hợp ca thăng long

ợp ca Thăng Long, cũng có thể gọi là ban nhạc của gia đình họ Phạm với linh hồn là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh), Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Khánh Ngọc, ngoài ra còn có sự góp mặt của nhạc sĩ Phạm Duy và nhiều người khác… (NS Phạm Duy cũng đã định lấy nghệ danh là… “Hoài Nghi” để được cùng một tông với Hoài Trung, Hoài Bắc… 😬)

Xóm đêm - Hợp ca Thăng Long 
Những bước chân âm thầm - Hợp ca Thăng Long 

Thành lập năm 1951 tại Sài Gòn, ban nhạc của phòng trà Đêm Màu Hồng này quy tụ những nghệ sĩ tài danh bậc nhất đương thời, và lưu lại cho chúng ta đến ngày hôm nay nhiều tác phẩm đánh dấu các giai đoạn khác nhau của lịch sử và âm nhạc Việt.

Điều tôi rất thích khi nghe hợp ca Thăng Long không phải chỉ là các sáng tác, những giọng ca hàng đầu, mà còn là phần hòa âm phối khí tương đối công phu (so với đương thời), điều dể nhận ra khi nghe lại Sơn ca 10, cũng là điều hiếm thấy ở các ban nhạc cùng thời khác. Tất cả gộp lại thành vị trí duy nhất của hợp ca Thăng Long trong lịch sử Tân nhạc!

mầu kỷ niệm dvd

Trời thần tiên, đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời!

ập hợp 25 ca khúc tưởng niệm sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hòa âm phối khí và kỹ thuật thâu âm tốt, a must – see DVD. Những ca khúc vang bóng một thời: Xóm đêm, Người đi qua đời tôi, Đêm nhớ trăng Sài gòn, Ly rượu mừng, trường ca Hội trùng dương, Tiếng dân chài, Sáng rừng… và đặc biệt là: Mầu kỷ niệm và Đôi mắt người Sơn Tây.

Mầu kỷ niệm - Thái Hiền 
Đôi mắt người Sơn Tây - Bích Liên 

Một số bìa nhạc Phạm Đình Chương:

ly rượu mừng

au đây là bản luân vũ thứ 7 trong chuỗi những điệu valse chào xuân. Tết năm kia đã có bài giới thiệu Ly rượu mừng qua phần trình bày của Hợp ca Thăng Long, hôm nay nghe lại bản nhạc này qua những phần trình bày mới, lại cảm thấy… nghệ thuật vốn thực hơn là cuộc sống. Hãy để tiếng nhạc hoành tráng Ly rượu mừng mang lại những cảm xúc mới sau đây qua phần trình bày của dàn nhạc Lê văn Khoa.

Ly rượu mừng - Hợp ca Ngàn Khơi 
Ly rượu mừng - Hợp ca Hy Vọng 

(Có vài chi tiết kỹ thuật đáng buồn liên quan đến hai bản thu âm trên đây. Phần trình bày thính phòng có chất lượng quá thấp, chỉ nghe rõ được tiếng những nhạc cụ chính. Phần trình bày hợp ca có chất lượng cao hơn nhưng lại là nạn nhân của loudness war, nghe trên headphone thì còn chấp nhận được chứ đem ra dàn âm thanh lớn thì… ôi thôi rồi! 😢 Có lẽ đến một lúc nào đó mình sẽ phải “say goodbye” với “compressed audio”).

Nếu phần nhạc có lời sôi nổi đầy cảm hứng thì phải nghe phần trình bày không lời mới thấy hết cái hoành tráng. Tôi nghĩ bản nhạc vẫn có thể được arranged trên một dàn nhạc lớn hơn nữa. Ly rượu mừng xứng đáng là bản nhạc xuân hay nhất, từ nhạc cho đến ca từ: Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non yên bình, muôn người hạnh phúc chan hoà…. Sẽ không có gì vui hơn trong một xuân sum họp nào đó, tay nâng chén rượu mà hát ca khúc này!

café Chiêu



afé Chiêu là một quán không nhiều người biết, nằm trong một hẻm phố trên đường Cao Thắng, thành lập năm 1969, một trong những quán café xưa của Sài Gòn còn sót lại, tuổi đời cũng sánh ngang ngửa với quán Tùng Đà Lạt. Những bạn nào từng là sinh viên ĐH KHTN hẳn quen thuộc quán café này. Ngày trước thường ngồi đây với Đạt, Minh, Khoa, Phương… có hôm nói chuyện IT & CS say sưa suốt cả ngày, uống hết 16, 17 ấm trà.

Bài hương ca vô tận – Thái Thanh 
Nước mắt mùa thu - Lệ Thu 
Người đi qua đời tôi - Khánh Ly 

Quán có gì gần gần giống như café Tùng (Đà Lạt): không gian đồ gỗ cũ kỹ, một vài bức tranh sơn dầu tối tăm ám khói, một bức ảnh BB (Brigitte Bardot) lớn đã ngã màu và rạn vỡ, một vài bức ảnh Đà Lạt của MPK. Từng ngồi đây khá lâu để xem những đổi thay của cuộc sống đi qua không gian quán: những ông trung niên xài laptop và… uống Heineken, những cô cậu thanh niên, thiếu nữ mặc áo pull đen Machine Head, Slipknot… đi giày Converse… phì phèo thuốc lá và nghe Văn Cao, Trịnh Công Sơn…

Quán mở nhạc xưa, phần nhiều là nhạc hay, nhưng bản thân người mở nhạc cũng không mấy chú ý đến giá trị của âm nhạc. Một lần yêu cầu người mở nhạc cho nghe Thái Thanh, người ta hỏi là ai, rồi loay hoay một lúc lâu mới tìm ra và mở được hai bài. Ngày trước, ở quán này, thi thoảng tìm được những phút “yêu người, yêu đời” hiếm hoi, như khi nghe giọng ca Mai Hương: Hương ơi, sao tiếng hát em nghe vẫn ngọt ngào, dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường (ca khúc viết riêng cho Mai Hương: Bài hương ca vô tận – Trầm Tử Thiêng).

Hay khi nghe Lệ Thu hát: Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều, hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu (bài ca viết riêng cho Lệ Thu: Nước mắt mùa thu – Phạm Duy).

Hay là nghe Khánh Ly: Người leo lên người tôi (í quên: người đi qua đời tôi) có nhớ gì không người (ca khúc Người đi qua đời tôi – Phạm Đình Chương). 😬

Ngày xưa uống café Chiêu là để… chờ yêu, bẵng đi một thời gian không lui tới café Chiêu nữa… Cuộc sống ít ra cũng nên còn cảm thấy điều gì đó đẹp, nên còn cảm thấy phải tôn trọng một số thứ nào đó, bây giờ lại trở về đây để… chờ yêu.

trường ca Hội Trùng Dương

ó thể nói rằng âm nhạc Việt Nam, cho đến bây giờ, là âm nhạc ca khúc (chanson musique), các sáng tác nặng về thanh nhạc, mà nhẹ về khí nhạc… Chúng ta cũng có dàn nhạc hòa tấu (theo kiểu Tây phương hay kiểu cổ truyền), cũng có nhạc kịch… nhưng xét trong văn hóa số đông, phổ biến nhất vẫn là ca khúc. Đối với đa số các nhạc sĩ Việt Nam, sáng tác ca khúc ít công phu hơn và cũng dể đi vào lòng khán giả hơn. Nói như vậy không sai, nhưng chưa đủ.

Ngay cả trong ca khúc, cũng có nhiều điểm yếu cần phải đề cập tới. Ca khúc Việt Nam thừa hưởng cái thuộc tính ít sáng tạo “truyền thống”: cấu trúc đơn giản, kỹ thuật quen thuộc, tiết tấu ít thay đổi, âm điệu êm tai dễ dãi (gần như không bao giờ đi ra ngoài tonality), kết thúc vội vã, trở về chủ âm chóng vánh. Đi tìm một loại âm nhạc “dài hơi”, có chiều sâu hơn, chỉ thấy nổi bật lên một số bản Trường ca, tuy nhiên về số lượng lại không có nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như sẽ liệt kê dưới đây.

Trường ca Hội Trùng Dương
Thái Thanh và hợp ca Thăng Long

1. Tiếng sông Hồng 
2. Tiếng sông Hương 
3. Tiếng sông Cửu Long 

Trường ca đầu tiên trong Tân nhạc, phải nói đến Hòn vọng phu. Lê Thương là tác giả đầu tiên sáng tác tác phẩm lớn theo âm điệu ngũ cung, ba bản Hòn vọng phu 1, 2, 3 đánh dấu giai đoạn trưởng thành của Tân nhạc, là tác phẩm “dài hơi” đầu tiên, vừa phong phú về âm nhạc, vừa đẹp về ca từ và chủ đề. Ngay cả Văn Cao và Phạm Duy, qua tác phẩm này, cũng phải thừa nhận Lê Thương là người anh, người thầy của mình trên con đường âm nhạc.

Một trường ca khác là Trường ca Dã tràng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn che giấu mọi thứ về Trường ca Dã tràng cũng như quãng thời gian ông sống ở Quy Nhơn. Thế nên nó mãi mãi là một nghi án với người yêu âm nhạc, chỉ có một số phần ca từ nhỏ được nhớ và nhắc lại, phần nhạc đã bị cố tình bỏ quên hoàn toàn. Nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất đóng góp nhiều hơn 1 trường ca vào nền âm nhạc ca khúc nước nhà: Trường ca Con đường Cái quanTrường ca Mẹ Việt Nam, tôi sẽ còn trở lại với 2 trường ca này trong những post sau.

Có một số ca khúc cũng lớn và hay như Sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), nhưng thật khó xếp chúng vào thể loại trường ca vì nhiều lý do: nhạc thuật, ca từ, chủ đề… Không phải cứ là ca khúc dài thì gọi là Trường ca, nếu thế thì Đóa hoa vô thường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có thể xem là Trường ca vậy.

Có một bản trường ca in đậm dấu ấn trong tuổi thơ tôi, đó là Trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ngày ấy, nhà chỉ có cái cassette player hiệu Sony “một hộc băng” cũ kỹ, và những băng nhạc Maxwell gần như đã nhàu nát (có lúc tôi đã phải lấy băng keo nối lại những chỗ băng bị đứt). Đến với tôi là giọng hát Thái Thanh và những tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương… những ca từ thật đẹp: gối đầu trên Lào Kay, Việt Trì, em nằm tóc xõa bãi cát dài, thả hồn mơ tới Thái Bình, qua Sơn Tây.

Cũng qua ca khúc này, dù lúc ấy còn rất nhỏ, tôi đã thấy rằng: tuyệt đỉnh của ca hát là trở lại với lời ăn tiếng nói hàng ngày, hát như hơi thở, như giọng nói tự nhiên cha sinh mẹ đẻ. Chưa ra khỏi cửa nhà, tôi đã nghe hết giọng nói đặc trưng các miền đất nước; miền Trung: ai là qua thôn vặng (vắng), nghe sầu như mùa mưa nặng (nắng); miền Nam: chẻ tre bện sáo cho dài (dày), ngăn ngang sông Mỹ có ngài (ngày) gặp em.

Hội Trùng Dương là câu chuyện ẩn dụ tuyệt vời bằng âm nhạc, mở đầu bằng phần intro trong Tiếng sông Hồng: Trùng dương, chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong và kết thúc với phần outtro trong Tiếng sông Cửu Long: Ba chị em là ba miền, nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên. Nếu bầu chọn bản nhạc hay nhất nói về tình tự dân tộc, phiếu đầu tiên hẳn phải dành cho Hội Trùng Dương.

Trường ca Hội Trùng Dương 
Ánh Tuyết và ban nhạc ATB

Không có tên trong cái gọi là Danh mục bài hát được phép lưu hành của Bộ Văn hóa – Thông tin (làm sao được phép nếu có phần lời: Hội Trùng Dương, tay tay xiết chặt cùng hô: dựng mùa vinh quang, hứa đời tự do), nhưng Tiếng sông Hương là một ngoại lệ. Tôi để ý thấy, cứ như năm nào có thiên tai: bão Xangsane, lũ lụt ĐBSCL… là lại thấy ca sĩ Ánh Tuyết lên truyền hình quốc gia hát Tiếng sông Hương để vận động xin tiền cứu trợ, ủng hộ đồng bào bị nạn: hò ơi… ai là qua thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng, cùng em xót dân lều tranh chiếu manh… Có lẽ Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ nhìn thấy được cái giá trị “ăn xin” từ bản nhạc.



thật và giả – giả và thật

ó đôi điều thật và giả về giọng hát Thái Thanh, cũng như về muôn chuyện thật giả khác trong đời. Giả và thật, thật và giả, nhiều khi khó phân biệt, nhưng đã trải qua nhiều chuyện đau buồn của cuộc sống, tôi có đôi điều muốn nói về “thật” và “giả”, chỉ qua một số nhận xét về giọng hát Thái Thanh. Giọng hát Thái Thanh, từ nhỏ được mẹ cho nghe, tôi đã thấy có điều gì “siêu nhiên” trong giọng hát này, nó quá cao vời, quá điêu luyện, một giọng hát “cưỡng lại sức hút của quả đất”, mà vẫn rõ chữ, chân phương theo đúng tiêu chuẩn đầu tiên của người làm ca sĩ. Có nhiều cách đánh giá, nhưng xin nói từ đầu, đối với tôi, chuẩn mực đầu tiên là hát tròn và rõ chữ, hát như thể là tiếng nói hàng ngày. Xin nói rõ điều này bởi đa số ca sĩ Việt đương đại đều mượn giọng, bắt chước giọng… từ chỗ phát âm đã không là chính mình thì còn nói gì đến những bước đường nghệ thuật khác.

Le beau Danube bleu 

Lời Việt: Dòng sông xanh, PD

Les flots du Danube 

Lời Việt: Sóng nước biếc, PDC

Chọn hai bài để “phô diễn” giọng hát Thái Thanh, thật tình cờ đều là hai bài valse rất nổi tiếng về dòng sông Danube, một bài do Phạm Duy, bài kia do Phạm Đình Chương đặt lời. Về nhạc, tôi thích âm giai minor buồn man mác của bài thứ hai hơn.

Lớn lên một chút, tôi được nghe nhiều hơn và đồng ý với nhận định của nhiều người đây là một giọng hát Việt đặc biệt mà trong thời gian một vài trăm năm không dễ gì có được. Ngưỡng mộ hết mực, nhưng thi thoảng tôi vẫn có chút ngờ vực, có chút băn khoăn: có điều gì khang khác sâu thẳm trong giọng hát ấy. Đến bây giờ, khi điều kiện phương tiện nghe nhìn tương đối đầy đủ hơn xưa, tôi có nhiều dịp kiểm chứng điều mình cảm nhận. Những ai thích ca hát, hay tập hát một chút (như karaoke chẳng hạn) sẽ dễ dàng nhận thấy điều này: ai cũng có nhiều loại giọng, cơ bản là có hai:

  • Chest voice (giọng ngực): là giọng mà chúng ta nói hàng ngày, như khi bạn cất tiếng hát một bài hát yêu thích, quen thuộc, thì chính là bạn đang dùng loại giọng đó. Khi bài hát có những nốt quá cao (hay quá thấp), vượt ra ngoài âm vực quen thuộc, bạn khó có thể phát âm chuẩn tại cao độ đó, hoặc là âm sắc sẽ méo mó, hoặc bạn buộc phải chuyển qua sử dụng một giọng khác.

