bắc hành – 2015, phần 7

Mây trôi bơ vơ, mang theo niềm nhớ,
Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây.

Nhạc sầu tương tư - Hoàng Trọng - Hà Thanh 

Chặng 7: Hoàng Su Phì ❯ Tân Quang ❯ Vị Xuyên ❯ tp. Hà Giang ❯ Tam Sơn (Quản Bạ) ❯ Yên Minh ❯ Đồng Văn

Sài gòn ⇔ Hà nội 2015
Sơn Tây 2015
Yên Bái 2015
Lào Cai 2015
Hà Giang 2015
Đồng Văn 2015
Mèo Vạc 2015

hi đường đi bắt gặp muôn ngàn con sông suối nho nhỏ, nước xanh biêng biếc rì rào chảy, là biết đã đến địa phận tỉnh Hà Giang, vùng đất địa đầu tổ quốc, lần này là lần thứ hai trở lại. Còn rất nhiều điều tôi chưa biết hết ở vùng đất Hà Giang này, đặc biệt là khu cao nguyên đá Đồng Văn. Biết có ở đây bao ngày, bao tuần cũng chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa. Phong cảnh, con người, cuộc sống nơi đây có điều gì cuốn hút đến mức kỳ lạ, khó diễn tả thành lời, chỉ biết nói là rất rất đẹp!

Đồng Văn, Mèo Vạc là “quê hương” của người Mông, những nhóm đầu tiên di cư từ TQ đến VN cách đây hơn 300 năm về trước, tập trung chủ yếu ở khu vực này rồi mới phân tán đi các tỉnh khác. Trong lịch sử truyền khẩu, người Mông các miền vẫn xem Mèo Vạc là quê hương, gốc gác của mình. Và có lẽ vì thế, người Mông ở đây có thể được xem là “nguyên bản” nhất, các đặc điểm y phục, tập quán, phong tục cũng rõ nét nhất. Có nhiều điều để tìm hiểu về những cuộc diaspora của họ.

Và không chỉ có người Mông, các sắc dân khác cũng đều như thế. Ví như người Dao ở Việt Nam vốn là di cư từ đảo Hải Nam, TQ sang, trước hết bằng đường biển, qua Quảng Ninh, Bắc Giang, rồi lại ngược lên cư ngụ tại miền núi. Cuộc sống, vốn dĩ từ trong bản chất, dù ít dù nhiều, cũng mang tính chất một công cuộc diaspora, đâu phải chỉ có người Do Thái mới thiên di!? Thế nên phải đi và phải hiểu, phải biết nhìn nhận sự khác biệt, con người và văn hoá thật sự là rất phong phú, đa dạng.