Facebook nhắc lại ngày này năm trước, chùm thơ “Bát trạo ca” của “Đức Thành thuyền tử” (cái tên này có nghĩa là: người chèo thuyền Đức Thành), thi nhân, thiền sư thời Đường. Đây là một chùm nhiều bài lấy chủ đề sông, nước, thuyền, trăng, câu cá (vì là nhà sư nên ông ta luôn câu bằng lưỡi câu thẳng, nôm na, thực chất chính là… đi cho cá ăn). Các làng chài ven biển miền Trung Việt Nam có lối “Hát bả trạo”, chính là từ chữ “bát trạo” mà ra! Bát trạo ca, tức là bài ca chèo thuyền, chỉ là một trong vô số nội dung của thơ Đường. Nói về các chủ đề của Đường thi…
Đầu tiên là dòng thơ cung đình, toàn những lời chúc tụng, hoa mỹ, sáo rỗng. Đối lập với nó là dòng thơ điền viên, diễn tả niềm vui, sự an lạc của cuộc sống nơi thôn dã. Một dòng nữa tạm gọi là “khuê trung oán”, mô tả nỗi ai oán, sầu não của người phụ nữ chốn khuê phòng khi trượng phu ra trận đã lâu ngày. Dòng mà tôi thích đọc nhất là Biên tái, có nội dung về chiến trận, sa mạc, đời sống nơi biên ải, kiểu như: Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ!
– Chiến sĩ nơi trận tiền nửa sống nửa chết, Mà dưới trướng, người đẹp vẫn múa hát!
Có dòng thơ hiện thực khốc liệt của Đỗ Phủ, hay lãng mạn cao vời của Lý Bạch, lại có những dòng thơ thể hiện rõ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo như của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên. Cứ thử đọc thử vài ngàn bài, để thấy cái thế giới tâm hồn, cái kỹ năng sử dụng ngôn từ của người ta phong phú đến cỡ nào, mà đó đã là thời của hơn một ngàn năm ba trăm trước nhé! Có tác giả đã nhận xét về Đường thi: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… Không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch!
Nhiều khi nghĩ mà buồn, có những loại bên trong trống hoác, đến bản thân dốt, kém chỗ nào cũng chưa thể tự nhận thức, không thể tự luận ra được! Lại có những loại ngồi trước TV xem toàn phim Trung Quốc suốt mấy chục năm, ấy thế mà vẫn không học được điều gì! Và cũng có những loại, loay hoay hiểu được một vài câu chữ rồi… mắc cứng luôn vào đó, dùng câu chữ như một loại “bùa chú” để “lòe người” chứ không thực sự lĩnh hội được cái tinh thần, hồn cốt bên trong! Và khổ nỗi, đó chính là những loại vỗ ngực: “ta đây là nhà thơ” các kiểu!