hẹn hò

Dù tình không nguôi đôi ta xin cho hứa vui về sau…
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau…

ôi đã đọc nhiều trên các diễn đàn âm nhạc bàn về ngũ cung và ngũ cung Việt Nam những ý đại loại như: đầu thế kỷ XX, nhạc sĩ Debussy đã đi tiên phong trong việc dùng âm giai ngũ cung, ở VN, có thể bắt gặp ngũ cung được dùng trong các giai điệu của Phạm Duy, Văn Cao… Chao ôi, sao người ta có thể thờ ơ nói về cái bản chất con người mình một cách quá Euro-centric như vậy! Đến bao giờ thì người ta mới nhìn rõ con người mình, quay trở về với cái nhạc cảm tự nhiên cha sinh mẹ đẻ!

Hẹn hò - Thái Thanh 
Hẹn hò - Tuấn Ngọc 
Hẹn hò - Khánh Ly 

Ấy là chưa kể rất nhiều người Việt nhìn dáng nhạc “bản xứ” của chúng ta với ánh mắt của kẻ “ngoại lai”, “vong bản”, với không ít mặc cảm tự ti và khinh thị lẫn lộn… Nếu tìm hiểu lịch sử âm nhạc, mọi người sẽ biết rằng con đường đến với ngũ cung của Claude Debussy bắt đầu và chịu ảnh hưởng lớn từ Hội chợ đấu xảo Paris, 1890, nơi ông được nghe dàn nhạc cung đình Huế và một số ban nhạc Javanese khác trình tấu.

Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hoà (gamme tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò Huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn các cung bực trong âm giai Âu Tây hay âm giai miền Bắc… Các điệu hát miền Trung, đặc biệt là điệu hò Huế, với những nét nhạc mơ hồ như nét nhạc Chàm hay nét nhạc Ấn Độ, đã hấp dẫn người nghe hơn là những điệu ca bình dị của miền Bắc… Tiếng hát thể hiện được sự thần bí của cõi lòng, vì vậy nên dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của miền Bắc. (Hồi ký Phạm Duy – tập 1 – chương 21)

Tôi đã biết nhiều người rất yêu, nếu không muốn nói là chết mê chết mệt vì bài Hẹn hò này của nhạc sĩ Phạm Duy, bài hát kể chuyện tình cách ngăn và trắc trở của Ngưu Lang và Chức Nữ: cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu, hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần, đúng vào thời điểm này trong năm – mùa mưa ngâu, rằm tháng bảy. Nhưng đơn thuần là thích thôi chứ không biết rõ tại sao, muốn biết tại sao, xin đọc phần trích trên đây từ hồi ký Phạm Duy!