chân thiện mỹ

acebook nhắc ngày này năm trước, thấy cũng nên post lại! Nói về các khía cạnh giáo dục của một con người, “văn” là thứ dễ nhất, đọc thông viết thạo, rồi một vài sách vở phức tạp hơn, rồi tiếp cận các ngôn từ khoa học, kỹ thuật. Ai giỏi hơn chút thì tìm về cổ ngữ, học thêm nhiều ngoại ngữ, Anh, Pháp, Nga, Đức, hay thứ chữ tượng hình riêng biệt như tiếng Hoa, rồi thì đi vào các lĩnh vực chuyên ngành: y tế, kinh tế, pháp luật, etc… cả một rừng sách vở. Nói về “văn” thôi thì 20, 30 năm chưa phải là nhiều! Ấy thế mà tôi lại cho là “văn” vẫn là thứ dễ nhất. Trong 3 chữ “chân”, “thiện”, “mỹ” thì “văn” tương ứng, là cách tiếp cận với chữ “chân”, vẫn là thứ dễ dàng nhất!

Giáo dục về mỹ học (aesthetics) khó hơn rất rất nhiều, nó đòi hỏi nền tảng gia đình và xã hội, một quá trình trãi nghiệm lâu dài, đòi hỏi nhiều hiểu biết về văn hoá và vốn sống, đôi khi là bản năng, chứ không đơn giản cầm cuốn sách lên đọc là có được. Tôi đã gặp nhiều “con chuột gặm chữ”, nhưng hiểu biết về “âm nhạc” và “hội hoạ”, nói xin lỗi là “ngửi không được”! Thế nên mới nói “văn” thực ra cũng chỉ là một thứ “tào lao”, nó không thể hiện hết được công phu hàm dưỡng, rèn luyện của một con người! Ấy thế mà cái gọi là “âm nhạc”, từ thứ nghêu ngao thọc tay vào mồm huýt sáo ấy lại nói lên được rất nhiều điều! Vừa dễ nhất và cũng vừa khó nhất là như thế!

Mỹ học, nó không đơn giản là kỹ năng ghi nhớ và logic như “văn”. Nó có sự tương tác với tâm hồn con người, thể hiện cả quá trình trãi nghiệm cuộc sống, nó không phải là điều rõ ràng có thể lý giải theo kiểu luận lý được. Nhiều người có khả năng ngôn từ, xào xáo câu chữ rất ghê, nhưng không có khả năng hiểu âm nhạc hay hội hoạ, đơn giản vì đó là một “chiều kích” khác trong tâm hồn, một không gian không phải cứ “tụng chữ” mà chạm đến được, và họ không thể, không dám tự đào luyện, tự khám phá bản thân để đi ra ngoài giới hạn của ngôn từ chữ nghĩa… Nên ai mà bàn luận về nhạc mà kiểu chỉ có “ca từ thế này thế kia” là chắc chắn không hiểu gì về nhạc!

Cái quá khứ nhiều năm học “văn” nó ám ghê gớm, tưởng càng giỏi “văn” đôi khi thực ra là càng tự trói mình vào chữ nghĩa, đến độ không có đủ dũng khí để bước qua rào cản và đi vào thế giới phi ngôn ngữ, tiếp cận những điều ngôn từ không diễn tả được! Tới được đó thì mới hiểu ra rằng, ngôn từ là phương tiện diễn đạt, nhưng đồng thời cũng là dẫn hướng lầm lạc, gọi nó là “cái vỏ của tư duy” rất đúng, chỉ là cái vỏ mà thôi, không có những hiểu biết, cảm quan ngoài ngôn ngữ dẫn đường thì bám víu vào ngôn từ cũng kiểu “chết đuối vớ phải bọt”! Haiza, nói sơ sơ về 2 chữ “chân” và “mỹ”, để thấy nó khó như thế, cái chữ thứ 3 kia còn khó kinh hồn hơn nữa! 😃