bolero

ại nói về bolero… từ nhiều năm nay, tôi khá là ngạc nhiên khi thấy những người làm chuyên môn âm nhạc cứ loay hoay như “gà mắc tóc” với cái gọi là bolero, mà không hề nhận ra, đó đơn giản chỉ là một kiểu “kỹ xảo ngôn từ”, một loại “nguỵ biện càn quấy”, “nói cho lấy có, nói cho lấy được”, chẳng hề có một tí nội dung nào. Dưới đây, tôi sẽ giải thích tại sao cái gọi là “bolero” chỉ là một hình thức nguỵ biện dạng thô thiển nhất!

Giáo dục âm nhạc là một quá trình dài, mỗi người có sở thích riêng của mình. Nên xin nói ngay từ đầu là tôi tôn trọng sở thích tự do của mỗi người, trong chừng mực nó đừng vi phạm sự tự do của người khác! Nhưng khi đã biến thành một trào lưu xã hội, một trào lưu kệch cỡm và lố bịch thì cần có những tiếng nói để cho những đầu óc mê muội tỉnh ngộ ra, nhận ra căn nguyên, lịch sử của căn bệnh để mà có giải pháp trị liệu!

Đầu tiên, bolero chỉ là tên một tiết điệu, cũng như: valse, rumba, slow, pasodoble, etc… Không phải âm nhạc nào cũng có thể phân loại thành tiết điệu, các loại âm nhạc càng “bác học”, càng phong phú, thì càng khó gom vào một nhóm cụ thể. Tiết điệu thường dùng cho các loại âm nhạc tương đối ngắn, đơn giản, để người ta dể khiêu vũ hơn, thế thôi! Chẳng ai đi hỏi câu ngu xuẩn: bản giao hưởng Định Mệnh của Beethoven là điệu nào?

Tiết điệu chỉ là một chỉ dấu kỹ thuật, ngoài ra không có nội hàm gì khác! Beethoven viết một số bản nhạc theo điệu valse, Dương Thiệu Tước cũng viết một số bản nhạc theo điệu valse. Người ta sẽ nhìn anh như kẻ khùng nếu bảo: DTT viết chung một thể loại nhạc với Beethoven, hay nói rằng: DTT là tiếp nối truyền thống từ Beethoven. Chẳng ai lại đi phân loại âm nhạc dựa trên một chỉ dấu kỷ thuật nhỏ nhoi, chẳng có ý nghĩa gì như vậy!

Bắt đầu từ một cái “định nghĩa” không thể “tào lao, ba xàm” hơn như thế, tiếp theo đó là các hình thức “chụp mũ”, “vu vạ”, “nhận vơ”, thôi thì không thiếu một điều gì. Như Hoàng Thi Thơ viết đa số các bản nhạc của ông theo điệu rhumba, cũng bị nhận vơ là “bolero”, rồi Hoàng Trọng viết phần lớn các tác phẩm theo điệu tango, cũng bị vơ vào “bolero”. Ngay cả những ca khúc được xem là “bolero” nhất, thực sự có bao nhiêu bài đúng là bolero!?

Các NS Cung Tiến, Vũ Thành An… hẳn rất buồn nếu cái thể loại nhạc vừa bước ra từ cửa Nhà thờ của các ông ấy bị xem là bolero. Lê Thương với trường ca Hòn Vọng Phu và rất nhiều bài mang âm hưởng dân ca khác hẳn cũng sẽ băn khoăn tự hỏi bolero là cái gì, và tại sao mình bị chụp mũ như vậy!? Riêng Trịnh Công Sơn chắc hẳn yên tâm hơn một chút, khi các giai điệu thuần tuý thất cung – Tây phương của ông hơi khó gán mác bolero!

Tiếp theo, khi không thể định nghĩa “bolero” bằng những yếu tố kỹ thuật, nhạc thuật, người ta bắt đầu lấp liếm rằng bolero không phải là một điệu nhạc, mà là một dòng nhạc, với những đặc trưng như: tốc độ chậm, giai điệu dân ca, ca từ bình dân, mang tính triết lý, vâng vâng… Xin nói luôn, cái gọi là “dân ca” chắc chắn không có được mấy phần ngàn đâu, có chăng là kỹ xảo âm thanh để tạo nên những tâm trạng “lê thê”, “thiểu não”.

