semper idem

Nằm đây, tưởng chuyện ngàn sau,
Lung linh nến cháy hai đầu áo quan…

ột tựa đề quen quen thoáng hiện trên mặt báo, nghĩ mãi mà không nhớ ra, đành phải nhờ đến Mr. Google… Chỉ một phút, cả một trời ký ức hiện về, một tựa sách phiêu lưu viễn tưởng của Jules Verne từng thích thú thời còn bé tí: L’épave du Cynthia, tựa tiếng Anh: The waif of the Cynthia, tựa tiếng Việt: Chú bé thoát nạn đắm tàu. Thế là bỏ ra một nửa buổi tối ngồi đọc lại, từng câu chữ, từng đoạn văn lũ lượt kéo về trong trí nhớ, gần 30 năm mà tưởng đâu như mới ngày hôm qua.

Không khó cho một trí óc trưởng thành để phát hiện ra những chi tiết không logic, thiếu hợp lý và mạch lạc trong bố cục toàn bộ câu chuyện, và sau một hồi đọc lại, nhận ra truyện không hấp dẫn như những tác phẩm khác như: Đi tìm thuyền trưởng Grant, Bí mật đảo Lincoln, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Từ trái đất đến mặt trăng, Cuộc du hành vào lòng đất etc… của cùng một tác giả. Và từ lúc nhỏ, dù rất thích các tác phẩm của Jules Verne nhưng không thực sự là đến độ mê mệt.

Truyện tôi thích nhất của Jules Vernes có lẽ là Bí mật đảo Lincoln. Từ góc độ khoa học, truyện rất hay vì nó dạy cho học sinh cấp 2, 3 những vấn đề thực tế: làm sao để chế tạo xà phòng từ chất béo (như dầu dừa), làm sao kiểm soát hàm lượng carbon khi luyện quặng sắt thành thép, những bài toán lượng giác dùng trong đo đạc, định vị, etc… (tất cả những điều nêu trên đều có trong chương trình PTTH VN), nhưng dưới các hình thức sống động thay vì chỉ lảm nhảm những kiến thức chết như trong SGK.

Những câu chuyện của ông là sự xen lẫn của hai yếu tố: phiêu lưu và viễn tưởng. Nhưng thực sự tôi không thích viễn tưởng cho lắm, một con tàu phải có những cột buồm có thể trèo lên được, biển và mồ hôi phải có vị mặn, chèo thuyền trên những quãng đường dài thực sự là rất vất vả, gian nan… Chỉ thích những phiêu lưu có thật, cảm nhận hơi thở chân thật của cuộc sống, của sóng gió tự nhiên… Nó phải có gì giống như Moby Dick, một sự lãng mạn khắc kỷ mang màu sắc Puritan – Thanh giáo.

Semper Idem: câu châm ngôn (motto) tiếng Latin của nhân vật chính Erik, của gia đình Durrieu trong truyện, với nghĩa: trước sau như một.

Vẫn là một sự đáng tiếc thường thấy khi các thuật ngữ hằng hải, địa lý trong nguyên bản được dịch không chính xác hay không đầy đủ. Hơn nữa, bản dịch tiếng Việt (hầu như chắc chắn là được dịch lần 2 qua một bản tiếng Nga) đã lược bỏ nhiều tình tiết, làm giảm tính hấp dẫn của nguyên tác.

Lẽ dễ hiểu vì lối hành văn với rất nhiều chi tiết, nhiều cách diễn đạt tinh tế, nhiều logic phức tạp đan xen vào nhau thường nằm ngoài khả năng tiêu hoá cũng như khẩu vị của đa số độc giả Việt, những người thường chỉ muốn một cốt truyện ngắn gọn đơn giản có thể lĩnh hội chóng vánh!