thanh bình lạc

Bộ phim đang “hot” thời gian gần đây, tuy hình thức cổ trang, ngôn tình, nhưng hàm lượng văn hoá không phải ít. Yếu tố căn bản đầu tiên, đó là Tống triều tìm cách du nhập giống lúa “100 ngày” từ Giao Chỉ (ngày nay là VN), giống lúa mau kết hạt, chịu sâu bệnh, thời tiết tốt này là cải cách rất căn bản và sâu rộng đối với nông nghiệp TQ đương thời, sản lượng lương thực tăng nhiều lần, lần đầu tiên trong lịch sử, lương thực dự trữ trong kho đủ ăn trong… 50 năm, điều này dẫn đến bùng nổ dân số, rồi lần lượt dẫn đến bùng nổ kinh tế, thương mại, KHKT. TQ bước vào một kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có, đời sống vật chất đầy đủ, các đô thị mở rộng, văn hoá, văn chương, tư tưởng đạt đến mức cực thịnh: Phạm Trọng Yếm, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Vương An Thạch, Trình Di, Trình Hạo, etc…

Đời sống vật chất cao như thế, XH chuyển biến thành những cấu trúc, tổ chức phức tạp đan xen nhau về lợi ích. Đời sống văn hoá tinh thần cao như thế dẫn đến một xã hội văn trị, văn nhân chữ nghĩa được coi trọng, mà võ bị bị coi thường. Võ tướng đời Tống được ưu đãi nhiều về tiền bạc và vật chất, nhưng bị từ chối sự công nhận về địa vị nơi miếu đường, bị xem thường về danh dự. Về việc binh, Tống triều nổi tiếng là… đánh đâu thua đó, chủ tướng trận vong, toàn quân tiêu diệt, cứ thế lặp lại! Hàng năm, để được yên ổn, Tống phải cống nạp cho Liêu hàng vạn lạng bạc và nhiều sản vật khác, thế nhưng trên tổng thể vẫn không thiệt vì cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Tống, còn phía Tây Hạ, Liêu cái gì cũng phải mua từ Trung Nguyên, từ lương thực, nhu yếu phẩm cho đến tơ lụa, hàng thủ công mỹ nghệ!

Ngay cả gây sự với VN cũng bị Lý Thường Kiệt đánh cho tan tành. Tống sử có cách giải thích “chữa thẹn” rất hài hước về chuyện đánh đâu thua đó, lý giải rằng Liêu, Tây Hạ là những bộ tộc du mục, “toàn dân vi binh” – 全民為兵 – già trẻ, trai gái ai cũng là lính, nên một “quân đội chuyên nghiệp” như Tống không thể địch lại được! Cái thành ngữ “toàn dân vi binh” này lại được thấy sử dụng một lần nữa năm 1979, khi hơn nửa triệu quân TQ không thể xuyên thủng hàng thủ của 80 ngàn dân quân VN ở biên giới phía bắc. Nói tới nói lui, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, năng lực sản xuất, trình độ văn hoá cao khiến xã hội TQ nghiêng hẳn về tổ chức quy mô, quy cũ, mà yếu hẳn về tinh thần võ bị, mà những sắc dân yếu kém hơn về kinh tế, văn hoá như Liêu, Tây Hạ, VN thì… ngoài cái mạng cùi ra, chẳng có gì để mất!