Nhân một tranh luận gần đây trên báo chí Việt Nam: “trẻ em như tờ giấy trắng là một suy nghĩ sai hoàn toàn”… nhân chuyện này bàn về kiểu tư duy máy móc, hình thức, trắng đen của người Việt! “Trẻ em như tờ giấy trắng”, câu đó cũng có phần đúng, chúng nó chưa biết gì và chỉ tiếp thu, tiêm nhiễm những gì được dạy, được thấy! Nhưng câu đó cũng không đúng hoàn toàn, trẻ em như một hạt giống mang thông tin di truyền, và biết đâu đó, có thể được thừa hưởng cả những “duyên nghiệp” từ kiếp trước (từ ngữ hơi duy tâm một tí)! Nên hành trình phát triển của một đứa bé, rất thường khi là nằm ngoài tiên liệu của phụ huynh và giáo viên! Trẻ em vừa là tờ giấy trắng, vừa không phải là tờ giấy trắng, đó đơn giản chỉ là những cách diễn đạt khác nhau, hình thức lý luận nhị nguyên, một điểm yếu cố hữu của tư duy con người!
Nhưng 99% người Việt (có khi là nhiều hơn) thì chấp vào cái hình thức nhị nguyên thô thiển, sơ khai đó! Họ chấp vào đó như “gà mắc tóc”, điều đó dẫn đến sự “đối kháng” giữa những “suy nghĩ” khác nhau! Theo tôi, ai còn mắc vào những lỗi “tư duy hình thức” như vậy là vẫn chỉ cho thấy tầm tư duy nông cạn, hời hợt trên bề mặt, không nghĩ ra được những nội dung sâu xa hơn, không thể đi hết chiều sâu, độ phức tạp của vấn đề, nên đành đứng trên bề mặt nhị nguyên trắng đen như thế. Bao nhiêu “học hỏi, tư duy”, lên mạng đọc này kia, biết được một vài “ngôn từ lảm nhảm” là đã tự cho mình giỏi, nghĩ rằng bao nhiêu đó là đủ rồi! Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi họ ngày càng “chấp ngã”, bám vào những cái lý lẽ đó theo kiểu “take position” – giữ vị trí y như trong quân sự vậy, bên này là “ta”, bên kia là “địch”!
Các tranh luận ở VN đều mang tính “đối kháng”, “chiếm lĩnh vị trí” như thế, kiểu tư duy bên kia là “địch”, bên này là “ta”, trắng đen rõ ràng! Nhưng tiếc thay, kiến thức không phải 3D hay 4D như quân sự, nó là không gian n-D vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều chiều kích, thay vì đối kháng, cần phải gợi mở, nương vào nhau để cùng phát triển, đó mới là tranh luận thực sự. Trong giáo dục, “giữ vị trí”, cố sống chết bám vào một điểm thì cũng chẳng khác nào tự giới hạn mình! Chuyện này cũng như khác biệt giữa cờ vây và cờ vua vậy! Cờ vua có tính đối kháng rõ ràng, mục tiêu là ăn “hậu” của đối phương! Nhưng cờ vây không có tính “đối kháng, ăn quân” rõ ràng, mục tiêu là chiếm lĩnh càng nhiều “dư địa”, tạo ra càng nhiều “không gian phát triển” càng tốt, nói theo ngôn ngữ cờ vây là có thêm nhiều “khí” để “thở”.
Tôi rất sợ những kiểu người bám víu vào lý luận hình thức… Họ “take position, hold the line, take the side”, ngôn ngữ của họ cứ “điểm, tuyến và diện” như thế! Mọi cách diễn đạt đều tương đối, đều không chính xác hoàn toàn, dùng nó như thế nào là cả một sự suy tính, cân nhắc! Phải bước qua được rào cản của ngôn ngữ thì mới hiểu được những nội dung khác truyền tải bên dưới! Nhưng không, họ bám víu vào mớ ngôn từ chết ấy, tìm cách “tranh tiên”, tìm cách chiếm lấy một lợi thế nho nhỏ bằng ngôn từ, rồi mắc cứng luôn ở đó, sau đó bằng những kiểu: do đó, cho nên, vì vậy, suy ra… tìm cách chứng minh chỉ có tôi đúng và đối phương là sai! Tranh đấu với đối phương thực chất chỉ thể hiện những mâu thuẫn, lúng túng, hạn chế nội tại mà thôi, vẫn là kiểu “tôi đúng anh sai” chứ chưa phải là khai mở kiến thức!