bắc hành – 2015, phần 15

Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long,
Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống.

Tiếng sông Cửu Long, Trường ca Hội trùng dương - Phạm Đình Chương 

ường đi đã tới… nhưng vẫn còn nhiều điều đọng lại sau chuyến đi muốn nói thêm ở đây, không phải chỉ là về những con đường, những cảnh quan tuyệt đẹp đã qua. Đó là về người Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang và các nơi khác, ở họ có nhiều điểm khác biệt với các sắc dân còn lại. Nếu đồng bằng là lãnh địa của người Việt, lưng chừng núi là khu vực sinh sống của những dân tộc: Mường, Tày, Thái, Dao… thì người Mông luôn chọn sống trên đỉnh những ngọn núi cao.

Bản chất du mục, du cư ăn sâu vào trong tâm thức người Mông, suốt nhiều ngàn năm phải trốn chạy sự lấn ép của người Hoa và nền văn minh Hán. Mặc cảm lưu vong trên “đất người”, thái độ kép “bên này bên kia”, khép kín với người ngoài và phát triển tính tự trị cộng đồng. Mặt khác, lại văn minh ở một số khía cạnh: tự do tình yêu và hôn nhân, khai phóng tính dục, tục kéo dâu, chợ tình, mộng mơ, yêu thích tự do, thiện chiến, nhiều bất mãn và nổi loạn hơn thảy những dân tộc khác.

Một số người có thể nhìn người Mông (và những sắc dân khác) như những dân tộc chậm tiến, riêng tôi cảm thấy thích thú và đồng cảm với lối sống tôn trọng giá trị cá nhân của họ. Vẫn biết cuộc sống hiện đại là một quá trình khó có thể đảo ngược, nhưng người Mông vẫn duy trì cá tính dân tộc của mình như cố thủ trên các đỉnh núi cao. Cá tính Mông như thể vùng họ sống: hùng vĩ, hiểm nguy, tự do và thơ mộng, như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ!