bắc hành – 2015, phần 12

Tôi yêu những sông trường,
Biết ái tình ở dòng sông Hương.

Tình ca - Phạm Duy - Mỹ Linh 

Chặng 12: Cam Lộ ❯ Đakrông ❯ Tà Rụt ❯ đèo Pêke ❯ A Lưới ❯ A Đớt ❯ A Roàng ❯ Prao – Đông Giang (Hiên) ❯ Thạnh Mỹ – Nam Giang (Giằng) ❯ Khâm Đức – Phước Sơn

Sài gòn ⇔ Hà nội 2015
Sơn Tây 2015
Yên Bái 2015
Lào Cai 2015
Hà Giang 2015
Đồng Văn 2015
Mèo Vạc 2015

ải miết rong ruổi trên con đường cái quan xuyên Việt, thử rẽ sang đi nhánh Tây của đường Trường Sơn, từ Cam Lộ ngược lên Đăk Rông, qua Tà Rụt, vượt đèo Pêke là đã rời Quảng Trị vào Thừa Thiên – Huế. Mới độ hơn chục năm về trước, nhắc đến A Sầu, A Lưới là người ta hình dung một chốn thâm sơn cùng cốc, khỉ ho cò gáy, giờ thì đã là phố thị văn minh lắm rồi. Mà đâu có phải cách trở gì cho cam, chỉ mười mấy cây số về phía dưới kia đã là không xa kinh kỳ sáng chói.

Nếu đi trên nhánh Đông, từ đèo Pêke sẽ về cầu Tuần, Khe Tre, đèo Bê Bay, đèo Mũi Trâu, đi sát rìa tây nam khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã về đến phía tây Đà Nẵng ở Tuý Loan. Nhưng nếu đi trên nhánh Tây, sẽ qua tt. A Lưới, khu bảo tồn sao la A Roàng, qua thị trấn Prao, huyện Đông Giang (trước đây gọi là huyện Hiên) đến Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (trước đây gọi là huyện Giằng). Một đoạn đường trên 200 km không thấy tên một cái đèo nào… vì không chỗ nào là không đèo dốc cả!

Qua A Roàng, cung đường này rất đẹp. Một mảng rừng nguyên sinh lớn, đèo dốc quanh co dài dằng dặc, 2 hầm chui xuyên núi, đường bêtông chống sạt lở trên toàn tuyến, những cơn mưa rừng Trường Sơn rỉ rả nhiều giờ liền, vắng hoe không một bóng người, không một mái nhà, chỉ có vài đồn biên phòng lẻ loi. Ngoại trừ vài người dân tộc, hầu như không thấy bóng một người Việt nào, ấy thế mà thấy rất nhiều cô/chú Tây cặm cụi đạp xe đạp, hay cưỡi xe máy với một cái GoPro gắn trên mũ.