cantopop

húa Nhật tuần trước, đi chơi một ván cờ vây giải sầu với bạn Minh tại café Tuấn Ngọc, tình cờ nghe được bài này. Xen giữa những phút suy nghĩ về thế cờ, thoang thoáng nghe ra cũng là một dáng nhạc hay. Mới nghe biết không phải là nhạc Việt, thoáng nghĩ là nhạc Latino, nghe kỹ một chút thì đoán là nhạc Hoa. Nhớ lại lúc trước, khi những đứa bạn cấp 3 của tôi rầm rập nghe Tứ Đại Thiên Vương, thì tôi, không đến nỗi không biết TĐTV là cái gì, nhưng bảo kể tên đủ 4 người thì tôi chịu. Đấy là tóm tắt kiến thức Cantopop (Cantonese popular music) của tôi vậy.

Về nhà liền online vào Google, tìm được hai video clip dưới đây, vừa nghe vừa lẩm bẩm: không ngờ thị hiếu âm nhạc mình lại có lúc xuống cấp như thế này, đã nghe nhạc Hoa, còn nghe thêm nhạc hải ngoại. Các bạn thứ lỗi cho cái định kiến cố hữu trong con người tôi, hai thứ nhạc đó từ xưa đến giờ chẳng mấy khi tôi lắng nghe. Các bạn kiên nhẫn chờ tôi vài lời giải thích. Lẽ cố nhiên, bỏ qua những định kiến ngôn ngữ, dân tộc, bất kỳ nền âm nhạc nào cũng có những điểm hay. Cantopop sản sinh ra rất nhiều ca khúc hay, đơn cử như bài này. Nhưng so với nhạc phương bắc, nhạc phương nam Trung Quốc có quá nhiều mùi… quân tử Tàu (đúng như nghĩa chúng ta hay dùng). Đã nghe nhiều nhạc bắc phương hay nên tôi có chút ác cảm với Cantopop.

Thứ đến là nhạc hải ngoại… Khi tôi còn nhỏ, ở những sân khấu trong nước, chỉ một cây organ được xem như “dàn nhạc”, thì nhạc hải ngoại với hòa âm phối khí, kỹ thuật hiện đại nghe khá ấn tượng. Nhưng cũng ngay từ lúc ấy, tôi đã nhận thấy, nhạc Việt hải ngoại như cây bị bứng khỏi gốc, ngày càng thiếu sinh khí, càng nặng về giải trí và nhẹ nghệ thuật. Những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương… vốn cũng từ đất Việt này mà đi, nhạc của họ thời kỳ đỉnh cao nhất vẫn là lúc còn ở trong nước vậy. Hôm nay tạm bằng lòng với cái chất quân tử Tàu này một lúc vậy, suy cho cùng đó cũng là một thuộc tính của âm nhạc.

那有一天不想你