Còn “tốc độ chậm”, nhiều thể loại nhạc có tốc độ chậm, bài Đôi bờ nhạc Nga cũng chậm, và bản đó cũng là điệu bolero! Còn về “triết lý”, hahaha, Phạm Duy viết Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Văn Cao viết Trương Chi, Thiên Thai, hay nhiều nhạc sĩ khác viết tình ca, chẳng cần phải có chút “triết lý” nào! Đừng cố nguỵ tạo sự sang trọng trong một thể loại vốn dĩ không hề sang trọng! Cái cố gắng “đặt tên cho em” này xem ra hoàn toàn không ổn thoả!

Ngay cả Bolero Nam Mỹ cũng không có một định nghĩa rõ ràng, thì nói gì đến bolero VN! Đi tìm đặc trưng của cái gọi là “Bolero VN” chẳng qua chỉ thấy mấy điểm sau: cấu trúc bài nhạc tối giản, thường chỉ có 4 câu, mỗi câu 4 nhịp, mỗi nhịp thường là 4/4, cấu trúc này giống vọng cổ, hoàn toàn không có các kỹ thuật hành âm phức tạp hay âm vực rộng, chủ yếu là để tạo ra các khúc nhạc “siêu đơn giản”, để cho giới bình dân dễ thuộc, dễ hát.

“Đơn giản” hay “chậm” không phải là cái tội, tội là… nhạc quá dở! Nhiều nhạc sĩ viết nhạc “đơn giản” và “chậm” nhưng vẫn hay! Từ những thuộc tính rất chung chung như thế, bắt đầu gán gép: tôi là bolero, anh cũng là bolero, tạo ra một cái “danh từ” trống rỗng để lừa nhau! Cũng là một kiểu nguỵ biện: con voi có cái đầu, con chuột cũng có cái đầu, con voi có cái đuôi, con chuột cũng có cái đuôi, thế nên… voi hay chuột thì cũng giống nhau! 😁

Từ trong tận cùng của sự ngây ngô, đơn giản như thủa hồng hoang ấy, đối diện một thế giới đã phát triển phức tạp và trình độ nhạc thuật đã đi đến tận những đâu đâu, không có khả năng hay không hề muốn mở mang đầu óc ra để chấp nhận, tiếp thu cái mới, không khó hình dung rằng những con người ấy dần dần đi đến chỗ tự huyễn hoặc, tự cho rằng mình đã là “một cái gì đó”, tự nhiên sinh ra đã là có rồi, không cần phải học hành gì nữa!

Theo tôi, đây có thể gọi là một chứng “vi cuồng”, như là sự đối lập của chứng vĩ cuồng (đọc kỹ bài của GS Cao Xuân Hạo để biết thêm về một căn bệnh xã hội)! Tuy rằng mức độ nặng nhẹ có khác nhau, nhưng nguyên nhân cũng chỉ có một! Đó là cái áp lực xã hội muốn khẳng định, muốn thể hiện mình, nhưng lại không muốn bỏ công phu học hành tử tế, hoặc hoàn toàn không có khả năng, hoặc giả cũng cố học, nhưng không thấm được!

Đến đây, các bạn hẳn đã nhận ra, “bolero” thực chất là một kỹ thuật nguỵ biện, bắt đầu từ một cái “định nghĩa” không thể tào lao hơn, làm cho người ta tin rằng đó là một “thực thể” có thật, tiếp đó là các kiểu nhận càng, nhận vơ. Những kiểu người và ăn nói như thế, họ muốn trở thành thế nào thì họ là như thế, tự biến thành ông hoàng, bà chúa (trong tưởng tượng), tuỳ tiện thêm bất kỳ nội dung gì vào một cái định nghĩa trống hoác cũng được.

Vậy phải gọi nó bằng cái tên gì? Đơn giản chỉ là một phần (chỉ là một phần) âm nhạc đô thị miền Nam những năm người Mỹ có mặt, một giai đoạn mà chính nhạc sĩ Phạm Duy (một người không CS) phải nói rằng: về mặt xã hội là cả một sự đổ vỡ về luân lý, sự mất niềm tin, tôi gọi thời kỳ này là thời kỳ sợ hãi, hoài nghi và khinh thị (le temps de la peur, du soupcon et du mépris). Thời kỳ nào thì có thứ âm nhạc đó, chỉ đơn giản vậy thôi!

Và nói “chỉ một phần” đúng là như thế, cùng trong giai đoạn đó, Phạm Duy viết Tâm ca và Tâm phẫn ca, Tôn Thất Lập và phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”, Thích Nhất Hạnh làm thơ, diễn thuyết và tổ chức biểu tình bất bạo động, còn nhiều lắm… ai cũng có một phần thái độ và hành động của mình, không riêng gì người CS. Chỉ có những kẻ “bolero” là tìm cách ru ngủ, lãng quên ngày tháng bằng cái thể loại âm nhạc vô vị, nhảm nhí!