bắc hành – 2016, phần 36

au đình Bảng là đến đền Đô (lại là những địa danh đơn âm), đền thờ 8 vua triều Lý. Đền Đô toạ lạc trên một khuôn viên rộng lớn, có bố cục tổng thể rất đẹp. Bi đình lập từ thời vua Minh Mệnh, bia viết: Lý triều chư hoàng đế. Thuỷ đình rất đẹp nằm giữa một hồ nước bán nguyệt lớn. Tấm hoành chính điện đề: Lý triều bát đế, và bức tiếp theo đề: Cổ pháp vĩnh truyền.

Cổ Pháp cũng là tên chữ của làng. Tự dưng đặt câu hỏi cái chữ ‘cổ’ (trong: Cổ Loa, Cổ Bi, Cổ Pháp…) và chữ ‘kẻ’ (Kẻ Bàng, Kẻ Vang, Kẻ Chợ…) có phải từ một gốc mà ra!? Thực sự là mãn nhãn với cái bố cục đẹp của ngôi đền, chứ nếu đi vào chi tiết từng chữ Nho, từng nét thư pháp thì vẫn chưa vừa ý, vì ngôi đền bị phá huỷ nghiêm trọng trong kháng chiến 9 năm.

Và được trùng tu tôn tạo lại gần như toàn bộ trong những năm cuối 80, đầu 90. Đình chùa đầu năm đông không thể tả, không chỉ ngột ngạt khó chịu cho người du ngoạn, mà cũng chẳng thể nào chụp được một bức ảnh cho hoàn chỉnh! Sang đến chùa Phật Tích thì thấy biển người nườm nượp chen vai thích cánh nhau đi chùa, nhìn là đã không muốn vào.

Chùa Phật Tích cũ nổi tiếng với nhiều điêu khắc đá rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tham quan được gì khi mà người đi chùa cứ vai sát vai thế này. Trên đỉnh là toà tháp và bức tượng Phật lớn, được xây mới trong vài năm đổ lại đây, nhìn cũng khá hoành tráng. Chợt nhớ ra, ngôi chùa trên đảo VinPearl, Nha Trang chính là xây theo nguyên mẫu chùa Phật Tích này.