mare liberum

Nhiều thế kỷ về trước, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tiên phong khai phá Tân thế giới, họ đề cao học thuyết “Mare clausum” – tiếng Latin nghĩa là biển đóng, những vùng biển được tuyên bố chủ quyền triệt để. Người Anh, Pháp chậm chân hơn, họ đề cao học thuyết “Mare Liberum” – biển tự do, biển mở: chỉ công nhận lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, ngoài khu vực đó là vùng biển… quốc tế, không ai có thể tuyên bố chủ quyền.

Dần dà, học thuyết Mare Liberum thắng thế, đơn giản vì với khả năng thời đó, rất khó thực thi chủ quyền trên những vùng đại dương rộng lớn, thay vào đó nên chấp nhận quyền khai thác chung. Tuy vậy, đây vẫn là một dạng luật của kẻ mạnh, vì ai có khả năng khai thác, nếu không phải là kẻ có tàu to, súng lớn!? Đến ngày nay, đa số các quốc gia đều ủng hộ học thuyết Biển tự do, chỉ có một số ít không ủng hộ, đơn cử ví dụ như là… Trung Quốc.

Việt Nam cũng đi theo với xu thế của thế giới, cũng đã thừa nhận tinh thần của trường phái suy nghĩ “Mare Liberum” này, hay ít nhất cũng có vẻ như thế, trên hình thức là như thế! Nhưng nói thì dể, mà làm không dễ… muốn có được cái tự do rộng lớn ngoài kia, thì trong nội địa, trong mọi sinh hoạt sản xuất, xây dựng, kinh doanh, trong ý chí, hoài bão của con người, phải có tự do trước đã… Suy cho cùng, nó vẫn là luật của tàu to, súng lớn…