  • Head voice (tôi gọi là giọng mũi): lúc này âm không còn phát ra tự nhiên từ ngực, bụng nữa mà chủ yếu từ cổ và mũi, nên dễ đạt cao hơn, nhưng mỏng và yếu hơn. Các ca sĩ đương đại không mấy ai sử dụng hai loại giọng trong cùng một ca khúc, đơn giản là vì hai giọng đó có âm sắc rất khác nhau, không thể để chung trong một bài hát nếu không muốn phạm một lỗi sơ đẳng. Lưu ý là đôi khi chúng ta hát lên (hay xuống) một tông (một octave), nhưng vẫn còn trong giọng cũ, chưa hẳn là đã chuyển qua giọng mới.

(Lạm bàn một chút, qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy một người có thể có nhiều loại giọng hơn nữa, phụ thuộc vào kỹ thuật thẩm âm và phát âm: có loại giọng “rung đổ hột” như trong Ca trù, có loại giọng luyến láy bay nhảy như trong Chèo, có loại giọng lạc nửa vời như trong Ca Huế… Dĩ nhiên là giọng và làn điệu ngũ cung là khác nhau, nhưng có thể nói một loại ngũ cung sẽ có những giọng của riêng mình.)

Điều mỉa mai là khá nhiều ca sĩ đương đại Việt Nam pha trộn cả hai loại giọng trên (head & chest voices) trong cùng một bài hát mà không cảm thấy hổ thẹn vì khinh thường khán giả. Các ca sĩ thật sự không ai làm thế, họ chọn bài hát phù hợp với chất giọng mình, nếu bài hát trải trên một âm vực quá rộng thì hoặc là tìm người có âm vực cũng rộng như thế, hoặc là hát đôi, hát ba… hoặc thay đổi bài hát…

Những bài nhạc phổ biến thường có biên độ trong khoảng 1.5 octave, một số bài khó có biên độ hơn 2 octave thì cần những ca sĩ điêu luyện mới biểu diễn được. Ca sĩ thật sự ít dùng giọng mũi, để khán giả biết đến mình từ chất giọng bình thường tự nhiên. Thường thì một ca sĩ dựa quá nhiều vào giọng mũi quyết không thể là một ca sĩ tốt.

Nếu như nghe Dòng sông xanh do Thái Thanh biểu diễn, bạn sẽ thấy một ca sĩ hát chanson musique với chất giọng opéra, vẫn rõ chữ rõ lời, như là thứ tiếng nói tự nhiên thường nhật. Nghe nhiều bản nhạc khác nữa của Thái Thanh, cũng như một số ca sĩ khác (như Mai Hương, Kim Tước…) dần dần tôi nhận ra một điều: thực sự họ hát bằng giọng mũi!. Một số ví dụ: Thu Chiến Trường (Kim Tước), Bà mẹ Gio Linh (Mai Hương), Ngày Trở Về (Ánh Tuyết)… chúng ta có thể nhận ra các ca sĩ này hát bằng giọng mũi rất rõ.

Một số ca sĩ như Lệ Thu, Khánh Ly… thì luôn hát với giọng thật của mình, cơ bản vì họ đã chọn hát ở một âm vực khá thấp. Còn với Thái Thanh, phải là người nghe và hiểu Thái Thanh nhiều thì mới có thể đoán biết được. Trong hai bài hát dưới đây, mỗi khi giọng Thái Thanh từ chỗ hơi chua đột nhiên chuyển sang rất tình cảm là lúc Thái Thanh trở về với giọng thật của mình. Khi nhận ra được điều này, tôi thật sự ngỡ ngàng, nhưng ngỡ ngàng để rồi yêu mến hơn.

