Hoàng Oanh vì áp lực gia đình không thể làm khác, nhưng vẫn đến thăm Văn Cao một lần cuối, đó là nguyên lai lời ca: nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần… tới đây chân bước cùng ngập ngừng, mắt em như dáng thuyền soi nước…. Mối tình rất đẹp, đến nỗi làm lời cho ca khúc Bến xuân này, có sự tham gia của ít nhất hai nhạc sĩ tài năng là Văn Cao và Phạm Duy. Tôi trích đây lại nguyên văn lời tỏ tình thô mộc của nhạc sĩ Văn Cao: ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ 😬.

Mời các bạn nghe Bến xuân qua trình bày của Hà Thanh, muốn biết giọng Huế xưa như thế nào, có lẽ tốt nhất hãy nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hà Thanh (nhất là bài ca Ai lên xứ hoa đào – Hoàng Nguyên).

thiên thai

Anh Ngọc (đứng giữa) và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng trình bày ca khúc Thiên Thai.

in giới thiệu đến các bạn một bản thu âm hiếm, ca khúc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tham gia trình bày ca khúc này có nhiều nghệ sĩ tài danh: Anh Ngọc (giọng nam chính), Thái Thanh (hát bè nữ chính) và những thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng vang bóng một thời: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Bạch La, Hoàng Oanh…

Tuy chất lượng âm thanh không thật tốt (do thời gian và do cả kỹ thuật studio lúc bấy giờ), nhưng bản thu âm này thể hiện một trình độ hợp xướng điêu luyện: “tiếng hát trượng phu” Anh Ngọc với phần hát bè nữ (gồm toàn những ngôi sao) phong phú, biến hóa. Và cả phần hòa âm tài ba do chính nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện.

Thiên Thai - ban Tiếng tơ đồng 

Nếu bỏ qua những yếu tố kỹ thuật, mà chỉ tập trung vào “dáng nhạc”, các bạn sẽ nhận thấy một điều: trình độ thẩm âm, khả năng sáng tạo của lớp nhạc sĩ trước thật tuyệt vời. Chỉ vì thiếu hiểu biết nên một số người bây giờ mới đánh đồng nhạc này với những loại nhạc của Chế Linh – lính chê, Chế Thanh – thánh chê 😀… dưới cái tên nhạc vàng.

Phải chăng âm nhạc đương đại của chúng ta, dù có rất nhiều điều mới, vẫn yếu kém ở những điểm cốt yếu nhất!? Thật là điều đáng buồn về khả năng thẩm âm khi mà những nhạc sĩ, nhạc công nhạc cổ truyền bây giờ (như Nhã nhạc, Ca trù…) đã và đang chơi nhạc ngũ cung với tai nhạc thất cung, không những không hiểu được những tinh túy của âm nhạc ngũ cung và phát triển được cái vốn mình có, mà còn làm nó mai một thêm.