đình làng Trà Cổ



iây phút sững sờ bên đình làng Trà Cổ… Phường (đảo) Trà Cổ, tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ngay sát biên giới với TQ, là một khu định cư rất lâu đời của người Việt. Đình xây năm 1461, về kiến trúc có nhiều điểm tương đồng với đình Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây), đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh)… đã viếng thăm trong các chuyến xuyên Việt trước. Tuy không đẹp bằng nhưng tuổi đời nhiều hơn đến 2, 3 thế kỷ! Đình do một nhóm lính gốc Đồ Sơn, vâng lệnh triều đình ra trấn thủ biên cương xây dựng nên.

Ngồi nói chuyện với một cụ bà ngoài 70 sống ngay bên cạnh đình làng (và cũng nói chuyện thêm với một vài cư dân địa phương nữa), thoảng qua vài câu đầu đã thấy cụ bà rõ ràng không nói giọng miền Bắc! Thêm vài câu nữa thì tôi sững sờ nhận ra cái ngữ âm ấy, cái ngữ âm của chính mình, khó có thể mô tả một cách chính xác, nhưng có chút gì thô ráp kiểu Bắc và Trung Trung Bộ. Trà Cổ như quan sát hiện cũng đang dùng một loại thuyền đi biển dạng bè tre y như vùng Sầm Sơn, Thanh Hoá.

Rồi chợt nhận ra mình đang trò chuyện với một thứ tiếng Việt cổ, rất cổ, rất… Vietic! Một vết tích của sự di dân bằng đường biển, phân tán và rải rác nhiều nơi suốt chiều dài bờ biển Việt Nam, một di sản truyền đời với rất ít thay đổi, mang tính chất cực kỳ “phụ hệ và bảo thủ” được duy trì trong suốt hơn 500, 600 năm lịch sử. Một thứ tiếng Việt cổ thô ráp, cứng cáp của… chàng Lạc Long Quân trước khi nên duyên với nàng Âu Cơ, và trở nên mềm mại, êm dịu như giọng đồng bằng Bắc bộ bây giờ!