Điều thực sự đặc biệt ở đây là: âm sắc giọng mũi của Thái Thanh giống, cũng vang, dày và mạnh như giọng ngực, được như thế đã là một điều kỳ lạ, còn kỳ lạ hơn nữa là lúc chuyển giữa giọng ngực và giọng mũi, hầu như không ai nhận thấy. Tại điểm break-up (điểm gãy) đó, người hát phải thay đổi cách thức vận động bên trong con người mình, khó có ai có thể chuyển giọng tự nhiên đến vậy được. Đến bây giờ thì tôi hiểu hơn những hạn chế của người Việt và cách họ khắc phục những hạn chế đó. Và tôi cũng “ngộ” được đôi chút về lẽ thật giả của cuộc sống:

  • Có nhiều người vốn thật, lại cứ muốn giả, khi đã giả rồi không về thật được nữa, vẫn muốn người khác nghĩ mình thật. Những trò hề đó ở ngoài đời thiệt không kể xiết, có quá nhiều tấn tuồng được diễn vụng về và ngây ngô, hằng ngày trước mắt. Thật đáng buồn và đáng buồn cười lắm thay!

  • Lại có người hiểu được lẽ đời là giả, vẫn gắng đem cái thân phận giả tạo này để làm thành điều thật, và được mọi người chấp nhận là thật. Ai đó tinh tế thấy được bản chất “không thật lắm” ở họ thì vẫn đem lòng yêu mến, vì hiểu rằng chẳng gì thật hơn được cái “giả” đó. Người như thế thực là hiếm và đáng quý lắm thay!

tết

ăm, bảy năm gần đây, bài hát này âm thầm trở lại, không chính thức được phép (và cũng có thể không bao giờ được phép, vì những ca từ như: Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do…), nhưng người ta vẫn hát trong các dịp đám cưới, lễ lạt, năm mới… Sau bao nhiêu năm, đã đến lúc có thể bỏ qua những yếu tố chính chị, chính em để chọn bài này xứng đáng là bản nhạc xuân hay nhất trong tất cả các bài nhạc xuân Việt!

Ly rượu mừng - Hợp ca Thăng Long 

Bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui. Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.

Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới.

đôi mắt người sơn tây

hần nhạc nền như bị touch lại bằng máy tính, nhưng giọng ca ngưng đọng cả thời gian này, có lẽ bây giờ không còn tìm được một nghệ sĩ trình diễn nào như vậy nữa. Và có lẽ cũng chỉ có chính tác giả (đồng thời là ca sĩ Hoài Bắc của ban nhạc Thăng Long cũ) mới có thể trình bày bài hát này đạt đến vậy! Tâm hồn con người vẫn luôn có những không gian hoài niệm, dù cho không gian ấy có thể… chưa bao giờ là có thật, một không gian xứ Đoài xa vắng đến từ hai bài thơ: Đôi bờĐôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, hai bài thơ còn xuất hiện nhiều trong những tác phẩm âm nhạc khác!

Đôi mắt người Sơn Tây - Hoài Bắc 

Chủ quán hỏi: Thưa ông, còn ông dùng gì? Anh trả lời, trả lời như một nhà thơ, hoặc như một ông hoàng, hoặc như ảo thuật gia David Coperfield: Ở đây có thức ăn của chim hồng, chim hộc hay không? Chủ quán trả lời: Thưa, trước đây thì có! (Nguyễn Huy Thiệp)

Đôi mắt người Sơn Tây

Em ở thành Sơn chạy giặc về,
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi.
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt,
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Vầng trán em mang trời quê hương,
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng.
Tôi có thằng em còn bé lắm,
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.

Từ độ thu về hoang bóng giặc,
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ,
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Đôi mắt người Sơn Tây,
U uẩn chiều luân lạc,
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Tôi gửi niềm nhớ thương,
Em mang giùm tôi nhé,
Ngày trở lại quê hương,
Khúc hoàn ca rớm lệ.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,
Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng.
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc,
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Bao giờ ta gặp em lần nữa?
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa.
Đă hết sắc mùa chinh chiến cũ,
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Đôi bờ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài.
Mắt kia em có sầu cô quạnh,
Khi chớm thu về một sớm mai.

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự,
Bên này em có nhớ bên kia.
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến,
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa,
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ.
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm mơ.

Xa quá rồi em người mỗi ngả,
Bên này đất nước nhớ thương nhau.
Em đi áo mỏng buông hờn tủi,
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?